Phan Kiến Quốc
Cá Tháng Tư là một thói quen của người Pháp vào mỗi ngày 1/4 hàng năm. Ngày ấy mọi sự giễu cợt đều được châm chước nên người ta tha hồ chọc ghẹo, phá bĩnh hay lừa gạt nhau.
Từ hồi theo nền "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", trong nước đã bắt đầu làm quen với từ này. Nhưng không chỉ làm quen suông mà còn áp dụng triệt để nữa là đằng khác. Với những gì xảy ra trong tháng 4/04 vừa qua, ta có thể khắng định rằng nhà nước Việt Nam là những kẻ ưa cái trò chơi này nhất.
Biến cố Tây Nguyên 10/4/04
"Tờ mờ sáng 10/4, có cả ngàn đồng bào Êđê gồm thanh niên nam nữ, thiếu niên, già làng... từ 30 thôn buôn trong tổng số 532 thôn buôn thuộc huyện Chư M'Ga, Krông Ana và thành phố Buôn Ma Thuột đã tràn ra quốc lộ 14, quốc lộ 27 và tỉnh lộ 8 nhắm về hướng Buôn Ma Thuột. Họ có trên 230 chiếc máy cày và hàng trăm mô tô, xe máy chở cả ngàn người có mang hung khí. Dọc đường, vào các trường học bắt cóc học sinh đưa ra máy cày chở đi. Một số quá khích đã vào các quán ăn dọc đường đập phá và cướp lương thực (...) Rất nhiều cử tri mà chúng tôi gặp đều có chung một câu trả lời rằng chính họ bị Kok Ksor bên Mỹ thông qua tay chân trong nước lừa phỉnh đi làm điều sai trái (...) Có thể khẳng định rằng hầu hết đồng bào dân tộc bị dụ dỗ lôi kéo.: "Họ bảo chúng tôi đi, ra đó sẽ được cấp nhà ở, ai muốn đi Mỹ thì có máy bay đưa đi. Họ còn hứa hẹn rằng ai đi biểu tình sẽ được cấp tiền, người lớn được 20 ngàn, trẻ em 10 ngàn..."
Trên đây là bài phóng sự trên các báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên vài ngày sau biến cố. Theo những thông tin này thì người ta có thể đoán được số người biểu tình nhiều hơn là con số "cả ngàn" (đã nêu ở trên một cách rất chung chung) và những người này rất hung hăng. Tuy nhiên một câu hỏi ít được nêu lên (và có lẽ sẽ chẳng bao giờ được nêu lên) là:
1. Tại sao biến cố tháng 2/2001 chỉ mới đây thôi mà chính quyền không rút ra được một bài học nào? Ngày ấy cũng vẫn "kích động của Ksor và với sự cấu kết của các nhóm phản động lưu vong" ở tuốt luốt bên Mỹ mà chỉ điều khiển "bằng điện thoại" - vậy mà hai năm sau - với mọi quyền sinh sát trong tay nhà nước vẫn để tình trạng tiếp diễn? Hai năm trước, nhà nước đã thú nhận có nhiều sai sót, quan liêu trong chính quyền xã, cán bộ xa rời dân... Tiếp đó nhà nước đã đầu tư hàng trăm tỷ để xây 56 trường học, 21 công trình thủy lợi, mở các chương trình phát thanh bằng tiếng dân tộc, tổ chức các hội nhạc cồng chiêng...tất cả nhằm để bà con hiểu rõ chính sách của Ðảng và nhà nước. Vậy mà với chỉ 20 ngàn (1,5 USD) với các lời hứa cũ rích mà bà con dám vác những chiếc máy cày trên dưới 5000 USD, những chiếc mô tô ra biểu tình, mà họ biết rõ rất có thể bị tịch thu? !
2. Sau bài học 2/01, nhà nước đã liên tiếp hội họp để kết luận về tổ chức cán bộ. Tại sao chỉ với vài cái máy fax, vài cái computer, vài cái điện thoại cộng với vài "tên phản động địa phương" mà chúng lại gầy dựng lại một cuộc biểu tình quy mô như thế? Cán bộ chúng ta ở đâu?
3. Tại sao phải đợi 3 ngày sau phát ngôn viên Lê Dũng mới lên tiếng và hơn 1 tuần sau báo chí mới đăng tải phóng sự? Phải chăng sự thực là một lẽ và chờ đợi quyết định "đăng cái gì" của "trển" là một lẽ khác?
4. Cuối cùng, theo mô tả của báo chí trong nước thì họ (người biểu tình) rất hung hăng. Xông vào trường học, quán ăn cướp phá, lại còn hành hung cả công an khiến 40 "chiến sĩ" phải nhập viện. Nhưng một điều rất khó hiểu là tại sao không đưa những hình ảnh ấy lên truyền hình cho mọi người xem? Các bài phóng sự nói rằng cuôc biểu tình đi từ các buôn thôn rất xa và chỉ bị công an chặn đứng khi cách Buôn Ma Thuột 2 cây số. Trong thời gian ấy, nhà nước đã có đủ thời gian để chuẩn bị máy quay phim, máy ảnh... tại sao không khai thác? ! Trong chiến tranh chỉ có bức hình tướng Loan bắn chết một cán binh việt cộng mà cả miền Nam phải điêu đứng. Cộng Sản vốn là vua khai thác truyền thông chẳng lẽ lại sai lầm đến mức ấy?
Ngày hôm nay tình hình đã tạm yên nhưng sẽ còn yên được đến bao lâu? Thiết nghĩ cho đến ngày nào tất cả những sự thật không được mang ra ánh sáng và nhà nước vẫn giữ thái độ che đậy, thì những đe dọa tiềm ẩn sẽ còn có nguy cơ bùng phát trở lại.
Quanh chuyện Tây Nguyên, 10 ngày sau, không biết tình cờ hay cố ý, Nông Ðức Mạnh, Tổng bí thư đảng đi thăm đồng bào Cọi ở huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh đã phán một câu xanh rờn: "Ðồng bào ta đều là con cháu Bác Hồ". Tôi còn nhớ hôm ấy một bạn đồng nghiệp cất to giọng đọc câu ấy cho cả phòng nghe, Cả phòng không có một tiếng trả lời, mọi người vẫn chăm chú làm việc riêng. Bỗng đâu đó có tiếng thở dài - một cái thở dài cố ý và dài thườn thượt - rồi một giọng khe khẽ: "ai con ai người ấy biết". Vài người ngẩng lên đưa mắt nhìn tác giả của câu nói "phản động" ấy. Mỗi người nhìn một cách khác nhưng theo tôi thì những ánh mắt ấy đều muốn nói một điều: "Gớm! sao chú nói đúng ý mình thế. Nhưng mà cẩn thận chỉ nên nói ở đây thôi nhé bố già...". Tôi thiết nghĩ việc ấy ngày nay trong nước hầu như mọi người đều biết chuyện ấy.
Trở lại câu tuyên bố chắc nịch của "anh Mạnh" (mình đều là con cả mà? ! ) ngày 20/4, thì một tuần sau rơi đúng vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Chẳng biết có phải để trả lời cho câu nói trên hay không nhưng năm nay đồng bào đi hội rất đông. Người ta ước tính có khoảng 1 triệu người - trong đó có nhiều người ở hải ngoại - đổ về đền Hùng tại Phong Châu (tỉnh Phú Thọ) để hành hương cho dù năm nay không phải là lễ chính (năm năm một lần). Ngay tại Sài Gòn, lễ Giỗ đã diễn ra tại nhiều tụ điểm khác nhau, nhưng trọng thể nhất vẫn là tại Bảo tàng Lịch Sử với sự tham dự của các quan chức hàng đầu thành phố. Tại đây một viên chức đã tuyên bố: "Cả dân tộc Việt Nam có chung một Tổ, cùng chung ngày giỗ Tổ. Ðồng bào chúng ta từ ngàn xưa, hôm nay và mãi mãi đều khắc sâu vết tích cội nguồn".
Giữa họ với nhau còn khập khiễng như thế thì giữa họ với dân phải toàn là những lời hoa mỹ nhưng bịp bợm,
Bầu cử Hội Ðồng Nhân Dân 3 cấp: ngày 25/4/04.
Phải nói đây là đỉnh điểm của sự dối trá. Ngay từ những ngày đầu năm 2004, báo đài đã chuẩn bị cho kỳ họp này, và như để đánh bóng cho bộ mặt dân chủ và tiếp tục ru ngủ người dân, các lãnh đạo Ðảng, Nhà Nước và Mặt Trận Tổ Quốc liên tiếp đòi hỏi cuộc bầu cử phải diễn ra dân chủ, đúng luật pháp! Và để cho kết quả có màu sắc hơn, họ lớn tiếng kêu gọi "phấn đấu" cho có nhiều đại biểu ngoài đảng hơn, nhiều tôn giáo hơn, nhiều phụ nữ hơn, trẻ hơn và sau những chỉ dấu bất ổn trên Tây nguyên thì lại nhiều đại biểu dân tộc hơn. Quái lạ! tại sao phải "phấn đấu", làm như thực hiện những điều ấy là khó khăn lắm không bằng?
Ngày hôm nay đây sự quan tâm của người dân đến những cuộc bầu bán như thế này còn ít hơn là một ổ bánh mì thịt hoặc một tô hủ tíu. Trước ngày bầu cử tôi đã thấy các tổ trưởng (mỗi tổ khoảng 25,30 gia đình) đi lùa dân như lùa vịt đến tham dự các buổi "tiếp xúc cử tri". Phải nói đúng rằng không khí buổi tiếp xúc rất nghiêm túc, nhưng cũng như mọi hình ảnh trong xã hội Việt Nam ngày nay: tất cả đều giả tạo. Số người đi họp chỉ khoảng 2/3 (cho dù đã đi lùa), nhưng có nhiều gia đình đưa người ở, con nít đi họp thế (mạng). Gọi là tiếp xúc nhưng chỉ nghe người dẫn chương trình và ứng cử viên nói, còn cử tri thì cậy miệng cũng không lấy được một tiếng. Gò ép mãi cũng tìm được ba bốn người phát biểu chung chung, lẩm cẩm, chẳng đâu ra đâu rồi hết. Ai về nhà nấy, và dĩ nhiên trên đường về là toàn những giai thoại mà chẳng ai dại gì nêu ra trước đó vài phút!
Riêng nói về các ứng cử viên, một trong những đề tài được báo chí (chứ không phải người dân) nói đến nhiều nhất là vấn đề kê khai tài sản. Mục đích là gạn lọc ra được những người thanh liêm nhất. Tuy nhiên khi đem ra áp dụng thì không suôn sẻ chút nào, thậm chí nhiều ứng viên còn dọa rút tên! Và vì việc này sẽ tạo ra nhiều xáo trộn cho "những sắp xếp" ban đầu của "trển" nên sau cùng "trển" cũng tìm ra giải pháp trung dung là bắt buộc khai báo nhưng không công khai hóa! Khi bị vặn hỏi thì phát ngôn viên chính phủ cũng trả lời rất... huề tiền: "Thực sự nếu kê khai mà không công khai thì cũng không có giá trị gì. Nhưng khi nào có khiếu nại, tố cáo thì lấy hồ sơ ra mà thẩm tra".
Ðến cái "ngày hội của toàn dân" 25/4/04 thì thật khổ. Trên giấy tờ thì nói giờ bỏ phiếu từ 7 đến 18 giờ nhưng mới bảnh mắt ra đã thấy bà con hối hả đi bầu. Ở Việt Nam bầu cử không những là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ nữa. Mà đã gọi là nghĩa vụ thì bắt buộc. Không bầu không xong. Không đi bầu được thì "ông" vác thùng phiếu đến tận nhà. Chính vì nô nức quá mà có địa phương như Quảng Nam mới đến 10 giờ đã có hơn 80% cử tri đi bầu, và cuối cùng cả nước có hơn 95% đi bầu; một tỷ lệ chỉ thấy ở Cuba và Bắc Hàn. Có phóng viên ngoại quốc nào quan sát thì chắc chắn sẽ chứng kiến một không khí dân chủ và phấn khởi. Dân chủ vì thấy cũng có phòng kín, cũng có xét thẻ cử tri. Phấn khởi vì thấy "hàng hàng lớp lớp" xếp hàng thi hành "nghĩa vụ công dân". Lại là một trò bịp!
Người ta kéo nhau đi bầu là để rảnh rang mần chuyện khác và nhất là khỏi bị công an dòm ngó để mai này có xin giấy tờ gì thì cũng không bị rầy rà. Thế nên cho dù Luật có ghi rõ ràng là phiếu ai nấy bầu, muốn bầu thế phải có giấy ủy quyền, vậy mà có những người vác một xấp 10 thẻ cử tri vẫn được bầu 10 phiếu. Dễ người dễ ta, bầu "hội đồng" như thế thảo nào chỉ đến trưa là bầu xong 100% . Dân thoải mái mà cán bộ cũng được về sớm. Chẳng ai hơi sức đâu để ý đến chất lượng và quy cách của cuộc bầu.
Nói đến chất lượng thì lại là một chuyện khôi hài vĩ đại. Cả nửa năm trước ngày bầu cử các lãnh đạo thi nhau đòi hỏi cuộc bầu cử phải có được nhiều đại biểu ngoài đảng hơn, nhiều tôn giáo hơn, nhiều phụ nữ hơn, trẻ hơn và sau những chỉ dấu bất ổn trên Tây nguyên thì lại nhiều đại biểu dân tộc hơn. Tại Sàigòn, Hội Ðồng Bầu Cử dự trù ở cấp thành phố sẽ có thêm 5 đại biểu dân tộc thiểu số, 15 người ngoài Ðảng, 4 tu sĩ trong Hội Ðồng mới. Và "bất ngờ" làm sao, khi công bố kết quả đúng y chang như dự đoán. Làm như người ta đã sắp xếp trước vậy! Ðảng đã sắp xếp nhân sự trong Ðảng và còn chi phối đến người ngoài. Tài thật!
Tuy nhiên nói thế cũng oan cho Ðảng vì cũng có những việc trái với dự tính chẳng hạn như số người tự ứng cử (mà không thông qua Mặt Trận Tổ Quốc). Nhà nước mong có nhiều loại ứng viên này (?) nhưng đợi mãi cũng chỉ có 11 người nộp đơn, 6 đơn được chấp thuận và chỉ 1 đắc cử. Tôi tự hỏi với làm quái gì mà Ðảng phải bày vẽ ra những dự định nhân sự như thế để mang tiếng là "sắp xếp trước"? Tôi tự hỏi cho dù 15 người ngoài Ðảng cộng thêm với vị tự ứng cử trên thực sự độc lập và có những ý kiến khác thì có làm được gì khi họ chỉ chiếm vỏn vẹn 17%? Nhưng qua những con số này người ta thấy chẳng có gì gọi là dân chủ, là nô nức, là háo hức của cử tri lẫn ứng cử viên; và qua những sự kiện này thì tất cả chỉ là một trò bịp.
* * *
Tuy nhiên nếu gọi đây là những trò bịp thì tôi mạn phép đề nghị nên "quốc hữu hóa" con Cá Tháng Tư cho chắc ăn. Vì ở Việt Nam, tháng nào cũng là tháng tư cả.
No comments:
Post a Comment