Saturday, September 2, 2006

Quý vị có nghe chúng tôi rõ không?


Phan Kiến Quốc

Sáng ngày 1/9/2006 trên đường đến cơ quan, chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy một đoàn người đang băng ngang công trường ngay sau lưng Nhà Thờ Ðức Bà ở Sài Gòn. Thoạt nhìn, chúng tôi ngỡ là những người đi ăn xin ở những khu đông khách ngoại quốc. Nhưng không, nhìn kỹ thì họ cầm cờ đỏ sao vàng và hình như có người cầm biểu ngữ! Ăn xin thì mắc gì cầm cờ? Không lẽ là một cuộc biểu tình? Biểu tình gì chỉ lèo tèo vài người mà chẳng có tí gì khí thế. Không lẽ... không lẽ biểu tình chống nhà nước? Ðến gần thì quả như thế. Tôi không tin tưởng vào mắt mình.

Sự ngạc nhiên ban đầu của tôi càng lúc càng lớn. Trong đoàn biểu tình khoảng 30 người, chỉ có hai, ba người là nam, còn lại toàn là phụ nữ. Họ trạc độ 40-50, thậm chí có cả những người xấp xỉ lục tuần. Phần lớn họ mặc đồ bộ, tay xách giỏ, tay cầm những tấm cạc tông ghi khẩu hiệu. Ði đầu là lá cờ đỏ và chân dung ông Hồ Chí Minh dán trên cạc tông và gói bằng một tấm ni lông tránh mưa. Ở giữa là tấm biểu ngữ viết nguệch ngoạc: "Ðả đảo chủ tịch tỉnh Bến Tre tham nhũng". Một tấm biểu ngữ thứ hai lớn hơn viết: "Ủm (ủng) hộ độc lập, đả đảo tham nhũng".

Ðoàn người có lẽ đã đi bộ từ tòa nhà chính phủ nằm ở số 5 Lê Duẩn (gần Sở Thú), nơi mà cách đây 5 năm, đã có một cuộc xuống đường của hàng ngàn đồng bào đến từ các tỉnh miền Nam để khiếu kiện về đất đai. Cuộc xuống đường năm ấy kéo dài vài tháng dưới mưa nắng, và chỉ chấm dứt khi nhà cầm quyền thẳng tay đàn áp. Từ tòa nhà này đến Nhà Thờ Ðức Bà chỉ hơn cây số mà tôi có cảm tưởng như đoàn biểu tình đã mệt lắm. Tiếng hô hoan hô, đả đảo của họ nhưng chìm hẳn vào tiếng xe và loãng vào con đường Lê Duẩn mênh mông.

Băng ngang vòng xoay, họ đi ngược về đường Pasteur và trực chỉ Dinh Thống Nhất (dinh Ðộc Lập cũ). "Hộ tống" là ba viên công an thường phục, nhưng đây chỉ là những nhân viên "nửa chìm nửa nổi" còn những nhân viên chìm 100% thì không thể biết được. Quan sát đoàn người tôi có cảm tưởng họ đã đi đến cuối cùng của sự mệt mỏi. Một người phụ nữ chân cụt tới bẹn vừa đi vừa hô:

- Hoan hô Hồ Chí Minh

- Ðả đảo tham nhũng.

Ðáp lại là lèo tèo vài tiếng "Hoan hô, Ðả đảo" với vài cánh tay giơ lên uể oải. Cả tiếng hô lẫn tiếng đáp đều phải căng tai ra mới nghe được, chứng tỏ rằng họ hoàn toàn đuối sức, cả về thể chất lẫn tinh thần. Khi đến dinh Thống Nhất mỗi người tìm một gốc cây, một cục đá ngồi nghỉ chân, biểu ngữ cột vào biển chỉ đường. Người đi đường tò mò đứng nhìn, lẩm bẩm đọc. Vài nhân viên chìm đi xe máy rà soát xem ai có chụp hình hoặc lân la vào đoàn biểu tình để can thiệp.

Phản ứng của nhà cầm quyền.

Nhìn ba mươi con người lếch tha lếch thếch bên cạnh cửa hiệu sang nhất Sài Gòn (Diamond Plaza), nhìn 30 cái nón lá nhấp nhô như những con sóng dưới hai hàng cây thẳng tắp mà lòng tôi xót xa. Qua y phục và bộ điệu, mọi người đều thấy họ là những nông dân rất nghèo của "Quê hương Ðồng Khởi". Những hàng chữ trên biểu ngữ còn cho thấy họ là những người ít được đi học (sai chính tả). Qua cung cách thì thấy rõ ràng đây là một cuộc biểu tình tự phát, có lẽ tự phát sau những tháng sống trong uất hận vì mất nhà cửa, ruộng nương. Không một cái loa phóng thanh, dụng cụ biểu tình chỉ vài miếng cạc tông viết nguệch ngoạc thì làm sao người khác hiểu mục đích của mình. Không mùng mền chiếu gối hoặc lều chõng dù bạt thì để làm thế nào có thể ngủ qua đêm hoặc đối phó với những khắc nghiệt của thời tiết?

Tất cả những chi tiết ấy nhà cầm quyền đều biết và họ không dại gì thương lượng và lại càng không dại gì đàn áp để mang tiếng. Ðối với những con người suốt đời chỉ biết lũy tre, con trâu, biết ao cá thửa ruộng, chắc chắn họ sẽ gục ngã khi kéo nhau đi khiếu kiện một cách tự phát như thế này. Và về phía nhà cầm quyền Việt Nam, để đối phó với những người nông dân chân đất kia, họ đã có hai vũ khí cực kỳ hiệu quả: thời gian và sự sợ hãi. Chẳng cần dùi cui, họ chỉ cần vài nhân viên quây cái đám nông dân ấy lại chờ cho đến khi họ kiệt sức, còn ở ngoài cho dù tò mò nhưng chẳng ai dám đến hỏi han hoặc chụp hình. Ðây rõ ràng là một cuộc chiến không cân sức, và phần thắng chắc chắn vào tay kẻ mạnh.

Tuy nhiên, đó không phải là cách cư xử của một nhà nước "của dân, do dân và vì dân" như họ thường xưng tụng, đó lại càng không phải là cách cư xử của những "đầy tớ" đối với nhân dân, đặc biệt đó là những người đã từng cưu mang họ trong thời kỳ chiến tranh. Chúng ta đừng quên những nông dân này đến từ Bến Tre.

Nhưng liệu cách cư xử thất nhân tâm này còn có thể dập tắt làn sóng phản đối của đồng bào khắp nơi đang là nạn nhân của những "địa chủ mới"

Cao trào đang dâng khắp nơi.

Từ năm 2000 đến nay, những cuộc biểu tình của nông dân đòi đất đã bắt đầu gia tăng cường độ. Ðặc biệt từ đầu năm 2006, các cuộc biểu tình này bộc phát mạnh hơn bao giờ hết. Các địa điểm như vườn hoa Mai Xuân Thưởngở Hà Nội, số 5 Lê Duẩn ở Sài Gòn là những địa điểm quen thuộc của người dân bị tước đoạt tài sản, đó là chưa kể các ủy ban nhân dân xã, phường, huyện, tỉnh ở các địa phương. Chúng ta nên nhớ rằng những người dân này chỉ lên Hà Nội và Sài Gòn là các trung tâm quyền lực trung ương khi họ đã quá mỏi mòn sau những tháng ngày khiếu kiện không kết quả ở địa phương.

Những bức xúc của người dân nói chung đều đến từ đất đai nhưng có thể phân ra từ nhiều lý do khác nhau:

1. Trưng thu đất dành cho các khu công nghiệp.

Ngày nay, công cuộc hiện đại hóa đang dần tạo ra những ống khói cao vút, những công xưởng nhà máy ngay trên đồng ruộng phì nhiêu ở một số địa phương. Niềm vui ấy sẽ tròn đầy nếu như không có cảnh ở nhiều làng xã, nông dân treo cày cuốc lên vách mà chưa biết bắt đầu cuộc sống tiếp theo như thế nào

Làng Lưu Trung, xã Lưu Xá, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên), mất cho dự án khu đô thị của Công ty Thăng Long hơn 200 hécta. Cả cái cánh đồng màu mỡ hôm nào giờ vắng tanh vắng ngắt. Người làng sau khi giao xong ruộng cho chủ dự án đã rút vào làng, người thì bươn trải tha phương kiếm sống, người lên thành phố chạy chợ "nằm vùng", lại đôi quang gánh lang thang khắp phố phường bán dạo... Ở huyện Văn Giang bên cạnh thì đang cố cầm cự với Dự án khu đô thị thương mại du lịch Văn Giang. Cái làng Phụng Công bao đời có nghề trồng cây cảnh đem về sự trù phú, giàu có cho làng, thế mà bây giờ, nông dân đành phải giao gần hết ruộng đất cho dự án đô thị của một công ty của Hà Nội. Trước mắt, người dân phải đối mặt với cảnh mất đất, thất nghiệp, còn chính quyền địa phương đứng trước bao nhiêu áp lực cả từ phía nhà đầu tư lẫn nông dân.

Tại Thái Bình - quê hương của những cánh đồng năm tấn, mười tấn khi xưa, bây giờ lại là những cánh đồng không vụ, những khu ruộng không mùa. Chưa bao giờ người Thái Bình lại quay lưng với đồng đất quê mình. Thế mà bây giờ họ vì phát triển công nghiệp đô thị, đã nhường hết những "bờ xôi ruộng mật" cho tỉnh làm công nghiệp. Công nghiệp đâu chưa thấy, nhưng đã thấy hàng trăm hécta cỏ mọc hoang. Nhiều nơi thu hồi đất xong lại cho thuê trồng cây nuôi cá.

Theo ông Nguyễn Lân Dũng, đại biểu quốc hội khóa XI thì cùng với quá trình đô thị hoá, đất nông nghiệp trở thành đất xây khu công nghiệp, khu đô thị mới, giá tăng chóng mặt. Bán đất, nhiều người nông dân sau một đêm trở thành tỉ phú, và đồng thời cũng có thể trở thành thất nghiệp: "Hãy xem phần lớn những người từng là nông dân này đã dùng tiền bán đất của mình để làm gì - một số thì xây nhà, mua xe, không ít người còn uống rượu, đánh đề... Rất ít người tái lập nghiệp được, họ ôm số tiền đó (vốn là đất - một phương tiện sinh nhai truyền đời) cho đến khi tiêu tán hết chứ không sinh lợi thêm được gì. Ngoài số tiền đó ra, không có chỗ trong cuộc sống mới khi bị bứt ra khỏi ruộng đồng. Ðúng là, người nông dân có tiền đấy, nhưng thực tế là đang bị mất việc làm, và cũng không ít người vì có tiền mà bị tha hoá đi".

Việc đô thị hoá của chính quyền đang đi sai đường và để lại hậu quả nghiêm trọng. Ðất nông nghiệp, nhất là đất phì nhiêu ở hai đồng bằng châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long, bao nhiêu nghìn năm mới được bồi đắp nên. Những tấc đất quý giá đó đáng lẽ không được động tới, phải giữ để canh tác, phải được tăng giá trị bằng canh tác, chứ không phải bêtông hoá. Ðất trong đô thị ta còn lãng phí rất nhiều, đáng lẽ ngoài khu vực di sản kiến trúc, ta phải tận dụng đất bằng cách xây những khu nhà cao tầng, có quy hoạch đàng hoàng chứ không phải cao thấp lổn nhổn như hiện nay.

Ðất để phát triển công nghiệp hiện nay ta vẫn còn rất nhiều. Ðó là các vùng đất không thể canh tác được do bị đá ong hoá, bị bạc màu, hay những vùng đất ven biển miền Trung, đổ bao nhiêu công sức ra để thau chua, rửa mặn vậy mà trông cây lúa vẫn khẳng khiu... Rồi đây sẽ còn biết bao nhiêu cánh đồng lúa nữa sẽ bị tiếp tục lấn chiếm và biết bao nông dân trắng tay?

Theo tài liệu của Hội Nông dân Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 hecta đất đai bị thu hồi, kéo theo 1,5 triệu nông dân mất đất, mất việc làm, thu nhập. Riêng khu vực Hà Nội, mỗi năm có từ 12.000 đến 15.000 lao động không có việc làm, mà phần đông trong số đó là người chưa qua đào tạo. Ở các thành phố lớn, nông dân vẫn còn có lối ra bằng các hoạt động dịch vụ, buôn bán nhỏ... Nhưng đối với khu vực nông thôn mà mất hết đất, thì nhiều vấn đề xã hội đặt ra, bức xúc và lâu dài... Mặt khác, thiếu việc làm, thừa lao động dẫn đến nghèo đói, phát sinh nhiều tệ nạn xã hội, và dòng chảy dân cư đổ về các đô thị lớn sẽ làm cho các vấn đề xã hội càng trở nên nghiêm trọng.

2. Trưng thu đất dành cho các khu tái định cư.

Vào tháng 7/2000, Chính phủ phê duyệt dự án 353 làm đường từ Hải Phòng đi Ðồ Sơn. Ðể thực hiện dự án này, nhân dân khu Vụng Hương thuộc phường Vạn Hương, Vạn Sơn, Ngọc Xuyên (Thị Xã Ðồ Sơn) đã chấp hành nghiêm việc di chuyển, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho cơ quan chức năng xây dựng con đường.

Ðáp lại, chính quyền Ðồ Sơn hứa sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc cấp đất tái định cư cho bà con. Năm 2003, con đường cơ bản đã làm xong, nhưng nhiều năm đã trôi qua mà người dân vẫn chưa có nơi ở mới, họ phải sống vất vưởng trong những khu nhà tạm, trong khi đó chính quyền Ðồ Sơn lại "tái định cư" cho hàng loạt các quan chức chính quyền thị xã, thậm chí họ còn có đất "biếu" cho hàng loạt cán bộ chủ chốt của thành phố Hải Phòng. Trong tổng số khoảng 200 suất đất tái định cư (mỗi suất từ 60 m2 - 300 m2), được thành phố quyết định cấp đất thì có đến quá nửa lại được cấp cho những vị cán bộ chủ chốt, người nhà cán bộ, cán bộ của thị xã và của thành phố Hải Phòng.

Việc chia chác và biếu xén đất đai này còn được một cựu sĩ quan lôi ra ánh sáng nhưng bản thân ông ta cũng chịu bao trầy trật.

Dù đây là một sự vi phạm rành rành với tang vật và với mức độ vô cùng trầm trọng vì nó được coi là vụ tham nhũng, chia chác đất đai điển hình có tổ chức, thế nhưng vào ngày 29/8/06, người dân cả nước bàng hoàng khi nghe tin tức truyền hình: Các bị cáo chỉ bị tòa tuyên phạt "cảnh cáo" và mỗi người chỉ bị phạt 50.000 đồng! Rõ ràng là tòa án xem dư luận như cỏ rác! Kết quả phiên tòa đã thổi bùng lên nỗi bức xúc và sự thất vọng của dư luận và người dân, nhất là với người dân thị xã Ðồ Sơn.

3. và đơn giản hơn: ăn cướp của dân.

Vào năm 2002, Tỉnh ủy Cà Mau nhìn thấy được việc giao đất tự túc cho các đơn vị làm kinh tế giống một hình thức "đại địa chủ" vì các đơn vị này không trực tiếp sản xuất mà cho dân nghèo thuê mướn lại nên đã ra chỉ thị chấn chỉnh, thu hồi. Chủ trương thu hồi đất cấp khoán lại cho dân nghèo đã được thông qua. Một cuộc thanh lý, xóa sổ các "đại địa chủ" được tiến hành rầm rộ. Xin nhắc lại, hàng chục năm qua, nhiều nông dân nghèo Cà Mau ở các huyện Phú Tân, Cái Nước, U Minh... sống kiếp "tá điền" làm thuê, mướn đất của những "điền chủ" là các "đơn vị kinh tế tự túc". Thế nhưng phần lớn đất thu hồi lại được cấp cho cán bộ từ tỉnh đến huyện, để rồi những người này tiếp tục sống trên lưng của những "tá điền". Nhiều tá điền phải thuê, mua lại hoặc làm mướn cho các "địa chủ thế hệ mới" ngay chính trên mảnh đất mà gia đình mình đã canh tác trước đây. Chức vụ càng cao, người càng giàu có thì thâu tóm đất đai càng rộng.

Một cán bộ của xã Nguyễn Việt Khái bức xúc: "Dân chúng tôi còn hàng trăm hộ nghèo không có đất sản xuất, đất tự túc thu lại thì không xét giao cho họ mà cấp cho nhiều cán bộ từ tỉnh đến huyện, số "cán bộ địa chủ" này không canh tác, giữ rừng mà mướn tá điền làm hoặc sang bán hưởng lợi hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Nhiều lần đại biểu HÐND tỉnh, đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri, dân nghèo bỏ công ăn việc làm đến kín cả hội trường. Nhưng rồi nguyện vọng của họ cứ bị các đại biểu hứa hẹn tới lui khiến họ vô cùng thất vọng".

Theo điều tra sơ bộ của báo Tuổi Trẻ, xấp xỉ 20 cán bộ chính quyền và Ðảng bộ địa phương chia nhau xâu xé hàng trăm hecta (ha) đất. Người "hẻo" nhất cũng được 2,5 ha, có những người chiếm được hơn 10 ha. Mặt khác những "địa chủ mới này" còn tự túc cấp cho vô số cán bộ khác, trong khi đó hàng trăm hộ dân nghèo không có đất ở địa phương lại còng lưng ra làm tá điền cho cán bộ.

"Bán đất công như bán mớ rau"

Trên đây là nhận xét của Thiếu tướng Trịnh Xuân Thu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh - Bộ Công an. Theo ông thì tỉnh nào cũng có chuyện chính quyền cấp cơ sở bán đất vô tội vạ. Các kiểu tham nhũng đất đai thì muôn hình vạn trạng. Chẳng hạn, cơ sở khi quy hoạch đất đai thì kê gian. Có khi đất ruộng tốt thì bảo là đất cồn bãi để dễ chuyển sang mục đích sử dụng khác. Xã trình lên trên thì trên duyệt ký, duyệt ký xong thì biến từ đất ruộng thành đất xây dựng, bán đất làm nhà. Ðến đây giá trị đất tăng lên rất cao. Nếu dưới xã trình lên huyện, huyện duyệt thì phải "có phần" cho huyện.

Còn chuyện đất giao cho chính quyền cơ sở quản lý, tức là có một tỷ lệ đất (công) nhất định giao cho chính quyền cơ sở quản lý để sử dụng vào các mục đích công. Nhưng tỉnh nào cũng có chuyện cấp xã bán đất vô tội vạ. Ngay giữa thủ đô Hà Nội cũng bán đất vô tội vạ. Chúng tôi nhận được nhiều đơn dân khiếu kiện liệt kê rõ chủ tịch xã bán bao nhiêu lô đất, bán cho ai, bao nhiêu mét vuông, lấy bao nhiêu tiền. Hà Nội, Hà Tây, Tây Ninh, Bến Tre... đều có chuyện này.

Rồi chuyện chính quyền giao đất cho doanh nghiệp "ma", thậm chí giao đất cho người nhà, hoặc giao đất cho doanh nghiệp để doanh nghiệp nhượng lại cho người nhà. Ở Nam bộ, Tây Nam bộ, miền Trung, Tây nguyên, miền Bắc nơi nào cũng có.

Một kiểu nữa là lấy đất nông nghiệp của dân chuyển đổi mục đích sử dụng. Doanh nghiệp thuê đất, phát triển khu công nghiệp thì làm dự án được phê duyệt đầy đủ, được cấp tỉnh quyết định giao đất. Ðược giao đất rồi lại thường tìm cách chuyển mục đích, bán để lấy tiền.

Rất nhiều trường hợp dân biết chắc chắn là sau khi đầu tư cơ sở hạ tầng, giá đất tăng lên 100 lần. Ðất ấy của dân nhưng nếu người dân muốn đầu tư cơ sở hạ tầng để bán thì không bao giờ được, nhưng doanh nghiệp (có con dấu đóng vào) thì lại được.

***

Qua những bài báo trên ta có thể thấy được rằng tình trạng cướp đất của dân cho dù dưới những danh từ hoa mỹ như tái định cư, quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp hoặc ăn cướp một cách trắng trợn vẫn đang diễn ra một cách liên tục, ngang nhiên tồn tại ở khắp mọi địa phương và trong mọi thứ bậc từ xã, huyện, tỉnh đến trung ương. Ðiều này cho thấy cả một bộ máy từ hành pháp, lập pháp và tư pháp đều rệu rã và hủ hóa không còn cách nào chữa được. Cán bộ đảng và chính quyền không còn coi cái luật pháp của chính họ ra gì và ngang nhiên vi phạm. Từ ngày Ðại hội X kết thúc, từ ngày nội các mới thành lập, tình trạng không hề cải thiện mà ngày một trầm trọng thêm. Nông dân mất ruộng vườn, tài sản tiếp tục đổ ra thành thị kiếm sống kéo theo biết bao phức tạp, hố sâu cách biệt giầu nghèo ngày càng lớn, bức xúc oan khiên ngày càng chồng chất.

Trở lại cuộc hành trình đi tìm công lý của 30 người dân nghèo Bến Tre, lòng tôi không khỏi sót sa. Ngoài trời giờ đang mưa như trút nước, không biết họ bị đẩy vào góc xó nào trên con đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa hoành tráng? và cuộc đời không đất không ruộng của họ sẽ trôi giạt về đâu trong cái xã hội mà pháp luật luôn luôn đứng về phía kẻ có quyền, có tiền?

Tối 2/9/2006, đài truyền hình có phát lại hình ảnh ông Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn ở Quảng trường Ba Ðình ngày 2/9/1945 với câu: "Tôi nói đồng bào nghe rõ không? "

Cũng ngày này nhưng sáu mươi mốt năm sau, đã có tiếng vọng đến từ khắp mọi miền đất nước: "Ðảng ơi, Nhà nước ơi, Chính phủ ơi! cơ cực quá! quý vị có nghe chúng tôi rõ không!? "

Sài Gòn, 2/9/2006
Phan Kiến Quốc

No comments:

Post a Comment