Phan Kiến Quốc
Cứ mỗi lần mùa mưa đến thì y như rằng điệp khúc "ngập lụt" lại vang lên khắp nơi, đặc biệt là hai thành phố lớn là Sài Gòn và Hà Nội. Mùa mưa ở Việt Nam bắt đầu từ tháng 6, nhưng chỉ vài trận mưa đầu mùa cuối tháng 5 là bà con lại thấy một tương lai u ám cho suốt mùa mưa tới. Vào ngày 21/6, trận mưa kéo dài 45 phút đã gần như biến thành sông, những con đường lớn nhất Sài Gòn như Trần Hưng Ðạo, 3/2 (Trần Quốc Toản cũ), ở đây nước dâng từ 20 đến 30cm. Xa xa hơn nhưng vẫn trong nội thành nhiều nơi bị ngập 50 cm. Cách đây vài năm tại quận Tân Bình khu vực ven kênh Nhiêu Lộc, nước dâng ngang thắt lưng, vượt quá tay lái xe hai bánh, khiến cảnh tượng người dân dắt xe trong nước trông vừa khôi hài vừa chua xót. Hiện nay (tháng 7/2002), Sài Gòn vẫn còn 114 điểm ngập nước. Ðược gọi là điểm ngập nước khi sau cơn mưa, nước ngập nhiều đủ để trở ngại lưu thông - nghĩa là "xấp xấp" 30 đến 40 cm, chứ còn những nơi 10 đến 20 cm thì không kể hết được. Theo Sở Giao Thông thì với điều kiện hiện nay, mỗi năm thành phố chỉ có thể "xóa" được tối đa 25 điểm, nghĩa là phải đợi đến hết năm 2008 - với điều kiện không có phát sinh các điểm lụt mới. Ngoài Hà Nội (mà báo chí hay nói đùa là Hà Lội) thì cũng xấp xỉ 100 điểm ngập úng. Có những nơi như Khâm Thiên nhà nước cứ chống lụt bằng phương pháp nâng nền đường khiến nhà dân từ từ "chìm" xuống. Từ hẻm vào nhà cứ phải bước xuống vài bậc thang...
Tình trạng ngập úng vốn là nguyên nhân của các căn bệnh thường gặp trong những xứ nhiệt đới như thương hàn, sốt rét... Tại một trường học ngay trong huyện Bình Chánh ở Sài Gòn, dù cho mưa đã qua nửa tháng nhưng nước vẫn đọng như một cái ao trong sân trường. Rác rưởi, bùn lầy hôi thối đến nghẹt thở nhưng thầy trò vẫn phải chịu vì lúc xây trường người ta "quên" làm cống! !
Trường làng em mái ngói đỏ tươi
Tường xây thẳng tắp quét vôi màu vàng
Chung quanh rào thép thẳng hàng
Ðến mùa nước ngập nổi tràn sân chơi
Học sinh vào lớp phải ... bơi
Thầy cô xót lắm! Cũng cười cho qua.
Cứ nghĩ đến tình trạng lụt lội ở thành phố mà lòng buồn rười rượi, vì với cái thói làm ăn cẩu thả của các nhà thầu như hiện thời cộng với ý thức công cộng quá thấp của người dân thì tình trạng cống rãnh ì ạch, tình trạng sống chung với lụt sẽ vẫn còn là đề tài của mấy thập kỷ nữa.
Thấy nước mà rầu, nhưng không thấy nước cũng rầu!
Sau 6 tháng khổ sở vì úng lụt, đến 6 tháng sau lại khổ sở vì thiếu nước.
Theo một báo cáo của Tổ Chức Khí Tượng Thế Giới được đăng trên báo Tuổi Trè tháng 3/2001 thì trên thế giới 16% dân thành thị không có nước sạch để dùng. Tỷ lệ này là 21 ở Ðông Nam Á, và riêng tại Việt Nam con số này lên đến 41%. Ðiều này không có nghĩa là 59% còn lại dân được dùng nước sạch, vì ngay vào đầu năm 2002, Trung Tâm Y Tế Dự Phòng sau khi xét nghiệm 132 mẫu nước máy ở Hà Nội đã khám phá ra 43% không đủ tiêu chuẩn vệ sinh.
Riêng tại Sài Gòn tình trạng nước máy cũng không có gì khả quan. Nhu cầu của 7 triệu dân vào khoảng 1,2 triệu mét khối/ngày, nhưng các nhà máy nước chỉ có thể sản xuất được 800.000, đó là chưa kể lượng nước thất thoát, rò rỉ khoảng... 40%, nghĩa là chỉ khoảng hơn 500.000 mét khối đến nhà dân với những điều kiện áp suất rất yếu và không thể "leo" lên được 1 mét nếu không có máy bơm. Chính vì thế nhiều gia đình đã phải bỏ bạc triệu ra mua máy bơm hoặc đào giếng. Gọi là giếng đây là những ống nước đóng sâu xuống các mạch nước ngầm để bơm nước. Ngoài tình trạng mất vệ sinh vì các mạch này thường xuyên bị ô nhiễm bởi rác, bởi chất thải và bởi... nghĩa địa, nhưng tình trạng khai thác tự tiện này dễ làm cho các lớp đất phía trên lún sụt. Ðó là chưa kể hiện tương nhiễm mặn, nhiễm phèn đang trở nên báo động tại Huế, Ðà Nẵng, các tỉnh miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Sài Gòn hiện thời có khoảng 200.000 giếng đóng như thế, một con số làm rởn tóc gáy các chuyên viên về nước, về xây dựng và môi sinh nước ngoài. Và rồi còn có những điều khó có thể tưởng tượng được là sau gần 30 năm chiến tranh, vẫn còn những khu ở ngay trung tâm Sài Gòn như đường Lý Thái Tổ quận 3 cũng chưa hề có hệ thống cấp nước đi qua.
Ði ra các quận huyện ngoại thành thì tình trạng "khát" nước còn thê thảm hơn. Tại thị xã Nhà Bè đến mùa khô Công Ty Cấp Nước phải điều động 8 xe bồn với dung tích mỗi xe 5 mét khối xuống để bán cho 16000 dân với giá 1700 đồng/m3, vị chi mỗi người được không đầy 3 lít/ngày. Ai có nhu cầu phải mua riêng với giá cắt cổ là 35000 đồng/m3 và điều không tránh khỏi là tình trạng đầu cơ thông đồng của các nhân viên Sở Cấp Nước tạo tình trạng khan hiếm nhằm bán nước với giá nói trên. Người dân vốn nghèo lại càng nghèo thêm, có gia đình ở Cần Giờ phải trả 3500 đồng một lu nước và tổng cộng gần 300 ngàn tiền nước một tháng, trong khi bản thân họ chỉ kiếm được 500, hoặc 600 ngàn cộng thêm với lũ con em nheo nhóc. Song song, một số cá nhân có điều kiện trang bị ống nước, đồng hồ, được sự chấp thuận của viên chức địa phương trữ và bán nước cho bà con với giá 13.000 đồng/m3 - nghĩa là đắt gấp 11 lần giá gốc. Thu nhập của họ cũng xấp xỉ 5 triệu/ tháng.
***
Trước năm 1975, ban nhạc AVT nổi tiếng với các bài hát trào phúng, châm biếm nhưng sâu sắc, ý nhị, trong đó có bài nói về tình trạng thiếu nước ở Sài Gòn vào những năm 1965-1970:
Nước non - đâu của riêng ai
mà sao họ bán công khai nhãn tiền.
Lại còn đầu nậu chợ đen.
Chung quy chỉ khổ dân hèn chúng tôi.
Bài hát đã trình bày cách đây 35 năm nhưng ngày nay xem ra còn thời sự hơn cả ngày xưa. Tình trạng khan hiếm nước bây giờ rõ ràng là trầm trọng hơn thập niên 70 vì hiện tượng bùng nổ dân số đặc biệt là trong Sài Gòn.
Tuy nhiên,
Nước non - đâu của riêng ai - mà sao họ bán công khai nhãn tiền, sao ngày nay hát lên nghe chua xót quá. Tổ Tiên ơi! đồng bào ơi!
Phan Kiến Quốc
No comments:
Post a Comment