Wednesday, September 3, 2003

Lại bàn về tham nhũng


Phan Kiến Quốc

Ngày 2/9/2003 vừa qua, nhà nước Việt Nam cho long trọng khánh thành sân vận động Mỹ Ðình ở Hà Nội. Trước ngày khai mạc, vị kỹ sư trách nhiệm đã "hồ hởi" tuyên bố "Ðây là sân vận động có các thiết bị ngang tầm với sân Stade de France ở Paris và được trang bị một giàn âm thanh hiện đại mà tất cả các sân Trung Quốc chưa hề có". Tuy nhiên, sau đó ông ta bồi thêm một câu xem ra ít "hồ hởi" hơn: "tôi kêu gọi sự ý thức trách nhiệm của mọi khán giả, đừng có những hành vi tháo gỡ các ghế ngồi cùng các thiết bị của sân vận động, vì đây là tài sản của nhân dân và để sân vận động này tiếp tục phục vụ cho nền thể thao nước nhà...".

Nói cụ thể ra là: "bà con ơi, đừng ăn cắp của công nữa".

Lời khẩn cầu của vị kỹ sư này cũng từa tựa như một lời cầu nguyện đến đấng tối cao. Nghĩa là không chắc gì toại nguyện. Mà nói cho cùng, với tất cả lòng ái quốc trong máu, có lẽ mọi người Việt Nam đều thấy chuyện này coi bộ khó! Ðã gọi là tài sản của nhân dân thì có nghĩa là chẳng của riêng gì ai. Mà chẳng của riêng ai thì chôm chỉa là điều không tránh khỏi.

Ngày nay, dưới sự lãnh đạo anh minh của Ðảng, của chủ thuyết Mác Lê "biếu thêm" tư tưởng Hồ Chí Minh, ý thức công dân là một khái niệm không hiện hữu và hối lộ, tham nhũng đã trở nên một căn bệnh bất trị.

Trong một bài trên báo Sài Gòn Giải Phóng, thì "tham nhũng, với cái tên gọi của nó là ăn cắp, là lấy của công làm của riêng của những quan chức, những giám đốc được giao quyền tổ chức sản xuất kinh doanh. Vì đảng ta là đảng cầm quyền, những người được tín nhiệm như thế phần lớn phải là đảng viên. Như vậy phòng chống tham nhũng trước hết và chủ yếu thuộc quyền và trách nhiệm của đảng, sau đó mới tới nhà nước và của các cơ quan pháp luật".

Cũng theo người viết, có lẽ là một đảng viên thì "tham nhũng lớn thường diễn ra ở cấp trung ương và cấp tỉnh. Quận huyện cũng có tham nhũng nhưng ở cấp thấp. Trong một tỉnh trung bình có độ 40-50 doanh nghiệp nhà nước, mỗi đơn vị có 1 ban giám đốc từ 4-5 người. Như vậy công tác phòng chống tham nhũng ở mỗi tỉnh gom tụ lại chỉ vào khoảng 250-300 người. Như vậy số này đâu có lớn và đâu phải nằm ngoài tầm tay của lãnh đạo". Nói là nói đơn giản như thế nhưng cho đến ngày hôm nay, sau biết bao đại hội các cấp lên án gay gắt tệ nạn tham nhũng nhưng chưa nơi nào dám đưa ra quyết tâm chấm dứt hay ít ra giảm thiểu tham nhũng trong những năm tháng tới.

Sự loay hoay này còn thấy trong các kỳ họp quốc hội. Theo một vài đại biểu thì nguyên nhân của tình trạng bất lực này có thể chung quy vào 3 lý do: thứ nhất, lâu nay đánh tham nhũng chỉ đánh từ vai trở xuống. Trong vụ Tamexco (bị can chính là Phạm Huy Phước) và Epco (Liên Khui Thìn) trước tòa các bị can này có ý muốn khai ra những người nhận hối lộ, những quan chức bao che thì tòa bảo: "tòa không hỏi thì không phải trả lời hoặc kết tội bị cáo vu khống". Nếu còn giữ thái độ như thế thì mãi mãi chúng ta không giải quyết được vấn đề. Thứ hai, đó là sự bưng bít thông tin. Nhà báo nào dám nói lên những vụ tiêu cực tày đình thì lại bị ghép vào tội làm lộ bí mật nhà nước. Thứ ba, là trách nhiệm các quan chức đối với tham nhũng không được thực hiện nghiêm túc. Tại sao 90% các vụ tham nhũng đều do quần chúng và công luận phát hiện còn các vị quan chức thì hầu như không phát hiện ra vụ nào.

Không chỉ báo chí và các đại biểu quốc hội, mà đến ngay cả các cán bộ cao cấp cũng bày tỏ nỗi bất lực. Ông Diệp Văn Sơn, phó vụ trưởng bộ nội vụ cũng than thở rằng 5 năm sau khi Pháp lệnh chống tham nhũng ra đời, nhìn chung tham nhũng không bị đẩy lùi mà còn phát triển trong "không gian 3 chiều: chiều cao, chiều rộng và chiều sâu..." . Ông ta cũng cho rằng sở dĩ các quan chức chống tham nhũng không phát hiện được vụ nào vì tham nhũng đã có "hộ khẩu thường trú" trong các cơ quan này (có quyền mới có thể nhũng nhiễu, mới thực hiện được lòng tham). Theo ông Sơn thì phải thực thi "quy chế dân chủ cơ sở", nghĩa là mọi người được tự do và công khai tố cáo những vụ vi phạm. Tuy nhiên lại có những trường hợp sau khi tố cáo, họ lại bị hăm dọa đủ điều, mà thí dụ điển hình và thời sự nhất là vụ Thảo Cầm Viên trong đó anh Ðặng Vũ Thắng đã bị sát hại vì đã dám đứng ra tố cáo tiêu cực, hoặc vụ đường liên cảng A5: "toàn bộ anh em công nhân phải lẩn trốn không dám đi làm ăn bình thường như bao người khác".

Càng nói, càng bàn, người ta lại thấy càng bế tắc. Xem ra ai ai cũng nhất trí đây là quốc nạn phải trừ cho bằng được, vì nó là nguyên nhân của mọi bất công và trì trệ nền kinh tế, làm băng hoại xã hội... mọi người đều nhất trí như đã nhất trí trong những kỳ bầu cử quốc hội vậy mà mãi cũng không đụng đến được cọng lông chân của con quái vật. Tuy nhiên, nói theo kiểu dân dã là "coi dzậy nhưng không phải dzậy". Tuyên bố mạnh miệng như thế nhưng trong guồng máy đã rệu rã, nhìn quanh quất thấy ai cũng "ăn" , thôi đành nhắm mắt đưa chân. Ði ngoài đường, vào nhà thương, vào các cơ quan hành chính, đến trường học,... nghĩa là trong mọi sinh hoạt thường nhật mọi người đều có thói quen "bồi dưỡng, chung chi". Quân tử làm quái gì cho mệt xác mà chuyện chẳng xong. Ngược lại đến khi mình ngồi vào tư thế người "cho", người ban phát thì không nhận cũng khó xử. Riết rồi mọi người cùng nhau chia động từ ăn: tôi ăn, anh ăn, nó ăn, chúng ta ăn, chúng nó ăn, mấy ổng ăn... Thỉnh thoảng nổi lên một vài nhân vật với những tuyên bố chắc như đinh đóng cột, nhưng có lần về quá khứ thì họ đã được ban phát quá nhiều bổng lộc, giờ thì ngự trị trên một tài sản khổng lồ, họ dễ dàng chia sẻ với người khác sự...cao thượng của mình.

Có lần, một bậc "lão thành cách mạng", được đảng và nhà nước tôn vinh lên chót vót từng mây đã tình nguyện dâng hiến 1000 lượng vàng (tương đương 400 ngàn USD) vào công việc từ thiện. Mọi người ai nấy vô cùng xúc động và tự nghĩ: dám có một con tim, một sự hy sinh vượt bực như thế, hẳn phải là một người cộng sản! Bé cái lầm. Con người cộng sản ấy đã được ban phát cho một biệt thự trung tâm Sàigòn, trị giá 5000 lượng vàng. Mua được cái tiếng thơm ấy với giá 1000 lượng xem ra đắt thật, nhưng ông ta không đến nỗi mạt vận! ! Buông dao xuống thành Phật, đây không phải là trường hợp độc nhất!

Có ý kiến cho rằng để chống tham nhũng phải cải tiến chế độ tiền lương, vì nếu sống được bằng tiền lương con người ta mới không tiêu cực. Sau hơn 15 năm đổi mới theo kinh tế thị trường, tổng sản phẩm quốc nội đã tăng lên đáng kể, nếu đem chia cho đầu người thì có thể giải quyết được. Nói thì hay và dễ nhưng áp dụng thì lại gặp cái núi Thái Sơn chắn ngang trước mặt. Ðầu năm 2003, nhà nước đã tăng mức thu nhập thấp nhất lên 300 ngàn/tháng (tăng gần 35%) mà đã cảm thấy hụt hơi. Tính ra nhà nước phải bội chi 10 ngàn tỷ (650 triệu USD). Số tiền này xem ra nhiều nhưng so với một quốc gia 80 triệu với mức tăng trưởng hàng năm bình quân 8% thì vẫn còn hợp lý. Tuy nhiên cái núi Thái Sơn lù lù trước mặt, cái khó khăn không thể vượt qua được là sự tăng trưởng ấy lại không nằm trong 80% dân có thu nhập thấp mà nó lại là sở hữu của 20% còn lại. 20% chắc hẳn phải có những người làm giàu chính đáng, không đầu cơ, không tham nhũng - con số cao lắm chỉ một nửa. Còn lại 10% ấy là ai nếu không phải là các quan chức, các đảng viên? 10% ấy là cụ thể là những ai? đó là bí mật nhà nước, động vào thì bị ghép tội gián điệp và tiết lộ bí mật nhà nước, ở tù mọt gông như cái tên bác sĩ họ Phạm ở Hà Nội. 10% ấy là cụ thể là những ai không biết, nhưng chắc chắn họ không chịu chia cái thành quả tăng trưởng ấy cho cái đám 80% còn lại. Lý do không chỉ vì ích kỷ, mà vì nếu cái đám ấy giầu lên thì họ không còn có dịp để tham nhũng, để bòn rút. Ðấu tranh giai cấp...định hướng xã hội chủ nghĩa ngày nay là thế.

Lại có ý kiến khác cho rằng phải công khai hóa tài sản cán bộ. Nội cái điều này không đã công nhận sự hủ hóa, tham ô đại đa số đến từ quan chức đảng và nhà nước. Mà cái ý kiến này đã thành luật hẳn hoi từ tháng 8/98. Nhưng đến nay đã 5 năm mà chưa hề thấy có một ai bị truy tố vì có tài sản bất minh. Lý do là vì nghị định này chỉ làm cho có nên có quá nhiều sơ hở, dễ dàng cho các quan chức vượt qua. Tỉ dụ điều: "nếu người nào để lộ bí mật nội dung kê khai sẽ bị kỷ luật hay truy cứu trách nhiệm hình sự". Thế thì công khai ở cái nỗi nào? Nếu bản kê khai chỉ "công bố trong chi bộ" vậy ai sẽ là người phán quyết tài sản minh hay bất minh? Ðó là chưa kể trăm ngàn mánh khoé để chạy của mà pháp luật hoàn toàn bó tay. Lại một bế tắc khác. Qua vụ việc này nhiều người lại có sáng kiến dùng ngân phiếu để thanh toán như các quốc gia văn minh, nhưng qua các vụ mua chuộc ngân hàng như Epco cộng thêm vụ bê bối tài chính của hàng chục ngân hàng, các cơ sở tín dụng trên khắp nước, liệu còn ai tin vào tính xác thực của việc kiểm toán?

Sau khi đã duyệt qua một loạt biện pháp chống tham nhũng, một nhà báo đã mỉm cười nửa khôi hài nửa chua chát: "Cậu đừng có đem tư duy nước ngoài mà áp dụng vào đây, bất kỳ biện pháp nào người ta cũng có cách đối phó".

Ðiều này ngẫm thấy đúng. Tất cả các biện pháp đã ban hành cũng đúng nhưng chỉ có tác dụng ngoài da hoặc đánh từ vai trở xuống. "Dân chủ" cũng chỉ mới ở cấp cơ sở, nghĩa là còn có vùng cấm. Phải thực thi dân chủ thực sự và toàn vẹn. Phải để người dân thực thi quyền giám sát qua các cơ quan độc lập và có thực quyền. Phải để người dân lựa chọn những người đại diện nói lên được nguyện vọng của họ chứ không phải đặt những câu hỏi có tính hình thức và sau đó chỉ biết thở than.

Tóm lại, muốn diệt tham nhũng chỉ có một con đường duy nhất là dân chủ hóa chế độ.

Sài Gòn, ngày 3/9/2003
Phan Kiến Quốc

No comments:

Post a Comment