Monday, December 30, 2002

Tố Hữu, những vần thơ khó quên


Phan Kiến Quốc

Ngày 9/12/2002, nhà thơ Tố Hữu qua đời. Trong vòng 2 ngày ngắn ngủi, các cơ quan thông tấn đều đăng tải tin này đồng thời có trích đăng vài tác phẩm tiêu biểu. Tuy nhiên trong "70 năm lao động thơ" với trên dưới 300 bài thơ lớn nhỏ, có nhiều bài mà rất ít người biết. Rất ít vì không được phổ biến, nhưng phải nói đúng hơn là nhà nước cũng không muốn nhắc tới và muốn cho nó đi vào quên lãng.

 * * *

Trong ngày Tố Hữu mất, báo, đài đều cho đăng bài thơ Từ Ấy sáng tác năm 1938 như một tác phẩm tiêu biểu.

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lý chói qua tim

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim

(...)

Lời thơ nhẹ nhàng, êm ái nhưng sâu sắc. Nhưng trong số trên dưới 300 bài thì thể loại và nội dung này rất hiếm. Nói về nội dung, thì chúng ta có thể chia các tác phẩm của Tố Hữu ra bốn loại: Tình cảm (hiểu là tình cảm lãng mạn), chống Pháp chống Mỹ, ca ngợi chủ nghĩa cộng sản, ca ngợi các lãnh tụ cộng sản mà đặc biệt là Hồ Chí Minh; và dĩ nhiên không phải bài thơ nào cũng êm ái như Từ Ấy, và đây chính là con người Tố Hữu mà nhà nước không muốn người dân biết đến:

(...)

Những quân cướp ruộng cướp nhà

Những quân đè cổ lột da giống nòi

Bọn địa chủ cắm vòi hút máu

Phải vùng lên mà đấu thẳng tay!

Thực dân địa chủ một bầy

Chúng là thú vật ta đây là người.

(...)

(Quang vinh Tổ quốc chúng ta, 8/1955)

Ðấu tố, trù dập văn nghệ sĩ đặc biệt là Nhân Văn Giai Phẩm là những cơn ác mộng của đất nước trong thập niên 50. Hơn nửa thế kỷ sau - dù bất thành văn - nhưng chế độ cộng sản cũng ngầm xác nhận đó là những sai lầm của họ. Nhưng từ "ngầm hiểu" đến xin lỗi và phục hồi danh dự cho các nạn nhân còn xa, còn nhiều chuyện phải làm, và chuyện trước tiên là giấu kỹ hoặc "quên đi" những vần thơ sắt máu trên hoặc những lời lẽ thô tục:

(...)

Bọn cướp Mỹ với phường đĩ Diệm

Phải ngừng ta gian hiểm sát nhân

Bắc - Nam ruột thịt tay chân

Nước non không thể phân chia một ngày

(...)

(Chị là người mẹ, 9/1956)

Một trong những cái gai của CS là tôn giáo, đặc biệt là Thiên Chúa Giáo cũng được Tố Hữu liệt vào các đối tượng công kích như một loại "thuốc phiện của dân tộc". Tất cả những căm thù này được gói ghém trong bài Rôm, hoàng hôn mà hầu như không có một cuốn sách nào trích đăng vì nó có nội dung đi ngược lại đường lối "dỗ ngọt" của nhà nước đối với các tôn giáo ngày hôm nay:

(...)

Ðức giáo hoàng, trên khung vàng cửa sổ

Sáng chúa nhật, ban phước lành cho con chiên dưới phố

Ngài biết có bao nhiêu nước mắt chúng sinh

Ðã đông thành những lầu cao lóng lánh thủy tinh?

Tất cả đồi nho không làm nên một cốc rượu vui

Máu đổ nghìn năm, chưa được tự do một buổi

Lẽ nào nhạc cầu kinh mang phép lạ cho đời?

Và lũ vua thép, vua hơi không phải một lần rửa tội?

(Rôm, hoàng hôn, 3/1972)

* * *

Tuy nhiên khối lượng thơ quan trọng nhất của Tố Hữu được dành để ca tụng ông Hồ Chí Minh (HCM). Ðối với ông ta và của cả Ðảng CSVN, HCM là vĩ nhân hàng đầu của dân tộc, vượt lên trên cả các bậc tiền bối như Trần Hưng Ðạo, Lê Lợi, Quang Trung... Ta cứ xem cung cách đặt tên thành phố, tên đường hoặc so sánh ngân quỹ để duy tu các lăng tẩm, hình tượng của ông HCM với các di tích lịch sử hoặc cung cách xác định các ngày lễ thì thấy ngay. Ðối với Tố Hữu và Ðảng CSVN, giòng sử đấu tranh của người Việt chỉ bắt đầu từ khi có Bác, cũng như thế giới chỉ được khai hóa từ khi có Mác:

Thuở Anh chưa ra đời

Trái đất còn nức nở

Nhân loại chửa thành người

Ðêm ngàn năm man rợ

Từ khi Anh đứng dậy

Trái đất bắt đầu cười

Và loài người từ đấy

Ca bài ca tháng mười.

(...)

(Bài Ca Tháng Mười, 1950).

(...)

Cảm ơn Người, Hồ Chí Minh vĩ đại

Bốn ngàn năm ta lại là ta.

(Xưa... Nay, 1954)

(...)

Còn non còn nước còn người

Bác Hồ thêm khoẻ, cuộc đời càng vui

(...)

(Việt Bắc, 1954)

Chính vì thế, đối với Tố Hữu, chỉ có chừng 3, 4 nhân vật trên thế giới mới có đủ "cân lượng" ngang với HCM trong đó phải kể đến Stalin. Và trong "quá trình" ca tụng ông Hồ, Tố Hữu đã nhiều lần liên kết tên ông ta với các nhân vật này. Ðây chính là một trong những chi tiết mà ngày nay nhà nước Việt Nam cố tình tảng lờ không nhắc đến vì bây giờ thế giới đã biết đến Stalin như một bạo chúa ngang tầm với Hitler, Tần Thủy Hoàng.

Ngày Stalin mất, Tố Hữu đã nức nở khóc và đã để lại một bài thơ "để đời". Nguyên văn bài Ðời Ðời Nhớ Ông - trong Tố Hữu tác phẩm do Nhà Xuất Bản Văn Học Hà Nội phát hành năm 1979 như sau:

Bữa trước mẹ cho con xem ảnh

Ông Xta-lin bên cạnh nhi đồng

Áo ông trắng giữa mây hồng

Mắt ông hiền hậu miệng ông mỉm cười

Trên đồng xanh mênh mông

Ông đứng với em nhỏ

Cổ em quàng khăn đỏ

Một niềm tin

Hướng tương lai hai ông cháu cùng nhìn

Xta-lin!

Yêu biết mấy nghe con tập nói

Tiếng con thơ con gọi Xta-lin!

Mồm con thơm sữa xinh xinh

Như con chim của hòa bình trắng trong

Ðêm qua loa gọi ngoài đồng

Tiếng loa xé ruột xé lòng biết bao!

Làng trên xóm dưới xôn xao

Ngôi sao sáng nhất trời cao băng rồi!

Xta-lin ơi!

Hỡi ơi Ông mất, đất trời biết không?

Thương cha, thương mẹ, thương chồng

Thương mình thương một, thương Ông thương mười

Yêu con yêu nước yêu đời

Yêu bao nghiêu lại yêu Người bấy nhiêu...

Ngày xưa khô héo quạnh hiu

Bây giờ mới có ít nhiều vui tươi

Ngày xưa đói rách tơi bời

Bây giờ mới có được nồi cơm no

Ngày xưa cùm kẹp giày vò

Bây giờ mới có tự do tháng ngày.

Ngày mai dân có ruộng cày

Ngày mai độc lập ơn này nhớ ai?

Ơn này, nhớ để hai vai

Một vai ơn Bác, một vai ơn Người

Con còn bé dại con ơi

Mai sau con nhé, trọn đời nhớ Ông!

Thương Ông, mẹ nguyện trong lòng

Yêu làng yêu nước yêu chồng yêu con

Ông dù đã khuất không còn

Chân Ông còn mãi dấu son trên đường...

Trên đường quê sáng tinh sương

Sáng nay nghi ngút khói hương xóm làng

Ngàn tay trắng những băng tang

Nối liền khúc ruột nhớ thương đời đời.

(Ðời Ðời Nhớ Ông, 5/1953)

Bài thơ đã nói hết. Thiết tường không còn gì để bình luận về nội dung và tấm lòng của Tố Hữu. Có lẽ cả thế giới mới thấy chỉ có mình Tố Hữu nức nở như vậy. Tuy nhiên ở đây có hai chi tiết cần đề cập: Trước tiên, câu: "tiếng con thơ con gọi Xta-lin" ở một vài bản có chép "tiếng đầu lòng con gọi Xta-lin". Có lẽ lúc làm thơ tình cảm đã lấn hết lý trí, sau này đọc lại thấy "chướng", thấy "gia nô" quá nên sửa lại thành "tiếng con thơ". Nhưng cho dù "tiếng đầu lòng" hay "tiếng con thơ" thì cũng xuất phát từ cái "miệng thơm sữa xinh xinh", cũng không thể là điều bình thường. Chi tiết thứ hai: CS miền Bắc năm 1953 đã bắt cả nước phải để tang Stalin, cũng như năm 1994 để tang Kim Nhật Thành. Ðây cũng là một biến cố độc nhất trong lịch sử 5000 năm của dân tộc: bắt cả nước để tang một người ngoại quốc và đều là những tay đồ tể thượng thặng. Ðiều này đã được Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ vạch trần trong một lá thư gởi cho Ðảng CSVN vào khoảng thời gian đó.

Tôn sùng Stalin và HCM hết mực như thế nên chuyện liên kết hai nhân vật này là chuyện bình thường:

(...)

Bác bảo đi, là đi

Bác bảo thắng, là thắng.

Việt Nam có Bác Hồ

Thế giới có Xta-lin

Việt Nam phải tự do

Thế giới phải hòa bình

(...)

(Sáng Tháng Năm, 5/1951)

(...)

Ơi người Anh dũng cảm

Lũy thép sáng ngời ngời

Ðây Việt Nam Tháng Tám

Em Liên Xô Tháng Mười

Hoan hô Xta-lin

Ðời đời cây đại thọ

Rợp bóng mát hòa bình

Ðứ đầu sóng ngọn gió

Hoan hô Hồ Chí Minh

Cây hải đăng mặt biển

Bão táp chẳng rung rinh

Lửa trường kỳ kháng chiến!

(...)

(Bài Ca Tháng Mười, 1950).

Nhưng điều mà Tố Hữu cũng như cả Ðảng CSVN không ngờ tới là chỉ sau khi Stalin mất 5 năm, Khrouthchev đã bắt đầu đưa ra ánh sáng những tội ác ghê tởm kinh hồn của Stalin. Người mà Tố Hữu tung hô là "cây đại thọ, là bóng mát hòa bình", người mà Tố Hữu thương hơn cha mẹ, phải "trọn đời nhớ ơn" đã là tên sát nhân của hai triệu người Liên Xô vào các năm 1934-1938 trong các goulag, các trại tập trung, các nhà thương tâm thần, trong đó có cả các đồng chí, các "khai quốc công thần" của Liên Xô như Trostky, Zinoviev, Kamenev. Năm 1961 Khrouthchev lẳng lặng đưa thi hài Stalin ra khỏi lăng Lenin. Ðến lúc này Hà Nội mới chưng hửng và từ đó mới hết tung hô. Cũng may trong thập niên 60, chiến tranh ở VN leo thang cường độ cộng thêm tình hình căng thẳng với "bọn xét lại Mốts-cô-va" nên không ai để tâm đến đến cái sự liên kết Stalin-HCM ấy.

Ðến ngày hôm nay, càng đọc càng thấy thái độ tung hô này quá lố bịch và còn có vẻ "tô đen" cho thanh danh HCM nên Hà Nội một mặt chỉ đưa các bài thơ tình cảm kiểu Từ Ấy hoặc đấu tranh, hoặc tôn vinh HCM của Tố Hữu vào các sách giáo khoa, còn "Ðời Ðời Nhớ Ông" thì càng...quên càng tốt. Chính vì lý do ấy mà các sách viết về Tố Hữu hầu như không bao giờ nhắc đến "tiếng đầu lòng Xta-lin" và lại càng tránh cho "cây đại thọ" và "cây hải đăng" mọc cạnh nhau. Trong cuốn Thơ Tố Hữu - Những Lời Bình (Nhà Xuất Bản Văn Hóa Thông Tin Hà Nội - 2002) dày 320 trang, trên dưới 40 nhà văn, nhà thơ nói về thơ Tố Hữu, không ai nhắc gì tới các vần thơ "bất hủ" trên, làm như chúng không có. Trong Nhớ Lại Một Thời (cùng nhà xuất bản) do chính Tố Hữu viết lời tựa cũng thế. Tuy nhiên, tệ hại hơn, có sách đã đăng những bài thơ này nhưng lại vụng về cắt đi những đoạn "tế nhị" như trong bài Bài Ca Tháng Mười, người ta đã cắt đoạn nói về Xtalin; rồi đến bài Sáng Tháng Năm, người bình thơ lại cắt hai câu "Việt Nam có Bác Hồ, Thế giới có Xta-lin" (Thơ Tố Hữu, Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn, Hà Nội 2001). Vào thời điểm ấy chắc chắn Tố Hữu phải biết nhưng không hiểu sao lại không có phản ứng gì, và cuốn sách trên vẫn được bán tại khắp các hiệu sách trong nước. Ðây quả là một cung cách ứng xử ấu trĩ, vì chỉ cần chịu khó tìm một tí là người ta thấy ngay nguyên văn của các bài này.

Cuốn sách của Hội Nhà Văn kể trên cũng chỉ có một phạm vi phổ biến giới hạn (chỉ phát hành 800 cuốn mà hai năm bán không hết! ) nên có vụng về thì cũng chẳng sao. Nhưng ngay cả trên trang web của báo Nhân Dân - là tiếng nói trung ương của Ðảng, là những gì chính thống nhất - cũng làm cái việc che đậy ấu trĩ này: cắt mất hai câu "Việt Nam có Bác Hồ, Thế giới có Xta-lin" trong bài Sáng Tháng Năm (www.nhandan.org.vn, mục Các số báo đã ra, ngày 11/12/02, Các tác phẩm tiêu biểu).

* * *

Tuy nhiên, Stalin là chuyện của quá khứ, còn biết bao "vấn đề" trong thơ Tố Hữu còn phải giải quyết. Một trong những vấn đề đó là vụ Ải Nam Quan và hiệp định biên giới mà dư luận gần đây đang xôn xao.

Vào năm 1957, Tố Hữu sáng tác bài Mục Nam Quan với tiếng thơ bi thương, nhưng cũng rất... xã hội chủ nghĩa:

Ai lên ải Bắc ngày xưa ấy

Khóc tiễn cha đi mấy dặm đường

Hôm nay biên giới mùa xuân dậy

Núi trắng hoa mơ cờ đỏ đường

Bài này đã chỉ rành rành hai sự thật hiển nhiên: Ải Nam Quan (mà sau này HCM sửa thành Mục Nam Quan rồi Mục Hữu Nghị), và suối Phi Khanh đánh dấu hình ảnh chia tay bi hùng của cha con Nguyễn Trãi là những di tích lịch sử nằm trên đất nước Việt Nam. Vậy mà sau khi hiệp định biên giới Việt Trung được ký ngày 30/12/1999 với hậu quả là hàng trăm cây số vuông bị mất trong đó có hai di tích lịch sử ngàn đời là Ải Nam Quan (Lạng Sơn) và thác Bản Giốc (Cao Bằng), nhà thơ Tố Hữu, người từng chiêm ngưỡng Ải Nam Quan, người đã vào tù ra khám, từng giữ những chức vụ quan trọng trong guồng máy Ðảng và Nhà Nước và đặc biệt là tác giả của những vần thơ với ngôn từ vô cùng oai dũng, bất khuất như dưới đây mà lại câm miệng cúi đầu trước việc bán nước rành rành như thế!

(...)

Ta đi tới không thể gì chia cắt

Mục Nam Quan đến bãi Cà Mau

Trời ta chỉ một trên đầu

Bắc Nam liền một biển

(...)

(Ta đi tới, 8/1954)

(...)

Dù ai chia núi ngăn sông

Cũng không thể cắt được lòng Việt Nam

Chúng ta đã quyết thì làm

Ðã đi phải đến hoàn toàn thành công.

(Quang vinh Tổ quốc chúng ta, 8/1955)

Thật là oai phong lẫm liệt. Thật là bừng bừng chính khí. Vào thời điểm ấy Tố Hữu đã 35 tuổi, đã biết vào tù ra khám. Những vần thơ trên chắc hẳn đi từ con tim, ý chí của ông. Chẳng lẽ đến năm 1999 ông lại lú lẫn đến nỗi không còn biết phải trái, không còn nhớ những điều chém đinh chặt sắt ngày xưa? Hay là lại "mũ ni che tai" như đa số các trí thức Việt Nam?

Tố Hữu ơi. Vong hồn ông ở nơi đâu? Bây giờ làm sao ông trả lời với Nguyễn Trãi? !

Cái tội này không chỉ riêng Tố Hữu phải gánh, nhưng đây chính là trách nhiệm chung của giới trí thức Việt Nam ngày nay: chúng ta sẽ trả lời như thế nào cho các thế hệ mai sau? Bộ Giáo Dục có toàn quyền không đưa bài thơ Mục Nam Quan này vào sách giáo khoa y như đã che dấu kỹ những "Ðời đời nhớ ông, Ta đi tới" nhưng cho đến muôn đời sau Ải Nam Quan và suối Phi Khanh vẫn còn mãi trong tâm tư của chúng ta, các con cháu Nguyễn Trãi, còn mãi như cái tội bán nước của Ðảng CSVN.

***

Ngày 13/12/2002, tang lễ Tố Hữu được cử hành trọng thể tại Hà Nội. Ðông đủ các lãnh đạo đến dự. Nghiêm trang và long trọng lắm. Tuy nhiên mờ mờ qua những hình thức ấy người ta thấy có một cái gì là lạ. Ngày Tố Hữu mất, không một tờ báo nào đăng hình trên trang bìa, kể cả báo Nhân Dân - trong chế độ cộng sản, đây là một trong những cái tiêu chuẩn, cái "thước đo" sự thăng hoa hay thất sủng của một nhân vật. Các báo chỉ tóm tắt vài hàng tiểu sử, một vài bài viết về kỷ niệm xưa của các bè bạn trong chiến tranh và chỉ đăng ở trang trong - mà đôi khi lại đăng sai. Chôn xong, mọi chuyện đều chấm dứt. Người ta có cảm tưởng như nhà nước không chỉ chôn cái xác Tố Hữu mà còn vĩnh viễn chôn cả "70 năm lao động thơ" vào hố sâu quên lãng.

Trăm năm bia đá thì mòn

Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.

Sài Gòn, 30/12/2002
Phan Kiến Quốc

No comments:

Post a Comment