Phan Kiến Quốc
Gần đây, ngày 06/3/2004, một cuộc hội thảo không chính thức nhưng gồm toàn những nhà giáo tên tuổi của Việt Nam vừa được tổ chức tại Hà Nội. Chủ đề của buổi họp là bàn về "căn bệnh nan y của nền giáo dục đào tạo nước nhà". Các ý kiến đều thống nhất: Trạng thái của nền Giáo Dục (GD) VN hiện rất không bình thường và cần phải tìm ra những "u nhọt" chính để "giải phẫu" mới mong cứu vãn. Nói đúng ra "u nhọt" rất nhiều vì nó đã tồn tại cả mấy thập kỷ và hiện này vẫn còn đang được điều hành, lãnh đạo của những "cái đầu ưu việt". Ta có thể kể ra là: Thi cử nặng nề, Chất lượng đào tạo kém, Sự bất công trong giáo dục, Gánh nặng học phí, Chế độ lương bổng bất hợp lý, Sách giáo khoa thay đổi liên tục nhưng chất lượng vẫn thấp... Trong nội dung giới hạn của bài này, chúng tôi muốn nói đến một vấn đề khác - mà ít khi được nhắc đến. Ðó là nạn "bao cấp tư duy".
Nghĩ hộ.
Bao cấp tư duy, chữ nghe đao to búa lớn nhưng ý nghĩa rất dễ hiểu. Nó cũng từa tựa như các loại bao cấp khác như bao cấp kinh tế (đã đưa cả nước xuống hố), bao cấp chính trị (đang ghìm cả nước trong hố); bao cấp tư duy là nhà nước bao thầu ráo hết mọi suy nghĩ của con người. Chả cần phải động não, chỉ việc nghe theo và làm.
Trở lại cuộc hội thảo ngày 6/3/04. Theo phát biểu của nhà văn Nguyên Ngọc, sai lầm đầu tiên và cơ bản của Bộ Giáo Dục Ðào Tạo (GDÐT) là "đã coi thường vai trò, chức năng của mình đối với sự phát triển của xã hội và đất nước, coi nhiệm vụ của mình chỉ là cung cấp cho xã hội những con người gọi là "có học", tức là biết và thuộc những điều đã được coi là chân lý chính thống để mà cứ thế tuân theo, chứ không phải là tạo nên những con người tự do - nền tảng quan trọng nhất của một đất nước tự do: Dám tự mình tìm lấy kiến thức và khám phá chân lý ". Ông nói thêm trong bức xúc: "Nền GD không tạo ra những con người biết tự học thực chất sẽ là một thứ nô lệ hoá, là nhồi sọ, ngu dân, dù là vô tình... Ðáng tiếc thay, nền GD của chúng ta lại đang đi theo chính con đường nguy hiểm này."
Nhận xét này chính xác và quá rõ, nhưng chúng tôi xin trích ra một vài thí dụ điển hình:
1. Trong một lớp tiểu học, cô giáo đưa cho các em xem một ngôi sao và hỏi các em sẽ nghĩ về điều gì. Ðại đa số các em trả lời là lá cờ (cờ đỏ sao vàng). Hơi bất ngờ một tí nhưng cô giáo cũng khen và cho các em điểm tốt. Nhưng sau đó, khi được hỏi ý kiến thì cô giáo tỏ vẻ thất vọng: Tôi đang chờ đợi những câu trả lời như cái lồng đèn ông sao, hoặc một bầu trời đầy sao lấp lánh... tại sao các em lại không tìm ra một hình ảnh nào phù hợp với lứa tuổi măng non của mình?
2. Trong các kỳ thi hoa hậu, câu hỏi thường xuyên được đặt ra là: Nếu bạn được đại diện VN đi tham dự hoa hậu quốc tế, bạn sẽ nói những gì? Thì 99,9% thí sinh đều trả lời là đại để là "em sẽ dùng tiền thưởng đi làm việc từ thiện để cho thế giới biết đến nước mình...". Tiện đây cũng xin mở ngoặc để kể một chi tiết khôi hài là các thí sinh đều phải đeo một cái "nút chai" vào lỗ tai để không nghe được câu hỏi của ban giám khảo (chỉ có mỗi câu này) và các câu trả lời của các thí sinh khác. Thế nhưng cô nảo cô nào cũng "xì" ra cùng câu trả lời trong tiếng cười vừa chán ngán vừa giễu cợt của khán giả.
Hai thí dụ trên đây mô tả toàn cảnh của một nền giáo dục ví như một học sinh, hoặc một sinh viên lúc nào cũng phải nắm lấy tay cha mẹ không dám rời. Nó có thể học giỏi nhưng buông ra là không dám quyết đoán một việc gì. Có hai khía cạnh trong việc này: một đàng, người sinh viên nói riêng và người dân nói chung - tóm lại là cấp dưới - luôn luôn bị động và không dám đưa ra một ý kiến một sáng kiến gì vì cứ sợ sai; một đàng là Ðảng và nhà nước vốn tự cho mình cái quyền bảo bọc nên lúc nào cũng nơm nớp lo cấp dưới nghĩ khác nên liên tục đẻ ra những buổi học tập về nghị quyết này về chính sách nọ, tốn kém và mất thì giờ không kể siết. Ở hải ngoại có lẽ không ai có thể tưởng tượng được rằng cho đến ngày hôm nay, các công viên chức nhà nước - cho dù trình độ học vấn của họ rất cao thỉnh thoảng vẫn bị "lùa" đi học tập nghị quyết đảng, đi nghe thuyết giảng về thời sự (trong đó một cán bộ cầm báo đọc rồi bình luận), hoặc tệ hơn, được gọi đi xem phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông... Tất cả những buổi này đều có điểm danh. Thật không khác gì con nít lên ba.
Tuy nhiên, cho dù khi nhắc đến chuyện này mọi người đều cười khỉnh nhưng nó cũng đạt được mục đích của nó là tạo cho mọi người thói quen lười động não, thụ động, không dám lấy quyết định và mất óc sáng tạo. Về vấn đề này ông Hoàng Tụy, giáo sư Toán nổi tiếng của VN có rất nhiều ưu tư về giáo dục đã nói: "Ðó là sự phát triển bệnh hoạn của giáo dục. Và cái tội lớn của kiểu học này chính là tạo ra nhu cầu giả tạo, buộc học sinh phải học ngoài giờ, tập cho họ thói quen dựa dẫm vào thầy, ngại tự học, ngại tìm tòi, suy nghĩ độc lập, cho nên cứ rời thầy ra, rời nhà trường ra là y như những con gà công nghiệp mới ra khỏi chuồng đã luống cuống tìm cách chui lại vào chuồng! Ðó là sự mất mát đáng kể nhất, vì nó ảnh hưởng đến năng lực sáng tạo, sự thông minh và tính năng động của toàn xã hội trong thời đại mà ai cũng biết những đức tính ấy cực kỳ quan trọng".
Ngày nay ở VN có xấp xỉ 10 triệu xe gắn máy. Thử hỏi ngành cơ khí nước nhà có khả năng chế tạo được bao nhiêu phần trăm trong một chiếc? Hẳn chúng ta còn nhớ chuyện anh nông dân "hai lúa" Lê Văn Danh ở Tây Ninh đã chế tạo ra chiếc trực thăng với động cơ xe Zil 130, hay chuyện anh thợ sửa xe Huỳnh Văn Nam ở Quận 2 Sài Gòn với thiết bị tiết kiệm xăng. Cả hai người chưa hề học quá lớp 9 nhưng dám lao đầu vào làm những chuyện "động trời", trong khi hơn 100 trường Ðại học, Viện Nghiên Cứu, Trung tâm Tính toán cùng tập thể hàng ngàn tiến sĩ, thạc sĩ cho đến ngày hôm nay mới chế (đúng ra là mới ráp) được chiếc trực thăng VAM-1 và chỉ mới bay cao được ... 1 mét vào ngày 29/3/04. Con người Việt Nam cần cù, thông minh và sáng tạo ở đâu? Tại sao 100 năm sau ngày anh em Wright thử nghiệm chiếc máy bay đầu tiên (1903), chúng ta vẫn chưa chế được một chiếc xe máy? Câu trả lời rõ ràng là tại cái lối giáo dục giết chết mọi tư duy, mọi ý tưởng sáng tạo. Nhất nữa là khi cái nền giáo dục này lại được đóng khung trong một cơ chế mà lãnh đạo toàn những người có tài nghĩ hộ người khác!
Bàn về chuyện này GS Tôn Thất Nguyễn Thiêm cho biết: "Hiện cứ sau 18 tháng, kiến thức khoa học của nhân loại lại được nhân lên gấp đôi. Chúng ta nhồi nhét kiến thức cho học trò như nhồi vịt, nhưng rồi chúng ta vẫn mãi mãi đi sau. Vì thế, vấn đề là phải thay đổi phương pháp dạy và học: Phải đào tạo cho học sinh một tinh thần không sợ sai thì lúc đó, khoa học mới phát triển, con người sẽ có tự do thực sự từ bên trong, GD mới có ích thực sự cho xã hội ".
Quanh vấn đề này, Ông Nguyễn Huệ Chi, một giáo sư hàng đầu của ngành khảo cổ đã viết trong bài "Kẻ sĩ không được là mình vì thiếu dân chủ" rằng: "Trong nếp nghĩ của số đông chúng ta hình như vẫn có thói quen thụ động, hễ đã có người thay mình làm việc quản lý là thôi, cứ phó mặc cho họ thay luôn cái đầu của mình".
Cái "tùng phèng"
Trở lại với giáo dục và bao cấp tư duy, đến ngày nay Bộ vẫn quy định từng tiết giáo viên phải dạy cái gì. Ðến tiết thứ "x" là toàn bộ các trường, lớp phổ thông trên toàn quốc đều đang dạy đúng nội dung "y "của môn học do Bộ định sẵn. Người thầy cứ phải múa may quay cuồng theo sự điều khiển của dây cót.
Về chuyện này một độc giả báo Tuổi Trẻ viết: cách đây 30 năm, người thầy có quyền chủ động cách giảng dạy, thứ tự bài trong sách để dạy cho học sinh. Thầy có thể dạy bài 9 rồi trở về bài 8 nếu thầy cảm thấy dạy như vậy học sinh tiếp thu tốt hơn. Ðộc giả này nói: tôi còn nhớ rõ đã từng học một giờ toán độc đáo: thay vì bắt đầu bài giảng bằng các định nghĩa khô khan, chẳng hạn như vectơ, thầy bịa ra một thứ chưa hề có trong sách mà thầy gọi là cái "tùng phèng" và gán cho nó những đặc tính cơ bản mà thầy gọi là luật chơi. Suốt buổi học hôm đó cả lớp trở nên sinh động khi chúng tôi tham dự cuộc chơi săn tìm giải pháp, ứng dụng của cái "tùng phèng". Khi xong xuôi, thầy bảo mọi người tự đọc những định nghĩa trong sách giáo khoa. Chưa đầy năm phút sau cả lớp ồ lên: "cái tùng phèng" mà hồi nãy thầy bịa ra cho tụi em chơi trong sách nó gọi là vectơ. Chúng tôi không cần học những phép tính cơ bản về vectơ nữa mà coi đó là những sản phẩm sáng tạo của mình... Ngày nay nếu có thầy nào dạy một tiết toán với quy trình "tùng phèng" như thế chắc chắn sẽ bị kỷ luật vì nhiều lý do: không bám sát sách giáo khoa, gây ồn ào trong lớp, cháy giáo án, không bảo đảm (nhồi nhét) đủ kiến thức cho học sinh...
Nói đến kiến thức lại là một chuyện quái gở khác. Ngày nay VN chúng ta đã kết thân và làm ăn với gần 150 quốc gia, mà số lượng lẫn trọng lượng giao dịch quan trọng nhất vẫn là các nước tư bản vậy mà bây giờ trên giảng đường, người ta vẫn xa xả chửi tư bản bóc lột, vẫn xưng tụng con đường tất yếu của xã hội chủ nghĩa. Trong Ðại học nơi chúng tôi công tác, các giờ Lịch sử Ðảng, Chủ nghĩa Xã hội Khoa học, Chủ nghĩa Mác Lê lại hay được bố trí vào lúc 12 giờ rưỡi, lúc mà con mắt nặng chình chịch. Tiếng cán bộ vang vang nói về cuộc họp của Ban chấp hành Trung ương kỳ thứ nào đó ở Pắc Bó, hoặc sự lãnh đạo của giai cấp nông dân, tính ưu việt và bản chất dân tộc của tư tưởng Hồ Chí Minh hoặc cuộc cách mạng thần thánh của đồng chí Castro... nghe như những tiếng kêu lạc lõng trong sa mạc - trong lúc sinh viên (còn thức) hí hoáy chép như cái máy.
Những mớ kiến thức này đem lại cho sinh viên - là những người phải vật lộn với thế giới tư bản mai sau - những gì? Nhiều em học sinh đã nói thẳng: "80% chúng em không đồng ý với những gì thầy nói nhưng cũng phải học thôi". Trong khi còn biết bao môn học khác rất cần như quản lý, kinh tế hoặc các môn chuyên ngành như toán, lý, cơ học, tin học lại không được ưu tiên giảng dạy. Về vấn đề này GS Phan Ðình Diệu cho rằng, "nghịch lý lớn nhất trong GD hiện nay là những mục tiêu mà GD đưa ra không đúng với thực tế thực hiện. Nhiều khi bắt học trò thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lê Nin mà cả thầy và trò đều không hiểu chủ nghĩa Mác - Lê Nin thực sự là gì. Thói quen thầy nói, trò nghe và nói lại đã dạy cho cả thầy và trò thói quen thụ động và nói dối".
Cũng quanh kiến thức, có rất nhiều chuyện khôi hài như việc "đưa internet đến mọi người". Nghe thì có vẻ hay lắm (nhất nữa là khi thế giới tố cáo VN giới hạn internet), nhưng trên thực tế thì không như vậy. Ngay trong những trường Ðại học hàng đầu của VN, nơi mà cáp quang "giăng như màng nhện", internet vẫn chạy với tốc độ con rùa. Bản thân tôi đã phải bỏ đi uống nước sau khi nhấp chuột 15 phút để mở một website, nửa tiếng sau trở về thì... cúp điện (mà cho dù không cúp cũng chưa chắc vào được). Nói về tình trạng này, ông Jordan Ryan, đại diện thường trú của Tổ chức Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đã khôi hài rằng ở Việt Nam, W.W.W. là viết tắt của World Wide...Wait! Cũng về internet và các kỹ thuật mới phục vụ con người, ngày nay các tụ điểm dịch vụ nở rộ với kỹ thuật ADSL. Ðúng là tốc độ khá nhanh nhưng 85% khách hàng đều vô để điện thoại, để gởi thư điện tử, chat hoặc chơi game. Internet (mà tỷ lệ người dùng ở VN là dưới 1%) như vậy hoàn toàn không ích lợi gì cho việc mở mang kiến thức cho người dân.
Một đất nước muốn đột phá thì ngành giáo dục phải sản sinh được thật nhiều những con người sáng tạo, dám nghĩ, dám làm ra những cái mới. Muốn đạt được điều đó, ngoài kiến thức, kinh nghiệm thì tư duy độc lập sáng tạo đóng vai trò quyết định.
Kiến thức có thể nhồi nhét nhưng tư duy thì không. Ðể phát triển tư duy thì bản thân học sinh phải tích cực tự giải quyết các vấn đề càng trọn vẹn càng tốt, vai trò của thầy cô là hướng dẫn những bước căn bản và gợi mở khi cần thiết.
* * *
Cuộc hội thảo ngày 06/3/04 vừa qua hoàn toàn không có sự hiện diện của Bộ Giáo Dục. Họ trả lời rằng: "những vấn đề ấy anh em biết cả nhưng vì ở trong hệ thống nên rất khó nói...". Tôi nghĩ họ đã trả lời chân thành. Với tư cách là một nhà giáo, tôi có thể xác minh rằng tuyệt đại đa số nhân viên từ cán bộ giảng dạy đến cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu, từ thầy đến trò đều nhìn thấy những vướng mắc, những bế tắc không thể tháo gỡ được của cái cơ chế - hay gọi đúng cái tên của nó - của chế độ.
Chúng ta phải công nhận rằng tương lai nền giáo dục nước nhà không có gì đáng lạc quan.
No comments:
Post a Comment