Monday, February 20, 2006

Lãng phí thật và dân chủ giả

Lê Thụy

Năm hết Tết đến tôi lại nghe "điệp khúc mùa xuân" của các nhà lãnh đạo Việt Nam: "chống tham nhũng, không nhận quà Tết, chống lãng phí...". Chúng ta thử đi một vòng từ xóm, làng cho tới trung ương xem những điều mà họ tuyên bố thực hiện được bao nhiều phần?
Tết năm rồi, ngay sau khi nhà nước ra chỉ thị không được biếu xén quà cáp trong dịp Tết thì ngay trong khu phố tôi ở một chuyện buồn cười xảy ra. Nhà ông cán bộ quận luôn đóng cửa im ỉm như không muốn tiếp ai. Người dân trong xóm ai cũng thấy cảnh những người mang quà tới đều bị từ chối phải đem về. Dường như ông ta chấp hành tốt chỉ thị của nhà nước thì phải? Tuy nhiên "xem vậy mà không phải vậy", nếu để ý kỹ thì chỉ có những vị khách mang những giỏ bánh kẹo, lạp xưởng hoặc mấy thùng coca cola, thì mới phải lủi thủi đi về; và chỉ những vị khách đến tay không mới được tiếp đón. Theo người hàng xóm đối diện thì cuộc tiếp đón này rất ngắn, và xuyên qua lớp kiếng nâu (để cản những con mắt tò mò thì người ta thấy những phong thư trao tay một cách nhanh chóng. Miễn bàn. Nhà vị cán bộ nhỏ này được xây mới và to nhất vùng. Trước khi xây nhà cả hai vợ chồng - vốn đều là cán bộ nhà nước - đã đi "chuẩn bị dư luận" là do tiền bán đất ở quê mà có. Miễn bàn.

Thí dụ nhỏ này cho thấy phong cách "tôn trọng pháp luật" của các "đầy tớ nhân dân". Thoạt nhìn người ta thấy ngay một sự tuân thủ nhưng bao giờ thì đó cũng chỉ là những trò vẽ vời để che mắt thiên hạ hòng vơ vét một cách tinh vi hơn. Một chi tiết cũng khá khôi hài, trong khi xây, bà con đi ngang thường đàm tiếu về cái cửa. Việt Nam là xứ nóng nên thường người ta xây cửa lớn để hứng gió, chỉ những nhà "quý tộc" mới xây nhà kiểu kín cổng cao tường. Cán bộ là "đầy tớ" mắc gì xây cửa nhỏ. Nhỏ đến nỗi có chết khiêng hòm ra không lọt. Vậy có lẽ cán bộ tuân thủ pháp lệnh nhà nước thật? Chỉ đến khi người ta thấy được những gì diễn ra bên trong cánh cửa nhỏ hẹp ấy thì cả làng mới ngỡ ngàng.

Việt Nam ta được xếp vào những nước có thu nhập thấp nhưng ngược lại nhà cửa thì lại mắc nhất nếu tính trên mức thu nhập. Với đồng lương hiện thời thì một công chức ở Hà Nội hoặc Sài Gòn sẽ có thể mua được nhà căn nhà với số nhà có 4 cái suyệc (dấu /), nghĩa là phải quẹo 4 lần; mặt trời không bao giờ chiếu tới, hẻm hẹp đến nỗi chết thì phải khiêng quan tài đứng, nhà ngắn đến nỗi muốn làm cầu thang phải dốc 50 độ... sau khoảng100 năm. Vậy mà với một đồng lương tương đương, cán bộ đảng và nhà nước vẫn có thể mua những căn hộ mắc ngang với giá tại trung tâm Tokyo! Thử hỏi tài sản đó từ đâu mà có.

Ông Tạ Hữu Thanh, Tổng Thanh Tra Nhà nước đã có nhận xét: "Tôi có thể nói là nếu bằng lương, bằng lao động chân chính, với bối cảnh thu nhập của công chức ta hiện nay thì không ai có thể cho con em mình đi du học nước ngoài được". Thế mà ngoài những căn nhà 4000 USD/mét vuông, các "đầy tớ" vẫn đều đều gởi con em đi học ở những nước đại tư bản với học phí và ăn ở không dưới 20.000 USD/năm. Cũng theo ông Thanh, đó là chưa kể đến các tài sản khác như đất, xe, trang trại, cổ phiếu... mà với đồng lương chân chính thì có nằm mơ 1 thế kỷ cũng không thấy.

Và thử kiểm lại một cách tổng quát hơn, hình như lĩnh vực nào cũng có cái nghịch lý ấy.

Kinh tế:

Trong vụ án Năm Cam tháng 4/2002 có 51 cán bộ dính líu trong đó có 20 "chiến sĩ công an". Gần đây hơn, vào tháng 6/04, hàng loạt cán bộ lãnh đạo của Tổng công ty dầu khí phải ra tòa vì liên quan đến vụ tham nhũng lên đến hàng triệu USD. Vào tháng 12/ 2005 một cuộc điều tra do Ban Nội Chính Trung ưöng kết hợp cùng Cơ quan Phát triển Quốc Tế Thụy Ðiển cho công bố một danh sách "top ten" 10 cơ quan tham nhũng hàng đầu ở VIệT NAM. Chiếm "huy chương vàng" là Ðịa chính, theo sau là hải quan và cảnh sát giao thông! Và gần đây nhất là vụ xì căng đan đầu năm 2006 là vụ Tổng giám đóc PMU 18 (Ban quản lý các dự án) đã dùng gần 2 triệu USD đi cá độ... Miễn bàn.

Nói về tham nhũng mà không nói về địa chính là một thiếu sót lớn vì đây các con số liên quan phải được tính bằng đơn vị triệu USD và phạm vi vi phạm lan tràn trong khắp cả nước. Tại sao? Rất đơn giản, chỉ cần "chạy" được một miếng đất, hoặc "mua" được tin tức bản đồ quy hoạch là người ta có thể kiếm lời bằng 100 năm mài phấn của một giáo viên đại học. Và dĩ nhiên đây là vùng kiếm ăn hầu như độc quyền của quan chức, của cán bộ, của đảng viên.

Chúng ta có thể kể vài thí dụ rất rất điển hình như đường dạo Hồ Tây (Hà Nội), vụ lừa dân lấy đất ở Hàm Tân (Bình Thuận), vụ chiếm lòng hồ Trị An (Ðồng Nai), chia nhau đất công ở Phú Quốc (Kiên Giang), và còn nhiều, nhiều lắm, tỉnh nào, địa phương nào cũng có.

Giáo dục:

Có lẽ chưa bao giờ câu ca dao "muốn con hay chữ phải YÊU lấy thầy" được áp dụng một cách triệt để như ngày hôm nay. Chuyện "lót tay" cho thày không còn là chuyện hiếm ở nhà trường, và lên càng cao lót càng nhiều. Ðặc biệt là ở hệ tại chức (vừa đi học vừa đi làm), "dịch vụ" này ngày càng nở rộ. Vì là người có lương nên học viên không ngần ngại lắm đóng thêm 200, 300 ngàn bồi dưỡng thêm cho thầy. Một khóa học kéo dài 4 tháng thầy kiếm cũng xấp xỉ 35 triệu (2300 USD). Dĩ nhiên với số tiền bồi dưỡng hậu hĩ ấy thầy cũng sẽ chấm nương tay và điều ắt xảy ra là trình độ đào tạo ngày càng xuống dốc. Vừa qua đích thân bộ trưởng giáo dục đã phải thừa nhận những tiêu cực trong đào tạo sau đại học như sao chép luận án, chạy điểm, bội thực điểm xuất sắc, và hậu quả là con số 2500 tiến sĩ có trình độ yếu. Và trò càng yếu bao nhiêu thì thầy càng khoẻ bấy nhiêu. Nhiều người có lương tâm đã phải lắc đầu trước tình trạng "bán chữ" ngày nay.

Một chuyện lãng phí rất bức xúc là vấn đề sách giáo khoa. Ngay cả những nước giàu như Pháp, Ðức... chuyện em dùng sách của anh là chuyện bình thường, chuyện học sinh lớp trên mang bán sách cũ cho lớp đàn em là chuyện bình thường vì chương trình không đổi. Nhưng ở Việt Nam, hàng năm phụ huynh phải bỏ ra xấp xỉ 200 ngàn đồng để mua toàn bộ sách mới cho con, cho dù mới năm trước anh hoặc chị của cháu vừa học qua cháu cũng không dùng lại được. Nhân con số này với hơn 18 triệu học sinh phổ thông ta sẽ có một con số khổng lồ...chạy vào túi các cán bộ giáo dục.

Nói đến lãng phí ngân sách là nói đến một chuyện dài nhiều tập và lại là một "chuyện thường ngày ở huyện". Như đã nói ở trên, Việt Nam là một trong 10 nước nghèo nhất thế giới, nhưng nếu có xếp hạng xài sang, xài phung phí, thì chí ít Việt Nam cũng phải chiếm huy chương đồng.

Xây dựng cơ bản:

Con số thất thoát mà báo chí thường lập đi lập lại là 35 đến 40%. Năm 2005 là năm kết thúc kế hoạc 5 năm, tổng kết đầu tư của nhà nước vào lãnh vực này là khoảng 180 ngàn tỉ. Nếu "chỉ" thất thoát 35% thì cũng đã mất 65 ngàn tỉ hay 4,3 tỉ USD, một số tiền khổng lồ. Nếu đem chia công bằng cho 2 triệu đảng viên thì mỗi người cũng được 2000 USD...

Cũng trong lãnh vực xây dựng, một trong muôn vàn cách lãng phí mà nói mãi vẫn chưa sửa được là tình trạng xây xong để đó. Theo con số thống kê của Sở Thương mại TP.HCM, có đến 23,7% số chợ hiện không sử dụng hết công suất thiết kế, không khai thác hết mặt bằng kinh doanh, trong đó nhiều chợ chỉ sử dụng được 1/3, thậm chí 1/4 mặt bằng. Tại đồng bằng sông Cửu Long, gần 10 ngôi chợ xây tiền tỉ để nuôi bò hoặc vứt rác. Riêng tại thủ đô Hà Nội, theo báo cáo của Thành ủy vào tháng 8/05, thì tổng số tiền bốc hơi sau hàng loạt các chợ bỏ không hoặc không hiệu quả lên đến 18 tỉ đồng. Ðó lá chỉ nói về chợ chứ nếu nói về trường, về công xưởng thậm chí về hải cảng thì số tiền lãng phí còn lớn hơn cả trăm lần.

Cũng nói về lãng phí, gần đây nhiều độc giả trong nước đã rất bức xúc viết trong mục "Bạn đọc viết" phản ánh tình trạng xây tượng đài tràn lan trên khắp cả nước, kinh phí lên đến 30 tỉ/năm trong khi còn biết bao trẻ em phải chết vì viêm não không có tiền điều trị. Theo thống kê của Bộ YTế thì có tới 72% số bệnh nhân phải ngưng điều trị vì thiếu tiền. Những bạn đọc này có lẽ chưa biết (hoặc không dám viết) rằng chỉ riêng con đước vào "quê Bác" cộng với pho tượng vĩ đại của Bác nằm ở quảng trường Vinh đã ngốn mất 85 tỉ đồng.

Phải nói rằng xã hội có bao nhiêu khía cạnh là có bấy nhiêu vấn đề, và với những thay đổi gần đây về pháp lý, tín dụng, quy hoạch... thì tình trạng càng lúc càng xấu đi. Nếu trước đây hành vi lừa đảo của các đại gia chỉ làm thiệt hại cho các ngân hàng cấp vốn, cho các cơ quan tín dụng thì ngày nay qua những biện pháp mới thì người dân, đặc biệt là dân nghèo càng bị thiệt thòi. Theo báo Ðại Ðoàn Kết (tiếng nói của Mặt Trận Tổ Quốc) thì nếu trước đây người có thu nhập thấp không đủ mua nhà nội đô thì có thể tìm một mảnh đất ruộng vừa túi tiền xây một căn nhà lá. Bây giờ tất cả đều được quy hoạch vào dự án, người dân sẽ chẳng còn một chỗ để cắm dùi. Tham nhũng và lãng phí đưa đến bất công và bất công lại tiếp tục nuôi dưỡng tham nhũng.

Tại sao với bao thối nát đó mà chế độ vẫn tồn tại? Những điều trái tai gai mắt này nếu xảy ra trong các nước "kém dân chủ gấp triệu lần chúng ta" thì đã được xử lý một cách khác: năm 2002 bộ trưởng tài chánh và kinh tế Pháp Strauss-Kahn đã phải từ chức chỉ vì những khoản tiền dùng không đúng (mà đây là những khoản tiền nhỏ). Vào năm 2003 chỉ vì sử dụng chuyên cơ không đúng mục đích trong có vài tiếng mà thủ tướng J. Chretien của Canada đã bị chỉ trích suýt nữa rơi đài. Gần đây hơn, sau tai nạn đường sắt ở Osaka (Nhật) vào tháng 4/05, Tổng giám đốc công ty đã phải lên tiếng xin lỗi rồi từ chức. Vậy mà ở nước ta, một nước "dân chủ triệu lần hơn", mức độ tham những và lãng phí cũng trầm trọng gấp trăm lần nếu tính theo tỷ lệ thu nhập, tất cả vẫn bình chân như vại. Họa hoằn lắm mới thấy có một nhân vật phải "bắt buộc từ chức". Nhưng cho dù từ chức hay khiển trách hay gì đi chăng nữa, tất cả đều là những hoán chuyển chức vụ. Trong ngôn từ bình dân điều này được gọi là: "mày ăn no xong thì để tao ăn".

Tình trạng này sẽ vẫn còn tiếp tục với cường độ dữ dội hơn nếu người dân không trực tiếp giám sát, không dám lên tiếng hoặc đứng lên tố giác, nói một cách khác đi cho đến khi nào dân chủ không được thực thi đúng đắn, nghiêm chỉnh thì sẽ không có gì thay đổi.

* * *

Trong vụ dùng gần 2 triệu USDđể đánh bạc, ông Nguyễn Sĩ Dũng, một chuyên gia kinh tế bên cạnh chính phủ đã nói: "80 triệu đồng bào để họ đánh bạc như thế mà không có phản ứng gì thì quả thật dân ta cũng thật chịu chơi". Lời bình luận của một viên chức cao cấp đã nêu ra một thực trạng là đất nước ta rõ ràng là không thật sự dân chủ. Và rồi trong những ngày đầu năm 2006, khi kỷ niệm 60 năm quốc hội khóa 1 nhóm họp, chính chủ tịch Nguyễn Văn An cũng thú nhận công khai: "Quốc hội ngày càng tiến bộ, nhưng chưa đạt tới mức dân thực sự đứng lên làm chủ". Nghe hai vị này bày tỏ nỗi lòng có lẽ ai ai cũng vui mừng vì họ đã nhìn thấy được đâu là cốt lõi của vấn đề. Nhưng chớ vội mừng! Hãy nghe kỹ và nghe hết những nỗi lòng này: cái quyền làm chủ mà các vị ấy nêu lên chỉ là cái quyền làm chủ...dưới sự lãnh đạo của đảng!

Không! 80 triệu dân chịu chơi đến cỡ nào không biết nhưng chẳng có ai chịu chơi với cái thứ dân chủ mà đảng đã bố thí cho từ 60 năm nay.

Sài Gòn,
mùng 1 Tết Bính Tuất,
Lê Thụy

No comments:

Post a Comment