Phan Kiến Quốc
Ngày 18/10/2008 vừa qua tại Thanh Hóa, một cuộc hội thảo mang chủ đề Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX. Mục đích của buổi hội thảo là tìm hiểu một cách khách quan công việc và những sai lầm của nhà Nguyễn. Buổi hội thảo kết thúc với ý kiến: “Không thể phủ nhận công lao đóng góp của vương triều Nguyễn và cần phải sửa lại sách giáo khoa lịch sử…".
Bối cảnh lịch sử của cuộc chiến tranh đã tác động đến thái độ của nhiều nhà sử học trong nhìn nhận và đánh giá về các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn, nhất là các cơ quan khoa học trong hệ thống chính trị đương thời.
Đây là thời kỳ nền sử học hiện đại xây dựng trên hệ tư tưởng mácxít đang hình thành và trong vận dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử phạm những sai lầm của chủ nghĩa giáo điều, công thức, máy móc. (…) Áp dụng lý thuyết hình thái kinh tế xã hội và đấu tranh giai cấp một cách giáo điều đã dẫn đến những hệ quả đưa ra những phân tích và đánh giá lịch sử thiếu khách quan, không phù hợp với thực tế lịch sử. Không riêng các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn mà những nhân vật lịch sử liên quan, và rộng ra cả vương triều Mạc trước đó, đều bị đánh giá theo quan điểm chưa được khách quan, công bằng như vậy.
Công cuộc Đổi mới khởi đầu từ năm 1986, bắt đầu từ đổi mới tư duy kinh tế, sau đó dần dần được mở rộng sang các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Năm 1988 Hội Khoa học lịch sử Việt Nam được tổ chức lại trên phạm vi cả nước và một trong những hoạt động khoa học đầu tiên là tổ chức cuộc Hội thảo khoa học "Sử học trước yêu cầu Đổi mới của đất nước" tại Hà Nội năm 1989 và tại thành phố Hồ Chí Minh năm 1990 với sự tham gia của nhiều nhà sử học và những ngành liên quan của khoa học lịch sử như khảo cổ học, dân tộc học, bảo tàng và bảo tồn học, văn hoá học”..
Kết luận hội thảo, GS Phan Huy Lê đã đánh giá: “Với hơn 90 tham luận, các nhà khoa học và sử học đã đi đến một sự đồng thuận về quan điểm nhận thức giai đoạn lịch sử này theo hướng khách quan - trung thực và công bằng, nó làm thay đổi quan điểm, nhận thức trước đây của giới sử học về các chúa Nguyễn và các vương triều Nguyễn. Đó là sự công nhận khách quan về công lao của các chúa Nguyễn trong việc mở mang bờ cõi, xác lập nên bản đồ hiện đại của nước ta. Vương triều Nguyễn đã thống nhất được đất nước sau nhiều thế kỷ bị chia cắt với sự kế thừa những thành quả của phong trào Tây Sơn và chính quyền Tây Sơn, xây dựng một quốc gia tập quyền và quy củ. Vương triều này cũng đã để lại nhiều di sản văn hoá đồ sộ, trải dài suốt từ Bắc đến Nam... “
Bài phát biểu của giáo sư Phan Huy Lê đã cho thấy “bàn tay lông lá” của Đảng CSVN ảnh hưởng như thế nào lên lịch sử nước nhà nói chung cũng như giáo dục lịch sử nói riêng. Họ sẵn sàng nhúng xuống bùn đen một nhân vật bằng những lời lẽ thô bỉ nhất như “tội ác, nợ máu với nhân dân” và ngược lại bắt cả nước suy tôn những nhân vật khác và bằng những mỹ từ như “anh hùng dân tộc”, “cha già dân tộc”…Người dân cứ phải quay như con chong chóng trước những nhãn quan cục bộ của nhà cầm quyền. Chẳng cứ là các vua chúa nhà Nguyễn bị xỉ vả, mà ngay cả các vị anh hùng cũng nằm trong danh sách đen của Đảng CS. Nếu chẳng thế tại sao lại đổi các tên đường Phan Thanh Giản, Hiền Vương, Lê Văn Duyệt thành Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu, Cách Mạng Tháng Tám. Nếu những Võ Thị Sáu, CMT8 có thực sự tốt đẹp thì còn thiếu gì đường sao không lấy mà lại đi phủ nhận công lao bảo vệ và mở mang bờ cõi của các vị tướng nhà Nguyễn? Rồi Nguyễn thị Minh Khai, Lê Hồng Phong có công trạng gì hơn vua Gia Long và nhà bác học Trương Vĩnh Ký mà lại lấy để đổi tên các trường trung học nổi tiếng của Sàigòn?
Một trong những điều bôi bác nhất là ngay sau ngày chiếm được miền Nam năm 1975, các cơ quan truyền thông báo chí trong và ngoài nước đều dạy cho người dân biết rằng Hồ Chí Minh chứ không phải Gia Long là người đầu tiên thống nhất đất nước. Đọc đến đây chắc có lẽ nhiều người - trong đó có thể có nhiều sử gia nóng mặt vì điều đó vu khống Đảng CSVN. Không! đấy là sự thật 100% có thể kiểm chứng được trong văn, thư khố của Đảng, và chắc chắn còn nằm đâu đó trong hầm các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài. Vả lại điều này đâu có gì mà phải nóng mặt! Khi con người ta mù quáng tôn sùng Stalin là "cây đại thụ" [1], khi con người hãnh diện dùng xe tăng cày ruộng [2] thì cái gì chẳng làm được, nhất là với một "tên bán nước" như Gia Long!
Cũng theo phát biểu của GS Lê thì chỉ 2 năm sau khi đổi mới, trong một phạm vi nhỏ hẹp, các nhà sử học đã bắt đầu có các hội thảo về “công và tội” của nhà Nguyễn, và liên tục các năm sau đó, các cuộc hội thảo này càng có nhiều đóng góp. Chỉ 2 năm mà các sử gia đã tìm tòi ra các tài liệu, các chứng cớ? Chắc chắn là không, tất cả đều nằm đâu đó và đặc biệt là nằm trong tiềm thức, trong suy nghĩ của họ, chỉ khi được “bật đèn xanh” là bung ra. Lý do của cái đèn xanh này có lẽ là vì nhu cầu đổi mới tư duy song song với mở cửa kinh tế, nhưng cũng có thể là vì những thôi thúc tìm cho ra sự thật hoặc cái nhìn “xét lại” vào lúc cuối đời của những ông cố vấn Phạm Văn Đồng và Võ Văn Kiệt.
Cuộc hội thảo ngày 18/10 đã cho thấy sự đồng thuận (dưới sự cho phép của Đảng) về công lao to lớn của nhà Nguyễn, cho dù cũng còn phải đợi thêm một thời gian nữa mới tính đến chuyện phục hồi danh dự cho vua quan nhà Nguyễn cũng như tái lập lại các địa danh đã bị đổi tên một cách oan uổng, nhưng đây có thể được coi là những bước đầu cho việc viết lại chính sử, một thứ sử độc lập với các nhãn quan chính trị. Thiết nghĩ công việc sắp tới của các sử gia là một việc làm rất cần thiết.
Khi lên ngôi năm 1802, vua Gia Long đã bôi bác nhà Tây Sơn bằng những thủ đoạn thấp hèn nhất, nhưng đó là thời phong kiến, thời mà các sử gia bắt buộc phải có suy nghĩ và viết theo ý kiến nhà vua. 143 năm sau, khi đã nắm quyền sinh sát trong tay, Đảng CSVN cũng hành xử không khác gì thời vua chúa. Với chiêu bài "tất cả phục vụ cho chiến tranh", Đảng tự cho mình có quyền bóp méo lịch sử. Trên phương diện này, Đảng CSVN xem ra còn tệ hơn triều Nguyễn vì họ đã thành công trong việc bóp nghẹt cả một tầng lớp các sử gia sau 1945 có đầy đủ tư liệu, có đầy đủ chứng cớ, trong đó hẳn có nhiều người đã tham dự buổi hội thảo ngày 18/10/2008.
Cũng trong buổi hội thảo này, PGS-TS Vũ Văn Quân (khoa Lịch sử, ĐH KHXH-NV) nhận định “các vua đầu triều Nguyễn vẫn là những người ít nhiều có tinh thần dân tộc. Điều này thể hiện rõ trong ý thức về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không chỉ trên đất liền mà còn đối với các hải đảo, nhất là với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Điều này rõ ràng là một cái tát vào mặt Đảng CSVN về những hành xử của họ trên hai miền đất này của Tổ quốc ngày hôm nay.
Tuy nhiên, ngoài vương triều Nguyễn, dòng sử Việt Nam vẫn còn nhiều uẩn khúc đặc biệt là từ khi cộng sản nắm quyền năm 1945. Cho đến ngày hôm nay còn biết bao câu hỏi cần được giải đáp: Ai thủ tiêu Phạm Quỳnh, nhà văn Khái Hưng, Đức Huỳnh Phú Sổ cùng biết bao chiến sĩ cách mạng cùng đứng lên chống thực dân Pháp nhưng không theo Việt Minh? Ai bán đứng Phan Bội Châu cho Pháp? Tại sao đến nay vẫn có những tờ báo gọi Việt Nam Quốc Dân Đảng là "lũ phản động"?
Phải gần hai thế kỷ sau, người ta mới biết rằng "Triều Nguyễn đã để lại một di sản khổng lồ, vĩ đại mà không triều đại nào trong lịch sử có thể sánh được." [3]. Đúng là chỉ sau cái gật đầu của một nhân vật nào đó trong bộ chính trị mà quỷ đã biến thành người.
Thế còn đến bao giờ Người sẽ biến thành quỷ?
Sàigòn, 26/11/2008
Phan Kiến Quốc
Phan Kiến Quốc
[1] Thơ Tố Hữu
[2] Ngay sau ngày 30/4/75, báo chí đã cho đăng hình ảnh một chiếc xe tăng M-113 của quân đội Việt Nam Cộng Hòa đang đóng vai chiếc máy cày trên đồng ruộng. Ý cho là các “đỉnh cao trí tuệ” đã biết vận dụng chiến cụ trở thành nông cụ phục vụ sản xuất.
[3] Một trong những kết luận của buổi hội thảo 18/10/2008
No comments:
Post a Comment