Saturday, April 30, 2005

Ðại đoàn kết dân tộc, xóa bỏ quá khứ. Chúng ta đang ở đâu sau 30 năm?


Phan Kiến Quốc

Trong những ngày đất nước kỷ niệm 30 năm chấm dứt chiến tranh, nhiều tiếng nói đã gióng lên kêu gọi tinh thần đại đoàn kết, xóa bỏ quá khứ, vượt qua khác biệt để hướng tới tương lai. Một trong những phát biểu quan trọng nhất là của nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông đã nhìn nhận những sai lầm trong suốt giai đoạn 75-85 khiến cho đất nước phải trả một giá quá đắt, kéo Việt Nam thụt lùi hàng chục năm so với các nước trong vùng. Nhưng đặc biệt ông Kiệt còn viết về ngày 30/4/75 là: "có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn, đó là một vết thương chung của dân tộc" nghĩa là công khai nhìn nhận sự phân hóa sâu sắc trong cộng đồng dân tộc sau chiến thắng này. Ðây là điều mà chưa lãnh đạo nào dám thẳng thắn nhìn nhận.

Cũng vào ngày 29/4.2005, thủ tướng Phan văn Khải cũng có một bài phát biểu kêu gọi: "mọi người Việt Nam yêu nước trong khối đại đoàn kết dân tộc, chung lòng góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc , không phân biệt quá khứ và vượt lên trên những sự khác biệt về dân tộc, tôn giáo, hoàn cảnh kinh tế...và cả sự khác nhau về chính kiến". Cộng vào phát biểu của hai ông lớn này là nhiều lời phát biểu khác quanh chủ đề nóng và thời sự nhất là "đại đoàn kết dân tộc, xóa bỏ quá khứ".

Cách đây đúng ba mươi năm, sau khi ủi sập cổng dinh Ðộc Lập và bắt ông Dương Văn Minh, phó chủ tịch UB Quân quản Sàigòn-Gia Ðịnh Cao Ðăng Chiếm cũng đã tuyên bố những lời lẽ mang nội dung như trên. Ba mươi năm sau các nhà lãnh đạo cũng lập lại nhưng với những giọng điệu tha thiết hơn, bớt kiêu ngạo hơn.

Nhưng giữa hai lời kêu gọi ấy họ đã làm được những gì?

1.

Một tháng trước ngày kỷ niệm ba mươi năm ngày 30/4, truyền hình và các phương tiện truyền thông liên tục nhắc lại những trận đánh kéo dài từ lúc Ban Mê Thuột thất thủ cho đến khi xe tăng Bắc Việt ủi sập cánh cửa sắt dinh Ðộc Lập. Ngay ở đây chúng ta cũng đã thấy điều này không tương xứng với những lời kêu gọi ở trên là "quên đi quá khứ". Tuy nhiên cái trầm trọng hơn là ngôn từ được dùng trong các phóng sự này. Mỗi khi đánh chiếm được một cơ quan, một tỉnh thành nào của chính phủ VNCH thì xướng ngôn viên dùng những từ như "đánh chiếm sào huyệt của địch", "xóa tan hang ổ của ngụy quyền". Thiết nghĩ chữ "sào huyệt, hang ổ" chỉ nên dùng cho bọn cướp, cho súc vật, không nên dùng cho người, nhất nữa lại là những người mình đang kêu gọi cùng nhau xóa bỏ hiềm khích, cùng nhau sống chung.

Nhân đây chúng tôi cũng xin bàn thêm về chữ "ngụy". Ngụy có nghĩa là giả dối (ngụy tạo), không thực, bù nhìn. Nói tóm lại có nghĩa là một từ mạ lỵ. Từ ngày 30/4/75 đến nay đã 30 năm, phải nói không ngày nào mà 500 tờ báo, 20 đài phát thanh, truyền hình; nghĩa là cả một bộ máy tuyên tuyền khổng lồ của Hà Nội lại không nhắc đến từ này. Những người lớn tuổi nghe riết rồi nói theo quán tính, lớp trẻ hơn thì phát biểu một cách vô tư mà quên rằng từ này mang đậm tính phân biệt, hận thù. Ðó là chưa nói đến một sự thực rất hiển nhiên là khi chiếm được Sàigòn hoàn toàn không có quân đội ngoại nhập (nếu có chăng là 10 sư đoàn Bắc Việt) nên không thể nói chế độ ông Thiệu lúc ấy là ngụy quyền được.

Nói đến chính quyền cũ, chúng ta không thể không nhắc đến những phân biệt đối xử giữa hai chế độ. Sau 30 năm thử hỏi có bao nhiêu người thuộc chế độ cũ thành đạt. Chắc chắn là có. Trong những ngày này để đánh bóng cho chủ trương đại đoàn kết, nhà nước đã cho giao lưu nhiều khuôn mặt thành công trong xã hội có cha mẹ trong chế độ cũ, nhưng thử hỏi đã có bao nhiêu người như thế trong lực lượng lao động hàng chục triệu người. Một bằng chứng cụ thể nhất là trong giáo dục. Con của thương binh liệt sĩ (dĩ nhiên thuộc quân đội cộng sản hoặc có công với cách mạng) được cộng đủ thứ điểm, đó là chưa kể những ưu đãi ngầm khác. Những điều này gọi là gì nếu không muốn nói là bất công?

Sự phân biệt đối xử rõ ràng nhất còn được thấy qua các chính sách được gọi là "đền ơn đáp nghĩa". Trong thời gian qua, nhà nước đã vận động xã hội để xây gần 200 ngàn căn "nhà tình thương", tặng nửa triệu sổ tiết kiệm, săn sóc cho 95% thương binh, cả nước có trên 3000 nghĩa trang liệt sĩ... Hãy khoan nói về cử chỉ "xóa bỏ hận thù, xóa bỏ quá khứ" bằng cách giúp đỡ các thương binh "phía thua trận", chỉ xin hỏi thử nếu kiều bào nước ngoài vận động thành lập hội để quyên góp mua xe lăn, xây nghĩa trang, giúp đỡ các thương binh VNCH thì nhà nước cho chấp thuận không? Những người mẹ có con đi theo cộng sản tử trận được gọi là "bà mẹ VN anh hùng", được hưởng đủ thứ trợ cấp, ưu đãi này nọ; thế thì các bà mẹ có con đi lính quốc gia tử trận là gì? là các "bà mẹ ngụy", hay "các bà mẹ phản quốc"?

"Nghĩa tử nghĩa tận". Chết là hết. Thành ngữ này nói lên sự khoan dung của người Việt Nam. Cái khoan dung ấy liệu có còn trong xã hội mà nơi ấy chỉ có chỗ đứng cho những người được gán cho tính từ "anh hùng"? Tôi còn nhớ ở Pháp có một nghĩa trang trong vùng Normandie là nơi chôn cất trên 20 ngàn lính Ðức chết trong đệ Nhị thế chiến. Nước Ðức của Hitler mang quân xâm lăng Pháp vậy mà người Pháp đối xử một cách rất văn hóa là dành cho những người này một mảnh đất để yên nghỉ ngay sau khi Ðức thua trận. Nghĩ đến đây tôi chợt tủi hổ khi vỗ ngực xưng mình có hơn 4000 năm văn hiến. Cùng là người Việt Nam máu đỏ da vàng mà 30 năm sau khi chấm dứt chiến tranh, người ta đối xử với nhau đôi khi còn kém hơn cả súc vật.

2 .

Gọi là quên đi quá khứ nhưng cho đến ngày hôm nay hình ảnh người lính VNCH vẫn thường được bôi tro trát trấu, được hạ thấp xuống tột cùng. Cứ nhìn qua cung cách làm phim, dựng kịch của chế độ này là đủ thấy. Ðã là lính VNCH thì phải "hội đủ" các hình ảnh sau: hống hách với thường dân, khúm núm trước người Mỹ, hèn nhát trước bộ đội, cộng thêm tác phong xấu như tóc dài, nhậu nhẹt, bạc nhược, nói năng, đi đứng vô kỷ luật và lố lăng với phụ nữ. Thỉnh thoảng được khoác lên bộ quân phục đứng đắn một tí thì lại là những bộ quần áo phẳng ly, không dính một hạt bụi, cố ý để tạo nên hình ảnh lính kiểng, lính cảnh... Ðó là lính thường, còn nếu là sĩ quan thì còn tệ hơn. Ðã có những phim dựng cảnh sĩ quan VNCH bụng phệ, râu ria lởm chởm, đeo kiếng râm, hút xì gà và uống Hennessy thay nước! Ngược lại, đã là bộ đội hoặc anh chiến sĩ giải phóng thì chắc chắn phải oai phong, dũng cảm với kẻ thù, ăn nói chững chạc, tư cách đứng đắn nghiêm minh nhưng giản dị, hiền hậu với dân lành, nghiêm túc với phụ nữ và dĩ nhiên ngoại hình phải "coi được" nếu không muốn nói là đẹp trai!

Cũng về cách xưng hô, các binh sĩ, sĩ quan VNCH thường được gọi tên lính ngụy, tên tướng, tá ngụy kèm theo những tính từ có tính cách mạt sát, mạ lỵ...chẳng hạn tên tướng ngụy Phạm Văn Phú, tên tướng ngụy Nguyễn Ngọc Loan, tên đại tá ngụy Hồ Ngọc Cẩn...Nhưng phải nói rằng có một số ngoại lệ chẳng hạn như viên chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, viên trung tướng Nguyễn Hữu Có, viên trung tá Nguyễn Thành Trung... của chính quyền VNCH (chứ không phải của ngụy quyền). Trong những ngày gần đây, trong nhu cầu đánh bóng cho chủ trương đại đoàn kết dân tộc của đảng, những nhân vật này thường xuất hiện trên truyền hình. Việc làm của họ trong quá khứ có lẽ ai cũng rõ và không cần phải nhắc đến ở đây.

3.

Cuộc chiến tranh vừa qua đã để lại bao mất mát cho cả hai phía. Ðây là điều hiển nhiên nhưng cũng mới chỉ được chính thức công nhận. Trước đây, kẻ chịu mất mát là nạn nhân của bom đạn Mỹ và "tay sai", còn những người bị chôn sống tại Huế, bị chết trong các cuộc pháo 122 ly ở Sàigòn trong trận Tổng công kích Mậu Thân 68, trên Ðại lộ kinh hoàng 72, trong cuộc pháo kích vào trường tiểu học Cai Lậy năm 74, giật mìn xe lửa, xe đò, ám sát, thủ tiêu...đều là sản phẩm tưởng tượng của địch! Nhưng thú nhận mất mát ở cả hai phía là thú nhận chung chung vậy thôi chứ cụ thể chẳng có gì thay đổi, thậm chí còn có những lập lờ khó hiểu. Thí dụ trên báo Công An TPHCM tháng 9/02 có đăng tin về lòng ham sống và ý chí phấn đấu một thanh niên tên Nguyễn Văn Thành ở Củ Chi. Năm 75 anh đi rẫy và "vướng mìn của bọn Mỹ còn sót lại" làm anh cụt mất đôi chân. Ngược lại trên báo Pháp Luật tháng 2/03 tường thuật về Khanh Rong, năm 74 mới 10 tuổi em đi lùa trâu thì gặp một trái mìn thả trôi sông, Vừa định vớt lên thì mìn nổ làm em cụt hai tay và mù một mắt, nhưng với ý chí em đã trở thành giáo viên hội họa... Năm 74 thì ai thả mìn lềnh bềnh dưới các đám lục bình để phá các cây cầu? Nếu là của Mỹ và tay sai thì tại sao không nói thẳng ra như trường hợp của Nguyễn Văn Thành?

4.

Lòng hận thù của người cộng sản đã đến đỉnh điểm khi đến ngày hôm nay vẫn còn có những hành động cực kỳ thiếu suy nghĩ nếu không muốn nói là hạ cấp. Vài thí dụ: vào ngày khánh thành đoạn đường Cần Giờ - Nhà Bè -Duyên Hải, họ đã dám tuyên bố: "đoạn đường này 100 năm thực dân Pháp không làm được, 21 năm Mỹ không làm được, chỉ có chế độ ta mới có con đường này...". Ðúng ra là khu này bùn rất sâu, đổ cả xe cát xuống cũng mất tiêu nhưng có lẽ chỉ những người bị tâm thần mới phát biểu được như thế hoặc giả sử đó là những nông dân chưa hề biết được rằng 15 cây cầu bắc qua sông Seine ở thủ đô Paris đều có tuổi thọ trên 150 năm, chưa hề biết được rằng Golden Gate bắc qua eo biển San Francisco có tĩnh độ kỷ lục (72 mét) và khẩu độ 1270 mét được xây từ năm 1937! Không, người phát biểu này không phải là một nông dân vùng sâu vùng xa, tên ông ấy là Nguyễn Văn Linh, nguyên tổng bí thư đảng CSVN.

Một thí dụ khác: một cái đầu bệnh hoạn đã viết báo đả kích ông Ngô Ðình Diệm có khuynh hướng "học làm sang" khi dùng chữ Hán để đặt các địa danh như Sầm Giang, Trúc Giang, Phong Dinh, An Xuyên, An Giang...và phải đợi cách mạng thành công mới lấy lại các tên thân quen như Rạch Gầm, Bến Tre, Cần Thơ, Cà Mau, Sóc Trăng... (Pháp Luật 9/02). Không biết người viết những lời trên có nhớ là ở ngoài Bắc đã có những địa danh Bắc Giang, Hà Giang, Hải Dương, Hoàng Liên Sơn, Lạng Sơn, rồi Tiền Giang, Hậu Giang, Kiên Giang ở trong Nam, và trước đây còn có cả tỉnh Minh Hải nữa ...chúng là thuần Việt ngữ cả à? Mặt khác đâu phải dùng từ Hán Việt là mất gốc, nếu thế thì hỏi ai đã đổi Ải Nam Quan (chữ Hán nhưng viết theo kiểu tiếng Việt) thành Hữu Nghị Quan (Hán 100%)?

Chúng tôi cũng còn nhớ trong vở kịch Biển được ra mắt công chúng năm 2001 kể chuyện một cán bộ về hưu, ông ta thật vui khi thấy trên internet có một trang web nói về hát bội, nhưng sau đó ông ngạc nhiên vì chủ trang lại là một "cựu thù", một "sĩ quan rằn ri". Một người sau đó đã viết báo rằng: "nặng lòng với hát bội sao lại là một kẻ mang nợ máu với nhân dân? Một con người đã phản động về mặt chính trị không thể có, không được phép có được sự tích cực về mặt văn hóa". Có lẽ chúng ta không còn gì để bình luận về những suy nghĩ bệnh hoạn thế này.

5.

Nói đến văn hóa chúng tôi chợt nghĩ ngay đến âm nhạc, một lãnh vực tương đối liên quan đến quần chúng hơn cả và đây lại là một dấu hiệu của sự phân biệt quá khứ trắng trợn. Theo Quy chế 55 của bộ Văn Hóa Thông tin ban hành năm 2003, nghiêm cấm sử dụng không phép các bài hát trước năm 45 trên phạm vi toàn quốc và các bài trước 75 ở miền Nam. Một thông tư quái đản, đã gọi là luật thì phải có giá trị mọi nơi, sao nơi cấm nơi không? Về mặt nội dung thì cực kỳ phi lý: những bài như Trăng tàn trên hè phố, Quán nửa khuya...từ đầu đến cuối hoàn toàn không có ý giết chóc, đàn áp, hận thù...thậm chí còn không có cả chữ lính lại bị kết án là "phản động, đi ngược lại lợi ích dân tộc..." Tôi thiết nghĩ nếu những bài ấy được "may mắn" sáng tác sau 75 thì biết đâu nó đã được "phe ta" sử dụng tối đa. Vậy thì tinh thần "không phân biệt quá khứ" các ông đã để nó ở đâu?

Nhiều bài hát "vô tôi vạ" như các bài thiếu nhi cũng bị cấm đoán một cách khó hiểu. Còn nhớ trong một buổi phát phần thưởng, một vài ca sĩ thấy bài Ngày xưa lên năm lên ba hay quá muốn hát nhưng sợ nên phải sửa lời, một em học sinh cũng không biết bài Ðưa bé đến trường bị cấm nên hát vô tư. Không biết cô ca sĩ và em nhỏ kia có bị kiểm thảo không nhưng cũng có nhiều người viết bài kết án họ là "mất lập trường"!

Sự cấm đoán này đúng ra không có tác dụng nhiều vì không phải ai cũng biết quy chế này cũng như bài nào là trước, sau những năm 45, năm 75. Cứ thấy hay là họ hát. Chỉ sau đó bị những cái đầu cặn bã chửi rủa mới biết mình "đi ngược lại lợi ích dân tộc..". Ðó là trường hợp Quang Dũng với Tưởng Niệm và Ðêm nhớ về Sàigòn của Trầm Tử Thiêng, Ðàm Vĩnh Hưng với Ðà Lạt Hoàng hôn (Minh Kỳ) và Nửa hồn thương đau (Phạm Duy).

Tuy nhiên cũng giống như Nguyễn Hữu Hạnh, Nguyễn Hữu Có và Nguyễn Thành Trung ở trên, trong lãnh vực âm nhạc này cũng có những ngoại lệ mà xem ra còn quy mô hơn nhiều: đó là trường hợp của những Trịnh Công Sơn, Miên Ðức Thắng, Trần Long Ẩn, Trương Quốc Khánh, Huỳnh Bá Thành...với phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe của những năm 67-73. Không hiểu vì lý do gì mà ngay thời điểm ấy đài phát thanh Hà Nội cũng đã cho phát những bài hát này? ! Thế mới lạ? ! Nhưng cái lạ hơn cả là trước thảm cảnh học tập cải tạo, của vùng kinh tế mới, của thuyền nhân sau ngày 30/4/75, những nhạc sĩ yêu dân yêu nước này lại im bặt. Hay là cũng giống như trường hợp Khanh Rong và Nguyễn văn Thành, chỉ có bom Mỹ mới tạo ra nạn nhân? hay những người xấu số ấy không được xếp vào hạng đồng bào để được nghe hát? Khốn nạn thật!

6.

Sau cùng, một trong những đối tượng được nghị quyết 36 và lời kêu gọi đại đoàn kết nhắm tới là kiều bào nước ngoài. Phải nói rằng với 3 tỷ đô gởi về hàng năm (qua ngả ngân hàng, chứ con số thực có thể gấp đôi) so với tổng kim ngạch xuất khẩu 26 tỷ đô là một con số quá lớn, có thể đánh gục bất kỳ mọi tư tưởng, mọi giáo điều nào. Ðang từ "bè lũ phản quốc" Việt kiều được chuyển sang "cánh tay nối dài", rồi mới đây được nâng lên hàng "máu thịt" (rồi không biết sẽ còn tới gì gì nữa đây? ). Tuy nhiên theo kết quả của Uỷ ban người Việt nước ngoài thì thành quả trước và sau nghị quyết 36 rất khiêm tốn.

Theo Ủy ban này, hiện nay có khoảng 300.000 trí thức Việt kiều làm việc trong hầu hết các ngành, kể cả ngành kỹ thuật cao như vũ trụ, hàng không, công nghệ điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, vật liệu mới, sinh học,.. Số trí thức Việt kiều này có khả năng đóng góp cho đất nước trên các mặt như chuyển giao tri thức (chương trình TOKTEN) - công nghệ, huấn luyện - giảng dạy, tư vấn, đầu tư... Nhưng hàng năm chỉ có khoảng 200 lượt trí thức Việt kiều về nước, được xác nhận là có đóng góp cái gì đó. Tổng số dự án đầu tư từ trước đến nay chỉ xấp xỉ 200 triệu USD. Một con số quá thấp so với tiềm năng và cả sự mong đợi. Hầu hết trong số họ là về làm việc theo hình thức ngắn ngày, tự túc, kết hợp thăm thân nhân với tham gia giảng dạy, thuyết trình, tặng trang thiết bị nhỏ hoặc đã qua sử dụng, quan hệ chủ yếu với các cơ quan, trường, viện thuộc khối nhà nước. Có rất ít chuyên gia đầu ngành về nước và hầu như không có trường hợp nào được công nhận là đã làm chuyển biến rõ rệt hoặc để lại dấu ấn trong một ngành, lĩnh vực hay cơ sở nghiên cứu quan trọng nào. Ðó là chưa nói đến trường hợp nhiều Việt kiều phấn khởi đi về rồi lặng lẽ đi ra, ngậm ngùi với những gì mắt thấy tai nghe nơi quê nhà và bế môn sống cuộc đời quạnh hiu nơi đất khách quê người. Tất cả những điều này đều trái ngược với Ấn Ðộ và Trung Quốc.

Nhà nước đã tìm cách lý giải rằng do chưa có chính sách đãi ngộ xứng đáng như thủ tục hải quan, thủ tục hành chánh, mua nhà...Nếu quả thực chỉ có như thế thì vướng mắc quá dễ để giải quyết, tại sao phải để dây dưa từ năm này qua tháng khác để rồi than vắn thở dài. Chúng ta cũng đã thấy rằng ở Việt Nam chỉ cần bỏ hoặc thêm hoặc sửa một điều nào đó trong luật đất đai là cả thị trường nhà đất nháo nhào lên ngay. Vậy thì cốt lõi của vấn đề đâu phải nằm ở chính sách đãi ngộ. Ðó chính là vì hận thù còn quá đậm, và cứ xem những gì xảy ra hàng ngày trong nước thì những gì ông Võ Văn Kiệt và ông Phan Văn Khải kêu gọi còn xa thực tế nhiều lắm.

Chúng ta cứ thử quan sát kể từ khi nhà nước "lưu tâm" đến kiều bào, họ thường phỏng vấn một vài cá nhân cổ súy cho chính sách này. Nhưng từ chục năm nay quanh đi quẩn lại cũng những khuôn mặt cũ như Lê Ngọc Lâm (Nhật), Nguyễn Hữu Thái (Canada), Nguyễn Ngọc Mỹ, Nguyễn Chánh Khê (Mỹ), Lương Bạch Vân (Pháp), Ngô Ðức Chí (Bỉ)... phần lớn đều đã hoạt động cho cộng sản trước 75. Gần đây nhờ mở cửa có thêm một số trí thức nổi tiếng như Trần Thanh Vân (Pháp), Trịnh Xuân Thuận (Mỹ) nhưng cũng chỉ là những hợp tác ngắn hạn và gián tiếp. Nói tóm lại, Tokten, nghị quyết 36 đã hoàn toàn thất bại và nếu cứ tiếp tục như thế, năm, mười năm nữa cũng sẽ có thêm người mới nhưng vẫn mãi mãi "quá thấp so với tiềm năng".

Một trong những bài phát biểu gần đây có liên quan đến vấn đề đại đoàn kết dân tộc, xóa bỏ quá khứ, đặc biệt có bài của giáo sư Trần Văn Hà, ủy viên Trung ương Mặt Trận Tổ quốc. Theo ông Hà, để kiều bào nước ngoài nói chung và tầng lớp 300 ngàn trí thức dốc lòng đầu tư trí tuệ, tài đức, tiền của, tài kinh doanh để giúp nước, là phải có sự đoàn kết thực sự. Muốn đoàn kết thực sự được thì phải dân chủ thực sự, công bằng thực sự. Muốn có công bằng, dân chủ thực, thì không phải lý luận dài dòng, mà phải chỉ cần tôn trọng thực sự Hiến pháp và luật pháp, đặc biệt là điều 69 của Hiến pháp - công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được tự do thông tin, có quyền hội họp biểu tình theo quy định của luật pháp.

Ðơn giản chỉ có thế. Sống nơi đất khách quê người, biết được thế nào là văn minh, và thế nào là dân chủ, nhân quyền; trái tim của 3 triệu Việt kiều lúc nào cũng hướng về quê hương, nhưng đó phải là quê hương không hận thù, không còn nghe chữ "ngụy quân, ngụy quyền", không còn thấy cảnh bình luận quá khứ một chiều - và quan trọng hơn cả - là thấy người dân thực sự là chủ đất nước của mình.

* * *

Ngày hôm nay, cả nước kỷ niệm 30 ngày thống nhất đất nước, người ta lập đi lập lại đến vận nước, đến tương lai một đất nước đoàn kết, không phân biệt quá khứ, không phân biệt chính kiến, rằng non sông Việt là của mọi người...Nhưng nếu chỉ nói suông thì 30 năm nữa, năm 2035 chúng ta cũng mới chỉ mon men tới chỗ của Thái Lan của năm 1990! Phải thể hiện ra bằng hành động cụ thể như:

-           tôn trọng những gì đã ghi trong Hiến Pháp: tự do ngôn luận, tín ngưỡng và tất cả những quyền căn bản trong Hiến Chương LHQ Về Quyền Con Người.

-           trả tự do cho tất cả những người bất đồng chính kiến.

-           vĩnh viễn xóa bỏ quá khứ để chấm dứt cảnh "có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn " bằng cách :

a) từ bỏ những từ có tính cách mạ lỵ như "ngụy quân, ngụy quyền". Ngày 30/4 hàng năm vẫn là ngày lễ nhưng không còn là ngày chiến thắng, mà là ngày tưởng niệm cho những người đã chết trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn.

b) đối xử bình đẳng đối với chiến binh hai miền cũng như gia đình của họ.

c) trả lại hoặc đền bù tài sản đã bị cưỡng bức cho các nạn nhân.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã làm một điều "xưa nay hiếm" là thú nhận những sai lầm trong quá khứ. Nhưng nếu chỉ ân hận để rồi tiếp tục đi vào vết xe cũ thì lại đáng trách hơn. Hãy nhìn thẳng vào thực tế để nhìn thấy sau ba mươi năm hòa bình, vấn đề canh tân, xây dựng đất nước vẫn còn nguyên. Chúng ta vẫn là một trong mười nước thường trực cầm đèn đỏ trong mọi lãnh vực: kinh tế, phát triển, giáo dục, xã hội...tất cả là vì đất nước còn thiếu dân chủ, thiếu công bằng và những điều này đã tạo ra một tình trạng phân hóa vô cùng trầm trọng và sâu đậm trong toàn xã hội.

Ước mong rằng ngày 30/4 năm nay sẽ là ngày cuối cùng của cảnh "có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn ".

Sài Gòn, 30/4/2005
Phan Kiến Quốc

No comments:

Post a Comment