Phan Kiến Quốc
Hiểu theo một nghĩa thật nôm na, ổn định chính trị có nghĩa là không có thay đổi chính phủ soành soạch, không có những cuộc biểu tình tranh cử của các đảng phái chính trị. Nếu hiểu như thế thì thực sự trên trái đất này chỉ có 5 nước thực sự có ổn định là các nước cộng sản: Trung Quốc, Cuba, Bắc Triều Tiên, Lào và Việt Nam, nghĩa là những nước nghèo nhất thế giới, trừ Trung Quốc. Và tất cả các nước còn lại đều bất ổn định.
Ðứng đầu danh sách "bất ổn" không ai khác là Mỹ. Chiếu theo hiến pháp thì cứ 4 năm thay một Tổng thống. Kể từ đệ nhị thế chiến, ông Bush con đã là vị thứ 10. Tuy nhiên nếu so sánh với các nước theo Quốc hội chế thì Mỹ còn thua xa nhiều nước khác. Cũng vẫn từ năm 1945, Anh đã có 12 chính phủ, Nhật 27, Ý 38, và chiếm huy chương vàng là Pháp với 43 chính phủ, tính đổ đồng mỗi chính phủ Pháp chỉ "thọ" không đầy một năm rưỡi. Thế nhưng có điều là tất cả những nước "bất ổn" trên đều là những cường quốc. Vậy thì ổn định chính trị đâu phải là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế. Ðấy mới là nói về kinh tế thôi chứ nói về giáo dục, y tế, thậm chí cả khoa học nữa thì họ cũng vẫn đứng đầu. Tất cả các giải Nobel về khoa học như vật lý, hóa học, y học và kinh tế năm 2006 đều lọt vào tay tên "trùm bất ổn" là Mỹ.
Ðến đây thì ông nhà nước Việt Nam thường hay biện mình bằng 2 lý lẽ: mỗi nước có một hoàn cảnh khác nhau, nói cụ thể Việt Nam không có "truyền thống" cãi lại nhà cầm quyền, và lý do thứ hai là những nước trên đều có một quá trình dân chủ lâu đời, nhất là Pháp đã từ năm 1789.
Ðúng là trong quá trình 2000 năm phong kiến thì cái tinh thần "Quân xử thần tử" đã nhiễm vào trong máu dân mình, nhưng cũng đã biết bao lần các quan và dân chúng đã hạ bệ những ông vua bất tài, như trường hợp của Lý Công Uẩn, Lê Ðại Hành, Nguyễn Huệ và gần hơn nữa là sự bất tuân triều đình nhà Nguyễn của những Phan Ðình Phùng, Hoàng Hoa Thám... Mà cứ cho là dân ta không có cái thói quen chỉ trích nhà nước, nhưng chẳng lẽ cứ khư khư giữ lấy cái "truyền thống" ấy để đứng chung với nhóm của những nước nghèo đói mãi hay sao? Rồi nói những nước trên đều có một quá trình dân chủ lâu đời thì lại càng không ổn. Chẳng khác chi một người không biết bơi chẳng bao giờ dám đặt chân xuống nước mà chỉ đứng trên bờ phán rằng "không quen bơi"!
Bây giờ đã là năm thứ 6 của thế kỷ 21 có lẽ cũng chẳng cần lý sự dài dòng thế. Nói thẳng ra là đảng cộng sản chúng tớ chẳng thích đứa nào giật mất cái bánh tớ đang cầm thì tớ mới ngụy biện ra một số lý luận cũ rích và lăm le cây ba toong trong tay cho thiên hạ sợ. Thế thôi!
Ổn định chính trị đem lại những gì?
Cái mà đảng cộng sản lặp đi lặp lại là để phát triển kinh tế. Như đã nói ở trên, hai điều đó không mắc mớ gì với nhau cả, chúng ta sẽ không trở lại nhưng sẽ đi thẳng vào các con số, các thành quả và hậu quả của chính sách này.
8,2% mức tăng trưởng hàng năm! Ðó là chỉ tiêu cho năm 2006 và cũng là mức tăng xấp xỉ trong vòng 20 năm đổi mới, nghĩa là thu nhập bình quân đầu người đã tăng 4,84 lần. Mỗi lần nhà nước nói đến con số 8%là chúng ta có cảm tưởng ngực họ ưỡn ra một tí. Nhưng gần đây đã có bao tiếng nói phê phán tình trạng tự mãn không đúng chỗ này. Có nhiều lý do: 8% là lớn nhưng đó là lớn so sánh ta với ta, chứ trên thế giới còn khối nước tăng 2 chữ số (trên 10%). Mặt khác 8% của 500 USD là 40 USD thì đâu có bằng 6% của 2600 (=156 USD) trong trường hợp Thái Lan hoặc Mã Lai, vốn là những nước "anh em cùng xóm", chứ đừng nói đến 2% của Singapore, Hàn Quốc... Chính vì thế mới năm ngoái, đã rộ lên chuyện với cái đà tăng trưởng 8%, thì Việt Nam sẽ bắt kịp Singapore trong 197 năm!
Cũng chưa hết, con số 8% tự nó cũng chẳng nói lên điều gì, vì còn tùy thuộc vào tỷ số cạnh tranh và muôn vàn chỉ số khác. Một nhà kinh tế đã ví von rằng để có được 1% tăng trưởng, Việt Nam phải đầu tư 1 triệu USD trong khi Thái Lan chỉ mất 500 ngàn thì rõ ràng là 8% của ta không bằng 6% của họ.
Một trong những điều mà người cộng sản nói chung chứ không riêng gì ở Việt Nam thường hay khua môi múa mép là đấu tranh cho một xã hội công bằng, không giai cấp. Thú thật tôi chẳng hiểu không giai cấp là gì nhưng chỉ thấy một tình trạng phân hóa giàu nghèo, bất công trong mọi lãnh vực đang lan tràn khắp nơi và trong khắp mọi lãnh vực của xã hội Việt Nam ngày hôm nay.
Những vụ bê bối trong đất đai, bất động sản trong thời gian gần đây như Ðồ Sơn, vụ mua nhà của ông Hoàng Văn Nghiên, Lê Ðức Thúy liên quan đến ai? Họ là những người dân thường hay cán bộ? Trong khi hàng triệu công nhân viên chức đang mỏi mòn chờ có một mái nhà che mưa thì biết bao cán bộ đảng ngang nhiên chiếm đất rồi chia chác cho nhau. Rồi những vụ biểu tình liên tục của đồng bào từ khắp các tỉnh đổ về các cơ quan quyền lực chính quyền và đảng để biểu tình. Và rồi còn biết bao vụ cướp đất trắng trợn đã đẩy người dân đang từ người có ruộng có nhà, thành kẻ trắng tay. Ngược lại, tầng lớp cai trị càng lúc càng giàu.
Ngày 25/5/03, một biến cố "lịch sử" đã xảy ra. Công an TPHCM bắt giữ một cuộc đua xe trái phép. Ðua xe là "chuyện thường ngày ở huyện", nhưng đây là đua xe hai bánh, còn đây là đua xe hơi, và toàn là thứ đắt tiền. Bốn chiếc bị bắt gồm 2 chiếc BMW, một chiếc Toyota Lexus, và một chiếc Mercedes Kompressor. Chiếc đắt giá nhất là chiếc Mercedes trị giá gần 150 ngàn USD. Bốn tay đua còn rất trẻ, có em mới chỉ 21 tuổi, và dĩ nhiên đều thuộc các gia đình giàu có.
Một thực tế hiện nay là trong xã hội, đặc biệt là tại 2 thành phố Hà Nội và Sài Gòn có khá nhiều triệu phú đô la. Nhưng ai là người "phất" nhất trong xã hội hiện nay? Báo Tuổi Trẻ tháng 11/02 đã phân tích: "... đó là những kẻ đầu tư trong lãnh vực địa ốc và một số cán bộ tham ô. (...) Trong thực tế, sở thuế đã thu được bao nhiêu trong mỗi lần sang nhượng đó. Dường như nhà nước nghèo đi sau những vụ sang nhượng đó. Nên chăng ban hành một loại thuế đánh vào tài sản khi đã vượt qua một mức nào đó...". Bài này được viết sau khi World Bank công bố "Sách lược hỗ trợ Việt Nam 2003-2006 của Ngân Hàng Thế Giới" trong đó cơ quan này ghi nhận nhiều tiến bộ nhưng hiện nay vẫn còn 30 triệu người Việt Nam còn sống trong nghèo khó và thu nhập còn rất thấp. Hình ảnh tương phản giữa hai thái cực giàu cực kỳ và nghèo cực kỳ đang mỗi lúc rõ nét... một cách không hiểu nổi.
Trong một cuộc hội thảo được tổ chức vào tháng 7/03 về tình trạng xoá nghèo ở Việt Nam với một thành phần tham dự gồm toàn những chuyên gia đầu ngành của UNDP (Tổ chức phát triển thuộc Liên Hiệp Quốc), Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ðại học Harvard, thì đã có một nhận xét rất bi quan về khoảng phân cách giàu nghèo ở nước ta, theo đó chỉ số Gini (chỉ số phản ánh sự chênh lệch giàu nghèo) của Việt Nam là 36,2, nghĩa là cao hơn cả những nước giàu nhất trên hành tinh như Thụy Sĩ, Thụy Ðiển, Na Uy, Nhật... và họ tự hỏi "nếu cứ tiếp tục đà này thì khi giàu có bằng những nước trên (! ) mức độ chênh lệnh này sẽ ra sao? " UNDP tính rằng với tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua, đại đa số người nghèo được hưởng lợi ít hơn (76% so với bình quân), trong khi người giàu được hưởng nhiều hơn hẳn (115% so với bình quân). Thống kê của Harvard cũng cho thấy thu nhập bình quân của ở nông thôn (80%) là 13%, trong khi ở thành thị là 60%. Ðiều đáng ghi nhận là ở nông thôn, tỷ lệ hộ không có đất đang có xu hướng tăng (khoảng 14% cho năm 2002). Không có đất, không có thu nhập ổn định, dẫn đến đói nghèo là đương nhiên
Vậy thì ổn định chính trị để làm gì khi mà bất công càng lúc càng lớn?
Ðây chỉ là nói về những vấn đề có tính cách tổng quát, chung chung trong xã hội, nếu ta đi vào từng lãnh vực thì mới thấy tình trạng càng trầm trọng hơn.
Nói riêng về y tế, nếu có ai có dịp bước chân vào các bệnh viện lớn ở Việt Nam như Cho Rẫy, Ung Bướu, Từ Dũ... ở Sài Gòn hoặc Bệnh viện Nhi, Phụ Sản Trung Ương, Việt Ðức, Saint-Paul, Bạch Mai... ở Hà Nội mới thấy được cái kiếp lầm than của người nghèo.Vì thiếu chỗ nên 4 "bà bầu" nằm chung một chiếc giường rộng 1,2m, dài 1,6m! Hãy thử tưởng tượng, 2 người bình thường nằm trên 1 chiếc giường cá nhân đã chật đến mức nào, huống hồ là 4 phụ nữ bụng mang dạ chửa. Nhưng nếu chịu bỏ ra 400.000/ngày thì được phục vụ như Thượng Ðế. Chuyện này bây giờ trở thành bình thường và mọi người hầu như chấp nhận thực tế này: người ta có tiền được phục vụ chu đáo là bình thường. Nhưng nếu ở nước ngoài, một nước "tư bản bóc lột" thì sẽ không bình thường chút nào. Ở đấy mọi người có an sinh xã hội thì được đối xử công bằng như nhau.
Cũng nhân nói về an sinh xã hội, kể từ ngày 1/1/2005, việc khám và chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi được quy định thành luật, nhưng cho đến ngày hôm nay vẫn còn rối như tơ vò. Tại Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), nghĩa là không phải một "vùng sâu vùng xa", bình quân đơn thuốc/ trẻ em cũng chưa đến 13.000đ. Vật giá như thế này, các cháu sẽ chữa được bệnh gì với đơn thuốc trị giá bằng bát phở? "Các đồng chí cứ tưởng tượng: là người dân thường thì sẽ sống ra sao? Một chính sách lớn lao, tốt đẹp (khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi), nhưng để người dân được hưởng cái tốt đẹp ấy còn rất xa xôi" - ông Nguyễn Viết Chức, phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục - thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã kêu như thế khi tiếp xúc với đại diện các cơ quan liên quan đến chính sách nói trên của Hà Nội.
Một trong những vấn nạn đang đè nặng lên vai người dân, đặc biệt là người nghèo là giá thuốc. Một toa thuốc cho những bệnh thông thường như nhức đầu, sổ mũi ít nhất cũng 2, 3 chục ngàn, chưa kể tiến khám và xét nghiệm, chụp hình. Nhưng đấy mới chỉ là thuốc nội, thuốc Ấn Ðộ, chứ muốn có thuốc Âu Mỹ thì có thể mắc gấp 3, gấp 4 là chuyện thường. Vấn đề ở đây không chỉ là giá tiền nhưng là sự lũng đoạn thị trường thuốc của các công ty dược trước sự (cố ý) bất lực của Bộ Y Tế. Có nhiều trường hợp cùng một loại thuốc nhưng giá ở Việt Nam mắc gấp 38 lần ở Ai Cập! Và dĩ nhiên nông dân muốn mua thì chỉ có nước bán ruộng.
Những tin tức về bất công trong lãnh vực y tế hầu như đến từng ngày. Ðầu tháng 6/06, bác sĩ Dương Quang Trung, chủ tịch hội Y Học TPHCM nói rằng ở Việt Nam cứ 2 em dưới 6 tuổi thì có 1 trẻ thuộc gia đình nghèo không đủ khả năng điều trị, đến ngày 24/10 thì theo một khảo sát trên các bệnh tiểu đường, cao huyết áp... tại TP.HCM và Hà Nội cho thấy, gần 40% bệnh nhân đang trị bệnh gặp khó khăn về tài chính...Ðiều đó là gì nếu không muốn nói là nửa nước không đủ điều kiện chữa bệnh? Không thể tưởng tượng nổi!
Ðiều này là một trong những lý do khiến các tổ chức quốc tế xếp VN đứng vị trí 187/191 (gần chót bảng) về tình trạng công bằng trong chăm sóc sức khỏe (tháng 3/04).
Ổn định chính trị để làm gì khi mà hơn 30 năm sau ngày chấm dứt chiến tranh hàng năm vẫn có hàng chục ngàn người chết vì tai nạn giao thông và hàng chục ngàn người khác thương tật với bao mất mát khác về tài sản. Ngày 24/10/06, Ngân hàng Phát triển châu Á đã ước tính số thiệt hại về người và của này vào khoảng 885 triệu USD, chiếm hơn 5,5% tổng thu ngân sách cả nước/năm. Nhưng đây chỉ là ước tính trên con số 12000 tử vong đã thống kê được. Nhưng theo Ủy Ban An toàn Giao thông thì con số thực có thể vào khoảng 90 người/ngày hay 33000/năm. Nếu tính theo tỷ lệ thì thiệt hại khoảng 2,5 tỷ USD!
Tuy nhiên, điều muốn nói ở đây không đơn thuần chỉ là con những con số (mặc dù nó rất lớn), nhưng trầm trọng hơn cả là vấn đề ý thức công dân trong lãnh vực giao thông. Không còn từ gì để diễn tả sự thấp kém. Gần đây báo Tiền phong mở diễn đàn "Người Việt - phẩm chất và thói hư tật xấu" và được đông đảo đọc hưởng ứng thảo luận rất sôi nổi, và một trong những tật xấu đó là vấn đề thiếu ý thức trong giao thông. Hiện nay trên truyền hình có chương trình "Tôi yêu Việt Nam" nhằm giáo dục về ý thức này nhưng tiếng kêu lạc lõng làm sao, và rồi chắc chắn cũng như bao nhiêu tháng "an toàn giao thông" rồi đâu lại vào đấy.
Ai đã tạo ra tình trạng này nếu không phải là chế độ cộng sản. Tất cả những người quan tâm đến phát triển đô thị như Hội Kiến Trúc, Hội Ðiêu Khắc, đã nhận xét rằng trong 30 năm sau chiến tranh, người cộng sản đã "xây dựng" được một diện mạo đô thị "không giống ai, lai căng và vô văn hóa". Nhìn những căn nhà đồ sộ với những kiến trúc chắp vá, cái thì thò ra cái thì thụt vào giống như một cô gái nhà quê chân ướt chân ráo lên thành thị với những đồ trang sức rẻ tiền và lố lăng.
Những con nợ đáng thương.
Ðảng cộng sảnViệt Nam ra sức khoa trương sự ổn định chính trị như là một thành công lớn của mình và chúng ta cũng thấy nhiều tổ chức cũng lên tiếng phụ họa, tán đồng. Nhưng thử xem họ là những ai? Loại bỏ các đảng cộng sản anh em như Lào, Cuba, Bắc Triều Tiên thì những tổ chức còn lại có một điểm chung đó là những tổ chức, những quốc gia giàu và đặc biệt là hay cho vay. Cụ thể là các quốc gia như Nhật, Singapore, các tổ chức World Bank, ADB, IMF,JBIC hoặc Tổ chức các nhà tại trợ cho Việt Nam. Ai đã từng đi vay tiền tất biết nếu họ có khả năng chi trả hoặc có bảo kê thì ngân hàng sẽ mở độ vòng tay tiếp đãi họ vô cùng trọng thị, vì đơn thuần đó là lẽ sống của ngân hàng. Nếu không có người vay, ngân hàng sẽ chết như mọi loại hình thương mại khác. Và chính vì lý do đó ngân hàng phải hàng ngày hàng giờ đi tìm những "con nợ tốt". Thế thì Việt Nam chúng ta "tốt" ở điểm nào? Ở hai điểm, đó là dân đông (85 triệu) và có tiềm năng kinh tế - nói huỵch toẹt ra là có khả năng đi làm trả nợ. Có thế thôi. Chính vì lẽ đó chẳng có tên nào đi khen ổn định chính trị của Lào, Cuba, hoặc Bắc Triều Tiên vì đơn thuần họ không có hai yếu tố "tốt" như chúng ta.
Năm 2004 Việt Nam nợ 15 tỷ USD, trung bình mỗi người dân nợ 180 USD, đến giữa năm 2006 con số này vượt qua mức 20 tỷ, và mỗi người nợ 250 USD. Xem ra mức nợ này còn khá xa mức nợ an toàn cho phép, và các nhà tài trợ ODA yên tâm, chính phủ Việt Nam yên tâm...gây nợ cho các thế hệ con cháu chúng ta.
Vậy ổn định chính trị để làm gì khi nó biến cả nước thành 85 triệu con nợ?
Và còn nhiều, còn rất nhiều lãnh vực khác. Chúng ta có nên hãnh diện về ổn định chính trị khi tàu của hải quân Trung Quốc vào ngày 8/1/2005 đã ngang nhiên xả súng bắn vào tàu của ngư dân xã Hòa Lộc tỉnh Thanh Hóa khiến 9 người chết tại chỗ, mà chính phủ Việt Nam lại câm như hến? Chúng ta có nên hãnh diện về ổn định chính trị khi vì một lý do nào đó Việt Nam đã phải nhượng cho Trung Quốc hàng chục ngàn cây số vuông lạnh thổ và lãnh hải trong đó có Ải Nam Quan là một địa danh lịch sử nghìn đời? Chúng ta có nên hãnh diện khi hàng ngàn trẻ em và phụ nữ được buôn bán qua biên giới như những đồ vật và chịu sự khinh bỉ, miệt thị, ngược đãi nơi xứ người?
***
Những báo cáo gần đây cho thấy cho dù có ổn định chính trị nhưng các chỉ số kinh tế liên tục tụt hạng. Báo cáo Môi trường kinh doanh 2007 do Ngân hàng Thế giới công bố cho thấy, thứ hạng về môi trường kinh doanh của VN đã bị tụt 6 bậc so với năm ngoái, chỉ xếp thứ 104 trên tổng số 175 nền kinh tế thế giới. Trước đó Diễn Ðàn Kinh Tế Thế Giới (WEF) cũng cho Việt Nam rớt 3 hạng về năng lực cạnh tranh toàn cầu. Ðặc biệt báo cáo Governance Matters 2006 về Khả năng kiểm soát tham nhũng của VN không cải thiện nhiều.
Báo cáo cho thấy VN đạt điểm cao nhất về ổn định chính trị, đạt 59 trên thang điểm 100 của WB, đồng nghĩa chính trị của VN ổn định hơn 59% các nước được khảo sát. Nhưng về khả năng kiểm soát tham nhũng của VN được xếp điểm rất thấp, đạt 26,6 vào năm 2005. Như vậy điểm về tham nhũng của VN đạt tiến bộ nhất vào năm 2002 (31,4) và 2003 (31,4), nhưng nhìn chung từ 10 năm qua không có nhiều cải thiện.
Các báo cáo này đã nêu bật ra một điều là tình hình ổn định chính trị Việt Nam rất cao nhưng khả năng quản lý cả kinh tế lẫn xã hội lại quá kém. Nó cắt nghĩa một phần nào sự trì trệ trong nền kinh tế, vạch ra những vấn đề nghiêm túc về các khía cạnh của xã hội như y tế, giáo dục, giao thông... tất cả đang xói mòn sự ổn định vốn là niềm tự hào của chế độ, và theo ông Trần Bạch Ðằng, một người từ bao lâu nay vẫn khẳng định như đinh đóng cột về sự tất thắng của chế độ xã hội chủ nghĩa, thì "hệ thống chính trị của chúng ta mang nhiều mâu thuẫn và cái mâu thuẫn đáng sợ nhất là chúng ta lấy sự ổn định chính trị làm bình phong".
Phải chấm dứt ngay cái ổn định chính trị này nếu chúng ta không muốn mình và con cháu trở thành những con nợ vô ý thức, vô văn hóa, nghèo đói và bạc nhược.
Sài Gòn, 26/11/2006
Phan Kiến Quốc
No comments:
Post a Comment