Wednesday, August 2, 2006

Bàng hoàng nối tiếp bàng hoàng.


Phan Kiến Quốc

Trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2005, dư luận nói chung và ngành giáo dục nói riêng thực sự bàng hoàng trước kết quả của môn Lịch sử. Theo thống kê của 4 trường đại học là ÐH Sư phạm Hà Nội, ÐH Ðà Lạt, ÐH Sư phạm TP.HCM và ÐH Sư phạm Ðồng Tháp cho thấy tỷ số trên trung bình là 1/30! Nhiều người đã thốt lên: "chưa bao giờ điểm thấp như thế! ". Ba tháng sau một cuộc hội thảo do Viện Nghiên cứu GD, Trường ÐH Sư phạm TP.HCM tổ chức sáng 8-11-05 nhằm tìm ra những giải pháp khắc phục. Buổi Hội thảo đã nêu lên những vấn nạn trong việc dạy và học môn sử, cụ thể là:

-           số lượng giờ dạy quá ít.

-           lương giáo viên quá thấp.

-           nội dung khô khan

Chưa kịp hoàn hồn, đến kỳ thi năm nay (2006), bà con lại một phen chấn động: tại Ðại học Ðà Lạt, trên 17.963 thí sinh khắp nơi trong cả nước dự thi đã có đến 1.022 thí sinh lãnh trứng vịt (0 điểm).

Từ sử trong trường học...

Sau nhiều năm bức xúc với tình trạng dạy và học sử, sau khi phân tích những nguyên nhân đưa đến tình trạng "bàng hoàng" này, tâm trạng chung của mọi người hầu như là đang đối đầu trước một bài toán quá khó. Lương thấp? thì cứ tăng lên! Nói thì dễ nhưng thực hiện thì đẻ ra vô số vấn đề. Tăng lương cho giáo viên sử thì các giáo viên địa, văn, giáo dục công dân, thậm chí cả giáo dục thể chất dễ dàng ngồi yên chắc? Và rồi với mức lương quá thấp như hiện nay tăng bao nhiêu cho vừa? Thời lượng ít? thì cứ tăng lên! Ái chà, cái này coi bộ gay đây. Với một thời khóa biểu cực kỳ nặng nề như hiện nay cộng với các giờ học thêm, phụ đạo... mà nếu tăng tiết nữa thì các em chỉ có chết tươi. Còn nếu phải hy sinh một số môn thì hy sinh môn nào? Toán, Lý Hóa và ngoại ngữ là bất khả xâm phạm, chẳng lẽ mang Văn, Ðịa, Giáo dục ra tế thần? Chắc chắn là không ổn vì xem ra trình độ của học sinh ngày nay môn nào trong ba môn này cũng "bàng hoàng" cả. Nội dung khô khan? Làm thế nào để nó sinh động khi giáo viên không có điều kiện vật chất để đầu tư? Làm thế nào để cuốn hút học sinh với một thời lượng quá eo hẹp? Học sử phần lớn là những con số, những sự kiện, trong hoàn cảnh như vậy chắc chắc là phải học thuộc lòng chứ không thể nào bắt học sinh suy diễn hoặc bình luận rộng ra được. Từ hai năm nay, Bộ Giáo Dục chuyển hướng ra đề bằng cách yêu cầu thí sinh phải hiểu vấn đề, phải biết phân tích, suy luận... nên mới cho ra kết quả "thấp không thể thấp hơn" như thế.

Nếu không phải khâu tổ chức dạy và học thì chắc chắn phải lưu tâm đến nội dung. Trong chương trình hiện nay, lớp 11 và 12 chỉ học sử "cách mạng", nghĩa là từ khi Việt Minh nắm chính quyền cho đến năm 1975. Một giai đoạn mà theo ông Võ Văn Kiệt thì vẫn còn "có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn". Và một khi vẫn còn hàng triệu gia đình mang tâm trạng ấm ức khi con cái phải học cho bằng thuộc cái loại sử "cách mạng" ấy trong một xã hội còn mang đậm chất thù hằn thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng lên sự hấp thu của học sinh.

Một ý kiến khá độc đáo, mạnh dạn đề cập thẳng đến nội dung sách giáo khoa. Giáo viên Hà Văn Thịnh, khoa lịch sử Trường ÐH Khoa học Huế cho rằng: "cần phải viết lại lịch sử, làm sao để lịch sử đọc cho hay. Lịch sử Trung Quốc đọc vào thấy cái hồn trong đó, có sự đan xen giữa văn hóa và lịch sử, giữa truyền thống và lòng tự hào rất rõ ràng. Còn mình thì chỉ một chiều, lúc nào cũng chỉ địch thua ta thắng, địch bao giờ cũng hèn nhát, ta bao giờ cũng cao thượng, dũng cảm. Một chiều như vậy mãi thì học sinh cũng không thích, thậm chí tạo mặc cảm lừa dối." Cũng trong chiều hướng này, tiến sĩ sử học Phạm Ngọc Tung, giảng viên ÐH Khoa Học Xã Hội Nhân Văn Hà Nội cũng nhận xét rằng: "Chúng ta đang nhìn lịch sử dân tộc một cách phiến diện, chỉ có chiến tranh cách mạng, không đưa vào lịch sử văn hiến, lịch sử dựng nước nên không hấp dẫn được người học". Nhưng có lẽ còn lâu lắm cái chế độ trịch thượng mà ngạo mạn này mới nhìn ra và sửa sai những sai lầm trên. Và nói theo một bài văn trào phúng thời sự, thì ngày ấy là ngày Việt Nam đoạt chức vô địch World Cup...

Khi đề cập đến nội dung, nhiều người hay có khuynh hướng gắn liền việc học sử và phẩm chất con người. Ðại để là "...Thông qua những bài học lịch sử, giáo viên cùng học sinh dựng lại từng trang sử vẻ vang của dân tộc, những bước tiến của nhân loại. Những trang sử hào hùng được đưa vào sách giáo khoa không chỉ nhằm giúp các em hiểu được tiến trình lịch sử của nhân loại, của đất nước mà còn có ý nghĩa to lớn: giúp các em nhìn lại quá khứ của dân tộc để từ đó làm nền tảng tiếp bước tương lai" (GV Nguyễn Thuận Quý, trường ÐH Sư phạm Ðồng Tháp). Ðiều này đúng nhưng cũng chỉ tương đối thôi. Có bao nhiêu thủ khoa đại học, biết bao sinh viên xuất sắc, có bao nhiêu người thành đạt trong xã hội có thể nói đúng năm lên ngôi của Lê Thánh Tông hoặc thuộc vài câu trong bài Hịch Tướng Sĩ của Trần Hưng Ðạo? Chắc ít lắm. Nhưng điều đó đâu có làm sứt mẻ cái gốc Việt Nam cũng như con đường thành đạt của họ. Ngược lại, biết đâu những Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Việt Tiến, Mai Văn Dâu lại có thể kể vanh vách về "những sự kiện lịch sử tiêu biểu thể hiện tình đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ".

Trong một khía cạnh khác, khi nói đến tầm quan trọng của quốc sử, nhà nước thường lấy câu nói của Hồ Chí Minh: "Dân ta phải biết sử ta, Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam", nhưng việc làm của chế độ lại đi ngược lại 180 độ. Ðến ngày hôm nay họ vẫn gọi ông ta là "cha già của dân tộc". Tượng, lăng và đền thờ của ông ta nhiều hơn bất kỳ một anh hùng dân tộc nào. Nếu mà nói về ngân quỹ duy tu thì nó còn gấp trăm nghìn lần hơn. Trong một ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội người ta đã để hình tượng của ông Hồ ngự trị ở giữa gian thờ, và "chầu" chung quanh là các "anh hùng" khác trong đó sánh vai Trường Chinh và vua Quang Trung! Tại Sàigòn, hình ông Hồ cũng ngạo nghễ ngự trị trong gian chính của đền thờ Vua Hùng trong đền Vua tại Gò Vấp. Ngày nay nếu đặt câu hỏi với các em rằng: Nước Việt Nam được khai sinh ra từ thời nào? Thì không ít các em trả lời: từ năm 1945! Rồi có bao nhiêu người khi ra Hà Nội đã đến thăm lăng Hồ Chí Minh và bao nhiêu người đã viếng Ðền Hùng hoặc Ðền Hai Bà Trưng? Rõ ràng là cách dạy sử trong nhà trường và ngoài cuộc đời hoàn toàn không có ý "Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam".

Và sau cùng, chúng ta kêu gào rằng các em học sinh dốt sử, nhưng thử hỏi những cây đại thụ của làng sử, những sử gia, những nghiên cứu gia đã có ai có phản ứng gì khi nhà nước cộng sản bán đứng Ải Nam Quan cho Trung Quốc cũng như những nhượng bộ lãnh thổ và lãnh hải? Chính các vị mới là những người có trách nhiệm về trình độ sử chứ không phải là các thầy hoặc các em học sinh.

... đến sử trường đời.

Theo một sử gia nổi tiếng của chế độ là ông Dương Trung Quốc thì "Lịch sử chỉ hấp dẫn và trở nên sâu sắc khi dựa trên thực tiễn đời sống xã hội. Sức mạnh lịch sử không chỉ nằm trong các sự kiện xơ cứng mà quan trọng là ý nghĩa xã hội của nó...". Nếu nói như thế thì có lẽ thay vì phải cho các em quả trứng vịt (0 điểm) thì phải phát cho mỗi em một cái bằng khen mới đúng vì các em đã áp dụng sử vào cuộc đời một cách cực kỳ bài bản và chính xác.

Suốt hai năm năm 11 và 12 học sinh chỉ học sử "cách mạng", nghĩa là sử từ ngày có Ðảng, các em được dạy dỗ rằng chế độ của ta là một chế độ ưu việt, một chế độ đi lên từ chiến đấu, từ những hy sinh to lớn của toàn dân. Qua bao năm tháng chiến tranh, đảng cộng sản đã lãnh đạo nhân dân đánh thắng hai kẻ thù sừng sỏ là Pháp và Mỹ, giành lại độc lập cho đất nước. Ðến những năm tháng khó khăn, Ðảng lại lãnh đạo sáng suốt công cuộc đổi mới đưa đất nước ngày càng giàu mạnh, vân vân và vân vân.

Nhưng ngay khi ngồi ghế nhà trường nhai đi nhai lại những điệp khúc ấy thì các em đã chứng kiến được những bất công, những tiêu cực, những tệ nạn đầy rẫy trong xã hội. Biết bao em đã bị loại oan mặc dù kết quả thi tuyển rất cao chỉ vì chế độ điểm thưởng cho các con em thương binh liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, gia đình vùng sâu vùng xa, gia đình khó khăn (mà thực tế họ chưa bao giờ rời các thành phố lớn nửa bước, vì chỉ cần dúm tiền là có thể thay đổi dễ dàng lý lịch bản thân); ngay trong học đường các em đã tận mắt chứng kiến những ăn tiền, đút lót để được chấm đậu. Rồi sau khi phấn đấu cật lực để có được mảnh bằng, các em lại càng thất vọng hơn khi thấy các cơ quan, các chỗ làm tốt đều lọt vào tay những người "có gốc", thậm chí đó chính là những bạn bè đã chạy điểm khi còn là sinh viên. Chính vì thế trong một thống kê trên báo Tuổi Trẻ cách đây 3 năm, chỉ có xấp xỉ 5% sinh viên kiếm được chỗ làm tương ứng với kiến thức nhà trường, chính vì thế nhan nhản trên thị trường lao động, các cử nhân hóa học đi làm kỹ thuật viên ráp máy, kỹ sư cơ khí đi làm thợ tiện...với những đồng lương dĩ nhiên rất thấp, chỉ khoảng 100 USD/tháng. Với thời giá sinh hoạt hiện nay, may mắn lắm là nuôi nổi bản thân chứ đừng nói gì đến chuyện lập gia đình, mua nhà...Trong khi chung quanh bao người chữ i bẻ đôi không biết nhưng nhờ thân quen, nhờ có Ðảng tịch nên có một đời sống sung sướng hơn nhiều.

Rồi quan sát ngoài xã hội các em thấy được những gì nếu không phải là cứ hai tuần lại có một cán bộ bị đưa ra tòa vì tham nhũng, vì cờ bạc, vì lộng quyền. Ðó là những vụ lớn như Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Việt Tiến, Mai Văn Dâu, Trần Quốc Trượng, Quách Lê Thanh...chứ tầm vóc nhỏ hơn thì hầu như hằng ngày hằng giờ, và chỗ nào cũng có. Các em còn thấy gì qua cung cách giao thông, qua ý thức công dân, qua nếp sống thường ngày? Và nếu nhìn ra thế giới, bao nhiêu quốc gia chưa hề có những vị lãnh đạo "đỉnh cao trí tuệ", chưa hề có một nền dân chủ "trăm lần hơn các nước tư bản" mà sao họ giàu thế, sao họ văn minh thế. Bao nhiêu quốc gia có bề dày lịch sử chưa đầy trang giấy, mà chẳng ai dám xẻo của họ một tấc đất; Bao nhiêu quốc gia tư bản bóc lột chỉ biết làm giàu trên xương máu nhân dân tại sao chế độ an sinh xã hội của họ hoàn hảo đến thế?

"Lịch sử chỉ hấp dẫn và trở nên sâu sắc khi dựa trên thực tiễn đời sống xã hội". Vậy với tất cả thực tiễn ấy thử hỏi lịch sử có còn hấp dẫn? Rồi "những trang sử hào hùng" có giúp cho các em thấy đời sống thêm màu hồng hay chăng?

* * *

Biết sử để biết nguồn gốc, những giai đoạn trong quá khứ là điều tốt - cũng như biết địa lý, văn học, giáo dục công dân... cũng là những điều tốt cho kiến thức cũng như cho cách sống, cách xử thế, nhưng không phải biết sử là điều tối cần thiết, và lại càng không thể lấy đó làm chuẩn mực để đánh giá lòng yêu nước của một cá nhân cũng như sự thăng tiến, văn minh của một dân tộc.

Cách đây đúng một năm, báo Tuổi Trẻ tung ra "Diễn đàn tuổi hai mươi" qua hai nhân vật là Nguyễn Văn Thạc và Ðặng Thùy Trâm với mục đích kích động cho một cuộc sống cống hiến như gương của hai nhân vật này. Qua diễn đàn, rất nhiều tiếng nói đã nêu lên những bức xúc trong xã hội, những khao khát của giới trẻ, những tủi nhục của một quốc gia tụt hậu...Vậy thử hỏi một năm sau chúng ta đã rút ra được những gì, đã làm được những gì? Câu trả lời là chẳng có gì cả ngoài số tiền hơn trăm triệu để xây bệnh xá Ðặng Thùy Trâm.

"Nhìn ra xã hội bây giờ, chúng ta không tránh khỏi xấu hổ: quan chức tham nhũng thuộc vào hàng nhất nhì châu Á; cơ sở vật chất hạ tầng yếu kém, môi trường ô nhiễm, đường đầy bụi bặm, rác rưởi; công nhân đi lao động nước ngoài bị trả về; giáo dục thì nhồi nhét, chạy thành tích, chạy điểm, đủ thứ "cò, phe vé" ; hầu như ở đâu cũng thấy gian lận (...) Sau cái phồn vinh giả tạo mốt này mốt kia, chất lượng cuộc sống bị hạ thấp thảm hại. Và cay đắng là chúng ta biết xấu hổ, biết ngượng nhưng vẫn cứ làm. Lên án thì cứ lên án nhưng lười biếng, cẩu thả, chạy điểm, đưa hối lộ vẫn tiếp tục. Dần dần những cái xấu đó biến thành chuyện bình thường, chuyện "tặc lưỡi" cho qua. Mỗi cá nhân đều hiểu rằng trong cuộc đấu tranh chống lại hoàn cảnh, mình không đủ sức ". Ðây là những tâm sự của độc giả cách đây 1 năm, và cho đến hôm nay đã thay đổi được những gì? Vậy thì chúng ta đã học được bài học gì từ những quá khứ ấy?

Biết sử để thấy yêu đất nước mình hơn, điều ấy đúng - cũng như biết địa lý, văn học, giáo dục công dân vậy. Nhưng đó phải là cái sử được mọi người chấp nhận chứ không phải thứ sử "có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn". Tôi còn nhớ trước năm 75, lớp 12 học về thế giới sử, với những Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật Âu châu hay Nền công nghiệp Hoa Kỳ hay Lịch sử hai cuộc thế chiến...có nghĩa là những bài khô cứng và chẳng có ăn nhậu gì tới xứ mình, vậy mà học sinh vẫn "tụng" một cách vô tư, thoải mái và kết quả chẳng có gì "bàng hoàng" cả. Thế thì vấn đề ở đâu nếu không phải là một sự dị ứng với dòng sử "cách mạng"? hay đúng hơn là sự trái ngược giữa những gì đẹp đẽ trong sách vở và xấu xa trong xã hội?

Nếu những gì vừa xảy ra trong kỳ thi tuyển sinh đang làm mọi người bàng hoàng, thì mọi người sẽ còn phải chết đứng khi biết rằng trong tất cả các trường đại học, cho dù là trường kỹ thuật, sinh viên phải "tụng" cho đủ các môn: Chủ nghĩa xã hội khoa học Mác Lê), Lịch sử đảng (cộng sản) và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong những môn học cực kỳ buồn ngủ này, người ta ra sức thuyết phục các em về sự tất thắng của chủ nghĩa xã hội và sự bế tắc tất yếu của chủ nghĩa tư bản, ra sức thuyết phục rằng tư tưởng Hồ Chí Minh là ngọn đèn pha cho cách mạng và cho tương lai đất nước! Phần lớn sinh viên đều qua được môn này nhưng thử hỏi các em còn tin hoặc còn nhớ được gì khi đua nhau đi tu nghiệp ở các nước tư bản mà đứng đầu là Mỹ, khi các em dẫm đạp lên nhau để nhìn cho bằng được "chúa trùm tư bản" Bill Gates ngay giữa Ðại hội 10 của Ðảng, và khi cả nước đang lo sốt vó khi vẫn chưa được vào WTO?

Ðấy, những tinh hoa của đất nước cũng bắt đầu vào đời bằng những giả dối và cái giả dối ấy sẽ đi suốt sự nghiệp mình.

Và quả thực bàng hoàng nối tiếp bàng hoàng.

Sàigòn, 02/08/2006

Phan-Kiến-Quốc.

Ðề thi môn LịCH SỬ, khối C năm 2005

Câu I (5,0 điểm)

1. Hoàn cảnh lịch sử và sự phát triển của cao trào kháng Nhật cứu nước. Ý nghĩa của cao trào cách mạng đó đối với Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945?

2. Hồ Chí Minh, Trung ương Ðảng và Tổng bộ Việt Minh đã thực hiện những chủ trương gì để Việt Nam với tư cách là nước độc lập đón tiếp quân Ðồng minh vào giải giáp quân đội Nhật?

Câu II (3,0 điểm)

Những thắng lợi lớn của quân dân miền Nam trong cuộc đấu tranh chống chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của Mỹ từ 1961 đến 1965?

Câu III (2,0 điểm)

Nêu những sự kiện lịch sử tiêu biểu thể hiện tình đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ (1945-1975).

No comments:

Post a Comment