Monday, March 28, 2005

Những quả bom nổ chậm


Phan Kiến Quốc

Vào ngày 21/3/2005, một vụ bạo động đông người đã xảy ra tại ngay trung tâm Sài Gòn. Theo báo Tuổi Trẻ, tiếp theo một cuộc xô xát nhỏ giữa cảnh sát giao thông (CSGT) khoảng 400 người đã kéo ra đường gây ùn tắc giao thông, 2 xe cảnh sát và một xe chữa lửa bị đập phá hoặc đốt cháy. Sau khi giải tán, nhiều người khác đã đến bao vây trụ sở CSGT và đập phá cho đến 2 giờ sáng. Ðâu là sự thực , đâu là những nguyên nhân sâu xa để cho thấy sự kiện này là một trong những quả bom nổ chậm của xã hội Việt Nam?

Tóm tắt vụ việc.

Theo báo chí thì vào lúc 20g30 ngày 21/3/2005, CSGT phát hiện hai trường hợp vượt đèn đỏ tại ngã tư Trần Hưng Ðạo - Ðề Thám (quận 1, TPHCM). Một người tên Toàn đã phản ứng, cho rằng "chỉ vượt đèn vàng" và từ chối trình giấy tờ. Sau đó Toàn nhảy lên giải ngăn cách hô hào người dân ứng cứu. Trong lúc đó một phụ nữ đã dùng máy điện thoại chụp hình cảnh cự cãi liền bị cảnh sát 113 (cảnh sát cơ động) ngăn chặn. Chị này phản đối gay gắt và hô "công an đánh người". Lập tức người dân ùn ùn lao vào xô đẩy cảnh sát đồng thời lật mô tô châm lửa đốt. Ba nhân viên bị thương phải đưa đi điều trị. Hơn 400 người kéo ra án ngữ dọc theo đường Trần Hưng Ðạo suốt từ ngã tư Ðề Thám đến Nguyễn Khắc Nhu sau đó kéo sang tấn công trụ sở CSGT đến 2 giờ sáng.

Ngay hôm sau, ban giám đốc công an thành phố đã lập tức xác định rằng đây là cuộc gây rối không có tổ chức, nhưng thú nhận đây là lần đầu tiên việc đập phá tài sản công cộng lại nhắm vào lực lượng cảnh sát.

Ðâu là là sự thực ...?

Theo một số nhân chứng và người sống quanh khu vực Trần Hưng Ðạo - Ðề Thám thì vào lúc ấy thường thì đèn đỏ không hoạt động mà chỉ là đèn vàng nhấp nháy, có nghĩa là không bắt buộc phải ngừng, và cách xử lý của CSGT như thế là không đúng. Thực hư thế nào thì không ai rõ, nhưng đại đa số người dân ở đây đều cho rằng từ khi trưởng công an đội 1 (CSGT quận 1) được bổ về đây thì ông này áp dụng những biện pháp quá khắt khe. Ðối với những tội nhỏ, "không đáng gì" như chở ba, chạy ngược chiều hoặc vượt đèn đỏ thì có thể phạt tại chỗ chứ không nhất thiết giam xe 20 ngày tạo khó khăn cho sinh hoạt của người dân.

Công minh mà nói thì tôi lại nghĩ khác, tình trạng vi phạm luật lệ nói chung và luật giao thông nói riêng ở Việt Nam là quá phổ biến, phổ biến như ăn uống, như hít thở... nên bắt buộc phải có những biện pháp cứng rắn và liên tục mới may ra chế ngự được tình trạng hỗn loạn này. Người dân đã quá quen với tình trạng vô trật tự này quá lâu nên không thể một sớm một chiều chấp nhận những ràng buộc các thói quen cũ. Nhưng nếu chỉ nói riêng về biện pháp thì trưởng đội CSGT không sai. Chúng ta không thể một mặt than vãn về tình trạng giao thông tạp nham và vô kỷ luật, mặt khác lại trách những biện pháp cứng rắn của cảnh sát. Ðó là chưa kể tính cách hợp pháp của nó: các tội danh kể trên đều có thể bị giam xe, và điều ấy đã thành luật.

Tuy nhiên, vấn đề lại nằm ở chỗ khác. Ai phải trách nhiệm tình trạng hỗn loạn toàn diện trong xã hội như ngày hôm nay? hỗn loạn trong mọi khía cạnh của xã hội: giao thông, giáo dục, y tế, ma túy, mãi dâm, quản lý, quy hoạch,... Rờ đến chỗ nào là thấy rối như canh hẹ và không có cách nào giải quyết nổi.

Khi chúng tôi đi làm cái việc "thăm dân cho biết sự tình" thì câu nói mà ai cũng thốt ra là: "chúng ta chỉ là người thấp cổ bé họng". Lúc nói câu này tôi đọc được trong mắt của họ sự oán hờn trong tuyệt vọng. Sở dĩ tôi phải gọi nó như thế vì trong lúc nói khuôn mặt của họ có vẻ trầm buồn nhưng sau đó vài phút lại trở lại bình thường ngay. Họ phải quên đi nỗi ức chế ấy đi để tiếp tục sống. Sự ức chế ấy họ đã phải sống với nó từ bao nhiêu năm nay đã tạo cho họ một thói quen là nuốt nó vào trong bụng.

Một hình ảnh rất cụ thể và rất gần với cảnh bạo động ngày 21/3 vừa qua là hình ảnh xấc xược và hống hách của ngành công an nói riêng và bộ máy hành chánh nói chung. Rất nhiều người khi có chuyện phải đến cơ quan công quyền để giải quyết những chuyện rất nhỏ nhặt trong đời sống hàng ngày đều phải đối phó với những cung cách vô cùng quan lại, cửa quyền và hách dịch của nhân viên nhà nước, và sau bao năm tất cả đã trở nên những nỗi ám ảnh cho mọi người.

Ðâu là nguyên nhân sâu xa?

Trong những năm tháng gần đây, trong nhu cầu công khai một số chuyện nhà nước đã cho phép báo chí nêu lên những tiêu cực trong xã hội thì người dân mới biết được những chuyện "động trời" của các quan chức nhà nước, mà phần lớn đều là đảng viên. Qua đó người ta thấy những thành tích như công an quận 9 (TPHCM) đánh trẻ em nằm viện, cán bộ xã Ðại Hòa Lộc (Bến Tre) dùng súng bắn trâu hàng xóm đi lạc và dùng luật rừng để nói chuyện với bà con, chuyện cán bộ y tế xã Tân Ðiền (Tiền Giang) ăn chặn tiền bồi thường dịch cúm gà, chuyện CSGT nhận tiền mãi lộ của cánh xe tải... Tất cả đều là những chuyện cũng bình thường như ăn uống, hít thở. Tất cả những chuyện "bình thường" này được gọi là những "ức chế" mà người dân phải chịu đựng từ bao năm nay và có thể coi như là một bình "xúp de" có thể xì ra bất cứ lúc nào.

Nhưng nếu so sánh sự bất mãn của người dân về cung cách đối xử của nhà nước như một nồi xúp de thì đúng là sự bất mãn về tình trạng bất công, tình trạng phân chia giai cấp đang là một trái bom nổ chậm ngay trong lòng chế độ. Ngày hôm nay đây, nếu nhắc đến nạn tham nhũng, nạn đầu cơ đất, nạn chiếm đoạt của công... đang tạo nên những triệu phú đô la bất chính, đang làm thiệt hại cho nhà nước hàng tỉ đô la và đang nhúng cả triệu người vào tình trạng nghèo khó thì chắc chắn người ta sẽ nghĩ ngay đến các cán bộ nhà nước, cán bộ đảng đang như những con đỉa hút máu trên cơ thể của đất nước.

Trong một vụ bố ráp các quán karaoke nhưng thực ra là mại dâm trá hình, cảnh sát Ðồng Tháp đã tính toán rằng phần lớn là quan chức, cán bộ đảng viên (70%). Họ ngang nhiên đi chơi bằng xe bảng số xanh (xe nhà nước) và dĩ nhiên không ai bỏ tiền túi ra chi cho những "thước phim đen" của họ cả. Chuyện này nếu đem kể thì có lẽ bà con họ cười vào mũi vì bất kỳ một người nào cũng có thể kể trường hợp khác còn nghiêm trọng hơn gấp trăm lần. Một chuyện mà ai cũng biết là tình trạng đất công đang bị bán một cách công khai đem lại những nguồn lợi kếch xù. Ðiều đau ở chỗ là những vùng này đã được quy hoạch để xây nhà cho người thu nhập thấp.

Trong khu phố tôi đang ở, căn nhà "xịn" nhất là tài sản của ông bí thư. Ngay sau khi căn nhà hoàn tất, bà con đã kháo nhau về cơ ngơi này, nào là với đồng lương công chức đào đâu ra tiền xây nhà ba tấm, nào là về kiến thức bí thư chỉ biết đánh vần thì tài cán nào ngồi vào được cái ghế béo bở kia? ! ... Ở cơ quan người ta kháo nhau hết ông trưởng phòng này đến bà bí thư kia sở hữu hai căn nhà và vài ba lô đất ở ngày ngày sinh lãi, có người thì "chỉ" có một căn nhà cho mướn nhưng với giá đắt như một căn hộ ở Tokyo (5000 USD). Tóm lại một sự thực đã thành chân lý ở nước ta, một nước đang lầm lũi theo chủ nghĩa xã hội là: người giàu đích thị là có đảng tịch và hễ có đảng tịch thì phải giàu.

Trong các kỳ họp quốc hội, tình trạng mua xe con (bằng ngân sách nhà nước) một cách phung phí lại được đem ra thảo luận nhưng chưa hề được xử lý. Số tiền này vào khoảng 30 đến 40 triệu USD/năm được gọi là để phục vụ cho các "đầy tớ của nhân dân" có điều kiện đi lại. Trong khi đó các "ông bà chủ" phải chắt chiu để có thể mua được một căn hộ trả góp trong ... 100 năm. Trong khi đầy tớ "đốt" 10 triệu USD hàng năm để nhậu rượu thì lại có những ông bà chủ khác quần quật suốt ngày cũng chỉ kiếm được không đầy 10.000 đồng/ngày. Với "thu nhập" như thế thì xác suất con bị đuổi học vì không trả học phí là 100%. Hiện nay ngay tại một huyện của thành phố Sài Gòn tỷ lệ học sinh bỏ học đã là 24%, và trên toàn thành phố có đến 50 phường có tỉ lệ nghèo lên đến 40% (2001).

Trong một bài báo cáo năm 2003, các chuyên gia của UNDP đã công bố chỉ số Gini - tỷ số phản ánh chênh lệch giàu nghèo - của Việt Nam là 36,7 nghĩa là cao hơn những quốc gia giàu có như Nhật, Thụy Sĩ. Hiện diện trong buổi họp, ông Lê Ðăng Doanh, một chuyên gia kinh tế và là cố vấn cho chính phủ Việt Nam đã phải đặt câu hỏi là nếu cứ cái đà phát triển như thế này, đến khi giàu có bằng những nước kể trên, mức chênh lệch giàu nghèo sẽ còn tới đâu? Cũng theo ông Doanh, hiện tượng "giàu đột biến" từ những nguồn đầu cơ đất đai và chuyển nhượng bất động sản phi chính thức càng ngày càng làm con số cách biệt này lớn ra, và đặc biệt là tầng lớp "giàu mới" này không hề tạo ra công ăn việc làm cho xã hội, không góp phần vào việc xóa nghèo cho cộng đồng. Nói tóm lại, sự phát triển khập khiễng này chỉ đưa đất nước ngày một lún sâu vào bất công.

Trở lại vụ bạo động ngày 21/3 vừa qua, một bác xe ôm chứng kiến sự việc đã cho biết chỉ có một số trong 400 người tụ tập đã tham gia vào việc đốt xe cảnh sát nhưng số người còn lại hoàn toàn thụ động và quan sát. Làm như họ đang đốt xe bằng mắt vậy. Một chi tiết cũng cần quan tâm là trong suốt hai tiếng khi dân chúng tấn công trụ sở đội 1 nằm trên đường Nguyễn Khắc Nhu cách nơi đốt xe khoảng 200 mét, không hề thấy bóng cảnh sát 113 vì theo người dân, việc này sẽ làm tình hình xấu đi. Cứ như là lúc ấy người dân đã quên nỗi sợ "truyền thống" và sẵn sàng trút giận lên đầu bồ câu (tiếng lóng gọi cảnh sát cơ động) hoặc những biểu tượng của nhà nước.

Ðiều này có thể cho chúng ta một nhận xét đầu tiên sau vụ việc này là những bất công trong xã hội đã tạo ra quá nhiều ức chế trong đại đa số tầng lớp dân chúng và quả thực nó đang là những quả bom nổ chậm có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Sau vụ việc, năm người bị câu lưu điều tra, nhưng đại đa số người dân đã tự cho mình một lời kết án: "Mình chỉ là những kẻ thấp cổ bé họng". Tôi có cảm tưởng đây là những lời tuyên chiến âm thầm của một tầng lớp chiếm đa số nhưng đang sống trong nghèo đói và bất công đối với một thiểu số giàu có đang nắm trong tay quyền sinh sát.

Sài Gòn, 28/3/2005

Phan Kiến Quốc

No comments:

Post a Comment