Friday, April 20, 2001

Ý Thức Công Dân

Phan Kiến Quốc 

Vào ngày 11/3 vừa qua, nhà cầm quyền Việt Nam vừa cho tổ chức rầm rộ "lễ ra quân cho Năm Thanh Niên Tình Nguyện". Cuộc vận động này trùng hợp với ngày kỷ niệm 70 năm thành lập Ðoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, với mục đích đoàn ngũ hóa thanh niên trước những thử thách mới và cũng để tạo sinh khí cận ngày Ðại Hội Ðảng kỳ 9. Cuộc vận động thật quy mô với những tham vọng thật lớn lao, nhưng không ai nghi ngờ gì về tính khả thi của nó cũng như nhu cầu đánh bóng cho chế độ. Nhưng qua đó mọi người cũng đều thấy một căn bệnh trầm kha trong xã hội Việt Nam, căn bệnh sẽ còn là trở lực lớn lao cho việc phát triển kinh tế, văn hóa : ý thức công dân.

Cơn ác mộng

Vào những ngày đầu năm 2001, nhà nước CSVN đã khua chiêng đánh trống để cổ võ cho "Năm thanh niên tình nguyện", "2001: Năm trật tự đô thị" và "Tháng trật tự giao thông". Và để bắt đầu bằng cái dễ nhất, vào ngày 11/3 hàng ngàn thanh niên đã xuống đường để tái lập trật tự tại các ngã tư trong Sài Gòn. Trong chúng ta nếu ai đã có dịp về thăm nhà thì chắc đã thấy được tình trạng vô trật tự trên đường phố, và đối với những người này thì di chuyển quả là một cơn ác mộng. Không có một thống kê chính xác nhưng phải nói là 90% các loại xe hai bánh đều không tôn trọng luật giao thông, nhất là đèn đỏ tại các ngã tư. Họ coi như không có đèn, cứ phóng qua một cách thản nhiên. Nếu có người còn chút ý thức có ngừng thì ngừng ở... giữa ngã tư và chỉ đợi vừa đổi đèn là vọt. Mặt khác, cách điều chỉnh đèn ở Sài Gòn cũng vô cùng nguy hiểm, đèn đỏ bên này bật lên cùng lúc với đèn xanh bên kia, khiến họa hoằn có người tôn trọng luật giao thông cũng không kịp thắng lại. Tất cả những yếu tố ấy đã gây nên một tình trạng vô trật tự đến kinh ngạc dưới mắt du khách. Ðối với họ, qua đường quả là một cơn ác mộng, và chỉ biết phó thác sinh mạng... cho đất trời.

Sài Gòn, từ ngày bị đổi tên là TP Hồ Chí Minh có một diện tích rộng hơn gấp 4 lần thành phố cũ. Diện tích ngày nay là 2050 km2 bao gồm các huyện xa như Củ Chi (giáp Tây Ninh), Cần Giờ (giáp biển Ðông). Tuy nhiên đại đa số 6 triệu dân (con số chính thức, số thật có thể cao hơn) lại tụ tập trong các quận nội thành, và dĩ nhiên lưu lượng xe trong các quận này cũng nhiều hơn. Hiện tại thành phố có hơn hai triệu xe hai bánh các loại, một con số khủng khiếp, cộng thêm 130.000 xe bốn bánh và 60.000 xích lô,... tổng cộng chiếm 1/3 xe cả nước trong khi tổng số chiều dài đường chỉ chiếm 1/100 trên cả nước! ! ! Và con số này trong những năm tới sẽ còn gia tăng trong khi đường, cầu, các phương tiện di chuyển không thể đáp ứng kịp.

Trong ngày 11/3 vừa qua, hơn 120 ngàn thanh niên được điều động xuống đường để giữ gìn trật tự tại các ngã tư. Mỗi "chốt" như thế có từ 10 đến 16 em, chưa kể cảnh sát giao thông. Nhiệm vụ các em là cầm một lá cờ đỏ giơ ra, ra hiệu cho các loại xe ngừng trước lằn sơn trắng dưới chân trụ đèn. Một em khác cầm loa phóng thanh nhắc nhở, một vài người được điều phối "lôi" các xe đã vượt qua vạch sơn trở về vị trí đúng. Nhìn các em hăng say trong công tác, nhìn cảnh xe cộ ngay hàng thẳng lối, những người quan tâm đến xã hội ắt phải vui mừng.

Tuy nhiên, chỉ cần một chút quan sát và suy nghĩ, có lẽ chúng ta sẽ không mấy lạc quan.

Các em chỉ đứng trực 2 lần trong ngày, mỗi lần khoảng 2 tiếng vào những lúc đông xe mà thôi. Vắng các em, tất cả đều y như cũ, lại một tình trạng giao thông vô trật tự như không có gì xảy ra. Ngay chính các cơ quan tuyên truyền cũng không thể phủ nhận điều này. Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 26/3 đã viết thẳng thừng: "Có thể thấy rằng phong trào thanh niên tình nguyện tham gia lập lại trật tự giao thông do Thành đoàn phát động đã thể hiện được sự quan tâm (...). Nhưng hoạt động này còn mang nặng tính phong trào và hiệu quả mang lại chưa cao. Hàng ngàn thanh niên ra quân để chỉ làm nhiệm vụ tự giáo dục mình." Báo Tuổi Trẻ ngày 9/3 cũng đã trích lời phát biểu của Võ Ngọc Quốc Thuận, Ủy Viên Thường Vụ Thành Ðoàn: "(...) quan trọng nhất là ý thức người dân chưa cao...". Nói huỵch toẹt ra là chiến dịch này chỉ làm phiền đến sinh viên học sinh và chỉ có mục đích tô son cho những ngày lễ lạc của chế độ như kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Ðoàn Thanh Niên CS HCM cũng như tạo ra không khí vui mừng, trật tự vào thời điểm cận ngày Ðại Hội Ðảng lần thứ 9.

Công việc đậu xe ngay sau vạch trắng - vốn chỉ là một phần trong vấn đề gìn giữ trật tự giao thông - coi ra không đã dễ giải quyết, thì không hiểu nhà nước xã hội chủ nghĩa nghĩ sao khi vạch ra các chỉ tiêu của "Năm Trật Tự Ðô Thị " gồm có các vấn đề: lấn chiếm lòng, lề đường; vấn đề rác; lụt... Mà nếu không giải quyết được cái "khâu" đầu tiên (và là khâu "dễ nuốt" nhất), thì nói gì đến những công tác sau. Xin nhắc lại, Thành Ðoàn TP HCM đã đề ra 4 mục tiêu cho "Năm Thanh Niên Tình Nguyện", là:

1) Vì trật tự giao thông đường bộ;

2) Vì phường xã nghèo;

3) Vì trẻ em có hoàn cảnh khó khăn;

4) Phòng chống ma túy, mại dâm.

Không cần nói dông dài, mọi người trong và ngoài nước đều thấy những chiến dịch đầy tham vọng kể trên chỉ là những mỹ từ dao to búa lớn, nói cho vui tai, cho có chuyện để đăng báo. Người dân đã chán ngấy đến tận cổ những chiến dịch kiểu này. Tuy nhiên người dân không chỉ chán ngấy vì hiệu quả "thùng rỗng kêu to", nhưng họ vô cùng bi quan cho tương lai đất nước, vì cứ tiếp tục như thế xã hội ngày càng lụn bại và mãi mãi quanh quẩn trong khu vực các nước kém phát triển. Mọi người đều thấy căn nguyên của vấn đề, và báo chí nhà nước cũng không thể phủ nhận: ý thức công dân quá kém.

Lấy thúng úp voi

Ðể thấy được vấn đề này, chúng ta chỉ việc nhìn vào bộ mặt sinh hoạt thường này của xã hội: từ mươi năm trở lại đây cứ qua một trận mưa là tại các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội có cả trăm điểm ngập lụt. Có những nơi ngập ngang lưng, đường trở thành sông trong suốt mấy tiếng đồng hồ tạo ra những trận kẹt xe cũng như làm đời sống và sinh hoạt người dân trở nên vô cùng phức tạp. Có nhiều nguyên nhân như cống nhỏ, dân đông, nhưng chung quy vẫn là do ý thức. Các cống ở Sài Gòn phần lớn đều có đường kính nhỏ hơn 80 cm, vậy mà trên đường rác được vất một cách vô tội vạ, mà trong đó có nhiều thứ không tự hủy được như bao plastic, ống hút plastic, ve chai, lông gà vịt... tất cả những thứ này đều chận dòng chảy tạo ra ngập úng trên mặt đường. Cũng còn may, gần đây nhà nước cho bít các miệng cống bằng song sắt, chứ để rác trôi tuột xuống thì tình trạng còn nan giải hơn.

Một lý do khác là các cửa cống xả ra sông thường xuyên bị chặn bởi việc lấn chiếm sông rạch hoặc do các công trình xây dựng vô trách nhiệm. Cách đây vài năm báo chí nói nhiều đến việc giải tỏa kinh Nhiêu Lộc, và coi đây là một thành công lớn trong việc chỉnh trang đô thị, tuy nhiên con kinh này cũng chưa hoàn toàn giải quyết xong mà hiện nay vẫn còn nhiều con kinh khác bị lấn chiếm vô tội vạ và cảnh xả rác xuống dòng nước đã quá ô nhiễm ngày một gia tăng. Nhiều con kinh mới được giải tỏa đây mà nước vẫn đen quánh và không chảy được. Có những nơi tình trạng lấn chiếm toàn diện đến mức nếu không có cây cầu thì không còn biết có con kinh... Ở đây chúng ta miễn đề cập đến những tệ đoan xã hội và những "chuyện tiêu cực" trong những căn nhà ổ chuột như thế. Và để giải quyết tình trạng rác rưởi, lấn chiếm kinh rạch, không lẽ vận động các em học sinh bỏ học len lỏi đi vào các xóm nhỏ ấy để kêu gọi ý thức công dân? !

Theo báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 8/2 có 3 lý do để giải thích thực trạng này: thứ nhất do ý thức công dân quá thấp, thứ hai do việc áp dụng luật pháp không nghiêm mà chỉ mang nặng tính hình thức, và thứ ba thiếu phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan hữu trách.

Bỏ qua lý do sau cùng chỉ liên quan đến nhà nước, hai lý do còn lại đều nêu bật ra những khó khăn và yếu kém trong xã hội. Nói "áp dụng luật pháp không nghiêm" chỉ là cách nói khác đi của "các cơ quan trách nhiệm đã bị mua hết cả". Trên địa bàn thành phố còn cơ man các vụ xây cất trái phép, mà đâu phải trong hẻm trong hốc mà ngay ở những nơi sang trọng nhưng vẫn ngang nhiên tự tại, chẳng qua là vì các chủ căn nhà này đã biết "gõ đúng cửa ". Áp dụng luật pháp không nghiêm cũng là vì các vụ vi phạm đều có liên quan đến các quan chức hoặc dân COCC (con ông cháu cha), nên người dân thường lại có cớ để không tuân thủ pháp luật. Gần đây có vụ xây nhà trái phép của ông chủ tịch phường Bách Khoa, Hà Nội - vì áp lực dư luận nên ông ta phải rỡ bỏ. Báo chí đồn ầm lên rằng cuối cùng thì pháp luật cũng thắng! Nhưng thực tế đã cho thấy đây chỉ là một trò tuyên truyền cho công lý của nhà nước, trong khi đó có hàng trăm, hàng vạn vụ vi phạm vẫn bị phớt lờ trong khi chờ ngày hợp thức hóa.

Các lý do nêu trên thực ra cũng chỉ quy về vấn đề ý thức trách nhiệm chung. Phải nói không tự ti rằng ý thức công dân của dân mình quá thấp. Mọi người đều coi từ nhà vào trong là của mình, từ ngưỡng cửa trở ra là của... chùa, chẳng có gì phải tôn trọng. Có cái gì hư thối cứ liệng ra ngoài. Có cái gì cồng kềnh cũng đem ra ngoài rồi sau đó quay lại chiếm làm chỗ của mình. Ði ngoài đường thì chạy không cần biết người khác (mà đúng ra thì người khác cũng nghĩ như thế). Kết quả là toàn xã hội trở nên một khối vô trật tự khổng lồ. Và sống trong môi trường ấy có tuân thủ luật pháp thường bị cho là ... điên và sớm muộn gì cũng phải nhập vào cái cuộc sống nhiễu nhương ấy.

***

Nhiều người đã than thở, giá mà bây giờ mọi người bắt đầu sống với một tinh thần thượng tôn pháp luật và đặc biệt với một ý thức công dân nghiêm túc thì Việt Nam có thể sẽ bằng Singapore trong... 50 năm nữa. Những người này phần lớn là có địa vị, có tiền và có lẽ đã thấy thế nào là Singapore.

Còn các phó thường dân thì hiện nay đang no mắt với các biểu ngữ như: "Ðánh thắng giặc Mỹ, chúng ta sẽ xây dựng đất nước giàu mạnh gấp ngàn lần khi trước", "Sống và làm việc theo pháp luật", hay "chính quyền của dân, do dân và vì dân"... thì sẽ chẳng bao giờ phải thắc mắc đến bao giờ mới đuổi kịp Singapore (vì nghe nói đâu hình như Việt Nam đã qua mặt Nhật Bản... từ hai mươi năm nay)(*).

Phan Kiến Quốc

04/2001

(*) Lê Duẩn đã "phán" nhân ngày chiếm miền Nam 30/4/75: "chỉ cần xây dựng đất nước 10 năm nữa, chúng ta sẽ bắt kịp Nhật Bản".

No comments:

Post a Comment