Tuesday, June 29, 2004

Kinh tế tri thức: Như khói như sương!


Phan Kiến Quốc

Hội nhập kinh tế là một xu hướng tất yếu để phát triển. Việc này đem lại nhiều điểm lợi nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi đất nước phải mở ra những hướng mới trong đó kinh tế tri thức chiếm một vị thế quan trọng. Một nền kinh tế tri thức bao gồm nhiều lãnh vực như khoa học, công nghệ - mà trong đó công nghệ thông tin (CNTT) có ảnh hưởng rất lớn trong toàn xã hội.

Bài viết này tóm tắt một cách sơ sài những nét chính trong nền CNTT Việt Nam, những yếu tố cấu thành và vai trò của nó trong sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước. Theo ý kiến cá nhân, CNTT nước ta phụ thuộc vào 3 yếu tố sau:

1. Ðào tạo - nhân lực.

Ðây là một đề tài luôn được xã hội quan tâm - nhất là trong những tháng ngày tuyển sinh cận kề. Phải nói rằng kể từ ngày đất nước mở cửa, giáo dục (GD) cũng có khá nhiều thay đổi, nhưng những thay đổi hay cải cách đó cũng giống như những sửa chữa, cơi nới ở các khu nhà ở tập thể được xây dựng từ thời bao cấp. Càng ra sức sửa chữa thì càng dị dạng. GD của chúng ta cũng giống như cái nhà ấy, bỏ thì thương vương thì tội, rốt cục tốn kém thì giờ, tiền bạc và công sức chỉ để tạo ra những sản phẩm không chất lượng, và trong tương lai, chúng ta cũng vẫn tiếp tục loay hoay với những chắp vá ấy.

Nhận xét trên là của giáo sư Hoàng Tụy, một nhà toán học lỗi lạc của nước ta. Nó phác họa ra toàn cảnh nguy kịch và u ám của một nền giáo dục lạc hậu, sơ cứng, và còn lâu nền GD ấy mới đáp ứng được vai trò quan trọng là đào tạo ra những bộ óc, những bàn tay đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển chứ đừng nói chi theo kịp các nước trong vùng.

Vốn là một cán bộ giảng dạy trong ngành khoa học ứng dụng trên đại học, chúng tôi thấy rất rõ điều này. Từ chương trình đến phương pháp, chúng ta tụt hậu hàng thập kỷ so với các nước bên cạnh. Ngày hôm nay đây, bên thềm ngưỡng cửa của thế kỷ 21 mà trong giảng đường vẫn "thày đọc trò chép" y như trong tranh dân gian "thày đồ dạy học" của đầu thế kỷ trước. Nhiều giảng viên thậm chí còn sợ vi tính và các công cụ hỗ trợ như đèn chiếu, giáo trình điện tử... như mèo sợ cọp. Hễ ai đề cập đến là giẫy lên như đỉa phải vôi và tìm đủ mọi cách để loại các phương tiện (lẫn người đề nghị) để bảo toàn chiếc ghế của mình.

Chương trình thì nặng nhưng bất cập và vô lý. Chẳng hạn như bắt SV khoa Công nghệ thông tin phải học môn Sức bền vật liệu, vốn là một môn cơ bản của khoa xây dựng, hoặc bắt SV khoa Quản trị kinh doanh học môn Vẽ kỹ thuật vốn là một môn thuần túy của khoa Cơ khí! Tôi có cảm tưởng chúng ta đang cố nhồi nhét vào đầu SV đủ loại kiến thức để trở thành một kỹ sư đa năng, có thể làm việc trên mọi lãnh vực? ! Ðiều này thật vô lý vì khi cầm tấm bằng kỹ sư Tin học trong tay, đố SV nào còn nhớ được thế nào là ứng suất phẳng, và ngược lại chẳng SV xây dựng nào nhớ được đơn vị của từ thông! Và các xí nghiệp tuyển dụng cũng chẳng bao giờ đi kiểm tra những kiến thức "trật bản lề" như thế.

Tuy nhiên những môn trật bản lề trên chưa phi lý và vô bổ bằng những môn chính trị như Chủ nghĩa Xã hội Khoa học, Lịch sử Ðảng và gần đây nhất là môn Tư tưởng Hồ Chí Minh. Thật không gì phi lý bằng khi mọi người đang tìm đủ mọi cách để sống, để làm giàu, khi cả nước đang thấp thỏm ngoài ngưỡng cửa WTO (Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới) để sống mái với thế giới tư bản mà chúng ta lại vẫn huênh hoang ca tụng xã hội chủ nghĩa và xa xả kết án tư bản là bóc lột, là bất nhân là..đủ thứ. Rồi tư tưởng của Bác Hồ sẽ đem lại ích lợi gì cho người kỹ sư tương lai khi phải phấn đấu trong cuộc cạnh tranh tri thức khắc nghiệt của ngày hôm nay? Chính vì phải dành ưu tiên cho các môn học trên nên những kiến thức như quản trị, kinh tế, ngoại ngữ, phương pháp lý luận - vốn là những hành trang không thể thiếu cho một kỹ sư tương lai - lại không có thời giờ giảng dạy. Và hậu quả đương nhiên là các em không đủ điều kiện để đối phó với những đòi hỏi cao của các xí nghiệp.

Theo một giám đốc của Paragon Solutions VN là một công ty tuyển dụng nhân sự, thì vừa qua công ty IBM có nhu cầu tuyển 200 nhân viên nhưng "chúng tôi chỉ biết lắc đầu". Theo ông này thì chỉ 5% sinh viên công nghệ thông tin ra trường đáp ứng được nhu cầu. Cũng để đánh giá nguồn nhân lực, vào tháng 6/04, tạp chí Thế giới vi tính PC World VN đã cho đăng bảng xếp hạng của tập đoàn tư vấn quốc tế Kearney về "nơi thu hút gia công dịch vụ tốt nhất" của 25 quốc gia. Và kết quả thật đáng kinh ngạc: về tiềm năng - một chỉ tiêu mà người VN vẫn thường tự hào, thì chúng ta đứng cuối bảng với điểm 0.35 kém nước đứng đầu là Ấn Ðộ 4 lần (1.39). Về kỹ năng chuyên môn (cũng là một tự hào khác), VN ở vị trí thấp nhất với số điễm 0.04. Nước đứng đầu cũng là là Ấn Ðộ có số điểm 1.03, cao hơn chúng ta gấp 25 lần!

2. Hạ tầng vững chắc.

Hạ tầng ở đây là phải được hiểu là sự thâm nhập của CNTT vào trong quảng đại quần chúng. Cách đây chừng vài năm, Bộ Chính Trị đã ban hành Chỉ thị 58 với các mục tiêu đến năm 2005 phải đạt được:

phổ cập tin học, nối mạng tri thức cho thanh niên VN. Tất cả làng xã đều có điện thoại

phổ cập internet rộng rãi trong cộng đồng. Tất cả làng xã đều được kết nối internet.

thúc đẩy thương mại điện tử, chính phủ điện tử

nâng giá trị sản xuất phần mềm đến 500 triệu USD trong đó xuất khẩu đạt 300 triệu USD..

Bây giờ đã nửa năm 2004, thử làm một bảng tổng kết thì chúng ta thấy có nhiều thành quả tốt đẹp nhưng qua đó cũng lộ ra rất nhiều yếu kém, bất cập. Trước tiên, số điện thoại đã tăng từ 6/100 lên 9/100, các tụ điểm internet ra đời ngày càng nhiều, nhất là khi dịch vụ ADSL ra đời, từ 3500 tụ điểm năm 2001 ngày nay đã lên12000. Số lượng kết nối cũng tăng từ 250.000 lên 700.000.

Tuy nhiên những con số này không diễn đạt được gì về sự phát triển của internet. Số lượng có gia tăng nhưng chất lượng không có gì lạc quan. 70% số người sử dụng vào việc tán gẫu, phần còn lại là nghe nhạc, điện thoại và chơi game. Số người dùng internet vào việc học hỏi, truy tìm tài liệu thì không đầy 5%. Riêng về thương mại điện tử thì phải nói rằng tình trạng hiện nay chưa đạt được mức khởi đầu. Thống kê 70.000 doanh nghiệp trên cả nước thì chỉ có 3000 sử dụng internet - và cũng chỉ để gởi email. Cả nước chỉ có trên dưới 1000 doanh nghiệp có website. Mặt khác việc sử dụng thẻ tín dụng - là yếu tố tối cần thiết cho thương mại điện tử - cũng còn rất hiếm.

Riêng phần phổ cập tin học thì ai cũng thấy đây là một sự lạc quan quá lố của các bộ óc siêu việt trong Bộ Chính Trị. Vì đừng nói gì xa xôi, cứ "bốc" đại một người dân trong quận 1 Sài Gòn - vốn là một quận giàu nhất nước - và hỏi "con chuột vi tính" là cái gì thì có lẽ không ít người cũng trả lời là "một con vật bẩn thỉu hôi hám". Tại nhiều tỉnh ở trên Bộ cứ điều máy tính về mà không biết địa phương "mù" về tin học nên lại phải mất thời giờ tìm kho cất máy. Chính vì thế có nhiều người ví von: "cho cần câu nhưng phải xem có cá để câu không? ". Một vài địa phương khác như Quảng Bình, một tỉnh có 800.000 dân nhưng chỉ có khoảng 200 thuê bao internet, nghĩa là phổ cập chưa xong con đường chính trong thị xã Ðồng Hới! Và rồi đúng lúc ấy Bộ Công An lại đẻ ra cái quái thai Quyết định 71 bắt trình giấy tờ khi vào các tụ điểm internet! Một quyết định mà mọi người cho là vô lý, đi ngược lại xu hướng phát triển và không thể thực hiện được.

Sau cùng Chỉ thị 58 nhấn mạnh rất cụ thể về việc phát triển phần mềm và đặt rất nhiều kỳ vọng vào tương lại của ngành được coi là "mũi nhọn" này, nhưng sau vài năm thực hiện thì kết quả cũng rất khiêm tốn. Năm 2003, doanh thu chỉ đạt 100 triệu USD trong đó có 30 triệu xuất khẩu, nghĩa là mới chỉ được 1/5 về doanh thu và 1/10 về xuất khẩu. So sánh với Ấn độ với mức xuất khẩu xấp xỉ 8 tỷ USD thì thật không thấm vào đâu.

Cắt nghĩa cho thất bại này chúng ta thấy có nhiều lý do. Trước tiên là nhân lực yếu kém (đã nói ở phần trên), sau nữa là hạ tầng viễn thông của VN có quá nhiều bất lợi: giá cước quá cao. Một phút gọi sang Tokyo mất 5.61 USD trong khi Thái Lan là 2.07 và Philippines là 1.02 USD. Giá thuê một đường dây 64Kbps là 600 USD/tháng nghĩa là vào loại cao nhất thế giới. Chất lượng đường truyền ADSL cũng chỉ nhanh hơn modem (V90) từ 4 đến 5 lần (đôi khi còn chậm hơn), trong khi trên lý thuyết ADSL phải nhanh gấp 40 lần. Lý do thứ hai là khả năng tiếp cận thị trường quá thấp. Thường thì để làm việc này, các công ty phải có văn phòng tiếp thị tại các nước có nhu cầu như Mỹ, Nhật...và chi phí cho việc này khoảng 250.000 USD/năm và chỉ có những công ty lớn mới dám bỏ ra một số tiền như thế để đầu tư lâu dài.

Một lý do khác làm trì trệ lại là một yếu tố chủ quan: tình trạng vi phạm bản quyền. Theo điều tra của BSA (Business Software Alliance) thì vào năm 2001, VN được "vinh dự" lãnh huy chương vàng với tỷ lệ 94% (trung bình thế giới là 40%). Phải nói tình trạng sao chép trái phép ở VN là một cái gì bình thường như ăn cơm uống nước. Từ các phần mềm phổ thông như Corel Draw v.11, ACDSee v.6, Acrobat Adobe v.6... cho đến các phần mềm chuyên dụng như Ansys v.6, Maple v.9, ProEngineer, Premier Adobe chưa kịp bán ở châu Âu thì đã được bẻ khóa và chất đống như thịt heo ở các cửa tiệm. Và nạn nhân không chỉ là các công ty Microsoft, Apple, Adobe... mà chính là các công ty trong nước vì cho kẹo họ cũng không dám bỏ ra 3000 USD/tháng trong vòng nhiều năm để sau đó nhìn thành quả của mình bay vào túi người khác.

Với những nhận xét trên, chúng ta thấy hạ tầng viễn thông vẫn bộc lộ quá nhiều yếu kém, phổ cập tin học cũng mơ mơ màng màng như khói như sương và viễn ảnh xây dựng một ngành mũi nhọn đủ sức theo kịp các nước ASEAN vẫn chỉ là những ước mơ ngoài tầm tay.

3. Nguồn chất xám của cộng đồng hải ngoại.

Kinh nghiệm cho thấy các nước phát triển về CNTT như Ðài Loan, Hàn Quốc và nhất là Ấn Ðộ đều biết dựa vào những người đang sống và làm việc ở nước ngoài. Ðài Loan phát triển được ngành vi điện tử là nhờ đội ngũ Hoa kiều sống ở Mỹ. Ấn Ðộ hiện có hàng chục ngàn chuyên gia làm trong các viện công nghệ tại Silicon Valley và là những "tham tán" thương mại hữu hiệu nhất cho việc săn lùng hợp đồng. So sánh với họ, tiềm năng đội ngũ người Việt là rất lớn. Hiện có khoảng 300.000 người có trình độ chuyên môn sinh sống trên toàn thế giới. Nhiều người giữ những chức vụ quan trọng trong các xí nghiệp lẫn các trung tâm nghiên cứu. Và quả thật không cường điệu khi đánh giá rằng: kiến thức là nguồn tài sản lớn nhất mà người Việt hải ngoại có thể đóng góp cho đất nước, mà không phải tiền bạc.

Tuy nhiên cho đến ngày hôm nay phần đóng góp của cộng đồng hải ngoại vẫn rất khiêm tốn. Nhà nước VN thường lý giải là mối quan hệ giữa hai bên chưa được chặt chẽ và có nhiều hiểu lầm về đường lối của Ðảng và chính phủ. Dĩ nhiên họ cũng không quên "khoèo" vào các tổ chức mà họ cho là "phản động". Tuy nhiên có một điều mà nhà nước đã cố tình che dấu và bóp méo đối với đồng bào trong nước là: đại đa số kiều bào hải ngoại lúc nào cũng hướng về quê hương chứ không chấp nhận phục vụ cho bất kỳ cá nhân, đảng phái nào. Sống ở nước ngoài, tiếp nhận thông tin từ mọi phía và hiểu rõ giá trị của một nền dân chủ đích thực, khó có thể có một sự đóng góp tích cực và năng động trên một phần đất còn ngự trị một chế độ toà trị, một chế độ mà mọi ý kiến xây dựng đều bị bóp nghẹt.

Từ khi mở cửa đã có khoảng 200 trí thức về giảng dạy, tư vấn cho các dự án. Tuy nhiên nếu chỉ nói về lượng thì sự đóng góp của việt kiều quá ít, còn về phẩm thì cũng rất hạn chế. 30 năm sau ngày thống nhất và 18 năm sau ngày đổi mới, vẫn còn rất nhiều "khúc mắc nhỏ" mà sau bao nhiêu hứa hẹn nhà nước vẫn không giải quyết nổi.

Tổng hợp 3 yếu tố trên, chúng ta thấy hình như Việt Nam còn thiếu một chính sách vĩ mô được phác họa bởi những con người vừa có tài vừa có tâm, còn thiếu một cái gì đồng bộ, nhất quán để ảnh hưởng sâu rộng trong toàn xã hội, còn thiếu một cái gì kích động đến ý chí và đánh thức ý thức công dân của mọi người. Một cái gì đó không xác định được.

***

Trong bài này chúng ta đã nhắc nhiều đến Ấn Ðộ và những thành quả lớn lao của họ trong nền kinh tế tri thức nói chung và CNTT nói riêng. Sự thành công của họ được quy về 6 yếu tố trong đó có yếu tố ổn định chính trị. Nói đến đây có lẽ các nhà lãnh đạo VN nhẩy cẩng lên vui mừng. Lầm to!

Ấn Ðộ trước khi hùng mạnh như thế đã từng được xem là nền dân chủ lớn nhất thế giới. Sự ổn định chính trị của họ với VN khác nhau một trời một vực. Chính phủ của ông Vajpayee được coi là vững mạnh nhất cũng chỉ "thọ" chưa tới 10 năm. Còn "Ðảng ta" bám rễ hơn nửa thế kỷ. Bà Sonia Gandhi được toàn dân van xin giữ ghế Thủ tướng nhưng bà khăng khăng chối từ. Còn "Ðảng ta" cũng khăng khăng chối từ nhưng vì lý do...ngược lại. Ở Ấn Ðộ sinh viên tu nghiệp lũ lượt kéo về nước còn ở ta thì ngược lại.

Có lẽ đấy mới chính là lý do mà nền kinh tế tri thức của ta vẫn mãi không cất cánh nổi.

Sài Gòn, 29/6/2004

Phan Kiến Quốc

No comments:

Post a Comment