Tờ Sàigòn Tiếp thị số ngày 29/4/2008 có nhiều bài viết đặc biệt đánh dấu kỷ niệm 33 năm chấm dứt chiến tranh. Bài đầu tiên là của nhà văn Bảo Ninh với tựa đề "Lần đầu tiên gặp người Sàigòn", nói về cảm nhận của ông là một bộ đội trong giờ phút hấp hối của miền Nam, trong đó có những đoạn sau:
Lần đầu tiên, gặp người Sài Gòn nhưng quả là tôi thấy sao mà dân tình bình thản đến thế. Nói là bình thản cũng chưa thật đúng, dửng dưng ơ hờ bàng quan vô sự cũng chẳng phải. Một thái độ chung rất khó diễn đạt bằng lời, chỉ có thể nói là hết sức tương phản với toàn bộ biến cố lớn lao đang đến với vận mệnh thành phố và với từng số phận con người. (…)
Dọc một dải Bà Quẹo – Bảy Hiền chìm trong bóng tối nhập nhoà ánh lửa cháy nhà, nhưng các khu phố đằng sau nhà thương Vì Dân và rộng ra là toàn bộ thành phố vĩ đại thì vẫn như thể muốn bất chấp tất cả, vẫn cứ rực sáng lên ánh đèn điện (…)
Đạn cối 106 và 81 ly từ sân bay nã ra đường Lê Văn Duyệt, đạn cối 82 từ đường Lê Văn Duyệt câu vào sân bay, đường đạn đối đáp qua lại sát sàn sạt các mái nhà, hú lên rùng rợn. Dân tình mặc kệ. Người ta vẫn nhậu, vẫn tụ hội ở tiệm đầu hẻm nhâm nhi ly cà phê và tán dóc, các bà vẫn xách ghế ra đầu hè hóng gió và buôn chuyện. (…) Đọc xong thấy lòng buồn tê tái. Lắm lúc những tư tưởng yếm thế lại trở về: thua là phải. Trong khi bao người đang nằm sương gối đất thì một bộ phận không nhỏ chỉ chăm lo cho tư lợi. An nguy mặc ai, miễn là mình và gia đình bình yên sung túc là đủ. Cái ý nghĩ ấy nó dằn vặt tôi suốt ngày.
Nhưng đến buổi chiều, nỗi buồn ấy chợt biến mất và nhường lại cho một nỗi buồn khác còn lớn hơn gấp bội.
* * *
Vào chiều ngày 29/4/2008, một biến cố lớn xảy ra tại Sàigòn: cuộc rước đuốc thế vận Bắc Kinh 2008. Lớn vì nó chưa từng xảy ra trong quá khứ, lớn vì những xô xát xảy ra trên hành trình các nước ngọn đuốc từng đi qua như London, Paris, San Francisco, Canberra, Nagano, Seoul…và sau cùng, lớn vì lúc này việc Hoàng Sa, Trường Sa vẫn còn đang âm ỉ.
Có mặt ngay tại lúc cử hành nghi lễ trước nhà hát thành phố vào lúc 18g, chúng tôi đã không mấy ngạc nhiên khi thấy sự hiện diện đông đảo của công an áo xanh lẫn “bồ câu” (công an giao thông) cộng thêm một lực lượng đông đảo thanh niên tình nguyện được “lùa” từ các trường đại học cũng như dân phòng, chúng tôi cũng không mấy ngạc nhiên khi thấy bà con đã tụ tập khá đông trên hai bên đường Lê Lợi và Pasteur, chúng tôi cũng không mấy ngạc nhiên khi thấy không khí chuẩn bị có vẻ khá căng thẳng. Tuy nhiên cái ngạc nhiên mới dữ dằn và đáng nói hơn nhiều.
Trước tiên là cái rừng cờ Trung Quốc (TQ). Nhìn đâu đâu cũng thấy cờ của họ. Điều này có lẽ ít gây xốc vì cờ TQ và VN giống nhau như hai giọt nước. Nếu đó là cờ của bất kỳ nước nào khác thì có lẽ mọi người sẽ nghĩ khác, nhưng sau khi “lấy lại bình tĩnh” thì lại một cú xốc khác. Nhìn quanh quất đâu đâu cũng thấy người Hoa, đặc biệt là ở những địa điểm quan trọng như góc ngã tư hoặc sát lề đường.
Tại Sân Vận động Quân khu 7 là điểm đến của ngọn đuốc thì cảm nhận trên lại càng rõ hơn. Những chiếc áo trắng in logo Thế Vận Hội và những hàng chữ Hoa hiện diện ở khắp nơi. Họ đứng thành từng nhóm hai bên đường Hoàng Văn Thụ và liên tục hô các khẩu hiệu bằng tiếng Hoa mà mãi sau này tôi mới biết đó là “Trung Quốc muôn năm”.
Những người đứng xem chung quanh cho biết “tụi nó” (ám chỉ nhà nước TQ) đã huy động rất nhiều công nhân viên trong các xí nghiệp đến từ các khu công nghiệp Đồng Nai và Bình Dương. Đậu rải rác chung quanh chợ Bến Thành là vô số xe khách mang biển số hai tỉnh này.
Khi ngọn đuốc thế vận đi ngang qua, Ban Tổ Chức yêu cầu đám Thanh niên tình nguyện đang làm rào chắn phải quay mặt vào trong. Cảnh sát VN mặt đỏ ké luôn miệng quát tháo bà con đứng hai bên đường. Mặt khác những quyết định của họ khá bất nhất, lúc thì cho đứng lúc thì bị đuổi; lúc thì quay ra ngoài đường lúc thì quay vào trong lề. Làm như mỗi lần có tiếng còi xe của một quan chức thì họ phải làm một cái gì đó cho nó có vẻ nghiêm trọng thì phải. Nhìn họ tôi nghĩ rằng họ là công an TQ hơn là công an VN. Giá mà có ai đó mặc cái áo thun mang hàng chữ "Beijing 2008: No" thì sẽ bị công an VN tẩn nhừ đòn trước khi an ninh TQ ra tay. Trong cái không khí đó thỉnh thoảng leo lét một tiếng nói bực tức. Một cô gái tay cầm máy quay miệng la “Việt Nam! Việt Nam”. Tiếng la của cô gái thực như muối bỏ biển y như sự lạc lõng của lá cờ đỏ sao vàng giữa rừng cờ, rừng biểu ngữ và rừng Hoa kiều. Rất nhiều người cũng có cảm giác là đang ở Quảng Châu hay Phúc Kiến gì đó.
* * *
Không riêng gì tôi, phản ứng của người Việt chung quanh là rất bất bình. Ban đầu tôi tự hỏi: ”tại sao lại phải bất bình khi họ (người TQ) biểu lộ niềm vui một cách chính đáng?”. Nhưng nghĩ lại, người Việt có ai bất bình khi người Pháp, người Mỹ, người Hàn họ vui mừng chào đón năm mới trên đường phố Sàigòn đâu, rồi hồi World Cup 2004 có ai bực tức trước sự phấn khích của cộng đồng Ý đâu? vậy mà tại sao chúng ta lại phản ứng với cộng đồng Hoa kiều? Câu trả lời quá ư đơn giản: người Việt còn chưa nguôi vụ Hoàng Sa, Trường Sa mới xảy ra cách đây vài tháng.
Trong 19 nước mà ngọn đuốc đi qua là Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Argentina, Tanzania, Oman, Pakistan, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên và VN thì chỉ độc nhất có Việt Nam là nước có xích mích trực tiếp với TQ qua vụ lãnh hải, còn các nước khác chỉ là phản đối vụ TQ đàn áp người Tây Tạng, điều đó có nghĩa là nếu có biểu tình thì người VN có lý do chính đáng nhất. Đảm bảo cho an ninh cuộc rước đuốc là chuyện cần thiết nhưng nếu đảng và nhà nước VN thực sự là những người có tâm huyết với đất nước họ vẫn phải cho phép người dân lên tiếng. Nhưng trên thực tế nhà nước VN đã làm ngược lại 180 độ. Một đàng họ dành hết công sức cho cuộc rước đuốc một đàng họ răn đe, bắt bớ tất cả những ai muốn gióng lên tiếng nói bảo vệ Đất Tổ. Trong những ngày trước và sau cuộc rước đuốc, người ta thỉnh thoảng được đọc những thông báo tại các điểm tụ họp đông người, nội dung như sau:
“Trong những ngày gần đây, nhiều tổ chức phản động như “Việt Tân”, “Phong Trào Thanh Niên Dân Chủ”, “X-Café” đã kêu gọi xuống đường biểu tình chống Trung Quốc. Đây là một hành động vi phạm pháp luật VN. Yêu cầu các bạn thanh niên sinh viên không được tham gia…”.
Thông báo không nói rõ tại sao người ta kêu gọi chống TQ. Sự lập lờ có chủ đích này tạo cho người đọc có cảm giác hễ cứ chống TQ là vi phạm pháp luật mà quên rằng chính những ngăn cấm bày này mới thực sự là vi phạm. Trong hiến pháp VN 1992 ở điều 77 có ghi rõ “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân.” thì hà cớ gì lại ngăn cản, bắt bớ người thực thi Hiến pháp? Những người biểu tình không hề có ý chống đuốc Thế vận và cũng không có đủ sức, đủ điều kiện làm chuyện này thì tại sao lại đe nẹt, bắt bớ họ. Những gì xảy ra chỉ chứng tỏ một điều là đảng cộng sản và nhà nước VN không từ một hành động nào để làm vui lòng người láng giềng phương Bắc.
Trước khi đến VN, ngọn đuốc đã ghé qua thủ đô Seoul của Hàn quốc và cũng đã có nhiều cuộc biểu tình chống đối và ủng hộ đã xảy ra. Sau đó vài ngày, công luận Hàn quốc đã cực kỳ phẫn nộ trước thái độ hung bạo của một số thanh niên TQ sống trên đất Hàn. Những người này đông gấp 6 lần nhóm chống đối và đã dùng bạo lực để tấn công tất cả những người xuống đường tố cáo sự đàn áp của Bắc Kinh một cách ôn hòa. Hàn quốc vốn có truyền thống cư xử mềm mỏng với TQ vậy mà chính phủ nước này đã có những phản ứng kịch liệt trước thái độ rừng rú của đám thanh niên TQ. Cụ thể là thủ tướng Hàn quốc tuyên bố sẽ dùng mọi biện pháp ngoại giao lẫn tư pháp để xử lý, đại sứ TQ tại Seoul bị gọi lên để nhận công hàm phản đối, bộ Tư pháp hứa sẽ xem lại các băng thu hình cam đoan sẽ trục xuất những người vi phạm pháp luật bất kể họ là quốc tịch nào. Hàn quốc chưa bị TQ lấy một tấc đất mà họ đã có phản ứng dữ dội như vậy chỉ mới vì một vài thái độ quá khích, vậy mà VN ta từ trên rừng xuống biển, chỗ nào cũng bị TQ “tùng xẻo” lại ngậm miệng như hến, có nói chăng chỉ là điệp khúc “VN có đủ bằng chứng là Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của VN”, và “VN chủ trương giải quyết bằng thương thuyết…”. Ngược lại họ lại đàn áp thẳng tay những người đứng ra bảo vệ Tổ quốc. Bảo sao người dân không tức giận!
Một chi tiết đáng lưu ý trong lần rước đuốc tại Sàigòn ngày 29/4 vừa qua là thái độ "kẻ cả" của một số người gốc Hoa. Thường thường, để tỏ tinh thần tôn trọng với nước sở tại thì người biểu tình nước ngoài thường mang theo hai loại cờ. Cờ của mình và của nước tiếp nhận, khi hô khẩu hiệu cũng thường phải hai thứ tiếng. Nhưng đây thì không, có căng mắt cũng khó tìm được lá cờ đỏ sao vàng, có căng tai ra cũng chỉ nghe được "chúng của" (Trung quốc) cái gì đấy. Rõ ràng là họ coi người mình như không hiện hữu. Cũng chưa hết, khi tôi đi tìm một người mặc áo chữ Hoa, trên má có vẽ cờ TQ hỏi ý nghĩa của những khẩu hiệu thì được trả lời bằng một ánh mắt vừa ngạc nhiên vừa khinh miệt. Tôi dự tính hét vào mặt tên ấy rằng họ đang ở trên đất nước VN và biết họ hò hét cái gì cũng là một nguyện vọng chính đáng, nhưng tôi tự kềm chế lại, chung quanh mình không chỉ có công an VN mà còn cả an ninh TQ. Bất ngờ tôi thấy tôi nhỏ bé và hèn hạ quá.
Đôi khi tôi tự hỏi nếu VN chúng ta đem quân đánh chiếm một quận, huyện của Cam Bốt thì liệu cộng đồng VN có dám "lên mặt" giữa thủ đô Nam Vang hay không? Thế thì tại sao chuyện Hoàng Sa Trường Sa còn đang nóng mà cộng đồng Hoa kiều có thể “tung hoành” ngay giữa lòng Sàigòn như chẳng có gì xảy ra? Đơn thuần chỉ là vì họ biết chắc “sẽ không có gì xảy ra”. Nguyễn Tấn Dũng đã nói như thế 72 tiếng đồng hồ trước. Và quả thật như thế, với những gì tai nghe mắt thấy tôi có cảm tưởng người TQ và Hoa kiều đang coi dân tộc VN như cỏ rác.
Dòng sử 5000 năm của VN có nhiều trang huy hoàng, đã có những Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Quang Trung...nhưng cũng có những giai đoạn đen tối. Dân ta đã từng lập đền thờ Nhâm Diên, Tích Quang là hai thái thú người Tàu, đã từng sợ chết khiếp Mã Viện với trụ đồng chôn lại đất Giao Chỉ... Vậy thì với những gì chứng kiến được trong buổi rước đuốc chúng tôi phải tự hỏi: VN của thế kỷ 21, VN của "thời đại Hồ Chí Minh"đang thuộc trang nào trong dòng sử ấy?
Sàigòn, 30/4/2008
Phan-Kiến-Quốc.
Phan-Kiến-Quốc.
No comments:
Post a Comment