Ngày 16/3/2008 vừa qua, nhà nước Việt Nam đã cho tổ chức buổi lễ kỷ niệm 40 năm xảy ra vụ Mỹ Lai. 40 năm trước, trong một trận hành quân, trung úy Calley, 24 tuổi, đã cho binh sĩ giết hại 504 thường dân hai làng Tư Cung và Mỹ Lai nay thuộc làng Sơn Mỹ tỉnh Quảng Ngãi. Vụ này sau đó được đảng cộng sản khai thác tối đa cùng với sự hỗ trợ của các đảng cộng sản quốc tế đã làm dư luận quốc tế ít nhiều thay đổi nhãn quan về cuộc chiến tranh Việt Nam.
Gạt ra ngoài các lý do biện minh mà trung úy Calley đưa ra trước phiên tòa xét xử tại Mỹ, hành động của anh không thể nào chấp nhận được khi xả súng bắn vào những thường dân không tấc sắt trong tay. Hình ảnh hàng trăm nạn nhân nằm xếp lớp trên con đường làng đã làm cả thế giới phải bàng hoàng xúc động.
Tuy nhiên, năm 1968 máu thường dân vô tội không chỉ đổ ở Mỹ Lai.
Người Việt Nam không thể nào quên được Tết Mậu Thân 1968. Làm sao mà quên được cái tết kinh hoàng đó, khi ở cả hai miền đất nước đều có những người hằn sâu dấu ấn thương vong tang tóc. Tết Mậu Thân, biết bao nhiêu người đã bỏ mình trong cái mà cộng sản Việt Nam gọi là "cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân". Hàng ngàn dân xứ Huế đã bị cộng quân tàn sát, kẻ bị xử bắn, người bị chôn sống, người bị đập vỡ sọ. Có những nhà giáo, nhà tu hành, người Việt Nam cũng như ngoại quốc; có những học sinh, sinh viên; có những công chức, quân nhân về ăn Tết với gia đình. Những hình ảnh tang thương đó đã được tường thuật lại qua bài viết Hướng về lễ kỷ niệm 40 năm Mậu Thân. Cuộc thảm sát tại Khe Đá Mài của các linh mục Nguyễn Hữu Giải và Phan Văn Lợi là những nhân chứng sống. Ngoài Cố đô Huế, trên khắp 17 tỉnh thành miền Nam, nơi nào cũng có máu thường dân vô tội đổ xuống dưới bàn tay quân “giải phóng”. Tại Sàigòn, hai triệu dân sống trong hoảng hốt lo âu mỗi khi đêm xuống, đó là lúc mà “bộ đội cụ Hồ” đã nã đại bác 122 ly vào thủ đô miền Nam. Cứ đến sáng ra khi đọc báo thấy xương thịt vương vãi ở đâu đó mới biết mình còn sống, và cuộc sống chờ đợi lưỡi hái tử thần từ trên chụp xuống như thế kéo dài cả tháng trường.
Tổng số thường dân ngã gục trong Tết Mậu Thân xấp xỉ 15.000 người, nghĩa là gấp 30 lần nạn nhân tại Mỹ Lai. Nhưng làm như biến cố này hoàn toàn không hiện hữu trong sử sách ngày nay, làm như 15.000 ngàn sinh linh chết thảm thương không xứng đáng được một nén nhang, một câu kinh?
Còn nhớ vào thời gian ấy, các phương tiện tuyên truyền của cộng sản tại các nước Âu Mỹ đều đổ vấy cho người Mỹ là thủ phạm của các vụ tàn sát tập thể tại Huế. Chúng tôi thật sự kinh ngạc về luận điệu của họ. Nếu quả thực như thế tại sao người cộng sản không đem những thủ phạm ra truy tố để Tư Pháp Mỹ xét xử như đã xét xử trung úy Calley?
Sự việc tổ chức trọng thể một biến cố và che đậy một biến cố còn đau thương gấp cả chục lần cho thấy hai điều:
1/ Khả năng tự do viết, sửa và bóp méo lịch sử của cộng sản.
Chưa bao giờ cảm nhận được làm vua thua làm giặc lại lớn lao như thời đại Hồ Chí Minh, thời đại chủ nghĩa cộng sản bao trùm lên toàn cõi đất nước và chẳng khác chi thời thực dân phong kiến.
Ngay sau năm 75, cộng sản đã cho đổi tên hàng loạt các nhân vật lịch sử triều Nguyễn từ các vua Gia Long, Minh Mạng đến các công thần như Phan Thanh Giản, Phan Đình Phùng, Lê Văn Duyệt. Thậm chí đến các nhà khoa học lớn của dân tộc cũng bị đổi như Petrus Ký, Nguyễn Trường Tộ và thay vào bằng các tên tuổi hoàn toàn không dính dáng gì đến khoa học, giáo dục. Với quyền hạn tuyệt đối, đảng cộng sản đã tự cho phép mình tô son trét phấn cho nhân vật này và nhúng xuống bùn những nhân vật, những giai đoạn khác.
Gần đây, do nhu cầu đánh bóng bộ mặt cho có vẻ nhân bản và cũng do áp lực từ nhiều phía trong đó có cả từ trong nội bộ, các sử gia chế độ, các nhà báo đã được “bật đèn xanh” để phục hồi danh dự cho các nhân vật triều Nguyễn. Người ta bắt đầu công nhận Nguyễn Trường Tộ là nhà bác học, rằng Lăng Ông là một kiến trúc xứng đáng với công lao của Tả quân Lê Văn Duyệt… Nhiều dư luận cũng đang kiến nghị lấy lại tên Petrus Ký cho trường Lê Hồng Phong nhưng còn đang gặp nhiều chống đối từ các đầu óc cặn bã.
2/ Đào sâu thêm sự ngăn cách giữa người quốc gia và cộng sản, đào sâu thù hận đối với cộng đồng người Việt hải ngoại, trái ngược với nghị quyết 36 của Bộ chính trị về công tác với ngưới Việt định cư ở nước ngoài.
Phải nói rằng việc mừng “chiến thắng Mậu Thân 68” vào đầu năm 2008 là một cái tát tai chí mạng vào những người còn tin vào thiện chí hòa giải, quên đi quá khứ, xóa bỏ hận thù mà cộng sản ra rả trong suốt thời gian vừa qua. Cách đây không lâu, vào tháng 1/2005, Võ Văn Kiệt đã viết một bài đượm mùi hòa giải trong đó có câu: "cuộc chiến nào cũng có kẻ vui người buồn” và cổ súy cho việc xóa đi những cách biệt trong quá khứ. Nhưng mới đây, trong bài phỏng vấn trên tuần báo Weekly, ông đã đổi chiều 360 độ và cho rằng việc duy trì độc đảng là điều cần thiết trong khi ông ta dư sức biết rằng cái làm cho cộng đồng hải ngoại “buồn” không đơn thuần là việc liên tục bị lăng mạ bằng những từ dao búa như “ngụy quân ngụy quyền, tội ác Mỹ Ngụy…” mà còn là việc không được sống và đóng góp vào việc tái thiết đất nước. Nhưng tái thiết phải được hiểu theo nghĩa rộng là chung tay xây dựng một đất nước thật sự dân chủ chứ không đơn thuần là gửi tiền về nuôi thân nhân và nuôi luôn cả chế độ.
Cách đây mới chỉ vài ngày một bạn trẻ đã hỏi tôi: ”phải chăng sau thế chiến thứ hai, người Pháp đã dành một khoảng đất để làm nghĩa trang cho các binh sĩ Đức tử trận trên đất Pháp” [1] . Đây quả là một cơ hội tốt để tôi cho bạn trẻ này biết về cái gọi là “đạo lý”, là “bề dày hơn 4000 năm văn hiến” của dân tộc mình hoặc chính xác hơn là của con người cộng sản. Ba mươi ba năm sau chiến tranh kẻ thắng trận vẫn không ngừng chế giễu và xỉ nhục kẻ bại trận. Tôi còn nhớ có lần trong lớp học, một em học sinh lỡ miệng nói: ”người lính chế độ Sàigòn hi sinh…” thì bị thầy giáo quát mắng thậm tệ: ”phải dùng từ chết chứ không được hi sinh…”. Tôi nghĩ đã là người lính thì họ cống hiến cho lý tưởng của họ, và khi nằm xuống thì gọi là hi sinh cho lý tưởng đó thì cũng đâu có gì sai trái, cho dù lý tưởng đó có như thế nào đi nữa. Một người thầy được giáo dục thế nào là đạo lý, rằng nghĩa tử là nghĩa tận mà còn hành xử như thế huống hồ gì…Tôi thậm nghĩ nếu em học sinh ấy nói rằng nghĩa trang Biên Hòa là nơi yên nghỉ của những người lính chế độ cũ cũng sẽ bị đe nẹt như khi dùng chữ hi sinh. Làm như người cộng sản vĩnh viễn không muốn sự yên bình cho người lính chế độ cũ, cho dù họ đã chết cách đây từ rất lâu. Không biết đến bao giờ người cộng sản làm được điều họ nói trong nghị quyết 36 chứ đừng nói gì đến đạo lý, đến những gì cao xa?
Trong thời gian vừa qua, đặc biệt là vào dịp Tết, hình ảnh của kiều bào thường xuyên được xuất hiện trên báo chí, truyền hình. Nào là chủ tịch nước tiếp đón việt kiều về ăn Tết, nào là quê hương chào đón kiều bào…Đâu đâu cũng thấy nụ cười, xem ra kiều bào ta ở nước ngoài đều trăm người như một, đồng lòng với sự lãnh đạo (anh minh) của đảng. Đây không phải là không có chủ đích.
Trong vài năm gần đây, tinh thần đấu tranh của đồng bào trong và ngoài nước đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong nước, đã có nhiều người không ngại nguy hiểm đứng lên, bên ngoài đã có nhiều người trở về hợp lực với họ gầy dựng phong trào đấu tranh bất bạo động. Những bước ban đầu tuy gặp nhiều khó khăn, người bị tù, kẻ bị trục xuất hoặc cô lập, nhũng nhiễu nhưng đã làm cho nhà cầm quyền phải hoảng loạn. Vụ hai việt kiều Mỹ bị vu cáo mang súng về Việt Nam vào tháng 12/07 là một thí dụ điển hình. Mặt khác, những biến động như các yêu sách của các Giáo hội, cụ thể là việc Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội đòi đất, vụ khiếu kiện trước các cơ quan nhà nước, vụ tranh chấp tại Trường Sa, các vụ đình công kéo dài càng đưa cộng sản vào cảnh “tứ bề thọ địch”, trông đâu cũng thấy kẻ thù.
Chính vì thấy trước viễn ảnh phải đối phó với các phong trào chống đối lan rộng nên nhà cầm quyền đang cố phơi bày bộ mặt nhân bản của họ nhằm chia rẽ tiềm năng của đồng bào cùng với nhiều đoàn thể cá nhân đang đấu tranh cho dân chủ nhân quyền tại Việt Nam. Việc đưa các đoàn văn nghệ ra nước ngoài, việc chấp thuận một số ưu đãi cho vài nghệ sĩ, ca sĩ hải ngoại, việc tổ chức các buổi tiếp tân cho việt kiều vào dịp Tết đều nằm trong mục đích đó. Tuy nhiên trong các tất cả những lúc đó, chưa bao giờ cộng sản dám đề cập đến Mỹ Lai chứ đừng nói đến Mậu Thân, bởi vì họ biết đó là điểm yếu của họ.
* * *
Trở lại chuyện kỷ niệm 40 năm Mỹ Lai, chúng tôi đã làm một cuộc thăm dò trong cơ quan, trong khu phố cũng như trong người thân thì nhận thấy một sự hờ hững rõ ràng. Hóa ra sự “sôi động” thực ra chỉ có trên báo, đài. Điều này có thể cắt nghĩa được rằng lúc này người dân còn quá nhiều ưu tư khác như vật giá đắt đỏ, dịch cúm gia cầm tái bùng phát, tình trạng học sinh bỏ học gia tăng, môi trường sống bị xuống cấp nghiêm trọng…Tuy nhiên khi được hỏi tại sao kỷ niệm Mỹ Lai mà không kỷ niệm nạn nhân Mậu Thân thì chúng tôi ghi nhận được lý giải từ những người đã sống và biết thảm trạng Mậu Thân (đặc biệt là các cán bộ, đảng viên đảng cộng sản) như sau:
70% cho là lý do chính trị
20% cho là vì phe ta (bộ đội) chết cũng nhiều.
10% không có ý kiến.
20% cho là vì phe ta (bộ đội) chết cũng nhiều.
10% không có ý kiến.
Đại đa số cho là vì chính trị! Nói toạc móng heo là vì “phe ta” đã phạm tội ác khi chôn sống hàng ngàn người ở Huế và bắn đại bác 122 ly vô tôi vạ vào Sàigòn, đó là chưa kể hàng trăm vụ thủ tiêu, hành quyết các công chức, trí thức của 17 tỉnh thành miền Nam trong thời gian họ tạm chiếm. Làm lễ kỷ niệm nạn nhân Mậu Thân chẳng khác gì thú tội trước công chúng, điều nhà nước và con người cộng sản không thể chấp nhận (ít ra là trong giai đoạn này).
20% cho là vì « phe ta » chết cũng nhiều! Đây là một lý do hết sức mơ hồ và có tính bào chữa, vì nếu bộ đội chết nhiều thì lại càng phải kỷ niệm chứ! hơn nữa chúng ta đang nói đến nạn nhân chiến tranh chứ không luận xem phe nào thắng, thua. Trong lễ kỷ niệm nạn nhân Mậu Thân (nếu được tổ chức ở Việt Nam) khác với kỷ niệm Mỹ Lai là chúng ta không nhất thiết phải nói họ chết vì bom Mỹ hay đại bác Liên Xô! Rõ ràng câu trả lời trên không khỏa lấp được sự lúng túng của người được hỏi. Và sự lúng túng này càng lộ rõ khi đối mặt với họ, những người cộng sản. Nét mặt của họ sượng trân, giọng nói nhỏ đi như chỉ để cho mình nghe, có nhiều người còn làm những động tác như không muốn bàn tiếp chuyện ấy.
10% không có ý kiến có lẽ là vì họ không can đảm để trả lời như 20% trên đây. Nói tóm lại, khi không phải trả lời trên báo, đài thì tuyệt đại đa số cán bộ, cho dù đã có hay không tham chiến vụ Mậu Thân cũng thấy một cái gì đang đè trĩu nặng trong tâm thức của họ. Đến đây chúng tôi tự hỏi nếu như được hỏi trực tiếp trên ti-vi thì ngay như cả những Nguyễn Minh Triết, Võ Văn Kiệt, Trương Tấn Sang, Tôn Thất Lập, Huỳnh Tấn Mẫm, Hoàng Phủ Ngọc Tường… cũng sẽ ú ớ. Và chuyện đó đã từng xảy ra. Cách đây khoảng 10 năm, cũng vào dịp đồng bào hải ngoại tưởng nhớ 30 năm Mậu Thân, Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng đi công tác nước ngoài và được đài Phát tanh Quốc Tế Pháp (RFI) đặt câu hỏi về vai trò của ông ta trong vụ thảm sát Mậu Thân tại Cố Đô Huế, thì ông ta chối đây đẩy và còn bồi thêm đó là sai lầm của « quân cách mạng ».
Một yếu tố khác khiến cộng sản cương quyết che đậy biến cố Mậu Thân đơn thuần là vì có dính líu đến ông Hồ Chí Minh. Vào đúng ngày Tết năm ấy ông ta đã lên đài phát thanh đọc bài thơ xuân mà đến ngày hôm nay người cộng sản đã thú nhận đó chính là hiệu lệnh tổng tấn công. Với cương vị chủ tịch nước và với hiệu lệnh ấy, trách nhiệm của thảm kịch Mậu Thân trước tiên phải thuộc về ông ta.
Vậy thì rõ ràng là cộng sản đang bị động trên những vấn đề liên quan chính sách hòa giải hòa hợp. Vì chính sách này vẫn xây dựng trên một tiên đề bất di bất dịch là phía cộng sản bao giờ cũng đúng, cũng nhân bản, cũng tốt đẹp; còn phía quốc gia thì vĩnh viễn là ác ôn, là hèn mạt, là sai. Nếu tiếp tục đi theo con đường này thì chẳng bao giờ tạo được tình đoàn kết dân tộc như nhà nước thường vẽ, mà thỉnh thoảng chỉ tổ chức được trong dịp Tết những cuộc họp mặt quy tụ rặt những thành phần thiên cộng, thỉnh thoảng tổ chức được những cuộc tiếp tân trong khuôn viên các lãnh sự quán hải ngoại với sự tham dự của các ca sĩ, nghệ sĩ được ưu ái cho phép hát và ra băng ra đĩa trong nước. Tuyệt đại đa số 3 triệu đồng bào hải ngoại vẫn phải đứng ngoài lề công cuộc xây dựng tái thiết đất nước trong tình đại đoàn kết dân tộc. Quả là một điều đáng tiếc.
Cộng sản đang bị động. Vậy thì mỗi người trong chúng ta, trong lẫn ngoài nước, nếu có cơ hội hãy nêu thẳng những vấn đề trên với các cán bộ, với những người còn tin vào chính sách đại đoàn kết dân tộc, nếu có cơ hội hãy kể cho các cháu, các thế hệ sinh sau 1975 biết rõ tội ác của đảng cộng sản kể từ khi đảng cộng sản được thành lập cho đến ngày hôm nay. Từ việc sát hại, chỉ điểm các đảng phái trong thời chống Pháp sang việc nổi dậy ở Quỳnh Lưu, vụ cải cách ruộng đất, Nhân Văn giai phẩm, vụ xét lại chống đảng, thảm sát Mậu Thân, rồi sau 75 các vụ học tập cải tạo, giết hại biết bao trí thức và lãnh đạo tôn giáo và gần đây nhất là bắt giam, cô lập những người đấu tranh vì dân chủ…Phải nói cộng sản hiện hữu bao nhiêu năm là ngần ấy máu và nước mắt và có bao nhiêu bảo tàng Hồ Chí Minh thì cũng phải ngần ấy mới ghi chép và lưu trữ những tội ác của họ. Chúng ta cũng đừng sợ hãi bị trù dập, kể cả trong trường hợp ở trong nước vì ngày hôm nay, khi đã gia nhập WTO và trở thành thành viên không thưòng trực của Hội đồng bảo an, nhà cầm quyền không thể áp dụng những biện pháp rừng rú như trước.
Làm như thế hoàn toàn không có nghĩa là khơi lại những vết thương quá khứ, nhưng trước tiên là trả lại sự thật cho lịch sử và không cho phép bất kỳ ai, bất kỳ tổ chức nào bóp méo lịch sử và khai thác nó theo ý mình. Đừng quên rằng nửa thế kỷ sau ngày thế chiến thứ hai chấm dứt, người ta vẫn tiếp tục truy tìm những tên đồ tể phát xít như Klauss Barbie, Agribert Heim, Michael Seifert… người ta vẫn cải táng để tìm cho ra thủ phạm của vụ tàn sát 22.000 binh sĩ Ba Lan trong rừng Katyn [2]; sau nữa là chúng ta dồn đảng cộng sản vào thế bị động trong các chính sách hướng về kiều bào, không nhất thiết phải nhìn nhận tội ác trong quá khứ nhưng buộc họ phải thực tâm trong chính sách đại đoàn kết dân tộc, trong đó mọi người không phân biệt quá khứ, không phân biệt chính kiến được quyền đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước, mà điều kiện tiên quyết là thiết lập một nhà nước pháp quyền, một nhà nước thực sự dân chủ.
Đọc đến đây chắc nhiều người nói đây là chuyện viễn tưởng vì chẳng bao giờ người cộng sản lại nhìn nhận những sai lầm của họ. Điều này đúng 100%, nhưng nó chỉ đúng khi chẳng ai dám làm gì cả, thậm chí nêu lên những thắc mắc về lịch sử chứ chưa đánh động đến những khái niệm « tế nhị » như dân chủ, nhân quyền. Lại có nhiều người biện minh rằng « ừ, thì cứ cho là nhà nước có sai lầm nhưng đó là quá khứ, ưu tiên bây giờ làm làm ăn, là kinh tế ». Tôi không dám lạm bàn về kinh tế nhưng chỉ muốn nói rằng khi con người ta còn ngạo mạn, coi nửa dân tộc đã sống dưới chế độ cũ là ác ôn và không ngừng xỉ vả họ thì năng lực đóng góp cho đất nước cũng giảm đi một nửa. Điều đó cắt nghĩa tại sao từ ngày nghị quyết 36 ra đời (đến nay vừa tròn 4 năm), hàng trăm hội nghị đã được tổ chức nhưng cũng chưa có được những bước khởi đầu, vẫn còn dò dẫm. Đó là chưa kể khi con người ngạo mạn thì không thích nghe ý kiến đóng góp và sai lầm nối tiếp sai lầm. Đó là tất cả những gì chúng ta thấy ngổn ngang trong xã hội ngày hôm nay, từ chính trị đến xã hội, giáo dục, y tế, môi sinh, giao thông, nếp sống đô thị, quy hoạch…Tất cả đều bầy hầy, động đâu cũng có vấn đề và tình trạng ngày càng xuống dốc.
Hãy bắt đầu bằng những cử chỉ thật nhỏ, thật đơn sơ.
Sàigòn, 21/3/2008
Phan-Kiến-Quốc.
Phan-Kiến-Quốc.
Chú Thích:
[1] Nghĩa trang La Cambe nằm trên bờ Normandie (nơi đổ bộ của Đồng Minh) là nơi yên nghỉ của 21.000 binh sĩ Đức tử trận tại Pháp. Một nơi uy nghiêm và tôn kinh.
[2] Trong thế chiến thứ hai, Hồng quân Liên Xô đã giết 22.000 binh sĩ Ba Lan vì những người này chủ trương không lệ thuộc với Stalin. Trong suốt 50 năm Liên Xô đã đổ vấy cho phát xít Đức là thủ phạm. Phải đợi đến khi bức tường Bá Linh sụp đổ, tất cả ánh sáng mới được phơi bầy.
No comments:
Post a Comment