Tuesday, February 13, 2007

Nghe Thủ Tướng "Đối Thoại Trực Tuyến Với Nhân Dân"

Phan Kiến Quốc


Theo các báo đài trong nước, thì ngày 9/2/2007 vừa xảy ra một biến cố có một không hai trong lịch sử VN: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng "đối thoại trực tuyến với nhân dân". Vốn là một người cũng quan tâm tới thời cuộc, tôi cũng thấy là lạ vì trước giờ chưa hề có chuyện này. Trong suốt tuần trước đó, các cơ quan truyền thông đã không ngớt cổ vũ cho cái gọi là "sinh hoạt dân chủ" này. Nào là thủ tướng sẽ "trả lời không né tránh", nào là các câu hỏi sẽ được chuyển cho các nhà xã hội học phân tích. Báo chí cũng đi một vòng phỏng vấn từ các nhân vật nổi tiếng đến người dân thường, và theo những gì phát biểu và được đăng tải, người ta có cảm tưởng đây là một biến cố cực kỳ quan trọng và nhân dân cả nước đang ngóng chờ từng giây từng phút.

Đến ngày mùng 9/2, tôi rời cơ quan sớm để tránh kẹt xe và chạy vội về nhà xem chương trình thời sự 19 giờ. Xem xong tôi có cảm giác hụt hẫng y như một đứa trẻ trông mẹ đi chợ về để nhận quà nhưng mẹ không mua. Nghĩ rằng thời lượng phát sóng không đủ nói hết, tôi ráng đợi thêm vài ngày để đọc báo và xem nội dung đầy đủ trên mạng. Sau khi xem và chắc chắn không còn sót điều gì tôi lại cảm thấy hụt hẫng thêm bội phần, y như đứa bé dài cổ trông quà của mẹ. Mẹ đã về, quà cũng có, nhưng mẹ lại cho đứa khác.

Sự hụt hẫng của tôi trước tiên là về nội dung các câu hỏi. Tôi đếm được khoảng 60 câu đã được thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời. Theo ban tổ chức, một trong những bức xúc nhất của người dân là tham nhũng, điều này không ngoài dự đoán của tôi, nhưng câu trả lời của ông Nguyễn Tấn Dũng thì hoàn toàn bất ngờ: Câu hỏi liên quan đến vấn đề này là:

Thưa Thủ tướng, tham nhũng đã là quốc nạn, nhân dân rất hoan nghênh và rất đồng tình với những việc làm quyết liệt của Thủ tướng vừa qua. Nhưng tham nhũng vẫn còn rất nghiêm trọng, Thủ tướng sẽ tiếp tục làm gì và làm thế nào để đẩy lùi cho bằng được quốc nạn này? Sau khi lòng vòng về "sự kiên quyết của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã có những kết quả tích cực, bước đầu được nhân dân đồng tình, hoan nghênh và mong đợi chúng ta làm tốt hơn. Nhưng đúng như các bạn đã nêu, tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, vẫn còn là một nguy cơ đe doạ sự ổn định, sự tồn vong của chế độ ta", ông Nguyễn Tấn Dũng đã nêu ra 2 cách giải quyết:

1. kiên quyết khởi tố điều tra, truy tố và xử lý nghiêm minh các vụ tham nhũng, nhất là các vụ án nổi cộm mà nhân dân đặc biệt quan tâm.

2. tập trung cải cách hành chính, trong đó đặc biệt quan tâm việc rà soát, bổ sung ban hành các thể chế , cơ chế quản lý, các quy định cần thiết phù hợp để ngăn ngừa tham nhũng trong việc quản lý đất đai, quản lý sử dụng ngân sách và tài sản công, quản lý DNNN, đầu tư xây dựng các công trình dự án từ vốn nhà nước.

Và ông ta kết luận rằng "Với tinh thần kiên quyết, kiên trì, đồng bộ các giải pháp và đúng pháp luật; với sự đồng lòng, nhất trí hành động của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, nhất định chúng ta sẽ từng bước ngăn chặn, đẩy lùi quốc nạn tham nhũng này".

Nếu vậy thì có gì mới? Chúng ta thử xem những lời tuyên bố của chính phủ nói chung và của cá nhân ông Nguyễn Tấn Dũng nói riêng với tư cách Phó thủ tướng thường trực trong suốt thời gian cầm quyền thì thấy hoàn toàn không có gì mới lạ. Vào ngày 22/5/2001, sau khi đọc báo cáo trước Quốc hội, ông ta đã trả lời báo chí về vấn nạn này như sau: Để chống tham nhũng hiệu quả, chúng ta phải làm đồng bộ nhiều việc. Trước hết luật pháp phải rõ ràng đừng để người ta lợi dụng, thứ hai con người phải tự trọng, thứ ba phải đây mạnh xử phạt, thứ tư phải nâng cao dân trí. Trong số các biện pháp này, đặc biệt phải tập trung rà soát xem cái gì xin cho là vô lý thì phải bỏ (...)

Đem so sánh hai câu tuyên bố của ông Nguyễn Tấn Dũng trước và sau 6 năm hầu như y chang nhau từng câu từng chữ, thậm chí vào năm 2001 ông ta còn có nhiều biện pháp hơn, thế nhưng thành quả chống tham nhũng đến nay thì ai cũng rõ. Từ năm 2001 đến nay cá nhân ông Dũng và cả chính phủ đã rất nhiều lần trả lời về vấn đề tham nhũng, nhưng lần nào cũng như lần nào, cũng là phải phạt thật nặng, phải cải cách hành chính, nhưng điều ai cũng thấy rõ và ai báo chí cũng lập đi lập lại là càng chống thì tham nhũng càng mạnh. Chín vụ tham nhũng cộm cán không phải đã xảy ra trong các nhiệm kỳ của ông ta hay sao? Trời đất! khua chiêng đánh trống ì xèo cả lên để chỉ lập đi lập lại những điều ấy thôi sao.

Sang đến câu hỏi thứ hai lại cũng không có gì khác:

Thưa Thủ tướng, chống tham nhũng Thủ tướng thấy bị ai cản trở không, có vùng cấm không? Cái khó nhất trong chống tham nhũng của Thủ tướng là gì?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tôi không thấy có ai cản trở. Cũng không có một vùng cấm nào cả. Bất cứ người nào tham nhũng đều phải bị nghiêm trị. Chưa có vụ việc tham nhũng nào mà chúng tôi phải lẩn tránh, không dám làm. Đương nhiên là phải làm đúng pháp luật. Không dám làm hoặc làm không đúng pháp luật đều là có tội.

Cũng vào kỳ họp Quốc hội kỳ 9 khóa 10, tháng 11.2001, đích thân ông Nông Đức Mạnh, Tổng bí thư đã mạnh miệng "Chống tham nhũng không có vùng nào cấm cả. Khi phát hiện ra thì không loại trừ bất cứ ai, đều bị xử lý nghiêm theo pháp luật". Chúng tôi còn nhớ thời ấy báo chí có vẻ xôn xao lắm, Nào là bây giờ tham nhũng hết đường thoát, nhà nước đã lên kế hoạch làm mạnh tay... và kết luận bao giờ cũng là một tương lai tươi sáng. Sáng đến đâu thì mọi người đã rõ. Trước khi tuyên bố thì tham nhũng chỉ phát giác được ở những cấp thấp và thiệt hại dù nhiều nhưng người dân chưa thấy trầm trọng lắm, nhưng sau khi giơ bàn tay sắt ra dọa thì tình hình lại càng xấu đi. Tham nhũng len cả vào Ban chấp hành trung ương và thiệt hại thì bây giờ đã được tính bằng triệu USD!

Tôi thực tình thất vọng với những kế hoạch của ông Nguyễn Tấn Dũng vì so sánh với hàng chục, thậm chí hàng trăm buổi hội thảo, rút kinh nghiệm trong 5, 6 năm qua, thật tình chẳng có cái gì mới. Mà mới là so với các tuyên bố của chính các ông chứ chưa nói đến ý nguyện của người dân. Điều đó cắt nghĩa tại sao Dự thảo luật chống tham nhũng ỳ ạch mãi mới hình thành, nhưng dư luận thì hoàn toàn không tin tưởng vào hiệu năng của nó. Theo thì Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa, chủ nhiệm bộ môn luật kinh tế, khoa luật, ĐHQG Hà Nội thì: "Dự luật phải nhắm vào quyền lực, chống lại sự độc tôn của quyền lực. (...) Tôi không tin một cá nhân nào đó ở VN có thể xoay chuyển được tình hình tham nhũng hiện nay nếu không phải là toàn dân một ý chí. Vấn đề là cơ chế, sự minh bạch của xã hội (...) Chừng nào nhiệm kỳ của tòa án vẫn bốn năm bổ nhiệm một lần, phụ thuộc vào sự giới thiệu và điều hành của Chính phủ thì tôi không tin sẽ có một ông thẩm phán tự thân dám gửi trát đòi một ông phó thủ tướng ra tòa. Vấn đề nằm ở chỗ ấy chứ không chỉ là kê khai tài sản, tăng hình phạt... Những hình thức trên chỉ là phụ, ở VN chống tham nhũng phải chống bằng thể chế mới có thể thành công". Tôi không biết Tiến sĩ Nghĩa có theo dõi cuộc trả lời trực tuyến này không? nếu có chắc ông cũng phải thở dài như tôi thôi.

Sang đến câu hỏi thứ ba về quốc nạn tham nhũng thì tôi hết còn hơi để thở:

Hỏi: Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói: Muốn chống tham nhũng cần phải có bàn tay Sắt, nhưng phải Sạch. Thưa Thủ tướng, Thủ tướng sẽ thể hiện quan điểm Sắt và Sạch như thế nào trong việc chống tham nhũng?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tôi không rõ khái niệm về bàn tay SắtSạch mà nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói là bao gồm những nội hàm gì. Nhưng theo tôi, người lãnh đạo muốn chống được tham nhũng có kết quả thì phải:

Thứ nhất là, Trước hết, phải thực sự là không tham nhũng, không dính líu, không bao che tham nhũng cho bất kỳ ai, kể cả người thân trong gia đình.
Thứ hai là, Phải có quyết tâm cao, căm ghét tham nhũng, phải dám đấu tranh chống tham nhũng dù người tham nhũng là bất kỳ ai. Không sợ trả thù, không sợ trù úm, không sợ phức tạp, không sợ mất ghế.
Thứ ba là, Phải hiểu biết luật pháp và làm đúng luật pháp và làm một cách công tâm, trong sáng.

Vậy xin hỏi bằng cách nào con gái của ông chỉ mới ngoài 20 tuổi, cũng chỉ vừa tốt nghiệp đại học mà lại lọt vào danh sách 100 người giầu nhất VN? Rồi thử hỏi gia đình quý ông Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Lê Đức Anh, Trần Đức Lương, Phan Văn Khải thậm chí đến cả tướng Võ Nguyên Giáp xem có sự bao che, có dùng cái dù của mình để hốt bạc hay không? Chuyện khai báo tài sản chúng ta nói đã rã họng từ 7 năm nay rồi có ai trong những vị trên đã khai chưa? Và nếu khai thì ai đã giữ hoặc ý định công khai ra cho mọi người biết hay không? Đó là mới nói đến những ông chóp bu thôi chứ đừng nói đến những thành viên ban chấp hành trung ương, các bí thư tỉnh ủy... Báo chí năm 2006 đã đăng chuyện một cán bộ cấp xã ở Tiền Giang đã ký quyền sử dụng 4 hecta đất cho một cậu bé 10 tuổi (là con ông ta). Hai năm sau, cậu bé này đã sang nhượng lại cho một người khác (cũng trong gia tộc. Tôi dám chắc thằng bé này lớn lên dám bán cả một tỉnh cho nước ngoài có lẽ cũng chẳng ai nói năng gì. Tuy nhiên điều này khỏi lo vì Đảng ta đã làm việc này cách đây 5 năm rồi.

Ông Nguyễn Tấn Dũng nói không sợ trả thù, không sợ trùm úm! Đây là ông nói cho ai? Cho ông hay cho người dân? Tôi còn nhớ cách đây mới chỉ hơn 1 năm, vào tháng 12/05, lúc mà những vụ tai tiếng, những vụ làm ăn bê bối nở rộ như nấm sau mưa, báo Tuổi Trẻ có mở một diễn đàn về chống tham nhũng, thì một độc giả đã viết: "Hãy lắng nghe ý kiến của dân vì sao không tích cực chống tham nhũng: 75,4 % cán bộ công chức và 78,2 % cán bộ doanh nghiệp sợ bị trù dập". Bây giờ ngồi nghe ông Nguyễn Tấn Dũng "lên lớp" có lẽ vị độc giả này cũng lắc đầu chào thua. Sau cùng, phải hiểu biết và làm đúng luật một cách công tâm, trong sáng! Thiết nghĩ, điều này nên nói trong nội bộ Đảng thì có lý hơn vì trong xã hội VN, cái xã hội mà Đảng nắm từ đỉnh đầu, xuyên qua bao tử xuống đến gót chân, nếu đảng viên quý vị mà hiểu là làm đúng được điều này thì dân mình đã có phước. Thử hỏi chín vụ tham nhũng cộm cán trong thời gian qua, có vụ nào không dính đến đảng viên? Vào tháng 3/2005, theo "Báo cáo kết quả điều tra tham nhũng ở Việt Nam" dưới sự chủ trì của Ban Nội chính Trung ương và sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Thụy Điển thì 10 cơ quan được "bầu chọn" tham nhũng phổ biến nhất theo thứ tự: Địa chính - nhà đất; hải quan; cảnh sát giao thông; cơ quan tài chính, thuế; cơ quan quản lý và các đơn vị trong ngành xây dựng; cơ quan cấp phép xây dựng; y tế; cơ quan kế hoạch đầu tư; cơ quan quản lý và các đơn vị trong ngành giao thông; cảnh sát kinh tế. Thử hỏi trong 10 cơ quan này, cơ quan nào không có sự lãnh đạo toàn diện của Đảng?

Sang một khía cạnh khác của buổi nói chuyện, chỉ một câu hỏi độc nhất có màu sắc chính trị là việc nghiêm cấm tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức. Ông Nguyễn Tấn Dũng đã biện minh rằng là vì "không để bất cứ thế lực nào chi phối báo chí để phục vụ ý đồ riêng trái pháp luật, gây phương hại cho đất nước. Điều này đúng theo quy định của pháp luật hiện hành, đúng theo ý chí nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân ta, đồng bào ta, phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể của đất nước ta".

Tôi không biết các nhà báo đọc được câu này nghĩ sao chứ tôi thây đây là một lời lẽ xúc phạm nặng nề. Ông Nguyễn Tấn Dũng và đảng CS lấy tư cách gì để phê phán họ không đủ sáng suốt để nhận biết các thế lực nào "chi phối báo chí để phục vụ ý đồ riêng trái pháp luật" hay sao? Thật nực cười, ai chi phối 600 cơ quan thông tin trên khắp cả nước nếu không là Đảng CSVN? Rồi nói rằng điều này đúng theo quy định, là quy định nào? Phải chăng là quy định cho phép Đảng độc tôn thao túng giới cầm bút? Và còn nực cười hơn nữa khi ông ta dám khẳng định rằng đó là nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân! Nếu quả thực tuyệt đại đa số nhân dân ủng hộ và tin theo Đảng thì làm gì Đảng phải giẫy như đỉa phải vôi khi cho phép một nhúm không tin Đảng ra mấy tờ báo của họ?

Ngoài những thất vọng và hụt hẫng trên, một điều khác cũng làm chúng tôi băn khoăn không ít là việc Ban tổ chức đã "đóng khung" nội dung bằng 9 chủ đề mà họ gọi là "những quan tâm của quần chúng". Đúng rằng là việc chống tham nhũng, việc gia nhập WTO, việc lương lậu, khám bệnh, đóng tiền học...là những quan tâm thường nhật của người dân, nhưng đó không phải là tất cả, hơn nữa cũng cùng một vấn đề nhưng có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Gò ép người khác nhìn theo ý của mình, thậm chí của nhiều người giống mình chẳng khác gì đã cột tay bịt miệng những ý kiến khác và làm cho việc "không né tránh bất cứ câu hỏi nào" biến thành vô nghĩa. Mặt khác, suốt 4 đời tổng bí thư đều phát biểu rằng "muốn đẩy lùi tham nhũng phải có dân chủ", thậm chí Bác Hồ cũng đã đề cao dân chủ bằng thành phần nội các trong chính phủ của ông ta, thì cớ tại sao Ban tổ chức lại loại những câu hỏi này ra ngoài nội dung buổi nói chuyện.

* * *

Tóm lại, cuộc "cuộc đối thoại trực tuyến" vừa qua chỉ là hoàn toàn hình thức chẳng có gì mới lạ so sánh với những gì họ đã ra rả từ gần 10 năm nay qua 4 đời Tổng bí thư và 4 đời thủ tướng. Đó là chưa kể đến hình thức tổ chức. Đã biết rằng chỉ có hơn 3 tiếng và chỉ khoảng 5, 6 chục câu hỏi được chọn thì phải chọn những câu thực biểu tượng, vậy mà lại đi chọn những câu vô tích sự như:

Thưa chú Nguyễn Tấn Dũng, cháu có nguyện vọng sau này sẽ làm Thủ tướng, Xin chú có thể nói cho chúng cháu biết về kinh nghiệm của chú để trở thành một thủ tướng Chính phủ như hiện nay? hoặc Thưa Thủ tướng, báo chí trong nước, ngoài nước cho là Thủ tướng Chính phủ Việt Nam còn quá trẻ. Thủ tướng nghĩ gì về nhận xét này? hoặc
Báo chí, nhân dân đánh giá cao, khen ngợi và bày tỏ lòng tin tưởng vào sự điều hành của Thủ tướng sau 200 ngày. Thủ tướng nghĩ gì về sự đánh giá này?

Không lẽ trong 20 ngàn câu hỏi của đồng bào trong và ngoài nước không có câu hỏi nào xứng đáng hơn 3 câu trên hay sao? Đồng ý rằng phải có một bộ phận sàng lọc và gom những câu hỏi trùng lặp nhưng không phải vì thế loại những câu hỏi thực sự đánh vào bản chất của vấn đề. Tôi xin lược qua vài câu tiêu biểu như sau:

1- Đảng CSVN chỉ chiếm 1/30 dân số nhưng chiếm hơn 90% trong Quốc hội, điều đó có thực sự dân chủ hay không? Và đến bao giờ Đảng mới chấp nhận cho 82 triệu dân còn lại được đứng ngang hàng với không tới 3 triệu đảng viên?

2- Chống tham nhũng là bổn phận của mọi người, tại sao người dân xin phép lập hội chống tham nhũng lại bị từ chối hoạt động?

3- Hiến Pháp đã ghi: Bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi người VN, vậy nhà nước cho biết Ải Nam Quan hiện thời là của ai? Của VN hay Trung Quốc?

4- Nhà nước luôn đề cao việc "xếp lại quá khứ, xóa bỏ hận thù, chung tay góp sức xây dựng đất nước ngày một đàng hoàng hơn", vậy tại sao một đàng tổ chức các buổi thăm viếng mộ liệt sĩ, cán binh cộng sản, và đàng khác lại cấm đoán nhân dân tổ chức thăm viếng mộ các binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Không hòa hợp với người chết làm sao chúng ta có thể hòa hợp với người sống.

Đảng ơi, Thủ tướng ơi. Những điều này đã được gởi đến quý vị mà mãi không thấy hồi âm. Các vị dư sức biết đây là những thắc mắc thực sự căn cơ và không giải toả được đất nước mãi mãi lạc hậu, chia rẽ và năm mưòi cuộc "trả lời trực tuyến" khác cũng vô ích.

Vào những giờ khắc linh thiêng của dân tộc, tôi mong quý vị, nếu không muốn trả lời, hãy chỉ cần đọc lên cho nhân dân được biết.

Sàigòn, ngày 13/2/2007
Phan-Kiến-Quốc.

No comments:

Post a Comment