Lê Thụy
Tại Việt Nam, cứ vào mùa thi trung học phổ thông hoặc thi đại học thì bộ Giáo Dục Ðào Tạo lại phải điên đầu với tình trạng vi phạm quy chế tại một số hội đồng thi. Ðặc biệt là tập trung ở các tỉnh và tình trạng này vẫn tiếp diễn với mức độ ngày càng táo tợn.
Ðơn cử một vài thí dụ: Trường Trung học (TH) Tân Phú, Ðồng Xoài thuộc tỉnh Bình Phước, TH Ðồng Quan, Phú Xuyên tỉnh Hà Tây, TH Gia Mô, Vĩnh Thạnh Trung thuộc tỉnh An Giang... Tại các hội đồng thi này, mới chỉ sau 5 phút đề thi đã lọt ra ngoài, lập tức có các nhóm giải đề ngay tại quán nước đối diện và bài giải được đưa vào bằng nhiều cách: buộc vào những cây sào 4 mét và "câu" trực tiếp đến những thí sinh ngồi bên cửa sổ hoặc đứng trên yên xe máy trèo qua tường vào tận khu vực thí sinh đang làm bài để ném "phao". Lại có tình trạng thí sinh để "phao" sẵn trong nhà vệ sinh... Táo tợn hơn, tại Nghệ An, một số thanh niên vượt rào xông vào phòng thi cướp đề, bất chấp sự ngăn cản của bảo vệ và giám thị. Những người này còn lớn tiếng đe dọa "ra về sẽ cho các thầy cô biết tay".
Có nơi như trường TH Quốc Oai (Hà Tây) tuy người dân tụ tập khá đông trước cổng nhưng không còn cảnh nhốn nháo trèo tường ném bài. Hỏi ra thì mới ngỡ ngàng vì "trường đã thoả thuận là người ngoài không ném bài gây ồn ào, nhưng bên trong sẽ cho chép".
Vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao là tình trạng này đã kéo dài hàng chục năm và vẫn tồn tại ở một vài địa phương như Hà Tây, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ðắc Lắc... mà không có cách nào xử lý rốt ráo. Tại sao các tay giải đề lại biết chắc như bắp rằng đề thi sẽ lọt ra ngoài chỉ sau 5 phút? Tại sao công an, bảo vệ đứng gác mà họ vẫn ngang nhiên ném bài giải vào trong? Tại sao có giám thị mà thí sinh vẫn quay cóp, sử dụng tài liệu thoải mái, tại sao không kiểm tra nhà vệ sinh trước khi thi? Biết bao câu hỏi được đặt ra mà chỉ có bộ Giáo Dục & Ðào Tạo mới trả lời được. Thậm chí có nơi như truờng TH Thái Thuận được ưu đãi đến nỗi "thân chinh" công an vào tận cửa sổ để tiếp tay cho thí sinh!
Qua câu chuyện trên chúng ta có thể thấy ra được vài nhận xét:
- thứ nhất: bộ Giáo Dục & Ðào Tạo không có năng lực để xử lý một vấn nạn đã tồn tại quá lâu;
- thứ hai: bằng cấp ở nước ta không có giá trị. Ðây mới chỉ là kỳ thi trung học phổ thông. Ở các cấp cao hơn tình trạng cũng không khá hơn;
- thứ ba: học sinh chưa xác định được mục đích thật sự của việc thi cử;
- thứ tư: dân trí nước ta còn quá thấp;
- thứ năm: hối lộ càng lúc càng lộng hành, nó xảy ra từ cấp nhỏ cho đến cấp lớn, và từ ngành này sang ngành khác.
Trong các vụ lộ đề trên, sau khi điều tra người ta biết được "lỗ thủng" là do chính một giám thị. Cứ sau những cuộc thi lại họp hành, kiểm điểm, rút kinh nghiệm và cam kết không tiếp diễn, nhưng mọi lời hứa đi qua rồi mọi chuyện "vũ như cẩn". Thật ngao ngán!
Trong kỳ họp Quốc Hội đầu tháng 6/2005, sau khi nghe tường trình và làm việc với Bộ GD - ÐT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (UBVHGDTN) của Quốc hội công bố một báo cáo trong đó nhấn mạnh đến tình trạng "ô nhiễm" học đường và vấn đề nổi cộm nhất là việc gian dối trong học tập, việc dạy thêm và học thêm tràn lan, thi cử nặng nề.
Sự gian dối trong học tập ngày càng gia tăng, ở các lớp trên xảy ra nặng và nhiều hơn lớp dưới, ở người lớn nghiêm trọng hơn ở thanh thiếu niên. Sự gian dối tuy chủ ở một bộ phận người học nhưng lại có tính phổ biến mà địa phương nào cũng có, từ giáo dục chính quy, tại chức đến giáo dục thường xuyên đều xảy ra.
Các hiện tượng chạy điểm, chạy thầy, quay cóp, mua bán sử dụng phao thi... trước đây rất ít và người học cảm thấy xấu hổ khi bị phát hiện thì bây giờ không ít người học coi đó là chuyện bình thường. Cha mẹ mua bằng cho mình thì việc mua điểm cho con là dễ hiểu. Nhưng hậu quả của việc làm đó lại làm cho các em học sinh trong lớp nhận ra sự bất công do người lớn mang lại, niềm tin của các em vào cha mẹ, thầy cô bị tổn thương và ảnh hưởng xấu đến nhân cách của các em đến mức nào thật khó lường.
Khi có chủ trương tiêu chuẩn hóa cán bộ, công chức, đã dấy lên một phong trào học tập trong cán bộ, công chức, trong lực lượng lao động trẻ. Nhưng rất đáng tiếc, có một bộ phận người lớn đi học với động cơ không đúng đắn, không học tập nghiêm túc, chỉ cần có một tấm bằng mà không quan tâm đến kiến thức. Vì vậy, tình hình học giả bằng thật, hiện tượng sao chép luận văn thạc sĩ, tiến sĩ xảy ra không phải ít.
Trong lịch sử giáo dục nước nhà, chưa bao giờ các dịch vụ làm luận văn, luận án lại được quảng cáo xung quanh các trường đại học như hiện nay. Những tiêu cực của người học, đứng về mặt giá trị kinh tế thì không lớn và không đáng kể so với tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế nhưng sự tổn thất về đạo đức xã hội, phẩm chất con người thì vô cùng nghiêm trọng và hậu quả của nó làm mất đi niềm tin và sự tôn trọng của lớp trẻ đối với các bậc làm cha mẹ, đàn anh của mình mà họ thường ngưỡng mộ noi theo...
Sự tụt hậu của giáo dục của nước ta so với thế giới đang là một thách thức lớn, nhất là trong đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là ở bậc đại học. Năng lực của hệ thống giáo dục chưa thích ứng được yêu cầu đổi mới kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và phát triển con người ở thế kỷ XXI.
Lê Thụy
07/2006
No comments:
Post a Comment