Wednesday, March 26, 2003

Thấy gì qua Nghị Quyết Ðại Ðoàn Kết Dân Tộc?


Phan Kiến Quốc

Ngày 20/3/2003 vừa qua, Ban chấp hành trung ương đảng CSVN vừa nhóm họp và ban hành Nghị Quyết lần thứ 7 (khóa 9) với nội dung liên quan đến 3 vấn đề - nhưng đúng ra chỉ quanh một vấn đề chính - vấn đề gai góc đang tạo ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của đảng: đại đoàn kết dân tộc.

Nghị Quyết nêu lên và phân tích chi tiết 3 vấn đề nổi cộm: đại đoàn kết, vấn đề dân tộc và tôn giáo. Cả 3 vấn đề đang gặp những khó khăn nghiêm trọng mà tựu trung chúng đến từ các nguyên nhân sau:

- bất công lan tràn trong xã hội, tình trạng tham nhũng, hối lộ làm dân chúng chán ngán, xa rời với các guồng máy đảng và nhà nước khiến các chính sách, các vận động không đạt hiệu quả.

- những "diễn biến phức tạp" trong một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã đào sâu hố phân cách giàu nghèo giữa thành thị với thôn quê, và ngay cả giữa thành thị với thành thị ngày càng sâu khiến một bộ phận "không nhỏ" trong xã hội xa rời với đảng.Tình trạng khiếu kiện của người dân càng lúc càng nhiều.

- tình hình tại các vùng Tây Nguyên, Tây Bắc và những vùng có đông người "dân tộc" (người thiểu số) chưa thực sự được ổn định. Vấn đề tranh chấp đất đai và tôn giáo vẫn còn là những ngòi nổ âm ỉ.

- khả năng kiểm soát và thao túng các tôn giáo lớn không như ý muốn củaa đảng. Các giáo hội "quốc doanh" và nhân sự được nhào nặn không đủ cân lượng để tạo niềm tin trong giáo dân chứ đừng nói gì đến việc thay thế các giáo hội chính thống. Mặt khác, ngày càng nhiều các vụ khiếu kiện đòi lại đất đai, tài sản của giáo hội bị trưng thu.

- ý thức và khả năng của cán bộ kém, không giải quyết rốt ráo các vấn đề. Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam đã không giữ được vai trò của mình là vận động, đoàn ngũ hóa người dân đi theo đảng. Công tác dân vận không đạt.

- và sau cùng, các thế lực thù nghịch ngày đêm chống phá công cuộc xây dựng và tiến lên xã hội chủ nghĩa. Chúng thường xuyên xuyên tạc, vu khống, lôi kéo, vận động,... gây tai hại nghiêm trọng đến an ninh quốc phòng chia rẽ và phá hoại khối đại đoàn kết để gây ly gián, chia rẽ nội bộ đảng, nhà nước và nhân dân.

Ðọc suốt bản nghị quyết này thì thấy các diễn biến tiêu cực thì rẫy đầy nhưng các biện pháp xem ra không có gì mới, cũng vẫn toàn những điều cũ rích như: tăng cường và phát huy vị thế lãnh đạo của đảng, tích cực và tham gia xây dựng bảo vệ đảng, đẩy mạnh giáo dục ý thức chính trị, mở rộng dân chủ (làm như Việt Nam đã có dân chủ từ bao đời), xây dựng đội ngũ quản lý, thu hút các tầng lớp thanh niên vào các phong trào ngoại vi do MT quản lý... Các biện pháp này còn mang tính cách mị dân, lừa bịp bằng những con số như đến năm 2010 phải giảm hộ nghèo tại các vùng có người dân tộc xuống dưới 10% trong khi ngay tại TP Hồ Chí Minh là nơi chiếm 1/4 tổng sản lượng của các nước - trên 300 phường xã mới chỉ có 3 được công nhận là không còn hộ nghèo (được gọi là nghèo nếu mức thu nhập dưới 3 triệu đồng/năm, tương đương 200 USD/năm).

* * *

Nhưng một điều thật khó hiểu khi một nhà nước, một đảng phái được bầu lên với một tỷ lệ 98% cách đây chưa đầy một năm lại lên tiếng báo động thiếu đoàn kết. Vả lại, thiếu đoàn kết thì đã sao? đừng so sánh với các nước Âu Mỹ nhưng hãy thử nhìn chung quanh - từ Thái sang Phi - là hai nước có dân số xấp xỉ Việt Nam, đều là những dân tộc tương đối gần gũi nhau - ở những nước này, trung bình cứ 5, 7 năm là có một biến cố chính trị hoặc một biến động xã hội mà họ đâu có đặt vấn đề ra một cách nghiêm trọng như Việt Nam, một quốc gia tỷ lệ đắc cử hầu như "tuyệt đối". Cả hai nước này đều có những khó khăn về chủng tộc, về tôn giáo, về chính trị, cũng cần sự đoàn kết toàn dân nhưng đâu có đặt nó như một vấn đề sinh tử như đảng ta, một đảng cai trị không hề có một tiếng nói đối lập, một đảng kiểm soát từ cái lông cái tóc người dân. Không lẽ chúng ta cứ mang hậu quả chiến tranh ra để biện minh? Mà nếu biện minh thì tại sao lại biện minh cho sự mất đoàn kết? Trong nghị quyết 10.000 chữ này không hề một lần nhắc đến hậu quả chiến tranh.

Vậy thì sự mất đoàn kết nó đến từ đâu và tại sao cả Ban chấp hành trung ương đầy quyền uy phải "nháo nhào" lên như thế? Vì những lý do sau:

Người cộng sản đã biết rất rõ và biết từ lâu về suy nghĩ của người dân đối với đảng. Tất cả những gì viết trên báo và phát trên đài đều chỉ phản ảnh không đầy 10% sự thật. Sự thật là người dân, trong đó có rất nhiều đảng viên không đồng tình với chính sách của đảng, nếu không muốn nói là bất mãn. Những "ý đảng lòng dân", "lòng tin sắt đá vào đảng" ...đều là những câu nói suông và trống rỗng. Nhưng trong xã hội Việt Nam ngày hôm nay, không ai còn dũng cảm đứng lên nói những điều mình nghĩ hay nói hộ cho người khác. Một nhà báo đã từng viết "Trong xã hội ta đang tồn tại một hiện tượng: làm ngơ cho đến lúc không thể làm ngơ. Vậy đằng sau sự làm ngơ trước những đau khổ của đồng loại ấy là gì, phải chăng lại là sự thao túng của đồng tiền và sự xuống cấp về đạo lý" (Nhị Ngọc, Pháp Luật 13/1/03). Thái độ mũ ni che tai trước những vấn nạn trong xã hội, của đất nước, trước những đau khổ của tha nhân đã ngự trị trong con người Việt Nam và ngày càng lan rộng trong cộng đồng. Ðối với đảng, sự thờ ơ này đã giúp cho họ tiếp tục ngự trị nhưng đồng thời nó lại tạo ra một sức ì vô cùng to lớn: ngày nay đảng khó có thể vận động người dân tham gia giải quyết các vấn đề của đất nước. Các phong trào như xây nhà tình thương (cho các bà mẹ cán binh cộng sản), quyên góp, các cuộc mít tinh, hội thảo, các buổi học tập nghị quyết... đều mang nặng tính hình thức và không có một kết quả cụ thể.

Gần đây nhất ta có thể thấy qua các cuộc mít tinh phản đối Mỹ đánh Irak. Các trường học, các đoàn thể được các cơ quan chủ quản điều động đến nơi biểu tình gióng kèn đánh trống và hô những khẩu hiệu đã soạn sẵn. Ðể có sắc thái dân tộc, nhà nước còn cho "điều" các thôn nữ trên bản trên làng, những người suốt đời chỉ biết cây ngô cây sắn xuống để biểu dương tình đoàn kết với nhân dân Irak, một nước mà có lẽ chưa đến 10% người đi biểu tình biết nó nằm ở đâu! Tất cả đều diễn ra trong 3 ngày, đến ngày 25 - đúng là ngày cường độ chiến tranh trở nên khốc liệt thì hoàn toàn im ắng. Người ta có cảm tưởng đảng chỉ muốn phản đối đến đấy rồi thôi. Còn người dân thì ì ra đấy, bảo hô là hô, bảo phất là phất. Sự thụ động này là kết quả của bao năm đảng "suy nghĩ hộ" cho dân.

Trong tầng lớp trí thức, sự thụ động này mang một hậu quả khá quan trọng. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, một người có nhiều công trình về khảo cổ và nghiên cứu về dân tộc học đã viết: "Có xã hội công dân, tức là có quyền làm chủ tư tưởng của mình, có quyền phản bác người khác hay là người trên mình và đặc biệt có một lớp người cấp tiến đại diện và phát ngôn cho tư tưởng của mình. [...] Ở những nước văn minh, tầng lớp trí thức phải đóng được vai trò này. Ở chúng ta thì ai? Sự chọn lọc tự nhiên không có nên phải thay bằng sự chọn lọc nhân tạo, bộ máy đảng và chính quyền kiêm luôn việc định hướng ấy [...] Bởi thế trong nếp nghĩ của số đông chúng ta vẫn có thói quen phó mặc cho họ thay luôn "cái đầu" của mình. Diện mạo trí thức chúng ta hôm nay xét kỹ vẫn chưa khác xa sĩ phu thuở xưa bao nhiêu. [...] Và lý do khiến kẻ sĩ không còn là mình vì thiếu dân chủ. Theo tôi, đã đến lúc cần phải nghiên cứu những cái khác với cái truyền thống được coi là bình thường này. [...] Kẻ sĩ của chúng ta phải có tầm nhìn như vậy" (Nguyễn Huệ Chi, Công Ðoàn, Ðặc San Xuân Quý Mùi 2003)

Sự thụ động này ăn sâu vào suy nghĩ và hành động con người, nó dần dẫn đến tình trạng ý thức công dân suy đồi. Và đây là một vấn đề vô cùng trầm trọng trong xã hội Việt Nam. Bao lâu người ta còn bình tâm vứt một con chuột chết ra đường hoặc tọng nguyên một bao đựng ống hút plastic - là một chất không tự hủy - xuống cống thì ngày đó vẫn còn cảnh đường xá nhếch nhác, cống rãnh ứ đọng. Bao lâu người ta còn ngang nhiên chiếm lòng lề đường, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều thì đừng nói đến "nếp sống văn minh của người Sài Gòn" như dự thảo của Hội Ðồng Nhân Dân TPHCM cho năm 2003. Bao lâu người ta còn nhẫn tâm đốn hàng trăm hecta rừng gỗ quý thì ngày đó còn phải sống chung với lũ lụt cùng các mất mát về sinh thái, môi trường. Bao lâu người ta còn bỏ túi 30% tiền đầu tư vào xây dựng cơ bản thì ngày ấy vẫn còn cảnh công trình kém chất lượng và ngân quỹ thất thoát trầm trọng. Tất cả những thứ mất mát ấy không thể chỉ tính ra bằng tiền mà còn là một sự thụt lùi hàng chục năm so với các nước trong vùng. Tất cả những thứ ấy đều do ý thức công dân quá kém, hậu quả của hàng chục năm sống với thành tích ảo, với sự bao che, dung túng, nói tóm lại với một sự giả dối, lừa bịp.

Riêng về khía cạnh tôn giáo được nêu lên trong bàn nghị quyết này đã cho thấy đây là một vấn nạn không nhỏ. Ðảng đã nhào nặn ra hai giáo hội Phật giáo và Tin Lành, một Ủy Ban Ðoàn Kết Công Giáo, và cứ vài năm lại tổ chức linh đình các Hội nghị cho các giáo hội trên, cắm đủ thứ ăng-ten vào các chùa, các nhà thờ, khuyến khích nhiều tu sĩ vào Mặt Trận Tổ Quốc, cho xây nhà thờ, chùa chiền đồ sộ... Tất cả những áp lực và vuốt ve đó cũng chưa làm cho đảng an tâm và hầu như nó có tác dụng ngược. Càng buông lỏng, các tín hữu lại trở về với các giá trị, với giáo hội, với giáo lý truyền thống và xa rời với các tổ chức có bàn tay ảnh hưởng nhà nước. Ðức Cha Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục Sài Gòn trong lá thư ngày 15/12/2002 đã viết: "Phát huy tinh thần liên đới trong cộng đồng dân tộc. Tình liên đới chỉ được xây dựng và phát huy vững bền trên nền tảng tôn trọng con người và các quyền của họ, tôn trọng sự tự lập chính đáng và quyền tự quyết của mọi tổ chức công dân, tôn trọng các giá trị đạo đức trong truyền thống văn hóa. Tình liên đới đòi hỏi phải nhìn xa hơn bản thân của tổ chức, của phe phái để phục vụ cho sự phát triển vững bền, cho sự thăng tiến lâu dài của con người, gia đình và xã hội". Giáo hội truyền thống không chấp nhận một sự đoàn kết kiểu quốc doanh.

Tất cả những "diễn biến tiêu cực" này đảng đều biết và biết từ rất lâu nhưng tại sao bây giờ mới lên tiếng báo động? Có nhiều nguyên nhân.

Trước tiên niềm tin vào đảng đang suy sụp trầm trọng - đặc biệt qua các sự kiện gần đây: vụ cháy ITC, vụ xét xử Năm Cam, cộng thêm với nạn tham nhũng nở rộ lên như nấm sau mưa, càng làm gắt càng thấy nhiều và phức tạp vì cơ chế chồng chéo. Vụ Irak gần đây cũng cho thấy khả năng vận động và kết quả quá ư khiêm tốn càng làm lộ rõ sự mất tin tưởng hay đúng ra chỉ tin tưởng trên báo chí và khẩu hiệu.

Tất cả những phức tạp trong xã hội hiện nay muốn giải quyết rốt ráo cần phải có sự đồng tình tham gia của đông đảo tầng lớp nhân dân cũng như sự thi hành nghiêm chỉnh, trong sáng của cán bộ. Hai việc này to lớn còn hơn lấp bể vá trời, nhưng có lẽ theo đảng, việc thứ nhất xem ra dễ làm hơn. Vả lại có thất bại thì có lẽ cũng chẳng ai biết, vì bản thân bản nghị quyết 7, ngay cả đảng viên cũng còn chưa biết nữa là...

Một lý do khác, sự đấu tranh bền bỉ của các thành phần đối kháng trong nước, dù nhỏ nhoi, khiêm tốn nhưng cũng có một hiệu quả nào đó trong nhân dân và gặt hái được sự ủng hộ của nhiều đoàn thể, chính giới ngoại quốc. Song song, nỗ lực của đồng bào hải ngoại và các phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền không ngừng nghỉ từ bao năm qua cũng đã góp phần không nhỏ vào suy nghĩ của đồng bào trong nước cũng như tạo một áp lực thường xuyên lên nhà cầm quyền. Trong bản nghị quyết trên, các "thế lực thù địch" đã được nhắc đi nhắc lại 15 lần.

***

Ðối với những quốc gia còn đang gặp nhiều khó khăn, đại đoàn kết dân tộc là điều kiện cần thiết. Ðối với đảng CSVN, có lẽ nó là vấn đề sinh tử, nhưng chắc chắn rằng nghị quyết này cũng sẽ rơi vào quên lãng vì chẳng ai để ý đến nó và nhất nữa, dân tộc lúc nào cũng đoàn kết nhưng chỉ có điều đây là thứ đoàn kết không như ý đảng muốn.

Sài Gòn, 25/3/2003

Phan Kiến Quốc

No comments:

Post a Comment