Phan Kiến Quốc
Người Việt Nam vẫn hãnh diện về di sản văn hóa lớn lao do cha ông để lại từ 50 thế kỷ qua. Nhưng điều đau lòng là di sản văn hóa này đang bị tàn phá một cách nghiêm trọng. Qua bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về những hình thức phá hoại di sản văn hóa của dân tộc và thử đặt trách nhiệm sự tàn phá này thuộc về ai ? Dù trách nhiệm thuộc về ai, hậu quả của những đổ vỡ, mất mát này đang đưa tới một hậu quả nguy hại hơn, đó là sự hủy hoại các giá trị về tinh thần và tình trạng không tha thiết gì đến lịch sử nước nhà, đặc biệt là ở giới trẻ.
Ðọc báo trong nước vài tháng trở lại đây, người ta ghi nhận có rất nhiều khám phá về các di tích, các dấu vết của tổ tiên Việt Nam. Vào cuối tháng giêng năm 2000, người ta đã khám phá ra di tích của người nguyên thủy vào thời đại đá cũ, trên địa phận thôn Sính Suối Hồ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Theo các cuộc khảo sát sơ khởi thì di tích này đã có từ 20 đến 30.000 năm. Gần 100 công cụ lao động của người nguyên thủy là những chiếc cuốc tay, công cụ nạo, cắt, chặt, đập được ghè đẽo còn ở dạng sơ khai hình dạng công cụ thô sơ. Sau đó hơn một tháng, Sở Văn Hóa đã họp báo công bố kết quả khai quật khảo cổ học di tích Ðồng Ðậu thuộc địa phận thị trấn Yên Lạc, Huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc. Lần khai quật thứ 6 này đã tìm thấy một số lượng khá phong phú thuộc nhiều loại và chất liệu khác nhau: đồ đá, đồ xương, đồ đồng, đồ gốm... là công cụ sản xuất, dụng cụ sinh hoạt, vũ khí, đồ trang sức và một di cốt còn khá nguyên vẹn. Tất cả đều được đánh giá cách đây 3.500 năm.
Tuy nhiên trong các bài tường thuật, các nhà khảo cổ cũng tỏ vẻ rất lo lắng không biết các di tích này có được gìn giữ, bảo vệ hay không. Vì cũng trong thời gian gần đây, rất nhiều cổ vật của Việt Nam bỗng dưng không cánh mà bay. Sự lo lắng của các nhà khảo cổ không phải không có lý, vì hơn ai hết, họ đang là chứng nhân của cả một cuộc tàn phá cả một di sản văn hóa vĩ đại cổ xưa do Cha Ông đã dầy công xây dựng và gìn giữ.
Nói đến di sản văn hóa, có lẽ người ta nghĩ ngay đến các lăng tẩm, các đền thờ các vị anh hùng, anh thư; hoặc các cổ vật (trống đồng, đồ trang sức, dụng cụ người xưa), các sách vở, tài liệu; hoặc các di tích thiên nhiên (Hồ Tây, Tượng Tô Thị, Ðộng Tam Thanh...). Ðặc biệt là trong hoàn cảnh khói lửa triền miên của đất nước ta, di sản văn hóa còn là các dấu tích chiến tranh như di tích Bạch Ðằng, Gò Ðống Ða, Gò Ðông Thây... Tóm lại, nếu định nghĩa di sản văn hóa là tất cả những gì Tổ Tiên để lại thì quả thật là một tài sản khổng lồ và vô cùng giá trị.
Ðể nói về hiện tình di sản, không có gì chính xác hơn là nhận xét của các nhà chuyên môn. Trong một bài phỏng vấn, giáo sư Hà Văn Tấn, Viện Trưởng Viện Khảo Cổ đã có những lời vô cùng bi quan :"Tôi có thể nói là tôi đã đi gần khắp nơi trên thế giới nhưng chưa có nơi nào tôi đau xót như ở Việt Nam. Mình là một đất nước tự hào về một nền văn hóa lâu đời, nhưng các di sản văn hóa hiện nay đang có nguy cơ bị mất mát, bị phá hoại cả".
Lời báo động này đã được tung ra từ cuối năm 96 đến nay vẫn không hề có một mảy may cải thiện. Song song với công cuộc đổi mới, người ta thi nhau xây nhà xây xưởng, các di sản lại càng bị phá hoại trầm trọng hơn. Thực tình mà nói, nhu cầu kinh tế không hoàn toàn là lời giải thích. Lý do quan trọng nhất là tinh thần vô trách nhiệm và kém hiểu biết của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.
Trong bài này, người viết sẽ cố gắng cô đọng một số dữ kiện thu thập từ báo chí trong nước trong năm năm trở lại đây để chúng ta cùng ý thức được cả một kho tàng văn hóa của Tổ Tiên vun bón từ hàng chục thế kỷ, nay đang bị hủy hoại trầm trọng. Tuy nhiên sự phá hoại các di tích không nguy hại bằng một sự tàn phá khác : thế hệ con cháu chúng ta sẽ không còn khái niệm gì về di sản đồ sộ này, không còn biết hãnh diện về nguồn gốc và sự hy sinh của cha ông.
Vì khuôn khổ trang báo có hạn, người viết xin được chia làm hai kỳ :
- Những tiếng kêu vô vọng của các nhà khảo cổ Việt Nam đang báo động tình trạng hủy diệt các di sản.
- Sau nửa thế kỷ cai trị, chủ trương của đảng cộng sản Việt Nam luôn luôn là xóa bỏ các giá trị của nền văn hóa cũng như bóp méo lịch sử dân tộc và thay thế bằng các biểu tượng của xã hội chủ nghĩa, mà đứng đầu là ông Hồ Chí Minh.
Các tàn phá vô cùng đau xót.
Trong một lần lặn lội tìm mộ bia đời Trần tại huyện Quảng Xương tỉnh Thanh Hóa, giáo sư Nguyễn Huệ Chi thuộc Viện Khảo Cổ đã vô cùng xúc động khi tìm ra một tấm bia vô cùng quý giá. Tấm bia kể lại chiến thắng của nhà Trần trước đạo quân Toa Ðô vào năm 1285. Ðang khi mọi người lúi húi đọc thì ông bí thư đảng ủy xã nghe tin tìm đến. Khi nghe giảng giải, ông ồ lên một tiếng, chỉ vào mảnh vỡ trên trán bia mà nói :"Chết nỗi ! thế mà chúng tôi đã hạ lệnh cho dân quân đập đi để có thêm đất trồng lạc. Cũng may bia cứng quá đập không nổi...".
Cũng về di tích đời Trần, năm 1972, đoàn khảo cổ đã đến thăm tám lăng vua được xây dựng rải rác trên các triền đồi ở xã Hồng Phong (Quảng Ninh). Ðây là một kỳ quan về kiến trúc và điêu khắc với các bậc đá chạm hình rồng, với các dãy tượng đứng chầu. Ðến năm 1996 trở lại thì các lăng này bị hủy hoại nghiêm trọng. Hai lăng của Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông là hai vị thượng hoàng từng chỉ huy cuộc chiến tranh chống quân Mông đã bị san bằng. Các tượng rồng bị đập vỡ thành nhiều mảnh. Và vì nhu cầu sản xuất, chính quyền địa phương đã phá lăng Trần Anh Tông để xây một đập nước !!
Cũng trong địa phận tỉnh Quảng Ninh, một trong những chiến tích oanh liệt nhất của tiền nhân là chiến thắng Bạch Ðằng cũng đang rơi vào tình trạng đổ vỡ nghiêm trọng. Tương truyền rằng 700 năm trước thị trấn này còn là một rừng lim, Trần Hưng Ðạo đã cho quân vào đốn để làm chông dưới lòng sông. Dấu tích rừng lim còn sót lại là hai gốc lim lớn vài vòng tay người ôm, thế mà nay có người đã bỏ rơm rác vào hốc cây rồi chụm lửa, vết cháy nham nhở. Riêng tại bãi cọc thuộc huyện Yên Hưng thì người ta còn thất vọng hơn. Hiện nay bãi vẫn còn 300 cây cọc, nhưng đã trở thành một hồ nuôi trồng thủy sản và cỏ dại mọc đầy. Và gần đây nhất (4/2000) báo chí và dân chúng đã báo động về nguy cơ đầm Dạ Trạch nằm trong tỉnh Hưng Yên sắp bị lấp. Ðây là căn cứ địa của Triệu Quang Phục khởi binh vào năm 548.
Ðây chỉ là một vài trong hàng trăm vụ vi phạm nghiêm trọng mà báo chí nêu lên. Góp nhặt các vi phạm này, chúng ta có thể tạm phân chia dưới ba hình thức phá hoại như sau :
1) phá mộ người chết
các vụ cụ thể là :
- đào mộ Nguyễn Phi Khanh
- phá mộ Ðặng Trần Côn
- khoét đục lăng tẩm Huế : Năm 1990, lăng Từ Dụ (mẹ vua Tự Ðức) bị kẻ gian đào bới liên tục trong 3 ngày đêm. Những báu vật như đồ trang sức, bộ bài tứ sắc, trấu, mâm... tất cả bằng vàng ròng. Thủ phạm sau khi bán cho một tiệm kim hoàn thì bị bắt nhưng khi truy tìm ra đến nơi thì tất cả đã bị nấu chảy. Vào lúc báo chí đưa tin (1995) thì kim tĩnh là nơi cất quan tài vẫn còn bỏ ngỏ.
- tàn phá mộ cổ Chàm
- phá vỡ mộ bia Lý Thường Kiệt ở Thanh Hóa.
Dĩ nhiên trên đây chỉ là danh sách rất giới hạn, sự thực có lẽ còn vô số kể vì đại đa số các đền thờ đều thờ các vị anh hùng dân tộc hoặc các danh nhân lịch sử chứ không phải thờ một đấng thần linh nào. Ðứng trước những tấm mộ bia bị đập vỡ tan nát và không còn cách nào tái tạo, giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã uất ức :"Không gì vô phúc bằng việc con cháu đào bới mồ mả cha ông mình. Nhưng điều khủng khiếp hơn là trước một tình trạng như vậy mà không ai chịu trách nhiệm, và không có biện pháp gì để ngăn chặn".
2) Tình trạng tan hoang của các di sản văn hóa.
Nếu đào mồ người chết là một hành động vô luân thì bỏ rơi các di tích vào một tình trạng hoang phế lại là một vấn đề vô cùng trọng đại của ngày hôm nay.
Nước Việt Nam ta trải qua gần 5000 năm với biết bao biến động, chiến chinh nhưng cũng biết bao thời hoàng kim. Mỗi thời kỳ đều để lại nhiều vết tích mà chúng ta gọi chung là di sản văn hóa. Cộng thêm với các di tích thiên nhiên thì quả là Việt Nam có một kho tàng di sản vô cùng quan trọng và quý báu mà hiếm có nước nào trên thế giới sánh kịp. Than ôi ! với hoàn cảnh kinh tế thị trường hoang dã cộng thêm với tinh thần vô trách nhiệm và kém văn hóa của chính quyền, không biết các thế hệ con cháu sẽ oán hận chúng ta đến mức nào.
a) Di sản thiên nhiên.
Ðây là những thắng cảnh mà thiên nhiên đã trao tặng đất nước như vịnh Hạ Long, Ngũ Hành Sơn, thác Prenn, các núi, các sông hồ... Ðấy có thể chỉ là những hòn đá, những bụi cây, những hang động không có một giá trị lịch sử hoặc du lịch nhưng từ đời này qua đời kia, những vật vô tri giác ấy đã trở nên quen thuộc và trở nên những biểu tượng văn hóa thực thụ.
Ðồng Ðăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh.
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh.
Tô Thị không phải là một bức tượng nhưng chỉ là một tảng đá. Một thi sĩ hoặc ai đó đã lãng mạn nhìn và bảo nó giống hình một người đàn bà bồng con, và ghép vào câu chuyện một thiếu phụ hóa đá vì chờ chồng đi viễn chinh. Tất cả đều là sản phẩm của trí tưởng tượng nhưng từ năm này qua năm khác, cùng với hoàn cảnh binh đao của đất nước, chỏm đá vô tri ấy đã trở nên một cái gì thiêng liêng, hoặc ít ra nó cũng đi vào lòng người cùng với nhạc phẩm Hòn Vọng Phu bất hủ của Lê Thương.
Thiêng liêng hay không thiêng liêng, vào cái thời buổi kinh tế thị trường định hướng này, còn ai để ý đến? Năm 1988, hai năm sau ngày đổi mới, người ta đã đổ xô vào khu này để khai thác đá vôi để làm xi măng, và hậu quả là tượng Nàng Tô Thị đã bị sụp lở. Sau đó, bị phê phán quá, nhà nước mới lấy xi măng đắp lại một pho tượng mới. Nhưng làm sao có thể thay thế được một hình ảnh đã ngự trị trong lòng người dân ? Người ta có thể đổ tội cho dân khai thác đá vôi, đổ tội cho cái giá phải trả để tăng trưởng, nhưng theo giáo sư Nguyễn Huệ Chi, thì đây là hậu quả của "cơ chế văn hóa hành vi xã hội". Chúng tôi không hiểu rõ từ này, nhưng đã gọi là "cơ chế" thì kẻ chịu trách nhiệm chắc phải là chính quyền. Sống trong lòng chế độ, vị giáo sư này có lẽ không thể nói khác và nói rõ hơn. Cũng xin nói thêm, trong câu ca dao có nói đến chùa Tam Thanh. Ðây đúng ra là một cái động, và với tình trạng phá đá quy mô như hiện nay, không biết nó còn đứng vững được bao lâu, hay chính quyền lại vừa xây lại cái động khác ?!...
Tuy nhiên, có những di tích một khi đã mất đi thì hoàn toàn không thay thế được, cho dù chỉ là thay thế kiểu tượng Tô Thị, đó là những vết tích người tiền sử. Tại xã Quỳnh Văn tỉnh Nghệ Tĩnh (bây giờ là Nghệ An và Hà Tĩnh), các nhà khảo cổ đã khám phá ra một số đồi vỏ sò do người tiền sử ăn sò và vứt vỏ gom lại thành đống. Trong những đống như thế có nhiều dấu vết con người, có những công cụ lao động, tất cả đều là những di tích thuộc một nền văn hóa cách chúng ta 5000 năm nhưng bây giờ Nghệ Tĩnh không còn cái đồi nào nữa. Tương tự, một di tích khác là cồn Hến ở Thanh Hóa cũng bị san bằng lấy đất nung vôi cho dù trước đó dân chúng đã biết giá trị của các ngọn đồi này và các nhà khảo cổ cũng đã nêu tên tuổi rồi. Bây giờ muốn nghiên cứu lại thì không được nữa, chúng đã mất sạch trên mặt đất. Trên miền thượng du Bắc Việt như Chi Nê, Nam Hà... cũng có rất nhiều hang động với các tranh khắc trên vách đá, là những tài liệu vô cùng quý báu. Ở những nước nghèo, kém văn hóa, họ cũng ra công gìn giữ chứ đừng nói chi đến những nước tân tiến. Khốn nạn, ở nước ta các hang động và các dấu tích vô cùng quý báu ấy đều bị hư hại hoặc bị phá sụp cả.
Cũng nói về di tích thiên nhiên, người ta không thể không nhắc đến các hồ ở Hà Nội. Nổi tiếng nhất là các hồ Gươm, hồ Tây (1), và hồ Trúc Bạch. Từ 5 năm nay, báo chí đã nhiều lần lên tiếng báo động về việc lấn chiếm mặt hồ Tây để kinh doanh. Xoàng xoàng thì họ lấp đất và chiếm không dưới 200 m2, và kỷ lục là các cơ quan nhà nước liên kết để lấp 20000m2 để xây khách sạn Tây Hồ ! Ðây chắc chắn không phải là phó thường dân và dĩ nhiên cũng đã "móc ngoặc" với chính quyền mới có thể ngang nhiên chiếm cứ để xây các khách sạn, quán ăn, cơ sở thương mại như thế. Tuy nhiên quan trọng nhất là vụ Thủy Cung Thăng Long (6/98) trong đó hơn 20 mẫu tây bị chiếm cứ bất hợp pháp và được thay bằng những kiến trúc tân kỳ. Phó thường dân chỉ còn biết than thở:"Hồ Tây nay đã trở thành hồ của Tây". Hồ Hoàn Kiếm cũng không khá hơn gì, các kiến trúc tân thời cũng phá nát phong cảnh của khu vực lịch sử này. Dân chúng chẳng còn biết tượng vua Lê Thái Tổ nằm đâu. Có lẽ là Ngài đang uất ức khi bị che chắn tứ phương. Vua cầm kiếm, mặt đá trầm trầm như muốn hỏi :"ta còn bị nhốt trong cái lồng khóa kín này đến bao giờ ??". Và cuối cùng Hồ Trúc Bạch, thì đã "trở thành ao". Dĩ nhiên khi các cơ sở thương mại mọc lên thì các vấn đề vệ sinh, môi trường cũng bị hủy hoại theo. Nhưng chi tiết này xin miễn đề cập đến ở đây.
b) Di sản nhân tạo.
Nơi có nhiều di sản văn hóa nhất là Hà Nội. Một sử gia đã nói: "Ở Hà Nội, mỗi thước đất là một di sản văn hóa" rất đúng. Vì đây là thủ đô của Việt Nam từ gần 10 thế kỷ nay, là chứng nhân của bao biến động. Theo một thống kê thì Hà Nội có khoảng 1750 di tích thì đã có đến 1400 đang bị vi phạm hoặc xuống cấp trầm trọng trong đó có 276 di tích bị lấn chiếm và 143 đã trở thành phế tích. Có những đền đài nằm ngay tim thủ đô như đền Bà Kiệu, đền Ngọc Sơn nay đã thành một art gallery. Ðể làm được việc này, người ta đã không ngần ngại dời các đồ thờ cúng ra khỏi đền, quét sơn lên văn bia và phá bỏ các pho tượng. Hương khói cho các tiền nhân liệt sĩ lạnh tanh, nhường chỗ cho các cuộc mua bán, cò kè. Khi được hỏi, một người bán hàng kết luận đơn giản: "tại vì văn hóa chưa có bảng giá thôi !!".
Ở đất được mệnh danh là "bảo tàng của văn hóa" còn vô số các đến đài khác như đền Quán Thánh, chùa Bát Ðàn, chùa Hoè, chùa Thiên Phúc, chùa Ngũ Xá, Y miếu Thăng Long, đền Ðồng Cổ... toàn những di tích có trên 1000 năm tuổi hiện đang bị xâm phạm và hư hại nghiêm trọng. Tại rất nhiều các ngã tư, các cổng, vòm đều rơi vào tình trạng loang lổ. Người dân buôn bán chung quanh che lấp mất tấm bảng "Di tích đã được Bộ Văn Hóa công nhận và xếp hạng. Cấm xâm phạm". Hàng quán thì rặt những thứ ê hề như quán phở, điểm giữ xe và đôi khi là cái chợ gà vịt. Và để khai thác tối đa "mặt bằng", người ta đã không ngần ngại khoét vách, đục tường để căng bạt che mưa hoặc treo lủng lẳng các túi ni lông đựng thức ăn. Và dĩ nhiên tình trạng vệ sinh thì miễn bàn đến.
Một đất nước có chiều dài 50 thế kỷ và có truyền thống "uống nước nhớ nguồn" thì đến đâu cũng có các đền đài, miếu mộ. Tại miền Bắc thì dĩ nhiên, nhưng tại miền Trung và miền Nam cũng có vô số kể. Về các di sản nhân tạo người viết xin khai triển kỹ hơn ở bài sau.
3) Thất thoát đồ cổ.
Nếu các di tích chưa trở thành phế tích hoặc sụp đổ hoàn toàn thì may ra sau này có điều kiện chúng ta còn chấn hưng lại được, nhưng các cổ vật một khi đã mọc cánh thì hy vọng tìm lại rất mong manh. Một trong những cổ vật biểu tượng hàng đầu của nền văn hóa cổ Việt Nam là các trống đồng. Từ ba bốn năm trở lại đây, thỉnh thoảng lại có vụ buôn trống đồng, và thường là ra nước ngoài. Tại Sàigòn, chỉ cần 10 đến 20 triệu đồng là có được một cái trống Ðông Sơn.
Tuy nhiên, cổ vật Việt Nam không đơn thuần ở trống đồng. Như đã trình bày ở trên, người ta đã khám phá ra các vết tích cách đây 20, 30 ngàn năm ở Hà Giang hoặc di tích Ðồng Ðậu thời Hồng Bàng, hoặc 5 ngôi mộ cổ ở Ninh Bình có niên đại cách đây 3500 năm, tất cả đều là những di tích vô cùng quý báu, vậy mà các con buôn với sự thông đồng của cán bộ địa phương cũng tuồn ra ngoài thị trường bán như những cái quần cái áo... Trong sự thất thoát cổ vật này, nhà nước có trách nhiệm rất lớn, vì không phải dăm ba cổ vật nhỏ, dễ dấu, mà đôi khi các con buôn đã dùng đến xe vận tải chở những cổ vật lớn như tượng Phật trăm mắt trăm tay tại Hà Tây, các tượng voi, các trống đồng...
Vào khoảng năm 95, người ta đã khám phá ra di tích Ðình Tràng nằm ngay dưới lòng đất Hà Nội. Ðây là một di tích vô cùng quý báu với ba tầng văn hóa thời đồ đồng đồ sắt là Ðồng Ðậu, Gò Mun và Ðông Sơn. Ðối với các nhà khảo cổ, một di tích có nhiều tầng văn hóa này sẽ cho thấy lại đời sống cha ông qua nhiều thời kỳ. Bất chợt một đơn vị bộ đội đến đóng quân ở đấy, đào xới tùm lum, các chú lính trẻ tìm thấy những rìu đồng và các cổ vật dưới đất đem ra các hàng nước chung quanh để đổi lấy thuốc hút...
Cũng như đền đài, di tích và cổ vật cũng có rất nhiều tại miền Trung và miền Nam. Tháng 11/99, tại Phù Mỹ (Lâm Ðồng), người ta đã khai quật được một làng cổ có niên đại 3000 năm với các đồ gốm, đồ đồng, nông cụ... Vào tháng 2/2000, tại huyện Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) người dân đã đào được nhiều di vật khảo cổ có niên đại cách nay hơn 2000 năm, gồm trống đồng, kiếm, vò, hũ... Ðiều đáng nói là bên cạnh những di vật thuộc nền văn hóa Ðông Sơn còn có các di vật thuộc nền văn hóa Hán, cho thấy sự giao lưu buôn bán khá phát triển ở đồng bằng Nam Bộ xưa kia.
Với tình trạng thất thoát hàng loạt này, thì trong tương lai các thế hệ con cháu muốn tìm hiểu về văn hóa cổ, thì chúng có lẽ phải tìm đến các bảo tàng viện nước ngoài.
Trách nhiệm về ai ?
Câu trả lời lẽ dĩ và đương nhiên là chính phủ. Tuy nhiên cứ quan sát về trình độ văn hóa cán bộ và phong cách làm việc của nhà nước nhất nữa là trong hoàn cảnh "đổi mới" nửa mùa ngày nay thì người ta chỉ còn cách...tưởng niệm cho các di tích đã mất và cầu nguyện cho các di tích chưa mất.
Chiếu theo sắc lệnh ngày 23/11/1945 do Hồ Chí Minh, với tư cách Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thì việc bảo tồn di tích là bổn phận của... 6 bộ là các Bộ Nội vụ, Quốc Phòng, Tài Chính, Giao Thông, Tư Pháp và Giáo dục. Phê cho oai nhưng kỳ thực áp dụng lại vô cùng rườm rà và vô trách nhiệm. Theo giáo sư Tố Như thì muốn được bộ Văn Hóa liệt vào hạng di tích, thủ tục đầu tiên là địa phương phải thảo một lá đơn, đồng thời phải...góp một số tiền để lập hồ sơ. Phi lý đã đành, điều này dĩ nhiên không phải địa phương nào cũng làm được, lý do là các di tích đều ở các vùng xa, vùng nghèo, với nữa không phải chỉ một, hai, nhưng là vô số di tích cần được bảo trì. Tuy nhiên vấn đề không chỉ đơn thuần như thế. Ðối với các nước khác, được liệt vào di tích có nghĩa là bộ Văn Hóa phải có trách nhiệm trông nom và bảo trì. Nhưng đối với nước ta, thì sẽ có một buổi lễ đón nhận bằng chứng nhận để cùng nhau chén tạc chén thù, tốn phí biết bao nhiêu mà kể, và rồi thì hết. Ngân quỹ trùng tu hoặc nhỏ giọt hoặc "bốc hơi" và khi cần thì người ta vẫn có thể đập phá và trộm cắp như không có gì xảy ra.
Vào năm 1996, giáo sư Nguyễn Huệ Chi kể rằng "trước khi xây một nhà máy xi măng hợp doanh với Ðài Loan ở Tràng Kênh (Hải Phòng), ban quản trị nhà máy đã xuất ra một số ngân quỹ cho các nhà khảo cổ chúng tôi khám nghiệm lòng đất vì đây là di tích thời đồ đồng rất lớn đã được ghi nhận. Nhưng mà một số người nào đó đã chia nhau số tiền đó. Rồi đến lúc chúng tôi đến nghiên cứu thì...chỉ để mặc niệm vì nhà máy đã khởi công. Thế là mất đứt cả các di tích. Tôi có viết về việc này và gởi cho đồng chí Tổng bí thư Ðỗ Mười, xem xong đồng chí đề nghị tôi sang bộ Xây Dựng để hỏi. Tôi sang gặp đồng chí thứ trưởng, họ bảo là không biết vì bộ Văn Hóa không thông báo gì về việc này. Tóm lại, không ai chịu trách nhiệm cả".
Trong bài "Những tiếng kêu vô vọng", Giáo sư Trần Hoàng đã vạch mặt chỉ tên thật rõ ràng: "...sự vi phạm di tích cho dù trầm trọng nhưng vẫn có thể giải quyết dần, còn sự huỷ hoại chủ động trong mấy chục năm qua thì thực không cách nào cứu vãn. (...) Một thời, nhiều người lầm tưởng mà không phân định được tôn giáo với mê tín dị đoan. Họ vẫn nghĩ rằng những ngôi đình, đền, chùa là sản phẩm của chế độ cũ, được lập nên chủ yếu để ru ngủ nhân dân (...) Tôi đã từng nghe nhiều cán bộ văn hóa các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Hà Tây đau đớn cho biết rằng cán bộ địa phương trước đây từng coi việc phá bỏ được các di tích tôn giáo cổ truyền như là một thành tích (...) Người dân nhiều nơi kể rằng chùa đền, kiệu, lọng, hoành phi, câu đối... trước đây đã bị bỏ trôi sông, bị nhận xuống ao, bị đào hố chôn hoặc bị đốt ! Biết bao giá trị văn hóa đã bị tàn phá bởi sự ấu trĩ....".
Mặc dù đã quả quyết chính phủ là kẻ trách nhiệm, nhưng ông Trần Hoàng đã làm nhẹ cái tội của đảng cộng sản khi cho rằng đây là sự hiểu lầm, sự ấu trĩ của cán bộ. Không ! đã từng bao năm người cộng sản vẫn cho rằng "tôn giáo là liều thuốc phiện" và hủy diệt văn hóa dân tộc và tôn giáo luôn luôn là chủ trương của đảng cộng sản. Vấn đề này chúng ta sẽ cùng nhau bàn thêm trong kỳ sau.
* * *
Trên đây chỉ khái quát một vài trong muôn vàn đổ vỡ, mất mát của một gia tài văn hóa lớn lao mà phải 50 thế kỷ cha ông ta mới tạo dựng được. Tuy nhiên, cái mất mát này còn đang đem đến một nguy hại lớn lao hơn : sự hủy hoại các giá trị về tinh thần và tình trạng không tha thiết gì đến lịch sử nước nhà đặc biệt là ở giới trẻ.
Như thế này thì thật là đau lòng.
Phan Kiến Quốc
No comments:
Post a Comment