Thursday, December 28, 2006

Giống giống... quen quen

 Phan Kiến Quốc

Vào ngày 21/12/2006, ông Saparmurat Niyazov, Tổng thống của nước Cộng Hòa Turkmenistan qua đời khi mới chỉ 66 tuổi. Thực tình mà nói thì có lẽ chẳng ai trong chúng ta biết đến cái nước Trung Á cũng như ông tổng thống của họ, nhưng khi được đọc tiểu sử Niyazov thì tôi lại thấy có một cái gì đó “giống giống quen quen” như đã thấy nhân vật này một lần ở đâu rồi.

Lò mò lên Internet, gõ chữ "Niyarov" vào Google thì thấy có tới 1.430.000 câu trả lời, có nghĩa là hơn cả cựu thủ tướng Nhật Koizumi (1.360.000). Vậy thì cái nhà ông Niyazov đâu có lạ lẫm gì với thế giới đâu cà.

Sau khi đọc kỹ tiểu sử nhân vật được đánh giá là lãnh đạo độc tài và ngông cuồng nhất thế giới, và là người được (tự) phong là Tổng thống suốt đời của Turkmenistan thì tôi mới khám phá ra là "cái gì đó giống giống quen quen" chẳng ai xa lạ, mà chính là Đảng Cộng Sản VN nhà mình, kẻ đã nắm quyền sinh sát cả một dân tộc đông dân thứ 13 trên thế giới từ 60 năm nay.

Vậy thì những "giống giống quen quen" đó là những gì?

1/ Trước tiên phải nói về chế độ của nhà độc tài Niyazov. Ông ta thâu tóm tất cả quyền lực vào trong tay: Chủ tịch nước, Thủ tướng, tổng tư lệnh tối cao quân đội. Còn Đảng Cộng Sản VN còn làm hơn thế gấp trăm lần. Thử hỏi trong xã hội VN, cái gì quan trọng mà không nằm trong tay Đảng? Đảng không chỉ nắm các chức vụ lãnh đạo từ trung ương mà còn len lỏi khắp “hang cùng ngõ hẻm”của xã hội. Người ta có thể bào chữa rằng nhân dân đã trao cái quyền “cai trị suốt đời” cho Đảng Cộng Sản VN qua Hiến pháp. Nhưng khuynh đảo một cuộc bầu cử trong lúc nhập nhằng tranh tối tranh sáng hoặc lúc hào quang của Đảng Cộng Sản VN lên tột đỉnh thì đâu có gì là khó. Rồi vin vào tấm giấy lộn đó để vĩnh viễn ngồi lên đầu lên cổ nhân dân thì đâu có khác chi Niyazov khuynh đảo Quốc hội phê chuẩn cho ông ta lên làm Tổng thống suốt đời?

Dĩ nhiên là Đảng Cộng Sản VN sẽ nói rằng Quốc hội VN không bù nhìn như Majlis (Quốc hội Turkmenistan), nhưng xem ra thì đâu có gì khác lắm. Nhân dân cũng bầu ra Quốc hội VN cũng như người Turkmenistan bầu ra Majlis. Nhưng đến ngày nay người dân trong nước mình còn ai lạ gì cái cách “đảng cử dân bầu”, còn ai lạ gì những con số 99,9% như của Majlis. Cho dù Quốc hội VN không rừng rú đến nỗi phong cho một cá nhân nào làm Tổng thống suốt đời nhưng cũng chẳng có ai dám đặt ra vấn đề độc tôn vĩnh viễn của Đảng Cộng Sản VN. Vậy có gì khác Quốc hội Turkmenistan? Chuyện cắt Ải Nam Quan, một phần thác Bản Giốc và hơn 10.000 cây số vuông trên biển cả cái nước này ai cũng biết vậy mà hơn 300 đại biểu QH chẳng ai dám hé răng. Chúng ta có dám nói Quốc hội mình không bù nhìn bằng Majlis hay không?

2/ Một điều mà báo chí VN ít khi hoặc không hề nhắc tới là “hoạn lộ” của Niyazov cho dù có trích từ báo nước ngoài. Niyazov gia nhập hàng ngũ Đảng (dĩ nhiên là Đảng Cộng Sản Liên Xô) vào năm 1962 lúc ông ta 22 tuổi và còn đang là sinh viên. Sau khi tốt nghiệp Viện Bách Khoa Leningrad năm 67, Niyazov được điều về Trung tâm Điện lực ngoại ô Ashkhabat và cuộc đời ông ta thăng tiến rất nhanh bằng cách nắm giữ những chức chủ chốt trong Đảng Cộng Sản. Báo chí VN không nhắc đến điều này phải chăng sợ người đọc nhận thấy sự tương quan giữa hai chế độ? Tôi chẳng hiểu tại sao Đảng Cộng Sản VN phải sợ một điều rõ ràng như ban ngày mà cả nước ai cũng biết? Dĩ nhiên là trong xã hội VN cũng có nhiều người thành đạt không qua cái dù của Đảng Cộng Sản VN, nhưng chắc chắn là những người thành đạt đó phải “mũ ni che tai”, sống theo thuyết tam vô: “không nghe, không nói, không thấy” trước những thủ đoạn của Đảng Cộng Sản VN.

Con đường Niyazov đã chọn nào có khác con đường mà biết bao sinh viên VN miễn cưỡng phải chọn: gia nhập đoàn, phấn đấu trở thành đối tượng Đảng để mai này “hoạn lộ” tươi sáng. Tôi nghĩ cũng có nhiều bạn trẻ nghĩ theo con đường đó là việc tốt. Nếu thế tôi chỉ có lời nhắn cùng các bạn rằng: nếu các bạn nghĩ rằng con đường ấy đúng thì cũng nên tôn trọng quyền chọn lựa con đường của những người khác.

3/ Niyazov viết một cuốn sách có tên là Ruhnama trong đó gồm toàn những tư tưởng, suy nghĩ và những lời răn đạo đức. Tất cả các trường học ở Turkmenistan đều phải đưa cuốn sách này vào chương trình giảng dạy và bắt học sinh phải đọc hàng ngày. Ông Niyazov tuyên bố, bất cứ ai đọc Ruhnama ba lần mỗi ngày thì đều có thể được lên…thiên đàng. Thậm chí ông ta còn cho rằng cuốn sách này có giá trị ngang với kinh Coran của Hồi giáo và Phúc Âm của Thiên Chúa giáo. Đúng là kiêu ngạo đến mức ngông cuồng.

Nhưng Turkmenistan có Ruhnama thì VN cũng có Tư tưởng Hồ Chí Minh chứ đâu có thua kém ai, chỉ có điều Đảng CSVN còn tinh khôn hơn nhiều. Ở VN không có cái luật nào bắt đọc Tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng báo chí và các cơ quan thông tấn vẫn thường xuyên nhắc nhở đến cái tư tưởng này mỗi khi phải chỉnh đốn một việc gì xấu, làm như đó là một khuôn mẫu phải noi theo. Mặt khác trong đại học đó là một môn học bắt buộc cho dù đó là đại học kỹ thuật. Những "lời dạy" của ông ta treo ở khắp nơi: trụ sở công an, trong trường học, nơi bệnh viện...Vậy thì màng màng cái tư tưởng ấy đâu khác gì Ruhnama? Có khác chăng là đọc Ruhnama thì người ta khi chết sẽ lên thiên đàng, còn với tư tưởng Hồ Chí Minh thì cho dù đã ở thiên đàng (cộng sản) rồi cũng vẫn phải đọc. Chỉ có điều là cả nhân loại ngày nay đang sợ trối chết hai cái thiên đàng ấy.

4/ Niyazov bị chỉ trích là tạo ra tệ sùng bái cá nhân xung quanh bản thân ông và gia đình. Một trong những điều lố bịch nhất là ông tự phong cho mình là "turkmenbasy" có nghĩa là "cha của dân Turkmenistan". Ông ta còn đổi tháng giêng thành tên của mình và tháng tư thành tên của mẹ mình. Niyazov cho dựng tượng mình với nhiều kích cỡ và kiểu dáng khác nhau bằng vàng hoặc đồng để đặt khắp nơi. Đặc biệt trong số này có một bức tượng bằng vàng đặt tại thủ đô Ashkhabat, trên đó được gắn hệ thống xoay để nó có thể tự động hướng theo ánh nắng mặt trời. Chân dung ông này cũng xuất hiện trên đồng nội tệ, nhãn những chai vodka, vỏ chocolate, hộp đựng trà cùng vô số áp phích. Ông ta còn cho đổi tên thành phố Krasnovodov nằm trên bờ Caspienne thành Turkmenbasy.
Không cần phải nói dài dòng, tất cả những điều trên Đảng CSVN đều đã làm, làm nhiều mà còn tinh vi hơn thế nữa. Thử hỏi "cha già dân tộc" là ai? Rồi ai đã đổi tên thành phố Sàigòn? Rồi trong cả nước tượng và đền của ai chiếm đa số, tượng và đền của ai hoành tráng nhất? Người ta trách Niyarov là ngạo mạn khi dựng tượng dát vàng ở Ashkhabat, nhưng ở VN ngay trong khi hàng chục em bé chết đuối tháng 5/2003 ở Nông Sơn vì không có cầu để đi học hàng ngày thì Đảng CSVN vẫn điềm nhiên cho xây một bức tượng bằng đá hoa cương cao bằng một cao ốc nặng 150 tấn và chiếm ngự giữa một quảng trường mênh mông tại trung tâm thành phố Vinh. Và để giải thích cho kinh phí quá sức tốn kém như thế, Đảng CSVN cho rằng đây là "sự mong đợi từ lâu của đồng bào cả nước, đặc biệt là đồng bào Nghệ An". Câu nói này đâu có khác gì của turkmenbasy khi khánh thành những tượng đài của mình: "Tôi thực tình không muốn nhưng đó là nguyện vọng của dân chúng Turkmenistan! "

* * *

Tất cả những cái "giống giống quen quen" trên có lẽ chẳng có người VN nào muốn, tuy nhiên có một thứ "giống giống quen quen" mà mọi người đều ước ao: đó là việc turkmenbasy lăn đùng ra chết ở tuổi 66, tuổi sung mãn nhất của các vị lãnh đạo.

Viết từ Krasnovodov Việt Nam
28/12/2006
Phan-Kiến-Quốc

No comments:

Post a Comment