Lê Thụy
Báo chí Việt Nam trong thời gian này đều ca ngợi sự thành công vang dội của chuyến lưu diễn Duyên Dáng Việt Nam tại Úc trong tháng 11/2005. Có thành công hay không, sự thật tôi cũng không biết vì đang sống tại quê nhà. Nhưng tôi nghĩ chương trình cũng có được những kết quả mong muốn vì những lý do sau:
Những người Việt xa quê hương còn gì thích thú hơn khi được xem một chương trình do chính người Việt Nam sang diễn.
Sự chuẩn bị kỹ lưỡng của những người thực hiện chương trình.
Nội dung mang đậm bản sắc dân tộc, điều mà những Việt kiều xa quê hương luôn mong mỏi được thưởng thức.
Nhưng nếu mọi việc đơn giản chỉ có thế thì có lẽ tôi không phải suy tư làm gì. Là một người Việt Nam đang sống trên đất nước Việt Nam, 12 năm sống dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa và 29 năm dưới chính quyền cộng sản, tôi muốn nói lên những suy nghĩ và thắc mắc của mình, mong các bậc cha, chú và đàn anh đàn chị cùng nhau thảo luận.
Sau bao nhiêu sai lầm trầm trọng từ khi nắm chính quyền như: vùng kinh tế mới, học tập cải tạo, đánh tư sản, chiếm đất của dân, gọi những người Việt tị nạn chính trị là "bọn phản quốc"..., thì hiện nay chính quyền Việt Nam đang ra rả kêu gọi "xóa bỏ hận thù, thực hiện đại đoàn kết dân tộc". Trên nguyên tắc, đây là một việc làm đúng đắn và hết sức thiết thực nếu được thực hiện nghiêm chỉnh và thật tâm chứ không phải là những lời nói suông. Tuy nhiên trên thực tế, chính quyền đang nói suông!
Bên cạnh những điều mị dân như gọi "bọn phản quốc" là "khúc ruột ngàn dặm", dang rộng vòng tay đón các nhà khoa học, kỹ thuật, giới văn nghệ sĩ về Việt Nam phục vụ và sinh sống...thì họ lại có những việc làm khác đi ngược với những điều họ nói:
- cứ vào những ngày lễ như 30-4, 2-9, 22-12 (ngày thành lập Quân đội Nhân Dân) thì y như rằng tôi bị tra tấn bởi những hình ảnh chiến trường xưa, những lời nói phỉ báng: bọn bán nước, ngụy quân, ngụy quyền... Ðã gọi là "khép lại quá khứ" thì tại sao nhà nước cứ khơi lại những hình ảnh hận thù, những nỗi đau của phía bị thua trận? Thử hỏi như thế thì họ có quên được không?
- "Xóa bỏ hận thù" thì tại sao không chăm lo cho các bà mẹ đã mất con trong chiến tranh cho dù ở bên này hay bên kia chiến tuyến. Có phải chăng những bà mẹ có con đi bộ đội hy sinh thì mới đau khổ còn những bà mẹ có con đi lính quốc gia hy sinh thì không? Nếu lời nói đi đôi với việc làm thì hãy lấy ngày 27-7 là ngày thương binh liệt sĩ cho cả hai phía, cho cả hai chế độ. Làm như thế chắc chắn những hình ảnh hận thù sẽ được khép lại và đại đa số người dân miền Nam và Việt kiều sẽ ủng hộ cho chính sách nhân đạo này.
- Ngoài ra chúng ta còn phải kể đến những hình thức phân biệt đối xử đặc biệt là trong ngành giáo dục, cụ thể là việc dành điểm ưu tiên cho con thương binh liệt sĩ cách mạng. Ðiều này không chỉ gạt ra ngoài giảng đường những sinh viên đủ điều kiện nhưng chỉ mang cái "tội" có thân nhân đi lính chế độ cũ, nhưng nó còn làm cho trình độ và chất lượng đào tạo xuống dốc, và còn nhiều vấn đề tôi chưa kể hết được.
Ðáng buồn thay có nhiều người trong chúng ta chưa nhận ra được điều đó nên vui vẻ đón nhận những cái gọi là đặc ân của chính quyền cộng sản.
Tôi là một người ngưỡng mộ nhạc sĩ Phạm Duy, ca sĩ Elvis Phương... Cả cuộc đời họ đã cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam rất nhiều tuyệt phẩm. Trước đây có nhiều bài tôi thắc mắc không biết tại sao chính quyền không cho lưu hành mặc dù nội dung không có gì là "phản động". Lúc đó tôi nghĩ rằng vì họ là những người "phản bội quê hương" thì bất cứ cái gì của họ cũng không được sử dụng. Nhưng giờ đây khi được phép trở về thì cả một gia tài âm nhạc đồ sộ của Phạm Duy cũng mới chỉ được cấp phép 19 bài (trong đó mới bổ sung 9 bài). Vậy đã "khép lại quá khứ" chưa mà nhạc sĩ Phạm Duy đã vội rối rít cám ơn: "Làm sao tả hết niềm hạnh phúc này, cám ơn Chính phủ và mọi người đã dành ưu ái cho gia đình tôi".
Trở lại chuyến lưu diễn tại Úc, MC (người dẫn chương trình) Xuân Hương sau chuyến đi đã gọi những người biểu tình chống đối là "những kẻ quá khích" rồi "tôi buồn và thấm thía hơn khi hiểu được rằng sự đoàn kết của một dân tộc mới có thể làm cho đất nước hùng cường. Và những người Việt đó có hiểu được điều này? ". Nhưng chị có biết đâu mới trước đó chỉ hơn 3 tháng chính quyền Việt Nam đã tạo áp lực lên chính phủ Malaisia để họ đập bỏ tượng đài tưởng niệm thuyền nhân trên đảo Galang, xúc phạm lên oan hồn của hàng triệu người đã chết ngoài biển thì như thế gọi là "quên đi quá khứ", là "đoàn kết dân tộc" đó sao?
Truyền thống của người Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung là tôn trọng người quá cố cũng như nơi yên nghỉ cuối cùng của họ. Tôi cũng nhớ chuyện nhiều người đã từng nói về việc vua Gia Long xúc phạm mồ mả vua Quang Trung là một vết nhơ không bao giờ xóa được cho cả triều Nguyễn. Rồi gần đây nhất ở ngay tại Sàigòn, sau bao nhiêu ngày tháng chuẩn bị dư luận nhà nước mới dám phá bỏ một cái mả đá nằm chơ vơ trong quận 10 với sự hỗ trợ của công an địa phương. Chỉ mới có là cái mả đá của một nhà quý tộc mà chính quyền phải dè chừng, vậy mà họ nhẫn tâm và ngang nhiên cho phá bỏ biểu tượng của hàng triệu người. Tôi tự hỏi đối với chính quyền cộng sản "khép lại quá khứ" phải chăng là xóa bỏ những vết tích tội lỗi của họ?
Song song với việc đập phá này, chính quyền Việt Nam lại kêu gọi những người còn sống, hay đúng ra là những người may mắn thoát chết là những "khúc ruột ngàn dặm" trở về phục vụ quê hương điều này chẳng khác chi chà đạp lên những người đã khuất cho dù đều là máu đỏ da vàng thì thử hỏi tại sao Việt kiều khắp nơi chứ không riêng gì tại Úc lại không phẫn nộ khi chính quyền Việt Nam muốn đem văn hóa đi trước để mị dân, hòng thực hiện ý đồ chính trị của mình.
Trong khi kết án nặng nề những ca sĩ Khánh Ly, Nhật Trường, Chế Linh là "những ngườI tráo trở", "phản động", "ngụy áo rằn" thì nhà nước lại vuốt ve nhạc sĩ Phạm Duy vốn là tác giả của những nhạc phẩm "phản động gấp trăm lần hơn" như "Huyền sử ca một người mang tên Quốc" trước 1975 hoặc "1954 cha bỏ quê, 1975 con bỏ nước" và "Tháng Tư đen" sau 1975. Cách đây không lâu nhà nước đã cho xuất bản cuốn danh mục các nhạc sĩ Việt Nam trong đó không có tên Phạm Duy, điều này đã làm dư luận xôn xao. Vậy mà bây giờ họ lại dang rộng đôi tay... Mánh khóe như cộng sản thì chắc chắn họ phải có dụng ý khi làm điều này với cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam.
Cuối cùng tôi chỉ có một lời tâm sự: không ai có thể phủ nhận ý nguyện thiêng liêng của mọi ngườI Việt Nam là được sống và chết trên quê hương cũng như tâm huyết của nhiều người muốn đem khả năng phục vụ cho dân tộc (chứ không cho chế độ) nhưng không phải vì thế mà chúng ta phải quỳ lụy trước những kẻ vẫn còn đang phỉ nhổ lên những người đã chết, đàn áp những người còn sống, và xin đừng làm quân cờ cho chính quyền cộng sản sử dụng vào mục đích chính trị.
29 năm sống dưới chế độ cộng sản, giờ đây tôi càng thấm thía hơn câu: Ðừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm.
No comments:
Post a Comment