Phan Kiến Quốc
Sáng 07.07.2006, trong một khách sạn sang trọng tại Sàigòn, Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) phối hợp Câu Lạc Bộ Khoa học kỹ thuật Việt kiều (KHKT) TP.HCM tổ chức hội thảo với chủ đề "Phát huy hơn nữa tiềm năng chất xám của cộng đồng Kiều bào trong công cuộc phát triển đất nước". Hiện diện trong buổi hội thảo có Bà Tôn Nữ Thị Ninh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ðối ngoại Quốc hội, đại diện các Bộ Khoa Học & Công Nghệ (KHCN), bộ Ngoại Giao, ông Nguyễn Văn Ðua- Phó Chủ tịch UBND TP.HCM. cùng khoảng 150 người tham dự.
Buổi hội thảo đã đem lại những gì?
Xét về thành phần tham dự, phần lớn đây là những khuôn mặt quen thuộc từ 10 năm nay trong đó có các giáo sư, giảng viên của các Ðại Học, vài nhân vật đang làm việc tại các xí nghiệp, các trung tâm tại TPHCM. Về phần hình thức thì 85% thời gian được dành cho hơn chục bài tham luận, phần còn lại dành cho phát biểu cá nhân.
Thường thường trong một cuộc hội thảo sẽ có nhiều ý kiến khác nhau, và bổn phận của Ban tổ chức là lèo lái cho những khác biệt này tìm được một đồng thuận, một mẫu số chung và đi đến một kết luận cũng như ấn định thời gian cho các lần gặp gỡ sau nếu mọi việc chưa được giải quyết thỏa đáng. Nếu coi đây là kết quả thì buổi hội thảo này - cũng như rất nhiều buổi hội thảo trước có cùng nội dung - đều không đem lại kết quả, nếu không muốn nói là thất bại.
Thất bại trước tiên là những khác biệt. Như đã nói ở trên, trong một hội thảo đó là chuyện thường, nhưng nếu đó là những vấn đề cơ bản đẵ tồn đọng từ nhiều năm, đó là những thường xuyên được báo chí, chính quyền, các cơ quan chức năng liên tục nhắc đến thì đó lại không phải là chuyện thường. Trong tất cả các buổi hội thảo, người ta thường bắt đằu bằng con số 3 triệu người Việt hải ngoại, trong đó có khoảng 300.000 người được đào tạo ở trình độ đại học, trên đại học, công nhân kỹ thuật bậc cao. Nhiều người giữ các vị trí quan trọng trong các viện nghiên cứu, trường đại học hoặc các doanh nghiệp của các nước. Thế mạnh của đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài là được đào tạo và làm việc trong môi trường khoa học công nghệ tiên tiến, có khả năng làm chủ phương pháp quản lý kinh tế chuyên nghiệp ở mức vĩ mô. Ðội ngũ trí thức kiều bào được đánh giá là thế mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, là nguồn lực có thể đóng góp tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước... và tiếp theo những con số đó là: "Tuy nhiên, so với sự đóng góp về tài chính cũng như thực lực của chuyên gia, trí thức Kiều bào thì sự đóng góp về chất xám và công nghệ vẫn còn ở mức khiêm tốn. Ðây là một vấn đề mà chúng ta cần suy nghĩ, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục..." hoặc "Dù ở phương trời nào, kiều bào cũng luôn hướng về quê hương đất tổ, không hề quên dòng máu trong tim. Nếu có chính sách thích hợp, một phần không nhỏ kiều bào sẽ sẳn sàng hợp tác phục vụ cho đất nước. Vấn đề còn lại là Nhà nước cần phải có chính sách đồng bộ, minh bạch, dứt khoát, hợp tình, hợp lý để tạo được niềm tin đối với cộng đồng NVNONN".
Một trong những mốc thời gian được nhắc đi nhắc lại là ngày 26/3/04, ngày ra nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính Trị về công tác đố với NVNONN. Ngay sau ngày ấy, nhiều tiếng nói đã cho rằng đây là một "nhận thức đúng đắn tình hình thực tế, định ra những đường lốichính sách cơ bản đối với NVNONN trong sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước" và "Cộng đồng NVNONN hân hoan đón nhận tinh thần Nghị Quyết này..". nhưng đến nay đã là gần 2 năm rưỡi vẫn chưa thấy gì thay đổi. Nói là 2 năm rưỡi nhưng đúng ra chuyện "hướng ra hải ngoại" đã có từ gần 20 năm nay với câu: "Kiều bào là một bộ phận không thể tách rời... " và "khúc ruột dài ngàn dặm".
Ngần ấy năm, bao nhiêu công sức, hàng trăm cuộc hội thảo (mà thường thưòng sau đó là đãi đằng, như trong buổi ngày 7/7/06) biết bao là tốn kém, chúng ta vẫn gần như đang ở khởi điểm, các khác biệt vì thế không thể xem là bình thường.
Ðến hôm nay người ta vẫn còn tiếp tục bàn về chế độ thù lao cho việt kiều. Ưu đãi hay không ưu đãi? Người thì nói rằng phải coi chất xám như một loại hàng hóa, có nghĩa là nếu "hàng xịn" thì phải trả tương xứng, nhưng lập luận khác lại cho rằng làm như thế tạo ra sự đố kỵ giữa các nhà trí thức trong và ngoài nước. Ðại diện Sở Khoa Học & Công Nghê đã thở than "nội chế độ cho cán bộ trong nước không đã phức tạp huống hồ gì... ". Ðến hôm nay sau khi thấy rằng với số lượng kiều hối hơn 5 tỷ USD/năm bứt xa vốn ODA trong khoảng 1992-1997 (vốn giải ngân 6 tỷ USD), ăn đứt cả tổng số đầu tư nước ngoài từ 2001-2005 (mỗi năm 2 tỷ USD), nhà nước mới cuống cuồng lên nhận xét rằng "tiềm lực kinh tế của NVNONN đối với sự phát triển quả không nhỏ" và để ra nghị quyết 36 để "tạo điều kiện cho kiều bào đóng góp", nhưng cho đến ngày hôm nay cũng chưa tìm ra được một cơ chế thích hợp để thực hiện.
Nói đến cơ chế, đây là một vấn đề nan giải nhất cho đến ngày hôm nay. Thậm chí trọng buổi hội thảo này hình như mỗi người hiểu cơ chế theo một kiểu nên có lúc đi đến cảnh ông nói gà bà nói vịt. Cơ chế là một cái gì bao quát hơn cả thù lao, ngạch trật, visa, nhà đất... nên sự khác biệt trong ý kiến càng nhiều hơn, đến nỗi bà Tôn Nữ Thị Ninh phải đứng ra đề nghị những giải pháp tạm thời là bỏ cơ chế sang một bên, và nên bắt đầu bằng những dự án nho nhỏ và sẽ tìm cách giải quyết từ từ. Ðó cũng ý kiến của Sở KHCN và Bộ Ngoại Giao. Tuy nhiên, cách xử lý theo kiểu "thủng đâu vá đó" cũng không được nhiều người đồng tình, đặc biệt là các việt kiều hiện đang hoạt động hoặc quản lý các xí nghiệp, các trung tâm tại Việt Nam.
Nhìn thẳng vào sự thật.
Khi buổi hội thảo bước vào những phút chót, và khi mọi người đang trông chờ phút bế mạc (vì không tìm được cái phương án thỏa đáng), thì chủ tọa mời ông Bùi Kiến Thành, một việt kiều Mỹ, đã có kinh nghiệm về tài chánh ngay từ thời chế độ VNCH và sau năm 1975 ông đã đóng góp kinh nghiệm của mình cho nhà nước hiện tại. Vừa nghe được những câu đầu tiên mọi người đều cảm thấy... buồn ngủ vì cái giọng đều đều của ông Thành, và càng về sau khán phòng lại càng lặng đi, nhưng lần này là vì những nội dung mang chất lượng chính trị.
Sau khi "thú thật" rằng phần lớn đồng bào sinh sống tại Mỹ "không ủng hộ" (chế độ CSVN), ông Thành đã nêu ra những vấn đề sâu xa đã làm nghị quyết 36 thất bại:
- sau hơn 30 năm chấm dứt chiến tranh, hố chia rẽ giữa hai chiến tuyến chưa được dẹp bỏ. Trên báo đài, trên các phương tiện truyền thông, các diễn văn chính thức người ta vẫn hô hào xóa bỏ quá khứ, xóa bỏ hậu quả chiến tranh... nhưng làm như thế chưa đủ, cần phải biến tất cả thành luật, và đó là nhiệm vụ của Quốc hội.
- không công nhận quyền công dân Việt Nam, điều này tạo cho việt kiều một cảm giác "dè dặt, nghi kỵ" đối với nhà nước. Ông Thành đã trích ra thí dụ Do Thái và những ảnh hưởng của cộng đồng trên chính trường Mỹ. Chỉ khi nào người ta cảm thấy mình là người Việt Nam thực thụ, họ mới trở nên những cánh tay, khối óc đắc lực phục vụ cho nước họ.
- Việt kiều không có lỗi gì khi bỏ nước ra đi, nên việc trưng thu tài sản của họ là điều không chấp nhận được.
- Nghị quyết 36 nêu rõ không phân biệt quá khứ nhưng thực tế xảy ra hoàn toàn khác. Rút kinh nghiệm của cuộc nội chiến Mỹ, chỉ trong một thời gian rất ngắn, họ đã phá bỏ hoàn toàn dấu tích chiến tranh, chính phủ liên bang đã có quyết tâm rất cao trong việc bảo vệ dân chủ, dân quyền và kết quả là họ đã trở thành một siêu cường.
Bài phát biểu của ông Thành không tạo ra phản ứng nào trong phòng họp. Không ai ủng hộ nhưng cũng không có ý kiến phản bác. Âu cũng là điều hay. Không ủng hộ vì không dám. Không phản bác có thể là vì đó lại chính là tâm tư có trong mỗi con người và càng ngày càng trỗi dậy để dần trở nên những điều không còn cấm kỵ. Không phản bác cũng có thể là vì (theo lời ông Thành), tất cả những điều trên đều đã trình bày cho Tổng bí thư Nông Ðức Mạnh từ lâu.
Một vài nhận xét qua buổi hội thảo.
1. Ngay trong thành phần tham dự đã có điều không ổn. Ðại đa số đều đến từ các hội Việt kiều Yêu nước, một số trí thức đã về nước đóng góp ngay từ năm 1976, thời điểm mà hàng triệu người dẫm lên nhau bỏ chạy. Những người đọc báo cáo phần lớn đã quen mặt. Theo ông Nguyễn Trí Dũng (VK Nhật) thì ông đã tham dự "gần một trăm" cuộc hội thảo về chính sách thu hút việt kiều. Ðiều đó cho thấy rằng đảng đã không tập hợp thêm được nhân tố mới và nghị định 36 không tạo được chuyển biến. "khúc ruột dài ngàn dặm" hoặc đám Việt kiều không Yêu nước vẫn còn nằm ngoài tầm với của đảng.
2. Người đã cũ vấn đề càng cũ hơn. Quanh quẩn cũng là vấn đề nhà đất: nghị định 81 về vấn đề nhà đất cho việt kiều có hiệu lực từ tháng 11/2001 đến nay đã gần 5 năm nhưng chỉ có khoảng 100 người mua được nhà.Visa chỉ được cấp ngắn hạn (3 tháng) và nhọc nhằn lắm mới được 1 năm. Riêng về vấn đề quốc tịch thì lại càng khó hơn. Việt Nam không chấp nhận song tịch nên muốn hồi tịch thì phải bỏ quốc tịch nước ngoài. Xét trong hoàn cảnh hiện tại thì rất ít trường hợp này xảy ra, có chăng là ở một số người cao tuổi. Họ không còn nhu cầu lẫn sức khỏe để đi lại hoặc sinh hoạt, nghĩa là nằm ngoài "tầm ngắm" của nghị quyết 36. Tóm lại có hay không có văn bản này, vấn đề khai thác tiềm năng kiều bào vẫn còn nguyên vẹn là con số không. Và vì lẽ đó một đại biểu đã phải thốt lên "tôi đề nghị bỏ chữ hơn nữa trong chủ đề của ngày hôm nay! ".
3. Trong "Ðề án vận động việt kiều đóng góp xây dựng đất nước" do Bộ Ngoại giao đề ra có nhắc đến thành công trong công tác này ở các nước Á châu như Trung Quốc, Hàn Quốc (Nam Hàn), Ấn Ðộ và Philippines. Các nước này khác với chúng ta ở điểm là không có xung đột ý thức hệ, không có vấn đề "đại đoàn kết dân tộc". Tuy nhiên, chính cái khác biệt này lại cho thấy các chủ trương, chính sách của nhà nước Việt Nam ngày càng đi ngược lại mong muốn trên và hơn 30 năm sau chiến tranh, những xung đột, những khác biệt, những kỳ thị này vẫn y như hôm qua. Cho đến ngày hôm nay, hàng ngày người ta vẫn còn thấy nhan nhản trên 600 tạp chí, trên truyền thanh, truyền hình những luận điệu phỉ báng chế độ và con người trong chế độ cũ. Song song đó nhà nước không tiếc công sức phô trương những chiến tích của kẻ chiến thắng, bò hàng trăm tỉ để thiết kế, xây dựng các công trình chiến thắng. Quả thực không có nơi nào, không có giai đoạn nào người ta xóa bỏ quá khứ, xóa bỏ hận thù bằng những phương thức đó.
4. Người Việt Nam chúng ta từ ngàn xưa gắn bó với tình cảm, với những hình ảnh như con trâu, lũy tre, vuông vườn, khúc sông... Có đi đến đâu đi chăng nữa họ vẫn giữ trong tâm khảm những hình ảnh thân thương trên. Nơi nào có người Việt là nơi đó có Tết, có bánh chưng, có dưa mắm... nhưng tại sao tình cảm đó lại không thể hiện ra bằng hành động. Theo một thống kê trên báo Người Viễn Xứ (một cơ quan thông tin của nhà nước), khi được hỏi về vấn đề xây dựng quê hương thì 81% của 3500 người được phỏng vấn trả lời sẽ: "về Việt Nam sống và đóng góp công sức xây dựng quê hương, khi có điều kiện.", 18% chọn lựa "sống xa xứ ". Ðiều này có nghĩa là rất rất ít người muốn trở về trong "điều kiện hiện tại", tương ứng với con số 200 lượt người trên tổng số 3 triệu rưỡi người Việt sống ở nước ngoài.
Vậy "điều kiện hiện tại"chính là động lực chính ngăn cản việc thu hút chất xám, thu hút nhân lực. Nó là cái quái gì mà trong suốt mấy năm trời, với nỗ lực "của toàn bộ hệ thống chính trị và của toàn dân", và hàng trăm cuộc hội thảo chúng ta vẫn cứ loay hoay mãi không tìm ra lời giải? Ðó có phải là vấn đề nhà đất, vấn đề thẻ cư trú? vấn đề bản quyền trí tuệ, bảo hiểm y tế..,? Chắc chắn là không! Nếu về Việt Nam đơn thuần là để thăm thân nhân thì họ không quan tâm đến việc nhà đất, thẻ cư trú cũng không phải là nỗi lo thiết yếu. Nhưng nếu khi bỏ (cho dù chỉ một phần) những ràng buộc, những tình cảm, cơ ngơi ở nước ngoài để trở về đóng góp xây dựng quê hương thì cái quan tâm nhất của họ là hiệu quả của những đóng góp trên. Và không thể nào có hiệu quả trong một xã hội đầy rẫy bất công, đố kỵ, một xã hội mà quyền lực tập trung vào tay một thiễu số, và phục vụ cho chính thiểu số ấy.
Tóm lại, không giải được bài toán dân chủ hóa chế độ, không tạo được một không khí đoàn kết, xóa bỏ quá khứ thì những cuộc hội thảo như của ngày 7/7/06 chỉ là những cơ hội để nhắc lại và chỉ để nhắc lại những bế tắc.
Sàigòn, 13/7/2006
Phan-Kiến-Quốc.
1/ Ngày 26/4/2004
No comments:
Post a Comment