Phan Kiến Quốc
Một.
Ngày 7/12/2004 vừa qua, ngày khai mạc cúp bóng đá Tiger Cup, bạn tôi từ Mỹ về thăm nhà hí hửng sắp xếp công việc để đi xem trận ra mắt của đội VN đụng Singapore lúc 19g45 tại sân Thống Nhất ở Sàigòn. Lúc đến mới ngã ngửa ra rằng vé đã bán hết sạch từ trước đó cả tuần. Tuy nhiên ở VN cái gì thiếu thì thiếu, chứ vé chợ đen không hề thiếu. Bạn tôi phải bấm bụng bỏ ra 150 ngàn để mua cái vé hạng cá kèo và hớn hở bước vô sân vận động. Tuy nhiên (lại tuy nhiên) ở VN cái gì thiếu thì thiếu, chứ nghịch lý thì không bao giờ thiếu. Bạn tôi hăm hở bước vô và ôi thôi sự thật phũ phàng: không còn chỗ để đứng chứ đừng nói chỗ ngồi. Kiễng chân cho thật cao thì cũng chỉ thấy được cái đỉnh của màn ảnh đại vĩ tuyến. Trong sân tiếng cổ vũ inh trời mà mắt mũi chả thấy gì, tức muốn lộn ruột, đành phải bỏ ra về mà vẫn còn tiếc tiền.
Khi về đến nhà thuật lại cho tôi cái nỗi niềm của mình thì tôi phá ra cười:
- Sao ông không rủ tôi đi với? Thảo nào bị hố là phải.
Bạn tôi vẫn còn sùng máu nạt:
- Hố là hố làm sao?
- Hết vé cả tuần nay rồi, nên chỉ đá được ít phút là nhân viên nó mở cửa xả dàn với lý do là để đông người cổ vũ cho đội nhà. Tôi thấy nó làm đúng đấy chứ ! Vé in ra bán hết rồi kiểm soát làm quái gì cho mệt,với lại cho tụi nhóc vô còn được mang tiếng dễ dãi.
- Dễ với chẳng dễ, thế thì ông trả lời sao cho những người mất tiền mua vé chợ đen rồi phải về nhà coi ti vi như tôi. Tôi thấy dễ dãi như thế là mất công bằng.
Tôi chột dạ. Thằng này nói đúng! Ở vị trí của nó mình cũng sẽ phải nghĩ như vậy. Vốn là dân ghiền bóng đá nhưng chỉ trên ti-vi nên tôi hoàn toàn không biết những mánh của bọn đầu cơ vé "móc ngoặc" với bọn kiểm soát vé. Khi đi hỏi tới nơi tới chốn thì mới ngã ngửa ra là mình quá ngây thơ: Vé in ra đã được tuồn ra ngoài ngả chợ đen kiếm chác và chung chi với khâu phân phối. Kiểm soát viên thì móc ngoặc để thu tiền mặt và đưa người của mình vào chứ chẳng có thằng nhóc nào vào đây cả nên mới xảy ra tình trạng vé (chợ đen) thì còn nhưng chỗ thì hết. Sự phi lý lại càng được khuếch đại hơn khi sân Thống Nhất là sân chỉ xếp chỗ ở khán đài A còn hạng cá kèo thì ngồi trên thềm, có nghĩa là trên nguyên tắc số người mua vé (kể cả vé chợ đen) phải ít hơn số vé in ra. Vậy mà không có chỗ chen chân thì số tiền đám soát vé bỏ túi quả không ít. Vừa có người cổ vũ, vừa có tiền, vừa mang tiếng dễ dãi... chỉ chết mấy thằng mua vé đàng hoàng. Ðáng giận là phải.
Nhưng suy cho cùng. Ðây không phải là trường hợp duy nhất để người ta phải nổi khùng. Trong xã hội VN những thí dụ như thế đầy rẫy, một ngày một nhiều và ngày càng trầm trọng hơn.
Hai.
Cũng cách đây ít lâu một người em bị xe đụng. Kẻ gây tai nạn vừa lạng lách vừa chạy ngược chiều. Hắn ta nhăn nhó tỏ ra đau đớn và xin lỗi em tôi rồi bỏ đi mặc cho em tôi và chiếc xe trầy sướt khắp nơi.
- Thế em không bắt nó bồi thường à?
- Ở đây không có chuyện đó. Mọi người chỉ giải quyết bằng cách "hòa giải" như thế thôi! Chẳng thấy có ai kiện cáo gì cả.
Lúc ấy tôi thấy quả cách cư xử "nhân trị" như thế thật hay. Vì với số lượng tai nạn như ở VN, sẽ chẳng có tòa án nào giải quyết nổi. Mặt khác, cách giải quyết "huề cả làng" như thế phản ánh cái bản tính xuề xòa của người mình. Nhưng bây giờ xét cho cùng thì phương thức "chín bỏ làm mười" này lại không hay, đặc biệt là trong một xã hội như VN.
Kiều bào về VN thăm nhà không ai không khỏi khiếp đảm về cung cách đi đứng của người mình. Có lẽ trên thế giới không có một nước nào trên thế giới người ta có thể ung dung đi ngược chiều với tốc độ kinh hoàng như ở VN. Hàng ngày trên báo đều có đăng tai nạn giữa hai xe mô tô chạy ngược chiều, và thường là dẫn đến tử vong. Có sống được cũng tàn phế suốt đời. Vậy mà khi có tai nạn chỉ giải quyết kiểu "nhân bản", kiểu "xuề xoà" như thế thì làm sao giảm được tai nạn? Giải quyết kiểu như thế chỉ tổ khuyến khích những người chạy ngược chiều, vượt đèn đỏ ... vì không có biện pháp nào xử lý họ, và rốt cuộc là những người chân chính như anh bạn xem bóng đá của tôi là từ thua tới thiệt. Quả đúng là dễ dãi kiểu này càng nuôi dưỡng bất công và làm cho xã hội và dân trí ngày càng thấp đi.
Không chỉ xuề xòa trong các tại nạn lưu thông, mà ngay trong những va chạm trong đời sống thường ngày cũng thường được giải quyết theo con đường hòa giải vì tâm lý ai cũng sợ kiện tụng. Vừa mất thì giờ lại vừa tốn kém. Hay nhất là tự thương lượng với nhau. Nhưng phương cách này chỉ tốt trong một xã hội có tầm ý thức công dân cao, khi hai bên tranh chấp không cố ý vi phạm. Chẳng hạn như cố ý xâm chiếm lộ giới, xâm chiếm đất đai rồi đòi giải quyết qua con đường thương lượng với thâm ý vòi tiền nạn nhân. Chứ còn xử lý hòa giải trong một xã hội như nước mình thì chỉ tổ gây thiệt hại cho người chân chính.
Ba.
Một trong những vấn đề gây nhức nhối cho việc quy hoạch đô thị là tình trạng xây dựng trái phép tràn lan. Ðây là một thí dụ điển hình của việc dễ dãi tạo ra bất công lớn nhất trong xã hội. Khởi đầu trong một con hẻm thông, thoáng, một vài người có hoàn cảnh khó khăn đến xin đặt một cái chòi nơi đầu hẻm bán thuốc lá lẻ, bán nước giải khát; lâu dần họ xin phép quây cái "quầy hàng" ấy bằng những vật liệu nhẹ để ngủ luôn ở đấy khỏi phải đi lại phiền toái. Và sau cùng năm này qua tháng nọ họ "mua đứt" lại cái không gian ấy để xây một căn nhà cho dù chiều rộng chỉ hơn 2 mét qua chủ trương hợp thức hóa đất đai của nhà nước.
Nghe qua thì quả là một chính sách nhân đạo, nhưng con hẻm bỗng nhiên hẹp mất 2 mét vì tất cả nhà trong con hẻm ấy đều đồng loạt cơi nới ra (anh làm được tội gì tôi không làm). Vì thế có nhiều con hẻm còn hơn 1 mét để qua lại! Khi có hai người đi mô tô, một người phải nhường. Nếu có hỏa hoạn thì chỉ có nước ôm nhau mà chết. Nạn nhân đầu tiên của chính sách này là những người đầu hẻm, nơi quán cà phê ngày nào xin tá túc, bỗng nhiên bị mất vị trí tốt nhất là cạnh một con hẻm khang trang.
Bây giờ trong hơn 1000 con đường trong Sài Gòn, tính đổ đồng 10 ngàn con hẻm, đố có tìm được một hẻm nào không xảy ra tình trạng lấn chiếm như trên. Bây giờ có muốn trở lại tình trạng đầu vừa khó vừa tốn vì phải bỏ tiền ra đền bù cho những quán nước tự phát và đã được hợp thức hóa đó. Với tình trạng "tấc đất tấc vàng" hiện nay, đây là một số tiền không nhỏ trong ngân sách, đó là chưa kẻ biết bao xáo động trong xã hội có thể xảy ra nếu trở lại tình trạng trước năm 1975. Ðúng là chỉ dễ dãi mà hậu hoạn khôn lường. Những quan chức đã nhận tiền hợp thức hóa đã cao bay xa chạy, những người khố rách áo ôm thuở nào cũng sang lại căn chòi đi nơi khác, chỉ có những người chân chính, cả đời tôn trọng luật pháp là khổ.
Bốn.
Trong kỳ thi tuyển sinh vào đại học hàng năm, rất nhiều cảnh ngộ đáng thương đã xảy ra. Nhiều em học xanh máu mặt nhưng rớt vì chỉ thiếu 1 điểm, thậm chí nửa điểm trong khi nhiều em khác thiếu 2, 3 điểm nhưng thuộc diện ưu tiên nên lại được chấm đậu. Ðây lại là một thí dụ của sự ưu đãi đưa đến tình trạng bất công trong xã hội VN.
Chính sách ưu đãi này đã có từ năm 1945 tại miền Bắc và 1975 tại miền Nam. Có 7 đối tượng ưu tiên gồm: người dân tộc thiểu số, gia đình liệt sĩ, gia đình thương binh (1), gia đình bà mẹ VN anh hùng (2), gia đình anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, gia đình vùng sâu vùng xa. Những tiêu chuẩn này không có tính loại trừ, cụ thể là nếu vừa trong một gia đình liệt sĩ, ở vùng sâu, vừa là người dân tộc có thể được cộng thêm tới 6 điểm. 6 điểm trên điểm tối đa là 30 thì quả là quá lớn. Cụ thể là nếu điểm quy định đậu (được gọi là điểm chuẩn) là 23/30, thì một em không thuộc các diện ưu tiên trên có 22,75 cũng rớt, và một em chỉ có 17 điểm nhưng thuộc diện ưu tiên cũng đậu. Có trường hợp điểm chuẩn chỉ 15/30 thì với điểm ưu tiên, một em chỉ 9 điểm (dưới trung bình 5 điểm) cũng đậu, và dĩ nhiên qua đó một em 14,75 không thuộc diện ưu tiên cũng rớt. Ðây quả là một bất công to lớn vì nó đã loại ra biết bao học sinh giỏi.
Ðiều đáng nói thêm là rất nhiều em đậu trong diện ưu tiên này đã được "ra trường sớm" vì học kém, vì kỷ luật. Ðại đa số là con nhà "công thần", con nhà thuộc dạng 5C (3), mang tính ỷ lại vào gia đình, không quen cố gắng. Những chỗ trống này lại không được tuyển thêm vì đã vào năm thứ 2. Các em bị loại vì thiếu nửa điểm nơi đầu vào lại có lý do để thất vọng thêm.
Ðã từ lâu, rất nhiều kiến nghị đến từ các nhà giáo lẫn các bậc phụ huynh yêu cầu sửa đổi (chứ không hủy bỏ) quy định này. Theo họ, chỉ nên cấp học bổng và phương tiện cho các diện ưu tiên này có thêm điều kiện học tập chứ không cộng thêm điểm, mà nếu có cộng thì cũng tối đa 2 điểm.
Các kiến nghị chính đáng này đều rơi vào khoảng không! Vì các thế lực bảo thủ, các đầu óc "công thần" vẫn còn quá mạnh. Dựa vào lý luận phải ưu đãi cho những người có công, dựa vào bản chất nhân hậu phải ưu đãi cho người nghèo, rốt cuộc lại loại ra ngoài biết bao nhân tài, nếu không muốn nói là tiếp tục đào tạo những con người tiếp nối "con đường hại dân hại nước".
***
Trong 4 mục kể trên, giải quyết mục số 1 là khả thi nhất. Tuy nhiên căn cứ vào những gì xảy ra năm ngoái tại SEA Games, và mới đây tại sân Thống Nhất, người ta ai ai cũng nghĩ là sẽ không thể cải tiến trong tương lai gần.
Cũng như mọi người, ai cũng mong một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh như báo, đài vẫn thường nhắc đến hàng ngày. Trong ba mục tiêu trên, tôi thật sự không biết phải chọn mục tiêu nào khả thi nhất vì có lẽ chúng liên kết với nhau như một bộ phận không thể tách rời.
Trong khi chờ đợi ngày ấy, tôi chỉ có cái ước vọng nhỏ nhoi là trở về con hẻm nhỏ bé của tôi một cách lành lặn. Nơi ấy các con của tôi vẫn còn đang phấn đấu để vượt qua thân phận kém ưu tiên của gia đình.
Sài Gòn, 8/12/2004
Phan-Kiến-Quốc
(1): dĩ nhiên là thương binh cộng sản, chứ thương binh chế độ VNCH thì trừ thêm thì có.
(2): phụ nữ có chồng, con chết trong chiến tranh (dĩ nhiên cũng phải là phía cộng sản).
(3): có nghĩa là Con Cháu Các Cụ Cả.
No comments:
Post a Comment