Lột kho tàng di sản văn hóa gồm các đình chùa, miếu mộ, các địa danh lịch sử, các vết tích tổ tiên, các di tích thiên nhiên... Tất cả một gia tài vô cùng quý báu được xây dựng và gìn giữ từ 50 thế kỷ nay đang dần dần biến mất hoặc bị hủy hoại nặng nề, và nguyên nhân đầu tiên là sự thờ ơ đối với văn hóa nước nhà, đặc biệt là ở giới trẻ. Ðây không phải đơn thuần là một sự vụng về đơn lẻ nhưng thực sự đây là chủ trương của đảng và nhà nước cộng sản. Chủ trương đó là thay thế các giá trị truyền thống dân tộc bằng chủ thuyết cộng sản, mà biểu tượng trước tiên là ông Hồ Chí Minh.
Hiện diện ở khắp mọi nơi...
Nói đến ông Hồ Chí Minh thì trước tiên phải nói cái lăng của ông ta nằm sừng sững ở trong một khu sang trọng và đẹp nhất thủ đô Hà Nội. Kiến trúc của nó thì nhập cảng nguyên xi từ lăng Lê Nin: đồ sộ, trái ngược với truyền thống xây mộ dựng lăng từ ngàn xưa của dân tộc Việt Nam là thực hiện các miếu mộ này với một kích thước rất nhỏ và bày trí rất đơn giản, cho dù đó là mộ tổ Hùng Vương ở Vĩnh Phú hay đền Hai Bà Trưng ở Hà Nội, Bà Triệu ở Thanh Hóa...Hơn nữa, việc dựng miếu một cách đơn giản không đến từ một sự huy động của triều đình hay của một quyền lực trung ương mà do lòng ý thức và ngưỡng mộ của đồng bào mọi tầng lớp. Chính vì thế chỉ trong giới hạn tỉnh Vĩnh Phú đã có 700 miếu thờ các vị anh hùng thời Văn Lang và 200 miếu thờ các vị anh hùng thời Hai Bà. Lòng sùng kính và yêu mến của người dân đối với các vị anh hùng, anh thư quả không đo lường bằng độ lớn lăng miếu, mà bằng tấm lòng đơn sơ của họ, trái ngược với hình thức vĩ đại như kim tự tháp của các Pharaon Ai Cập, mộ Tần Thủy Hoàng, tượng Kim Nhật Thành cũng như các bạo chúa khác đều xây trên xương máu con người và tài sản quốc gia.
Dù đồ sộ, các bạo chúa để lại "cho hậu thế" mỗi người chỉ một công trình, nhưng ông Hồ Chí Minh thì khác: song song với các bức tượng đồ sộ tại các công viên, các bức tranh tại khắp các văn phòng, các hình ảnh trong khắp các buổi thảo luận, trình diễn... là một hệ thống bảo tàng trên khắp các thành phố lớn, tất cả các công trình này được gọi là "lòng nhớ ơn của cả dân tộc đối với Bác".
Các bức tượng và tấm tranh thì mọi người đều thấy, nhưng về cái hệ thống bảo tàng Hồ Chí Minh thì quả là một mức tôn sùng cá nhân vượt quá sức tưởng tượng. Vì là một hệ thống nên cách quản trị của nó cũng y như một xí nghiệp: có ban quản trị trung ương và các chi nhánh ở khắp các tỉnh thành. Mỗi chi nhánh là một viện bảo tàng mà thường là nằm trong những địa điểm tốt đẹp nhất và về tầm vóc dĩ nhiên cũng vĩ đại như "lòng nhớ ơn" của nhân dân địa phương. Một trong những bảo tàng kiểu đó là ở Huế, nằm ngay trên đường Lê Lợi, một con đường đẹp và thơ mộng nhất của đất Thần Kinh. Ở đây nhà nước cộng sản vừa cho xây một bảo tàng vĩ đại trên một diện tích gần một mẫu tây, cao gần 30m, kiến trúc theo lối tân kỳ, nghĩa là trái ngược với những kiến trúc cổ kính bao quanh như trường Quốc Học, trung học Hai Bà Trưng (Ðồng Khánh cũ), Mộ Bia Quốc Học... Người dân có lẽ không ai hiểu nổi tại sao phải tốn ngân quỹ để xây một viện bảo tàng đồ sộ như thế, mà để chứa cái gì? không lẽ hàng ngàn "tư liệu và ảnh về Bác" cần thiết phải có một diện tích vĩ đại như thế để chứa. Ðã xây hàng chục các bảo tàng Hồ Chí Minh cái nào cái nấy cũng đồ sộ mà cũng không chứa nổi hay sao? Cũng cần nói thêm: ngay đối diện bảo tàng mới cũng đã có một bảo tàng cũ, rất khang trang, rộng rãi, vậy mà nhà nước cũng chưa vừa lòng, mà phải thực hiện cho bằng được một công trình cho "xứng đáng với tình cảm, lòng ngưỡng mộ và sự biết ơn sâu sắc đối với con người kiệt xuất của dân tộc". Một chi tiết khác cần nhắc tới, bảo tàng mới nằm ở hữu ngạn Hương Giang, mà bên bờ bên kia, hàng ngàn gia đình đang sống giở chết giở với trận lụt lịch sử tháng 11/99 vừa qua.
Vào năm 99, nhân ngày kỷ niệm 30 năm ông Hồ qua đời, nhà nước lại cho xây dựng thêm một số đền thờ ông ta, và một trong những đền thờ này được xây trên đỉnh Ba Vì thuộc tỉnh Hà Tây. Ðỉnh núi này được bao phủ bởi những rừng cây cổ thụ đã đi vào kho tàng văn hóa dân tộc như trong bài thơ phổ nhạc của Phạm Ðình Chương.
Anh từ chinh chiến đã ra đi
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì.
"Không thấy bóng Ba Vì" vì đỉnh núi này từ hàng bao nhiêu năm nay được bao phủ bởi một rừng đại thụ. Khốn nạn thay, nhân ngày kỷ niệm 30 năm ông Hồ qua đời, làm như một hệ thống bảo tàng đồ sộ bao phủ hầu hết các phố lớn chưa đủ, nhà nước cộng sản đã lấy hẳn một khu vườn quốc gia trên đỉnh Ba Vì để xây một đền thờ ông Hồ. Một kiến trúc vĩ đại hai tầng tám mái. Vào tháng 4/2000, báo chí tố cáo một vụ phá rừng vĩ đại trên đỉnh Ba Vì. 7000 mẫu rừng bị chặt, đốt không thương tiếc, trong đó có những đại thụ bách tuế. Ðọc báo ai cũng thấy xót xa và căm hận bọn lâm tặc. Nhưng báo chí không hề đề cập đến đền thờ của ông Hồ.
Vì đã nói các hệ thống bảo tàng Hồ Chí Minh hoạt động như một xí nghiệp, nên hàng năm người ta vẫn tổ chức một Hội nghị để xem xét các thành quả hoạt động, ghi nhận các kỷ lục thăm viếng, chuẩn bị xây thêm các công trình mới... Tất cả những ngần ấy thứ chắc chắn phải huy động đến một ngân sách khổng lồ và là một miếng mồi béo bở cho một hệ thống tham nhũng, ăn chia trải rộng từ trung ương đến địa phương. Và dĩ nhiên những con số này là bí mật quốc gia.
Và cũng chưa hết, đền thờ và bảo tàng cho ông ta đã đành, tại Nghệ An, người ta đã cho xây một một khu tưởng niệm ông Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ và một ngôi mộ cho bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của ông Hồ. Gọi là ngôi mộ thì không đúng, phải gọi là ngôi đền thì đúng hơn. Ngôi đền có tổng cộng 300 bậc thang, được xây trên một ngọn núi chế ngự khắp các danh lam thắng cảnh của ngoại ô thành phố Vinh. Kiến trúc bằng bê tông chắc chắn, và được trang trí vô cùng mỹ thuật với các loài thảo mộc quý, hiếm đến từ khắp nước. Trong nội dung của bài này, có lẽ chúng ta nên giới hạn và miễn đi xa về các thân bằng quyến thuộc khác trong gia đình và họ hàng ông Hồ. Và dĩ nhiên đây cũng là "phần đóng góp của toàn dân đối với Bác."
Trong cái tinh thần "đền ơn đáp nghĩa" này, các lãnh tụ cộng sản khác cũng không bị bỏ quên. Tại huyện Ðức Thọ tỉnh Hà Tĩnh người ta đã cho xây khu mộ Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của đảng Cộng sản. Và cũng y như ông Hồ, mộ của bố và em ông Trần Phú cũng được sửa sang. Tại xã Long Phước, tỉnh Vĩnh Long, không phải là một ngôi mộ mà là hẳn một khu tưởng niệm được xây cho Phạm Hùng, cựu thủ tướng và là một tay khét tiếng độc ác. Khu tưởng niệm chiếm 3 mẫu tây, công trình được thực hiện bằng bê tông cốt sắt và đá hoa cương có chạm trổ hoa văn công phu. Danh sách này còn dài với Lê Duẩn, Trường Chinh và hàng trăm lãnh tụ khác.
Sự tôn sùng quá đáng về ông Hồ cũng như đảng Cộng sản đã tạo ra một hậu quả đương nhiên vô cùng tai hại: các thế hệ trẻ hoàn toàn không biết gì anh hùng lịch sử nào khác ngoài ông ta. Báo chí trong nước thường xuyên báo động về vấn đề này. Trong một bản báo cáo vào tháng 4/99 của Trường Ðại Học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn TPHCM cho biết có đến 39% sinh viên không biết Hùng Vương thuộc thời nào, 49% không biết Trần Quốc Toản là ai. Những mẩu chuyện nay đã trở thành đầu đề khôi hài như: "Trần Hưng Ðạo thắng giặc Pháp", "Trống Ðồng có từ thời Nguyễn", hoặc "Núi cao nhất Việt Nam là núi Thái Sơn"... Quả là đáng ngại vì đây không phải là dân ngu khu đen mà là sinh viên, nhất nữa lại là sinh viên khoa Xã Hội Nhân Văn! ! Nhưng đây có thể là mối lo ngại cho ai chứ chắc chắn không là mối lo ngại của nhà nước cộng sản vì họ còn đang để tâm xây cho to, cho đẹp và cho nhiều các biểu tượng của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Trong những năm tháng gần đây, với nhu cầu nhào nặn và tô son cho cái gọi là "tư tưởng Hồ Chí Minh", nhà nước cộng sản lại càng cho tăng cường độ hiện diện và xâm nhập các biểu tượng này vào đời sống hàng ngày. Chính vì thế kể từ niên khóa 2000-2001, bộ môn "tư tưởng Hồ Chí Minh" được đưa vào đại học, mặc dù chương trình đã rất nặng, mặc dù ở đây đã có các môn như triết học Mác Lê, lịch sử Ðảng... Chính vì thế trong các buổi thi, các buổi trình diễn, các thí sinh cũng phải ráng nhét vào một tí gì hồng hồng để được có thêm cơ may. Chẳng hạn trong cuộc thi nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội năm 99, giải nhất về tác phẩm "Có một mặt trời trong lăng rất đỏ", (có ai ngây thơ hỏi lăng nào thì có nước đi bóc lịch mọt gông). Mặt khác trong những lần tiễn đội tuyển bóng đá đi tranh tài ở ngoại quốc ngoài phi trường đều có hát "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" (có điều lúc đón về chẳng thấy hát hỏng gì, đứa nào quen miệng hát như lúc đi chắc cũng bóc lịch cả đời). Tuy nhiên khôi hài nhất là trong một cuộc thi karaoké tại Sàigòn, ban giám khảo đã đưa ra ba tiêu chuẩn cho nội dung các bài hát. Tiêu chuẩn cao nhất là ca ngợi bác Hồ, tiêu chuẩn thấp nhất là ca ngợi tình yêu đôi lứa! ! Và sau cùng, mới đây vào tháng 6/2000, khi các em học sinh cả nước đang chuẩn bị thi cử, khi các định chế tài chính quốc tế đang liên tục báo động về nguy cơ tụt hậu kinh tế sau khi đầu tư nước ngoài lần lượt tháo chạy, trong khi xã hội đang điên đầu về các tệ nạn ma túy, mại dâm, đua xe... thì nhà nước - qua trung gian cái hệ thống bảo tàng kia - lại đi đặt câu hỏi: "Nơi bác Hồ xuống tàu tìm đường cứu nước gốc tích chính xác là ở chỗ nào? ?". Nói tóm lại ở trong xã hội Việt Nam: hoặc bác Hồ, hoặc không có gì hết.
Chỗ đứng của các giá trị dân tộc truyền thống
Nhìn vào tình trạng thần thánh hóa này chắc chắn mọi người sẽ không khỏi thắc mắc về vị thế của văn hóa truyền thống và tất cả những gì không đi theo chiều hướng xã hội chủ nghĩa. Và với cái đà "tiến mau tiến mạnh" này các giá trị kia sẽ dần dần bị xóa nhòa để nhường chỗ cho các biểu tượng của chủ nghĩa cộng sản, của ông Hồ. Trong một lần tâm sự, cán bộ phụ trách một viện bảo tàng (không phải là bảo tàng "cách mạng") đã than thở rằng trong suốt năm chỉ có khoảng 7000 người đến thăm, trong đó 2/3 là khách nước ngoài, trong khi đó mỗi năm có trên 2 triệu người đến thăm hệ thống bảo tàng Hồ Chí Minh. Không những thế, các "di tích cách mạng" cái nào cũng nườm nượp người, Ðền Bến Dược (Củ Chi) một năm cũng có hơn 1 triệu khách, khác hẳn với không khí hoang vắng của các di tích lịch sử, văn hóa truyền thống. Sự khác biệt này đến từ nhiều lý do:
- trước tiên, các di tích cách mạng đều được đương nhiên ghi vào lịch trình thăm viếng của các "tour" du lịch. Ðó là chưa kể đến các cuộc viếng thăm của các trường lớp nhằm tưởng thưởng một thành tích nào đó của các em, đó là chưa kể chuyến viếng thăm của các cơ quan, đoàn thể như đoàn đại biểu tỉnh này, đoàn đại biểu đảng bộ nọ....
- thứ hai, một yếu tố vô cùng quan trọng: các "di tích cách mạng" đều được chăm sóc, bảo trì đẹp đẽ, trái ngược với các di tích lịch sử. Người dân, cho dù có yêu quê hương, yêu văn hóa đến đâu nhưng phải vạt cỏ lội bùn để thăm viếng bãi cọc Bạch Ðằng, phải leo đồi vượt núi để thắp một nén hương trong đền các vua Trần ở Quảng Ninh, hoặc phải nín thở vì mùi xú uế để viếng đền Mai Xuân Thưởng ở Bình Ðịnh... có lẽ họ cũng ngại. Trong khi đó các "di tích cách mạng" vừa thanh lịch, vừa dễ đi lại nên dễ dàng lôi cuốn đại đa số người dân có tâm lý muốn đến một nơi để thưởng lãm, vừa để nghỉ ngơi chứ không phải để tìm hiểu văn hóa.
Tình trạng hủy diệt văn hóa bằng phương thức này chúng ta thấy nhan nhãn mọi nơi trên khắp ba miền đất nước. Có ai đã ghé Hà Nội, viếng lăng ông Hồ mới thấy sự trang trọng, nghiêm trang, huy hoàng mà chế độ dành cho ông ta. Ở ngoài cỏ cắt ngay hàng thẳng lối, ở trong được lót toàn bằng đá cẩm thạch. Ðó là chưa kể đến một bộ tư lệnh chỉ lo việc bảo vệ lăng. Ðiều này chẳng bù với một trong những di tích quý giá của cả dân tộc, đó là Ðền Hai Bà Trưng cũng nằm trong lòng thủ đô. Bước vào Ðền người ta không khỏi kinh ngạc khi chẳng thấy cửa nẻo gì bên ngoài. Trời tối như hũ nút mà bên trong sân Ðền không có lấy một ngọn đèn. Tưởng tượng nếu có ai bất cẩn đánh rơi tàn lửa thì cái di sản hàng nghìn năm tuổi ấy biến thành tro bụi ngay, hoặc chỉ cần một tên đạo tặc, hay một dân nhậu nào vào phá phách thì ngôi Ðền cũng bị thiệt hại hoặc bị xúc phạm nặng nề. Tuy nhiên nỗi lo âu ấy không bằng niềm thất vọng và đau sót cho bằng sự thờ ơ của người dân: lúc còn đang quanh quẩn đi tìm đường trong những con hẻm nhỏ, ngoằn ngoèo và tối tăm, chúng tôi đã hỏi đường gần chục người, chẳng ai biết ở đâu, cho dù đoàn chỉ còn cách Ðền không đầy 100 mét! Ðiều này khác hẳn với lăng ông Hồ, ngự trị trong một khung cảnh vừa uy nghi vừa sang trọng của Hà Nội với đèn đuốc thường trực sáng trưng, điểm hội tụ của hàng trăm tour du lịch, ngàn trăm ngàn khách từ bốn phương. Tủi thay cho hai Ðấng Anh Thư!
Tại Nghệ An, quê hương của ông Hồ thì còn thê thảm hơn. Ngoài làng Kim Liên nơi sinh trưởng của ông ta, nơi bộ máy hành chính chỉ phục vụ cho quê nội và quê ngoại của ông Hồ thì chẳng còn ai biết gì khác. Hỏi thăm mãi mới nghe nói có Phượng Hoàng Trung Ðô là nơi Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ tạm dừng chân để tuyển binh trên đường Bắc tiến. Mọi người hăm hở gọi xe để đến viếng địa danh lịch sử này. Chạy mới một thoáng đã tới, xuống xe tất cả mới ngã ngửa ra: khách sạn Phượng Hoàng. Khốn nạn, sau nửa thế kỷ bị bao vây bởi những di tích cách mạng kia, đầu óc con người ngày nay chỉ biết được đến có thế.
Tại Huế, nếu khách phương xa trở về đất Thần Kinh cũng không thể nào bình tâm trước những hình ảnh tương phản trên. Một trong những kỳ quan của miền sông Hương núi Ngự là Mộ Bia Quốc Học. Mộ Bia gồm một bức tường dày gần 6m, dài 40m, được dựng trên một bệ đá cao. Tất cả được bao quanh bởi một bức tường thấp và tập thể công trình trông thật cổ kính, uy nghi. Tuy nhiên cái uy nghi này đột nhiên biến mất khi người ta đến gần. Cỏ dại mọc lan tràn, từ trên bờ tường, xuống nền đá, leo cả lên mộ bia. Cỏ dại mọc chồi từ các đường nứt ngang dọc trên Bia. Các hình trạm, khắc nổi công phu bị bàn tay con người đập phá không thương tiếc. Các nét chữ trên Mộ Bia bị đục văng để lộ ra lớp gạch phía trong trông loang lổ. Trên đỉnh Bia các mái ngói nằm trong tình trạng chênh vênh không biết sẽ đổ lúc nào. Dưới đất, chỉ cần để ý một tí, ta cũng thấy đây đó các ống tiêm của các con nghiện cũng như các bao cao su... Ðiều chua sót là cách đó không đầy 100 mét là Bảo tàng Hồ Chí Minh. Uy nghi, lộng lẫy, và chắc chắn trong kỳ Liên Hoan Huế 2000, Bảo tàng này lại đạt kỷ lục về số khách viếng thăm. Mộ Bia lại tiếp tục soi bóng xuống giòng Hương giang trong sự thờ ơ, lãnh đạm của người dân.
Trong bài trước chúng tôi đã có dịp đề cập đến các tàn phá di sản văn hóa dân tộc nên không khai triển thêm về vấn đề này, nhưng chỉ nhắc lại một sự thực vô cùng đau thương: cả một di sản khổng lồ cha ông gầy công xây dựng và gìn giữ từ 50 thế kỷ đã và đang bị huỷ hoại trầm trọng. Di sản này gồm hàng chục ngàn đền thờ các vị anh hùng, anh thư, di sản này còn là các ngôi chùa, đình, hoặc các cổ vật của tiền nhân, di sản này còn là các nét đẹp thiên nhiên như Nàng Tô Thị, Ngũ Hành Sơn, Hòn Vọng Phu... Cả một công trình văn hiến đang dần được thay thế bởi một chủ nghĩa ngoại lai. Với đà tàn phá và khống chế của chủ nghĩa này, người ta tự hỏi không biết văn hóa dân tộc sẽ còn được giữ gìn đến bao giờ.
Ðảng cộng sản quả chỉ dành một xó bếp cho cả một kho tàng văn hóa dân tộc trước khi tống nó ra khỏi căn nhà Việt Nam. Một thí dụ trong muôn vàn thí dụ điển hình là trong ngày 3/1/95, báo Sàigòn Giải Phóng có đăng trên trang nhất danh sách các ngày lễ lớn trong năm đã được ... Bộ Chính Trị quyết định (trích nguyên văn):
- 3/2: kỷ niệm lần thứ 65 ngày thành lập đảng Cộng Sản Việt Nam.
- 22/4: kỷ niệm lần thứ 125 ngày sinh V.I. Lê Nin
- 30/4: kỷ niệm lần thứ 20 ngày giải phóng miền Nam
- 19/5: kỷ niệm lần thứ 105 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- 19/8: kỷ niệm lần thứ 50 Cách mạng tháng Tám thành công.
- 19/8: kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập Công an Nhân dân
- 2/9: kỷ niệm lần thứ 50 Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam.
- 18/11: kỷ niệm lần thứ 65 ngày thành lập Mặt Trận Dân Tộc Thống Nhất.
Chẳng có lễ tết dân tộc như Tết Nguyên Ðán, Tết Trung Thu, chẳng có các lễ tôn giáo và dĩ nhiên là chẳng có ngày lễ một vị anh hùng nào được nêu lên trong danh sách các "đại lễ" này. Thật là một điều sỉ nhục!
Bôi nhọ, bóp méo lịch sử.
Sự sỉ nhục này lại tăng thêm một nấc khi nhà cầm quyền cộng sản cố tình bôi bác, ngụy tạo lịch sử gây ra những sai lầm vô cùng tai hại .
Trước tiên chúng ta hãy bình tâm đọc một bài tường thuật về "tâm tình của một Việt kiều" khi thăm một đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương tại Sàigòn. Bài viết trên báo Sàigòn Giải Phóng, số tháng 3/99: "Bước chân về đến quê nhà, tôi không biết đi đâu để cầu nguyện, gởi gắm tấm lòng của mình ở quê cha đất Tổ (...) Tôi đến Tổ đình Quốc Tổ Lạc Hồng như đến với cha mẹ mình, với lòng mình và tại đây đã làm rung động lòng tôi. Ðứng trước mặt tượng Lạc Long Quân, Âu Cơ, vua Hùng, Hồ Chí Minh mà lòng người như cảm nhận trước Phật Tổ, Phật Bà...".
Nếu chúng tôi nhớ không lầm thì dọc theo suốt chiều dài hàng mấy chục thế kỷ với các cuộc binh đao máu lửa, chém giết tương tàn trong lịch sử Việt Nam, cho dù các triều đại, các thế lực có hận thù, khác biệt đến đâu đi chăng nữa, tất cả đều công nhận và tôn thờ một vị cha chung là Quốc Tổ Hùng Vương. Chưa hề có một ông vua, một ông tướng nào - cho dù công trạng lớn đến đâu - dám đặt mình ngang với Quốc Tổ. Vậy mà điều này ngày hôm nay đã xảy ra. Thật là một niềm ô nhục đối với Tiền nhân, với các triều đại đi trước và với Quốc Tổ Hùng Vương.
Ðây không phải là một trường hợp cá biệt hay lỗi lầm của giới chức địa phương. Chúng ta đừng quên ngay lối vào Ðền Hùng ở Vĩnh Phú, nhà nước cộng sản cũng đã cho dựng một tấm hình ông Hồ so ra còn đồ sộ không kém gì cổng chính, chúng ta cũng đừng quên vào những năm 86-87, nhà cầm quyền Hà Nội đã toan tính dùng Chùa Một Cột làm một thứ bảo tàng Hồ Chí Minh nhưng đã phải lùi bước trước phản ứng của Phật tử. Mặt khác, trong cuốn Viết Cho Mẹ Và Quốc Hội, ông Nguyễn Văn Trấn đã lên tiếng cảnh cáo âm mưu đưa hình một anh hùng của đảng cộng sản là bà Nguyễn Thị Ðịnh vào Ðền Hai Bà Trưng.
Âm mưu bóp méo và bôi nhọ lịch sử lại càng nổi rõ hơn trong các bài viết về các vị anh hùng dân tộc. Trong cuốn Lịch sử và Văn Hóa Việt Nam, Những Gương Mặt Trí Thức do nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin Hà Nội ấn hành năm 1998, thì qua 770 năm lịch sử và 9 thời kỳ (Trần, Hồ, Lê, Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn, Nguyễn, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Cộng Hòa XHCNVN) các "nhà nghiên cứu" đã chọn ra 71 vị. Xem trong danh sách này mà thấy tội nghiệp cho đất nước: Trong suốt hơn 7 thế kỷ đất nước chỉ có được 38 nhân vật như Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phan Bội Châu... Ngược lại, chỉ cần không đầy 50 năm, đảng cộng sản Việt Nam đã sản sinh ra được đến 33 "vĩ nhân" như Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Ðặng Thái Mai...
Và cuối cùng chúng ta hẳn cũng không quên cách đây 2 năm, nhân ngày Quốc tế Phụ Nữ, Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Trung Ương Việt Nam đã đệ trình Unesco danh sách 23 "Phụ nữ huyền thoại Việt Nam". Trong 23 người này có Quốc Mẫu Âu Cơ, Hai Bà Trưng, Bà Triệu...nhưng cũng có đến 11 nữ cán bộ cộng sản hoặc hoạt động cho cộng sản như Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Ðịnh, Võ Thị Sáu...
Cũng trong chiều hướng "nhập nhằng đánh lận con đen", tại khu di tích Cổ Loa nằm phía Bắc Hà Nội, nơi hàng năm rất đông đồng bào và khách ngoại quốc viếng thăm, nhà nước cộng sản đã cho dựng một tấm bảng nền đỏ chữ vàng, án ngữ ngay lối vào với các hàng chữ như sau:
"Di tích cách mạng.
Cổ Loa là một xã trong vùng căn cứ. Là cơ sở liên lạc của đảng cộng sản Việt Nam với các địa phương là trạm liên lạc khu miền xuôi và chiến khu miền Bắc thời kỳ trước cách mạng tháng 8 năm 1945".
Một di tích 20 thế kỷ, từng là thủ đô thời Âu Lạc, một di tích gắn liền với An Dương Vương, với Nỏ Thần, với Trọng Thủy Mỵ Châu nay đã biến thành một "di tích cách mạng". Ðã đành rằng người cộng sản đã dùng làm nơi đây làm căn cứ nhưng sự kiện dựng một tấm bảng đỏ chói ở ngay lối vào với nội dung như trên là có dụng ý rõ ràng. Hơn nữa ngay bên cạnh là một trường tiểu học. Ít nhiều gì các em cũng có một cái nhìn sai về di tích lịch sử này.
Tuy nhiên tột đỉnh của sự sỉ nhục này là bài Viếng Ðền Kiếp Bạc mà rất nhiều người cho đấy là một tác phẩm "để đời" của Hồ Chí Minh trong một lần đến thăm Ðền thờ Ðức Trần Hưng Ðạo:
Tôi anh hùng, bác cũng anh hùng
Tôi bác cùng lo việc kiếm cung
Bác đuổi quân Nguyên trên sóng bạc
Tôi diệt quân Pháp ngọn cờ hồng
Bác đưa một nước qua nô lệ
Tôi dắt năm châu đến đại đồng
Bác có linh thiêng cười một tiếng
Mừng tôi cách mạng chóng thành công.
"Khẩu khí tôi tôi bác bác" này có lẽ chỉ có nơi ông Hồ! Văn chương Việt Nam có lẽ không còn tĩnh từ nào để phê phán những lời thơ này.
***
Việt Nam sau 25 năm hòa bình vẫn là một trong những nước nghèo nàn và lạc hậu nhất thế giới. Một trong những lý do là người dân phải phải cõng trên lưng một bộ máy tham nhũng, quan lại, nịnh trên nạt dưới, phung phí tài sản, công sức của nhân dân.
Tuy nhiên cái điều phi lý nhất là họ còn phải cõng và tiếp tục cõng trên lưng những cái thây ma mà xã hội chủ nghĩa sản sinh ra. Những cái thây ma này không chỉ làm cho người dân mất đi một phần áo cơm mà nó đang hủy hoại một công trình văn hóa vô giá mà cha ông đã dầy công vun trồng và bồi đắp.
Ðây không phải là một điều phi lý.
Ðây là một điều sỉ nhục.
Phan Kiến Quốc
No comments:
Post a Comment