Wednesday, April 30, 2003

Tản mạn ngày 30 tháng 4

Phan Kiến Quốc

Sài Gòn, 30/4/2003, 11 giờ trưa. Ðường xá hôm nay vắng hơn mọi khi. Nhiều người đã lợi dụng hai ngày nghỉ để đi xa hoặc ở nhà.

Tôi thuộc loại người thứ hai.

Vào thời điểm này 28 năm về trước, một đoàn xe tăng của cộng sản húc đổ cổng Dinh Ðộc Lập. Một chế độ cáo chung, một chế độ mới được thiết lập.

Ngày hôm nay. Ðứng ngắm nhìn thành phố. Cũng một đoàn xe, nhưng là một đoàn xe hai bánh đang lưu thông trên đường. 99% vượt đèn đỏ!

28 năm sau, Việt Nam nói chung và bộ mặt "hòn ngọc Viễn Ðông" nói riêng có thay da đổi thịt. Nhưng bộ mặt đường phố, bộ mặt xã hội vẫn còn đầy rẫy những xấu xa, tệ hại, bất công, nghèo đói.

28 năm sau. Chế độ vẫn thường tự hào đạt mức tăng trưởng cao nhất Á châu. Nhưng trong một bài viết gần đây, cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt đã thú nhận Việt Nam vẫn còn là một trong những nước nghèo nhất thế giới, và với đà tăng trưởng này, 60 năm nữa, chúng ta sẽ bắt kịp... Thái Lan, một nước mà chúng ta đã từng sánh vai trước năm 1975.

60 năm nữa Thái Lan sẽ không ở đó mà đợi chúng ta, và ngay ngày hôm nay, 28 năm sau chiến tranh, Việt Nam vẫn còn loanh quanh bên mấy cái đèn đỏ, mấy con kênh, mấy sô nước mùa khô (để uống) và mấy sô nước mùa mưa (để chống lụt).

***

Sau khi chiếm được miền Nam, chế độ cộng sản đã lùa dân đi khai mương, khai thông các con rạch đen quánh. Nhiều người lúc ấy dù sợ, dù buồn nhưng vẫn thấy đây là một công việc hữu ích và là một thành công của chế độ. 28 năm sau. Cũng vẫn con kênh ấy, nhưng không phải là một màu xanh như họ thường hứa hẹn mà nó còn ô nhiễm và bẩn thỉu hơn gấp trăm lần khi trước. Hiện nay Sài Gòn có tổng cộng 5 con kinh với chiều dài tổng cộng 76km. Mỗi ngày chúng phải gánh gần 100 tấn rác, cộng thêm với 53.000 tấn đang có sẵn, người ta không biết đến bao giờ thì chúng sẽ ngừng chảy. Hiện nay là mùa khô, có nhiều nơi lòng sông cạn đến đáy, các thuyền bè neo bến đều "đậu" trên bùn và người ta phải ngày đêm sống chung với những mùi xú uế ngoài sức tưởng tượng. Trong những điều kiện ấy, 43.000 gia đình lấn chiếm giòng chảy, nheo nhóc sống trong những điều kiện vệ sinh vượt mức báo động và ngày ngày vẫn góp phần vào "công cuộc" ô nhiễm hóa môi trường kinh rạch.

Sau 28 năm, người ta không biết đến bao giờ các giòng kinh có được màu xanh như kẻ chiến thắng đã hứa!?

***

Trong những năm tháng chiến tranh, bộ máy tuyên truyền cộng sản đã không ngừng tố cáo các xấu xa quân đội Mỹ đem đến, đặc biệt là ma túy và mãi dâm. Họ nói chỉ riêng Sài Gòn đã có 200 ngàn gái mãi dâm - và điều này cũng lừa được nhiều người, trong đó có nhiều trí thức. Mãi đến sau này, một nữ cán bộ cao cấp đã thố lộ rằng ngay cả trong chiến tranh bà ta cũng thấy con số này quá lố, vì Sài Gòn lúc ấy chỉ khoảng 1,8 triệu, cho như nữ chỉ chiếm một nửa là 900 ngàn, trừ đi 30% là người già và con nít thì chỉ còn khoảng 600 ngàn. Như thế cứ 3 phụ nữ là có một gái mãi dâm, nghĩa là hầu như gia đình nào cũng có, kể cả gia đình tôi - tức người nữ cán bộ ấy.

Con số này ngày nay hầu như không được nhắc tới - có thể vì ngượng - nhưng có thể vì tình trạng mãi dâm bây giờ còn vượt xa cái mức ngày xưa (cái mức thật sự). Theo Ủy Ban Nhân Dân TP-HCM thì hiện nay trên địa bàn thành phố (chỉ) có khoảng 20 ngàn gái mãi dâm (trên tổng số 6 triệu dân quả là quá ít so với tỷ lệ 200 ngàn/1,8 triệu trước 75! ! ). Nhưng đây là con số kiểm soát được, con số thực thì không ai biết. Mà mãi dâm lại kéo theo ma túy và HIV. Theo thống kê chính thức, Sài Gòn ngày nay có khoảng 25 ngàn con nghiện và 14 ngàn nhiễm HIV. Con số thực được Tổ Chức Y Tế Thế Giới ước lượng nhiều hơn gấp 5 lần. Tỉ lệ nhiễm HIV lây lan qua gái mãi dâm lên đến 26%. Ðây là một con số kinh khủng vì ở Thái Lan, trong những thời điểm nóng nhất của đại dịch HIV thì tỉ lệ này chỉ mới 18%. Phải 60 năm nữa chúng ta sẽ bắt kịp Thái Lan về kinh tế, nhưng về khía cạnh này, dưới sự lãnh đạo anh minh của đảng cộng sản và tư tưởng Hồ Chí Minh, chỉ 28 năm, chúng ta đã qua mặt họ!

Trong bài phỏng vấn nhân ngày 30/4/2003, Nguyễn Minh Triết, bí thư thành ủy TP-HCM đã hùng hồn tuyên bố sẽ "cơ bản ngăn chặn nạn ma túy mãi dâm". Một điều mà ngay ký giả phỏng vấn cũng thấy khó làm. Cách đây hơn một năm, vào tháng 1/02, lúc con nghiện là 15 ngàn, nhiễm HIV 9.600, ông Triết cũng đã tuyên bố từa tựa như thế.

28 năm trước, con số 200 ngàn gái mãi dâm ở Sài Gòn, biết đâu cũng chính ông Triết phịa ra, cũng như ông tiếp tục phịa như ngày hôm nay.

***

Ngày 30/4 là một mốc lịch sử. Ðối với cộng sản thì cái mốc này màu đỏ, là một ngày phải ăn mừng. Thế cho nên các chiến dịch, các thi đua trong xã hội thường lấy ngày này làm thời điểm kết thúc, đặc biệt là các công trình xây dựng. Tuy nhiên việc này đã tạo ra biết bao phiền hà cho các xí nghiệp, các công nhân và cuối cùng là làm trò cười cho thiên hạ. Số là khi khởi động công trình, người ta thường hay dự tính hoàn tất vào các ngày lễ của chế độ như 3/2, 30/4, 19/5, 2/9... nhưng khi bắt tay vào việc thì không suôn sẻ như dự kiến ban đầu. Chỗ thì đền bù giải tỏa không kịp, chỗ thì vướng dây điện, chỗ thì kẹt ống nước, hoặc các trở ngại kỹ thuật khác làm chậm trễ việc thi công. Trễ thì trễ nhưng bắt buộc phải khánh thành vào các dịp lễ để còn "báo công với Bác" và làm vinh danh cho chế độ ưu việt.... nên mọi chuyện đều phải khẩn trương hoặc ngược lại phải đình trệ nhiều hạng mục khác để cắt băng khánh thành đúng ngày tháng. Hậu quả trước tiên là chất lượng công trình không bảo đảm, thứ nữa là nhiều công đoạn bị xáo trộn đưa đến việc kéo dài thời gian thi công. Tại Sài Gòn có ít ra là 4 công trình lớn đang ở trong tình trạng này.

Ở Cầu Ông Lãnh, công nhân hối hả hoàn tất lắp đặt chấn song, trải đá chuẩn bị tưới nhựa đường dẫn lên cầu để thông xe kỹ thuật, thế nhưng dưới dạ cầu vẫn còn bề bộn ngổn ngang đủ loại vật tư, đặc biệt là rác bốc mùi hôi thối khắp khu vực. Ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, công trình được khánh thành ngày cách đây đúng một năm, ngày 30/4/2002. Thế nhưng từ sự cố hầm Văn Thánh bị lún nên công trình lại bỏ dở cho đến nay vẫn chưa hoàn thành. Toàn bộ tuyến đường hầu như bỏ trống không ai quản lý nên rác đầy đường, cát đá vương vãi khắp tuyến. Còn tuyến đường Xuyên Á có nhiều đoạn, ngày 26/4 vừa qua cắt băng khánh thành một đoạn, phần còn lại phải đợi ít ra là đến hết năm. Người dân thắc mắc tại sao không hoàn thành toàn bộ dự án mà phải đợi lễ này lễ nọ để khánh thành rồi sau đó gây biết bao phiền hà. Nhà nước thì bắt buộc phải có hình thức uy nghi vào các dịp lễ trong khi dân người dân chỉ mong một tuyến đường đi lại thuận tiện hơn là các nghi thức rình rang để rồi sau đó các đơn vị lại tiếp tục đủng đỉnh kéo dài thời gian.

Cứ đến ngày 30/4 là khánh thành, là ăn mừng để rồi cả năm sau đó phải suốt ngày chịu đựng.

***

Trong suốt thời gian chiến tranh và cho đến cả sau này, cộng sản vẫn luôn luôn nói đến các loại thuốc khai quang đã tàn phá nghiêm trọng đến rừng Việt Nam. Luận điệu này đã lừa cả thế giới cho cả đến ngày nay. Tuy nhiên có sống trong lòng chế độ, có tiếp xúc với những người làm công tác bảo vệ rừng hoặc qua các thông tin trên báo, đài, người ta mới thấy rõ ràng là tài nguyên rừng ngày nay đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi những vụ phá rừng hoặc để khai thác gỗ, hoặc để canh tác và rất nhiều vụ lại cho chính cán bộ kiểm lâm bao che.

Từ Bắc chí Nam, người ta phá rừng ở khắp nơi. Tại Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, một nơi rừng đẹp có tiếng với đủ chủng loại, và cũng là nơi lâm tặc hoành hành dữ dội, cán bộ kiểm lâm chỉ về phía những ngọn đồi trọc và ngậm ngùi: "cách đây 5 năm, chúng tôi vào đây lắm khi còn lạc mà bây giờ thì thế đấy...". Tại Buôn Mê Thuột, một quan chức bộ canh nông buổi sáng đi họp băng qua một cánh rừng rậm rạp và rất đẹp, đến chiều về thì cánh rừng trên hoàn toàn biến mất. Hỏi ra mới biết lâm tặc đã dùng cưa máy cưa ngang một loạt cây, sau đó chúng chỉ cần đẩy một số cây là cả khu rừng hàng trăm cây khác sẽ đổ theo. Tại Cà Mau, theo số liệu người Pháp để lại thì năm 1940 có 1 triệu mẫu. Ðến năm 1975, sau bao năm chiến tranh tàn phá, còn lại 600 ngàn mẫu. Năm 1983, 150 ngàn mẫu...

"Thắng giặc Mỹ rồi, ta sẽ xây dựng đất nước tươi đẹp hơn xưa". Ðúng thế, chẳng còn bao lâu gần 15 triệu mẫu rừng sẽ chỉ còn lại vài cây vú sữa để hồn Bác còn nhớ đến miền Nam.

***

Tháng 2/03, Hà Nội điên tiết lên vì vụ hai dân biểu Mỹ đệ trình dự luật HR1019 về tự do thông tin tại Việt Nam. Bộ ngoại giao của nước dân chủ nhất thế giới đã tuyên bố "Cho đến nay, ở Việt Nam có 486 cơ quan báo chí với trên 600 ấn phẩm. Hằng năm, có trên 550 triệu bản báo được xuất bản. (...) Hiện nay, có trên 80% số hộ nghe được đài Tiếng nói Việt Nam và 70% số hộ xem được chương trình của Ðài Truyền hình Việt Nam" (...) Người dân cũng có mọi điều kiện thuận lợi để tiếp cận, khai thác và sử dụng thông tin rộng rãi trên mạng Internet".

Quả thực đúng như thế! Bà Phan Thúy Thanh không nói sai. Tuy nhiên cho dù có 1000 tờ báo và 100% bắt được đài thì có cắt nghĩa được gì khi tất cả đều do đảng kiểm soát. Các quyết định của nhà nước về chính trị đều được đăng tải hoặc tóm tắt nơi trang nhất của các báo, kể cả những báo "vô tội vạ" như Phụ Nữ, Kiến Thức Phổ Thông, Sinh Viên... Sự thao túng, kiểm soát đến cọng lông cọng tóc này cũng không chừa một ai, kể cả các báo nước ngoài. Vào trung tuần tháng 4/03, Phan Văn Khải đã làm mọi người ngạc nhiên khi tiếp Hòa Thượng Huyền Quang. Báo Le Monde - một tờ báo uy tín của Pháp ngày 19/4 chạy hàng tít: Hà Nội mở lại đối thoại với giáo hội Phật giáo đối kháng. Cái tựa này quả là một điểm tốt về ngoại giao, về nhân quyền. Nhưng cho dù thế, trong bài viết 130 hàng này, cơ quan kiểm duyệt nhà nước cũng đã "tận tình" lấy bút lông tô đen 43 hàng trên khắp các ấn bản Le Monde nhập vào Việt Nam!

Riêng về cái "sự tự do sử dụng thông tin rộng rãi trên mạng Internet" thì có ở trong nước mới thấy cái cơ cực khi tìm cách truy cập các tin tức của các tổ chức đấu tranh cho nhân quyền ở hải ngoại. Bị chặn hết, không còn cách nào để truy cập. Vì thế chúng tôi mong mỏi các bạn ở hải ngoại biết về vi tính, làm sao tìm ra một phương thức để phá thủng bức tường lửa mà nhà nước dân chủ nhất thế giới này đang thiết lập để chúng tôi còn có cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

28 năm thực thi dân chủ và "sử dụng thông tin rộng rãi trên mạng Internet". Chẳng bao lâu nữa trên đầu mỗi người Việt Nam sẽ được trực tiếp gắn ăng-ten để thâu nhanh 20 đài phát thanh và truyền hình nhà nước. Và về khía cạnh này thì không riêng gì Thái Lan, mà Việt Nam sẽ bỏ xa cả thế giới.

***

Chiều 29/4/03, bà tổ trưởng đi nhắc nhở treo cờ giữa những cái nhìn của người dân hàm chứa nhiều ẩn ý. Mới cách đây vài hôm, báo chí đã phê phán nhiều ngôi nhà, trong đó có nhiều cơ quan nhà nước treo cờ quá "phỉ báng". Chỗ thì treo cờ bạc phếch, màu đỏ đã "xuống cấp" thành màu vàng nên chẳng còn nhận ra ngôi sao, chỗ thì treo ngược ngôi sao, và phỉ báng nhất là có nơi cờ rách nát, chỉ còn một phần năm của chiều dài.

Cảm tình của người dân đối với lá cờ hiện nay như thế nào? khó biết trong một tập thể 80 triệu con người. Nhưng trong "cuốc" hội thì rõ ràng hơn. Trong kỳ họp cuối năm 2002, một đại biểu đã đề nghị mọi người phải hát quốc ca chứ không để nhạc như hiện nay. Cả hội trường lặng đi. Vị đại biểu này bồi thêm: "ai chưa thuộc thì phải tập và phải hát thật nghiêm túc". Ơ! hóa ra là các ông bà đại diện cho nhân dân không biết hát à? Rồi "hội trường lặng đi" là vì sao? Chẳng qua là vì các ông bà phần chẳng thuộc, phần chẳng mấy quan tâm. Ðến như các vị mà không quan tâm đến các biểu tượng của quốc gia thì trách gì thằng dân đi treo lá cờ rách hoặc phai màu.

28 năm sau, có lẽ không chỉ riêng lá cờ phai màu.

Sài Gòn, 30/4/2003
Phan Kiến Quốc.

No comments:

Post a Comment